5. DÁM VẬN DỤNG TINH THẦN YÊU NƯỚC
Gớm cho cái năm 1908.
Năm 1908. Đó là cái năm cả Đông Dương rúng động trước cuộc biểu tình vĩ đại chống sưu cao thuế nặng, nổ ra từ huyện Đại Lộc (Quảng Nam) rồi lan rộng các tỉnh miền Trung, miền Nam Trung kỳ. Bất chấp bạo lực của thực dân, những trí thức yêu nước khắp nơi đã nồng nhiệt đứng ra cổ vũ cho phong trào. Hoảng sợ trước cao trào cách mạng của quần chúng, thực dân Pháp đã thẳng tay đàn áp. Tại Hà Tĩnh, chúng đã chém đầu chí sĩ Nguyễn Hàng Chi và Trịnh Khắc Lập; tại Quảng Nam, chí sĩ Ông Ích Đường bị giặc chém đầu ở chợ Túy Loan. Tương tự, tại tỉnh Khánh Hòa, chí sĩ Trần Quý Cáp nhận được thư nhà báo tin này đã sung sướng lấy bút phê vào sau thư bảy chữ: “Ngô dân thử cử khoái, khoái, khoái” (Dân ta làm thế sướng, sướng, sướng). Chỉ bảy chữ sảng khoái lạ lùng như reo như hát mà cụ bị kết án chém ngang lưng! Một bản án tàn khốc!
Năm 1918. Đó là cái năm nhà cầm quyền Pháp thật sự hoảng hốt với vụ “Hà Thành đầu độc” do anh hùng Đề Thám chủ trương. Theo kế hoạch, lực lượng nội ứng phối hợp với nghĩa quân là anh em bồi bếp, binh lính người Việt thuộc trung đội công nhân pháo thủ Hà Nội. Họ đã bí mật dùng gỗ bịt các họng súng đại bác, đổ thuốc độc vào thức ăn của binh lính Pháp. Tiếc rằng, do sử dụng cà độc dược nên không đủ sức đầu độc chúng, nếu không, nào ai biết thành Hà Nội có thể lọt vào tay nghĩa quân hay không? Tất cả những người tham gia vụ này đều bị án chém và bêu đầu. Ngày cả cách tra tấn cũng cực kỳ dã man, chúng bỏ nạn nhân vào trong thùng xi măng có cắm đinh tua tủa, rồi lăn trên sân! Các mũi đinh nhọn hoắt đâm nát da toác thịt, máu chảy ròng ròng đến rợn người...
Từ hai vụ kinh thiên động địa này, một loạt trí thức cấp tiến dù không trực tiếp tham gia, nhưng cũng bị giặc Pháp đàn áp và bắt đày Côn Đảo, Lao Bảo.
Hai sự kiện chính trị quan trọng này, không thể không tác động đến tâm tư và suy nghĩ của Bạch Thái Bưởi.
Thời gian này, ông đang “ăn nên làm ra” với các dịch vụ thu thuế chợ, cầm đồ tại Nam Định, Thanh Hóa... Dù muốn dù không, bản thân của ông cũng không thể đứng ngoài ảnh hưởng của thời cuộc. Nhưng Bạch Thái Bưởi quan tâm đến vận nước theo cách của ông, cách của một nhà kinh doanh xông xáo trên thương trường mà giáo trình của trường Đông Kinh nghĩa thục, của các nhà nho yêu nước đã gợi mở hướng đi cho ông. Chính vì thế, dù tình hình chính trị đang có những xáo trộn, công việc làm ăn của người dân bản xứ đang gặp nhiều khó khăn từ sự o ép của chính quyền nhưng ông vẫn kiên trì bám sát mục tiêu và không lúc nào bỏ qua những cơ hội tốt nhất.
Năm 1908 cũng là năm chính phủ Pháp thành lập Công ty Thương mại và Vận chuyển đường thủy Viễn Đông (Compangnie de Commerce et de Navigation d’Extrême-Orient) trụ sở đặt tại Sài Gòn, đầy mạnh hơn nữa việc khái thác kinh tế trên đường thủy. Bạch Thái Bưởi cũng quyết thử sức mình một phen. Đêm nay, sau khi khép lại những trang sổ sách theo dõi công việc trong ngày, Bạch Thái Bưởi cho gọi lão Thịnh đến. Ông bảo:
-Theo lão, người Việt ta có tài giỏi trên sông nước không?
