VĂN XUÔI Truyện lịch sử Lê Minh Quốc - BẠCH THÁI BƯỞI - 1. DÁM ĐI BẰNG ĐÔI CHÂN CỦA MÌNH

Lê Minh Quốc - BẠCH THÁI BƯỞI - 1. DÁM ĐI BẰNG ĐÔI CHÂN CỦA MÌNH

Mục lục
Lê Minh Quốc - BẠCH THÁI BƯỞI
1. DÁM ĐI BẰNG ĐÔI CHÂN CỦA MÌNH
2.DÁM TẬN DỤNG THỜI CƠ
3. DÁM TIN NGƯỜI
4.DÁM TIẾP THU TÂN THƯ
5. DÁM VẬN DỤNG TINH THẦN YÊU NƯỚC
6. DÁM CẠNH TRANH ĐẾN CÙNG
7. DÁM SÁNG TẠO
8. DÁM MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG KINH DOANH
Chương kết thúc
Tài liệu tham khảo
Tất cả các trang

 

1. DÁM ĐI BẰNG ĐÔI CHÂN CỦA MÌNH

Hà Nội, năm 1897. Trên phố Tràng Tiền, nắng ban mai mơn trớn trên những vòm cây xanh. Nắng tốt tươi mà trong lòng chàng buồn vời vợi. Chàng có cảm tưởng nghe cả tiếng thở dài não ruột của bọn phu kéo xe tay đang xoải bước chậm rãi trên phố. Âm vang của chuyến đi Pháp dự Hội chợ Bordeaux vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức. Trước ngày đi, tại cảng Hải Phòng trong những ngày chờ đáp tàu sang Pháp, chàng đã tìm đọc khá nhiều sách viết về nơi mình sẽ đặt chân đến. Có lúc chàng ngậm ngùi khi biết trước đây, tháng 6 năm 1863, phái đoàn Phan Thanh Giản được vua Tự Đức cử sang Pháp chuộc lại ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định, Định Tường thì các cụ đã choáng ngợp trước văn minh nước Pháp. Choáng ngợp ư? Có phải đó là tâm lý tự ti mặc cảm của một dân tộc nhược tiểu? Chàng không thể hiểu nổi ở “kinh đô ánh sáng” có gì mà ông Tiến sĩ đầu tiên của đất Nam kỳ phải giật mình kêu lên:

Trăm nghề khéo léo bằng trời đất

Duy việc sống chết để quyền cho tạo hóa

Ghê gớm chưa? Chỉ việc sinh - tử là người Pháp chưa can thiệp được thôi, chứ mọi việc còn lại họ đều nắm trong tay. Chàng ngậm ngùi bởi thương cho tiền nhân thuở ấy, thương cho nền kỹ nghệ nước nhà đối với người ngoại quốc khác nào một trời một vực. Suy nghĩ như thế nên chàng càng náo nức mong đến ngày khởi hành. Mong được mắt nhìn thấy, tay sờ vào những hiện vật tiêu biểu cho nền văn minh của nước Pháp.

Chàng thanh niên này tên Bạch Thái Bưởi. Một cái tên bình dị như bao người Việt Nam nô lệ thuở ấy, nhưng về sau trên thương trường chính người Pháp và những đối thủ cạnh tranh với ông phải nghiêng nón nể phục.

Ông Bạch Thái Bưởi sinh năm 1874 tại làng An Phú, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc ngoại thành Hà Nội). Đây là cái năm bi đát trong lịch sử triều Nguyễn. Thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội lần thứ nhất, không giữ được thành, bị trọng thương, danh tướng Nguyễn Tri Phương quyết không để kẻ thù cứu chữa, nhịn ăn mà chết. Các đại quan Nguyễn Văn Tường, Lê Tuấn đã ký với thiếu tướng hải quân Pháp Dupré một Hòa ước gồm 22 điều khoản. Hiệp ước này tương tự phát súng khai tử chủ quyền của vua nước Nam đối với sáu tỉnh Nam kỳ. Tiếng oe oe chào đời của Bạch Thái Bưởi cũng là tiếng khóc của một con dân mất nước.