Lão Thịnh xoa mép với hàm râu tua tủa:
-Tất nhiên là giỏi rồi. Nhưng tôi vẫn chưa hết ý ngài. Ngài hỏi như thế là tại làm sao?
Không trả lời, ông lại hỏi:
-Giỏi như thế nào?
Lão Thịnh đáp ngay:
-Tôi không phải thông kim bác cổ, nhưng mấy mươi năm dùi mài kinh sử, đêm đêm đọc sử nước nhà, tôi nhận thấy ngày xưa khi ông cha ta rất giỏi vận động trên sông nước. Cứ nhìn các trận thủy chiến của anh hùng Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo... trên sông Bạch Đằng thì rõ. Với các trận giao chiến trên bộ thì ta có thể thất thế, nhưng trên sông nước thì ta lại luôn giành thế chủ động!
Bạch Thái Bưởi gõ tay nhịp nhàng xuống mặt bàn:
-Lão nói đúng ý tôi. Do giành thế chủ động nên ông cha ta đã kết thúc thắng lợi các trận đánh bằng những đòn quyết định. Này lão, thuở nhỏ, còn mài đũng quần ở trường làng, lúc học sử, tôi rất thích hình ảnh cậu bé Yết Kiêu lặn xuống sông đục thuyền giặc! Hành động ấy ngoan cường và tài trí lắm phải không?
-Thưa, ngài nói chí phải. Nhưng tôi vẫn phân vân vì sao đêm nay ngài lại nói với tôi chuyện sử nước nhà?
Không trả lời vội, khẽ khàng rót trà nóng vào cái tách nhỏ mời người cộng sự đắc lực, ông cười:
-Làm trai biết đánh tổ tôm
Uống trà Long Tĩnh, ngâm nôm Thúy Kiều
Nào! Mời lão! Tôi chả mê tổ tôm, thỉnh thoảng cũng đọc dăm trang Kiều, nhưng khoái cảm nhất vẫn là uống trà. Loại Trà Long Tĩnh nước xanh nhạt nhưng được cái vừa đằm, lại vừa dịu lão ạ!
-Vâng, ngài nói đúng!
Trong lúc, lão Thịnh nhâm nhi chén trà thì Bạch Thái Bưởi đột ngột quay lưng vào bàn làm việc. Những sổ sách đã khép lại thì nay lại lật ra. Quái lạ! Sao thế nhỉ? Chẳng lẽ, ông Bạch gọi ta lên chỉ để nói dăm câu vậy thôi sao? Dù phân vân, nhưng vẫn không dám hỏi, lão Thịnh ngước mắt nhìn ra phía cửa sổ đang mở rộng. Những vì sao đã mọc chi chít trên nền trời đen thăm thẳm... Cái đồng hồ dựng ở góc tường thong thả buông từng tiếng một. Thời gian lặng lẽ trôi qua. Bỗng lão Thịnh giật mình:
-Này lão! Tôi muốn buôn tàu bán bè một phen!
-Buôn tàu bán bè?
Bạch Thái Bưởi cười xòa:
-Sao lão lại kinh ngạc đến thế? Lão xem nhé! Từ ngàn xưa đến nay, ta chỉ mới có những phường đò đọc đò ngang; thuyền mành, thuyền vạn mỗi lúc đưa khách qua sông thì chở được bao nhiêu người? Dăm chục người là cùng chứ gì? Nay, tôi muốn có những chiếc thuyền lớn vận chuyển một lần hàng trăm người kia! Có như thế mới gọi vận tải lớn, lão thấy thế nào?
Lão Thịnh ngần ngừ trong giây lát rồi đáp:
-Ngài đã quyết thì tôi một lòng theo ngài đến cùng!
Câu nói quả quyết như dao chém đá của lão khiến Bạch Thái Bưởi cảm động lắm. Có cộng sự luôn một lòng một dạ vì mình làm điều quý lắm. Vì tin lão nên ông mới nói ra điều mà lâu nay đã trằn trọc suy nghĩ nhiều đêm liền.
Là người đi nhiều và thông thạo địa hình sông nước, ông nhận thấy rằng, tuyến đường thủy Nam Định - Hà Nội, Nam Định - Bến Thủy (Nghệ An) luôn đông khách. Đó là một mối lợi lớn nếu người nước Nam ta biết khai thác. Nhưng khổ nỗi, đến nay chỉ có người Hoa, người Pháp độc quyền thống lĩnh, chẳng lẽ mình lép vế đứng nhìn sao? Chúng không những sành nghề mà còn rộng vốn, liệu ta có đủ sức đương đầu cạnh tranh không? Suy nghĩ ấy khiến ông chần chừ. Sau khi nghe lão Thịnh bày tỏ quyết tâm như thế, ông càng vững dạ và quyết thực hiện cho bằng được khát vọng ấy.
Khát vọng này đã đưa Bạch Thái Bưởi trở thành người Việt Nam đầu tiên mạnh dạn kinh doanh ở lãnh vực mới mẻ mà người Việt Nam chưa nghĩ tới: ngành vận tải đường sông.
Sự việc này đánh dấu bắt đầu từ năm 1909.
Bấy giờ, hai hãng Messagerie và Chageurs Réunis độc quyền ngành vận tải đường biển ở Việt Nam. Còn về vận tải đường sông thì ở Bắc kỳ, có hãng Marty - D’Abbadie với ba chiếc tàu chuyên chở hành khách, công văn thư từ của nhà nước và một xưởng đóng tàu tại Hà Nội; hãng Deschwanden ở Hải Phòng có sáu chiếc tàu và một số hãng của Hoa kiều.
Ý định công việc kinh doanh trên sông nước được Bạch Thái Bưởi cho tiến hành ngay. Ông không thể bỏ qua một cơ hội để thử thách sự gan góc, liều lĩnh của mình. Năm 1909 hãng Marty - D’Abbadie vừa hết hạn ký hợp đồng với nhà nước, ông thuê ngay ba chiếc tàu trên và đổi lại thành tên Việt: Phi Phượng (Phénix), Phi Long (Dragon) và Bái Tử Long (Fai Tsi Long). Từ đây, Bạch Thái Bưởi cho tàu của mình chạy tuyến Nam Định - Hà Nội và Nam Định - Bến Thủy. Ông chấp nhận đối đầu với các thương thuyền Hoa kiều đang giữ vị trí độc quyền khai thác hai tuyến đường thủy này.
Việc làm của Bạch Thái Bưởi quá liều lĩnh. Bởi sự bành trướng của người Hoa trên thương trường ngay cả người Pháp còn phải khiếp sợ nữa là! Theo nhà sử học Trần Huy Liệu: “Khi thực dân Pháp mới sang, bọn tư bản Pháp phải đương đầu với hàng 400, 500 nhà buôn Hoa kiều ở Hà Nội, Hải Phòng đã làm cho bọn chúng phải lụn bại khiến cho một tên thực dân phải kêu lên: “Không thể nào cạnh tranh nổi với họ: những đồng bào của chúng tôi hầu hết phải đóng cửa hiệu”. Bọn nhà buôn Pháp đã phải yêu cầu chính quyền thực dân đuổøi Hoa kiều ra khỏi Đông Dương, nhưng bọn cầm quyền thì không thi hành vì chúng còn cần đến những nhà buôn lớn Hoa kiều, do đó chỉ thi hành chính sách quan thuế bảo vệ ưu thế cho hàng hóa Pháp”.
Vậy mà Bạch Thái Bưởi dám đương đầu!
Nhìn thấy một “tay mơ” đang mon men bước chân vào lãnh địa của mình, các thương nhân Hoa kiều chỉ cười khẩy, không tin một người Việt Nam nào trường vốn bằng họ, kinh nghiệm bằng họ. Để loại bỏ đối thủ ra khỏi “cuộc chơi”, họ đã ngầm liên kết thực hiện một âm mưu thâm độc.
* * * * *
Bóng nắng thập thững tràn vào trong phòng. Đã quá ngọ. Trong phòng làm việc của Bạch Thái Bưởi vẫn náo nhiệt, ồn ào. Mọi người tranh luận như mổ bò. Không ai chịu ý kiến ai. Thường những lúc như thế này, ông vẫn giữ thái độ im lặng, chỉ cắm cúi ghi ghi chép trên cuốn sổ lớn. Không vội đưa ra chính kiến của mình. Hôm nay, vấn đề mọi người đang thảo luận là làm thế nào để giải quyết trước đòn cạnh tranh mà đối thủ đã tung ra?
Bạch Thái Bưởi và các cổ đông của ông hoàn toàn bất ngờ đường khi hay tin tuyến Hà Nội - Nam Định đã hạ giá vé. Từ giá 5 hào, các chủ tàu người Hoa liên kết với nhau hạ xuống chỉ còn 4 hào! Họ rộng vốn nên thực hiện kế hoạch này một cách dễ dàng, còn đối với ông đang là một bài toán khó. Tàu thuyền họ không những tốt hơn mà giá còn rẻ hơn. Trong khi đó tàu của ta cũ kỹ, giá lại mắc hơn thì ai còn đi nữa chứ?