Có tài liệu cho rằng ông vốn họ Đỗ, nhà nghèo, mẹ buôn gánh bán bưng, cha mất sớm. Lúc ấy, người họ Bạch giàu nức đố đổ vách nhưng không có con trai, thấy ông ngoan ngoãn, chịu thương chịu khó nên nhận làm con nuôi và đổi sang họ Bạch. Lại cũng có tài liệu nói rằng, hồi ông mới chập chững vào nghề kinh doanh đường thủy, có hùn vốn với bà phán Thái nên mới đặt tên là Thái - Bưởi. Còn họ Bạch là trắng, không lấy họ của riêng ai.

Thiết nghĩ, dù Bạch Thái Bưởi mang họ gì đi nữa, thì điều ấy cũng không quan trọng. Bởi ý nghĩa của đời người ở chỗ ta làm được gì cho xã hội, mang lại lợi ích gì cho cộng đồng chứ không phải ta mang họ gì, tên gì?

Thuở mới bước chân vào đời, với vốn liếng tiếng Pháp đã được học, Bạch Thái Bưởi xin làm thư ký cho hãng buôn của người Pháp ở phố Tràng Tiền. Lại có tài liệu cho rằng ông làm ký lục cho công sứ Bonnet, do đó người đương thời gọi là Ký Bưởi, chi tiết này có lẽ hợp lý hơn. Làm việc được một năm, năm 1894, ông chuyển sang làm thư ký ở một xưởng máy thuộc hãng thầu công chánh. Với độ tuổi 20 đầy hăm hở, nhiệt tình muốn học hỏi những điều mới lạ, ông đã chú tâm tìm hiểu về sự vận hành máy móc, cách tổ chức nhân công và quản lý sản xuất theo mô hình của người Pháp.

Một dịp may đến với ông là năm 1895, Hội chợ Bordeaux được tổ chức tại Pháp. Đây cũng là năm tại Hà Nội, người Pháp bắt đầu xây dựng nhà máy điện, nhà máy nước và nước đá - tất nhiên chỉ người Pháp được sử dụng, còn dân bản xứ thì chưa thể. Bấy giờ, Thống sứ Bắc kỳ muốn chọn một người Việt thông minh, lanh lợi, giỏi tiếng Pháp để giới thiệu sản phẩm của gian hàng xứ Bắc kỳ. Qua đề cử của công sứ Bonnet, Bạch Thái Bưởi được chọn.

Khi sang Pháp, chàng thanh niên Việt mới 21 xuân xanh thật sự kinh ngạc trước sự văn minh, tiến bộ của họ. Bấy giờ phái đoàn đi sứ của quan Phụ chính Nguyễn Trọng Hợp mới vừa mới quay về nước. Sau chuyến đi này, vị chánh sứ luôn đau đáu về vận nước có làm tập Thơ đi sứ Tây, ở lứa tuổi đã ngoài 60, cụ nhìn thấy nước Pháp với hình ảnh: “Bốn phía xe cộ chạy trên các đường phố, tung bụi thành một làn sương hồng. Hàng đoàn du lịch đi lại bất tận không ngừng. Sự bất tận làm cho bầu không khí nóng lên và cần có máy làm lạnh. May mắn thay lại có hàng ngàn vòi nước phun mạnh làm cho khí quyển mát dần. Chiều tà mà tiếng xe cộ còn vang lên. Đột nhiên người ta ngạc nhiên nhìn thấy từ không trung các ngôi sao rơi xuống. Và hàng ngàn ngọn lửa vừa bừng sáng, ngăn chận hậu quả của bóng tối. Các nhà cao sáu bảy tầng nối liền nhau không dứt. Dưới mặt đất cũng còn ngăn thành buồng, để cho dân cư họp thành đám đông trú ngụ. Và để cốt giấu các kho tàng mà công nghiệp và thương mại sản xuất ra trên quy mô lớn...”.

Con hơn cha là nhà có phúc. Vậy với lứa tuổi mới ngoài 20, Bạch Thái Bưởi đã nhìn thấy gì?