Không còn cách nào khác. Phải hạ giá theo họ thôi. Nhưng hạ giá như thế nào? Cuộc tranh luận vẫn chưa ngã ngũ. Đành rằng hạ giá bằng họ cũng đã là một thất thế, nhưng Bạch Thái Bưởi lại có một quyết định khác hẳn suy nghĩ mọi người. Sau khi hớp một ngụm trà và rít một hơi thuốc lào sảng khoái, ông đứng dậy nói rành rọt:
-Kinh doanh trên thương trường người Hoa hơn ta là ở chỗ có chữ tín. Vì chữ tín, họ sẵn sàng hy sinh tất cả cho lợi ích chung. Nay vì lợi ích chung họ đã đồng tâm hiệp lực hạ giá để cô lập ta. Ông bà ta nói “Trăm đánh một không chột cũng què”! Nay đã quyết tâm như thế thì họ sẽ thực hiện đồng loạt, thực hiện đến cùng. Bao giờ ta chịu thua, họ mới thôi. Phải suy nghĩ như thế, ta mới cách đối phó. Đối phó bằng cách nào? Họ hạ giá chỉ còn 4 hào thì ta hạ xuống thấp hơn nữa!
Mọi người chưng hửng. Cứ tưởng đang nghe nhầm. Không khí của cuộc họp đang im lặng như tờ bỗng ồn ào như ong vỡ tổ! Cuộc tranh luận lại sôi nổi hẳn lên. Bạch Thái Bưởi vẫn điềm tĩnh:
-Ta hạ xuống chỉ còn 3 hào! Thưa các ngài, không việc gì phải lo lắng cả. Họ có mưu ma chước quỷ thì ta có bùa Lỗ Ban. Việc gì mà phải sợ. Hơn nhau ở chỗ là ai dám đeo đuổi mục tiêu đến cùng.
Trong thâm tâm ông nghĩ, hạ giá thấp hơn là buộc các chủ tàu Hoa kiều phải nghĩ đối phương đang trường vốn, đang thủ một số vốn khổng lồ chứ không phải đùa. Đó là cũng cách mà ông cảnh cáo họ. Cho dù có hạ giá như thế, hoặc thấp hơn nữa thì cũng không áp đảo được tinh thần của ông. Chao ôi! Cái trò rung cây nhát khỉ quá đỗi tầm thường. Như chơi một canh bạc, khi bên kia ném xuống con chín một cách hả hê thì bển này đã vội đè lên bằng con mười. Nào ai biết những con bài còn lại trên tay của ai như thế nào? Hơn nhau là chỗ đó. “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”. Ông gật gù khi nhớ đến lời dạy của ông bà.
Sau khi phân tích thiệt hơn, các cộng sự của Bạch Thái Bưởi đành chấp nhận phương án mà ông đã đưa ra.
Nhận được tin này, các chủ tàu thuyền người Hoa choáng váng. Họ giẫy nẩy lên như đỉa phải vôi! Không ngờ đối phương cũng già đòn. Đã thế thì ta phải lấn lướt ngay. Quyết không để cho người Việt qua mặt, họ lại hạ giá! Rồi tiếp tục hạ giá thấp hơn nữa.
Lao đã phóng.
Lưng cọp đã leo.
Không thể bỏ cuộc nửa chừng. Bỏ cuộc nửa chừng là thua. Là không còn có cơ hội ngóc đầu lên lần nữa. Bạch Thái Bưởi vẫn kiên quyết bám theo cuộc cạnh tranh này. Biết gặp phải một đối thủ không phải “tay vừa”, họ lại hạ giá xuống chỉ còn 5 xu. Nhưng cũng như lần trước, họ bẽ bàng khi hay tin Bạch Thái Bưởi lại chấp nhận cái giá 4 xu! Quyết không thua họ đã tung ra cái giá rẻ như bèo, không ai có thể tưởng tượng nổi chỉ còn... 3 xu! Thiếu điều trải chiếu, bỏ tiền ra mời khách đi tàu mà thôi!
Đối đầu với cái giá này thì không thể! Nếu số lượng khách không đủ cho mỗi chuyến thì chẳng mấy chốc Bạch Thái Bưởi sẽ sạt nghiệp như chơi! Mà thật thế, ba chiếc tàu mỗi tháng phải thuê đến 2.000 đồng, mà chạy mỗi chuyến chỉ được từ 15 đến 20 đồng thì nguy cơ vỡ nợ đang chập chờn trước mắt.
Nhưng vẫn chưa biết meo nào cắn miu nào. Dù giữ giá 4 xu, nhưng bù lại Bạch Thái Bưởi có sáng kiến nhằm thu hút khách hàng về phía mình. Ông đã khôn khéo đã nghĩ ra cách “khuyến mãi” là biếu cho mỗi hành khách đi tàu một gói trà nhỏ hoặc mời uống trà ngon. Có lúc, ông còn hào phóng đãi thêm cả bánh ngọt. Thậm chí giá cước đồ hàng, cũng hạ nốt!
Cuộc chiến đồng cân đồng sức.
Quyết đánh đối thủ ngã gục. Hoa thương lại bày ra một trò quá quắt mà xưa nay chưa ai nghĩ đến. Chúng bỏ tiền thuê người làng của bến tàu Bạch Thái Bưởi phóng uế bừa bãi! Ai đời! Làm cái việc đó mà được trả tiền thì quả xưa nay hiếm! Ngày lại ngày, bến tàu của ông dơ bẩn khủng khiếp. Hành khách vắng đi hẳn.
Vỏ quýt dày thì có móng tay nhọn. Luật chơi là thế! Bạch Thái Bưởi lại bỏ tiền ra thuê chính người làng ấy dọn và đứng ra giữ bến cho ông. “Ai treo chuông thì kẻ đó phải gỡ chuông”. Ấy là một cách giải quyết khôn khéo, chỉ có người trong làng bảo ban nhau, khuyên nhủ nhau thì mới được việc. Nếu cậy đến sở Cẩm hoặc đem người làng khác đến thì hỏng, có khi việc thêm nhùng nhằng, rắc rối! Hơn ai hết, ông hiểu rõ câu “phép vua còn thua lệ làng” kia mà... Khôn khéo như thế nên kế hoạch bẩn thỉu của đối phương phá sản!
Sự cạnh tranh khốc liệt này đã dẫn đến chỗ trêu tức nhau, rồi sinh ra thù hằn nhau. Tàu nào cũng muốn chạy về đích trước. Có lần tàu của người Hoa vừa xuất bến chạy, tàu Bạch Thái Bưởi cũng quyết đuổi theo kịp. Song, chẳng may tàu ông vì máy móc lúc ấy thế nào đó, mà không sao vượt lên được. Hành khách trên tàu người Hoa mới vỗ tay để chế nhạo. Thế là anh ba-toong tàu Bạch Thái Bưởi lái tàu mình sát tàu kia mà mắng. Hai bên chửi nhau kịch liệt.
-Liệu hồn, ông cho đắm chết bây giờ!
Hành khách sợ quá, mới can đôi bên! Cứ thế, bên nào cũng tìm phần thắng về phía mình.
Cuộc chiến đang vào hồi bất phân tháng bại.
Sự đối đầu một mất một còn khiến tình trạng tài chánh của Bạch Thái Bưởi đang đứng cheo leo trên bờ vực phá sản! Không đủ vốn để tiếp tục duy trì cách hạ giá như thế này nữa, phải làm thế nào đây?
Câu hỏi này đã khiến Bạch Thái Buởi trằn trọc nhiều đêm liền.
* * * * *
Sáng nay, Bạch Thái Bưởi dậy thật sớm. Sương còn đọng giọt trắng nõn trên tàu lá chuối. Bước ra sân, gió thổi thoáng qua, khẽ rùng mình, ông vươn tay làm một vài động tác thể dục theo thói quen. Chú gà trống trên chuồng cũng vừa vỗ cánh gáy te te. Mặt trời ló dạng ở hướng đông. Ánh hồng dịu dàng phía chân trời. Thở phào một cách nhẹ nhõm và sảng khoái, ông mỉm cười một mình.
Bài toán khó trăn trở nhiều đêm liền, ông đã tìm ra cách giải quyết. Trước hết, suy ra từ bụng mình, ông nghĩ rằng làn gió Duy tân khuấy động từ Nam chí Bắc đã có ảnh hưởng sâu sắc trong quốc dân. Đi đâu đến đâu cũng nghe người dân thì thào về các vấn đề chính trị, về sự “khai hóa” dã man của người Pháp... Thậm chí, cuộc chiến thắng của nghĩa quân Đề Thám tại Núi Sáng vào tháng 10.1909, dù thực dân bưng bít thông tin nhưng người dân cũng được biết và họ lén hút bàn tán, tự hào. Không tự hào sao được khi chính thiếu tá Bonifacy cần quân với sự hỗ trợ đắc lực của Khâm sai Lê Hoan đã bị nghĩa quân phục kích, đánh tan tác! Sự quan tâm này, còn biểu hiện ở chỗ ngày càng có nhiều “hội kín” yêu nước hoạt động bí mật; nhiều hội buôn của các nhà tư sản dân tộc đang dấn thân trên thương trường.
Điều này cho thấy quốc dân ngày càng ý thức hơn về thân phận của kiếp nô lệ. Các sĩ phu đã kêu gọi người dân phải biết nhục trước cái nhục mất nước, phải tự cứu lấy mình. Ý thức chính trị này có được cũng từ các cuộc diễn thuyết, hô hào rầm rộ của các nhà nho cấp tiến, của các nhà Tây học và của các trường học thực hiện theo mô hình Đông Kinh nghĩa thục. Họ đã dấy lên phong trào chấn hưng thương trường, cổ động thực nghiệp cho giới doanh nghiệp nước nhà, khai sáng tư tưởng người dân phải biết kinh doanh làm giàu và khuyến khích mọi người trọng nghề buôn v.v... Để làm được như vậy, một trong những điều kiện đầu tiên là người đồng bang phải giúp đỡ, ủng hộ lẫn nhau. Vậy tại sao trong cuộc cạnh tranh với Hoa thương, ta không không kêu gọi, đánh thức tinh thần tương thân tương trợ, ủng hộ của đồng bào mình?
Chính giải pháp này tích cực này đã cứu sự nghiệp Bạch Thái Bưởi lúc đang dứng chênh vênh bên vực thẳm.
Sau khi điểm tâm qua loa, ông cho gọi lão Thịnh và ông Chấn đến gặp mình. Ông bảo:
-Ta là người Việt, kinh doanh trên đất Việt thì lẽ nào người Việt không ủng hộ người Việt? Trong tình thế ngặt nghèo này, nếu ta biết tuyên truyền, khuyên nhủ, kêu gọi đồng bào thì may ra còn có cơ may sống còn. Một khi có lực lượng đoàn thể ủng hộ sau lưng, thì cuộc tranh thương của ta sẽ không đơn độc, bị đẩy vào thế bí!
Ông Chấn điềm tĩnh:
-Đành rằng là vậy. Nhưng ta kêu gọi quốc dân như thế nào? Không khéo nhà nước ghép vào tội hô hào, kích động quần chúng?
Sự lo ngại như thế là đúng. Bởi sau vụ biểu tình tại Quảng Nam, sau vụ Hà Thành đầu độc thì nhà cầm quyền đàn áp dữ dội mọi biểu hiện nào mà họ cho rằng có nguy hại đến nền an ninh. Ngay cả việc hớt tóc ngắn, mặc Âu phục cũng bị ghép vào tội phiến loạn, phạt giam 18 tháng tù nữa là!
Sau khi trao đổi với nhau, mọi người rất hoan nghênh, tán thành ý kiến của Bạch Thái Bưởi. Theo ông cách tuyên truyền, kêu gọi đồng bào hay nhất vẫn là dùng thơ ca, hò vè, hát xẩm... vì nó dễ nhớ, dễ thuộc và nhanh chóng đi vào lòng người. Cứ lấy chuyện tình yêu nam nữ, lồng vào đó nội dung ái quốc, kêu gọi tinh thần tương thân tương trợ là được, chẳng ai có thể bắt bẻ. Nhưng ai là người có khả năng sáng tác cổ động theo đúng tinh thần trên?
Không hẹn mà gặp. Cả ba người cùng nghĩ đến chàng trai đang lều chõng thi Hương ở Nam Định. Đó là nho sinh Nguyễn Khắc Hiếu vừa tròn 22 xuân xanh - thua Bạch Thái Bưởi hơn một con giáp. Mọi việc trở nên thuận lợi vì ông là bạn thân thiết với nhà thơ trào phúng Nguyễn Thiện Kế. Mà ông này lại là anh rể của chàng nho sinh. Nhờ vậy, khi Bạch Thái Bưởi đánh tiếng nhờ cậy thì chàng đồng ý ngay. Chỉ trong một đêm gặp nhau hàn huyên, chưa ăn giập miếng trầu, chàng đã phóng bút làm xong một loạt bài văn vần đúng ý định trên.
Cũng xin nói thêm, chính từ mối quan hệ này mà về sau, Nguyễn Khắc Hiếu trở thành chỗ thân thuộc với Bạch Thái Bưởi.
Sau khi trượt thi Hương ôm nỗi buồn quay về Hà Nội, Nguyễn Khắc Hiếu gặp hình ảnh tưởng như chỉ có trong những trang tiểu thuyết diễm lệ là người yêu lên xe song mã về nhà chồng trong tiếng pháo nổ như muốn xé nát con tim thì chàng đau đớn như điên dại! Quay về Nam Định, rồi chàng lên sống ở chùa Hương như muốn xa lánh cõi trần. Thấy người em điên loạn vì thất tình, Nguyễn Thiện Kế mới dỗ ngon dỗ ngọt rồi đưa chàng về sống trong nhà Bạch Thái Bưởi. Ở đây, chàng được đọc Tân thư, được anh rể và ông trao đổi nhiều vấn đề, nhờ vậy chàng đã có sự thay đổi về tư tưởng và nhận thức. Có thể nói không ngoa, bản lĩnh của chàng sau này, rất nổi tiếng với bút danh Tản Đà, là ít nhiều được hình thành từ những ngày tháng này...
Từ đó, hành khách đi tàu của Bạch Thái Bưởi thường gặp những người hát sẩm cất tiếng ca:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng
Cô kia má đỏ hồng hồng
Muốn ra Hà Nội lấy chồng làm quan
Đường đi hiểm trở gian nan
Tàu “Bạch Thái Bưởi” dọn đàng rước dâu
Dù cho nước lũ sông sâu
Ai về Nam Định rủ nhau cùng về...
Tiếng vỗ tay vang lên rào rào. Giọng hát điêu luyện và chất chứa nhiều cảm xúc nhất vẫn là lão Nhị, từ thuở nhỏ đã lang thang kiếm sống ở chợ Nam Định. Dù mù, nhưng lão có trong tay một đám đệ tử kiếm sống theo nghề này. Bạch Thái Bưởi đã chiêu dụ “băng nhóm” của lão về, trả công cho từng người mỗi tháng vài hào. Nếu khách thương tình ném cho vài xu trong chiếc nón tơi thì họ được giữ riêng. Sự cư xử này khiến họ cảm động và đem hết sức mình để cất lên tiếng hát như ru lòng người. Tiếng lành ngày một đồn xa. Ai mà không thấy ngây ngất khi nghe lời ca tiếng hát huê tình, ngọt ngào:
Chung lưng một chuyến thuyền tình
Sông bao nhiêu nước ta thương mình bấy nhiêu
Chúng anh đây đứng mũi chịu sào
Sông ngang gió tạt, anh bẻ vào càng mau
Khuyên em đừng tính trước lo sau
Còn lưng còn vốn, ta nên giàu có phen
Khuyên em đừng tủi phận hờn duyên
Có tài, có sắc ta lên tiên có lần
Rồi ra xé lụa may quần
Đây loan đấy phượng, ta quây quần lấy nhau…
Có những bài học thuộc lòng trong giáo trình của trường Đông Kinh nghĩa thục, ông cũng khéo léo chọn những đoạn có thể phổ biến công khai để giao bọn hát xẩm. Nhiều khách đi tàu đã rưng rưng, bùi ngùi khi nghe giọng ca kêu gọi kín đáo mà không kém phần da diết:
Đã sinh cùng một giống nòi
Cùng trong đất nước là người đồng thân
Phải coi ruột thịt cho gần
Phải thương, phải xót quây quần lấy nhau
Phúc cùng hưởng, họa cùng đau
Một gan, một dạ ghi sâu chữ đồng
May ra trời cũng chìu lòng
Để đời để giống Lạc Hồng này cho
Gió thu hiu hắt sông hồ
Sử xanh còn đó, địa đồ còn đây
Mấy câu mượn bút giải bày
Xin người trong non nước này cùng nghe...
Không dừng lại đó, Bạch Thái Bưởi còn cho người tới bến tàu, xuống tận các tàu để diễn thuyết cổ vũ cho tinh thần đồng bang, “tinh thần con Lạc cháu Hồng”, kêu gọi người mình nên giúp đỡ lẫn nhau thì mới có thể cạnh tranh được với người Hoa. Ta kinh doanh là vì lợi ích của dân ta, chứ không chỉ thuần vì đồng tiền kiếm được. Với người Hoa thì họ đâu có nghĩ thế. Lần nọ chiếc tàu Long Môn của người Hoa đã phạm một sai lầm “chết người”. Trên chuyến tàu Hà Nội - Nam Định, hôm ấy có cụ già đau bụng, mệt lả nằm sóng xoài dài dưới sàn. Không một lời hỏi han, chủ tàu tưởng cụ bị bệnh dịch nên lúc đến bến Tân Đệ đã sai người khênh cụ quẳng lên bờ! Việc làm bất nhẫn này đã bị hành khách phản ứng kịch liệt. Nhân chuyện này, nhà văn Nguyễn Công Hoa có viết truyện ngắn Chuyến tàu Nam phê phán thái độ đó. Với Bạch Thái Bưởi, đây là cơ hội tốt để ông đẩy mạnh tuyên truyền, tẩy chay tàu của Hoa.
Những lời khuyến khích, phân tích thiệt hơn, khơi gợi tinh thần yêu nước khiến nhiều người cảm động, đồng tình. Họ rủ nhau đi tàu của ông ngày một nhiều hơn. Thắng lợi của ông là đã đánh thức được lòng tự tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Vì thế, người Hoa dù có xuống giá thấp hơn, bày trò “khuyến mãi” nhiều hơn thì cũng không thể cạnh tranh nổi với ông.
Hơn ai hết, Bạch Thái Bưởi biết rằng, một khi người dân đã có ý thức về tinh thần tương thân tương trợ, “bầu ơi thương lấy bí cùng” thì họ nào có tính toán gì dăm xu ba hào! Nhưng với giá vé hạ thấp như vậy về lâu dài cũng không thể cầm cự nổi, ông bèn nghĩ ra cách mở cuộc lạc quyên. Trên ba chiếc tàu của ông đều đặt một cái ống, mời hành khách tốt bụng, tùy tâm, ai muốn giúp ít nhiều thì bỏ tiền vào trong ống đỡ cho chủ tàu được phần nào hay phần ấy... Cuộc lạc quyên này xem ra cũng hữu hiệu. Có lần khi bổ ống ra, Bạch Thái Bưởi đã rưng rưng nước mắt. Ai nấy đều ngạc nhiên, ông bảo:
-Nhìn những tờ giấy bạc nhầu nát như thế này, ta biết nó đẫm bao nhiêu mồ hôi, bao nhiêu cực nhọc của cuộc mưu sinh quần quật... Kiếm được đồng tiền lắm lúc phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt nhưng đồng bào vẫn chắt chiu dành dụm, ủng hộ cho ta. Ơn này nặng lắm ai ơi!
Nói xong, hàm răng ông nghiến chặt, không cho phép mình bỏ cuộc khi sự cạnh tranh ngày một quyết liệt. Những đồng tiền trong ống lạc quyên ngày một nhiều, lắm lúc còn có cả giấy năm đồng, hai mươi đồng... Doanh thu của ông dần dần tăng lên.
Với tinh thần người Nam ủng hộ việc làm của người Nam, trong mắt quốc dân thuở ấy, ông là một trong những người được tin cậy, xứng đáng “chọn mặt gửi vàng”.
Có lẽ Bạch Thái Bưởi là người nhà doanh nghiệp Việt Nam trước nhất ở đầu thế kỷ XX, đã có ý thức vận dụng tinh thần yêu nước, khai thác tinh thần tự tôn dân tộc như một vũ khí sắc bén để chiến thắng vẻ vang đối thủ cạnh tranh của mình. Nói cách khác, trong lúc cuộc tranh thương khốc liệt đã đẩy ông vào bóng đêm mù mịt tưởng chừng không lối thoát, thì ông đã biết tìm lấy ánh sáng từ lực lượng quần chúng có ý thức dân tộc. Ý thức ấy có được là do ông chủ động tìm mọi cách để khơi dậy và kêu gọi lực lượng ấy ủng hộ việc làm của mình.
Nếu một người không có chí tiến thủ, sẽ bằng lòng với những gì đã đạt được, Bạch Thái Bưởi thì không. Khi nhiều tàu của người Hoa ngày càng ế ẩm, thậm chí có người bỏ cuộc thì ông quyết định đẩy cuộc tranh thương lên một mức cao hơn nữa. Bởi ông biết rằng, trong cạnh tranh làm ăn lúc nào ta cũng ở tư thế như con thuyền ngược thác, không tiến ắt lùi.
Bản lĩnh kinh doanh của Bạch Thái Bưởi ngày càng rõ nét.
< Lùi |
---|