Tất nhiên, cũng nhìn thấy cảnh vật kỳ diệu như thế, nhưng không chỉ nhìn thấy mà Bạch Thái Bưởi còn suy nghĩ làm thế nào để xứ sở mình nay mai cũng tiến bộ như họ. Nhiều đêm ngồi trước gian hàng giới thiệu sản phẩm của xứ sở mình, ông thoáng bùi ngùi. Cho dù người ngoại quốc hết lời ca ngợi sản phẩm của nước nhà, nhưng thật ra những hàng mỹ nghệ ấy chỉ là kết quả của sự khéo léo, của bàn tay tài hoa và sự nhẫn nại của người thợ thủ công. Muốn có một sản phẩm phải mất quá nhiều thời gian, làm sao có thể số lượng nhiều trong thời gian ngắn nhất? Nếu không, thì làm sao có thể thu được lợi nhuận cao? Nói tắt một lời, chúng ta chưa có được một dây chuyền công nghệ đặng sản xuất hàng loạt. Đã thế, do chế tạo ra những sản phẩm, mà sự thành công phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm nên không ít người thợ giỏi đã giấu nghề, không muốn truyền lại hoặc hướng dẫn cho người ngoài gia đình, thậm chí con gái “nữ nhi ngoại tộc” cũng không được phép biết...

Điều này đã khiến cho Bạch Thái Bưởi suy nghĩ rất nhiều.

Trong những ngày ở Pháp, không như những người khác dành thời gian du hí đây đó, ông nỗ lực tìm hiểu, học hỏi cung cách buôn bán, cách tổ chức và quản lý sản xuất, nghệ thuật khuếch trương thương nghiệp... Nhiều người ngạc nhiên khi thấy ông đi đâu, đến chỗ nào thì cũng hí hoáy ghi chép. Thậm chí, trong sổ tay của ông còn vẽ lại cả quy trình vận hành của máy chạy bằng hơi nước; vẽ lại hình dáng những chiếc thuyền đang nằm trên dòng sông Seine xanh biếc... Những ngày nay, trong trí óc của Bạch Thái Bưởi lại nhớ đến những câu thơ của cụ Phan Thanh Giản. Có lẽ mình cũng đang mang tâm trạng, cũng có nỗi lòng như quan Thượng thư bộ Lại triều Nguyễn khi sang Pháp chăng?

Từ ngày đi sứ đến Tây kinh

Thấy việc Âu châu phải giật mình

Kêu rủ đồng bang mau thức dậy

Hết lời năn nỉ chẳng ai tin

Mà chẳng ai tin thì cũng có thể lắm. Một khi con ếch ngồi đáy giếng thì làm sao có thể thấy được trời xanh lồng lộng? Mình phải làm thế nào đây?

Ngày tháng qua mau.

Trên chuyến tàu trở về nước, Bạch Thái Bưởi đã manh nha một quyết định táo bạo. Quyết định này mãi gần hai sau, ông mới có lựa chọn dứt khoát. Muốn vậy, trong những ngày trở về nơi làm việc, ông đã tranh thủ học hỏi công việc nhiều hơn nữa. Một khi đã có sự chọn lựa dứt  khoát thì người ta trở nên mạnh dạn hơn. Bạch Thái Bưởi cũng có tâm thế ấy.

Sáng nay đặt chân vào phòng của ông Jean - chủ hãng thầu công chánh, ông tự tin hơn. Sau tiếng gõ cửa, một tiếng nói cộc lốc vang lên:

-Vào đi!

Cầm chiếc mũ nỉ trắng trên tay và đẩy cửa bước vào, ông nhẹ nhàng:

-Chào sếp!

Không cần ngước mặt nhìn lên, vẫn đang cắm cúi đọc tờ Đại Nam đồng văn nhật báo, Jean gằn giọng:

-Sao mày lại đến gặp tao vào giờ này? Bọn công nhân lại biểu tình đòi tăng lương à?

-Thưa, không!

Tay chủ hãng ném tờ báo xuống bàn và hỏi bằng giọng châm biếm:

-Thế mày đòi tăng lương à?

Ông vẫn đứng yên và trả lời rành rọt:

-Thưa, không. Tôi xin nghỉ việc!

Như đỉa phải vôi, Jean nhổm người bật dậy:

-Sao? Mày nói gì?

-Tôi xin nghỉ việc!

Quyết định của Bạch Thái Bưởi đã khiến cho tay chủ hãng kinh ngạc. Y không thể ngờ, tại sao lại có một người An Nam dám nghỉ việc khi hàng tháng được nhận đồng lương khiến nhiều người đang thèm thuồng. À! Nó muốn “làm reo” để đòi thêm tiền lương thôi! Tao còn lạ gì bọn khố rách áo ôm của cái xứ sở chết tiệt này chứ! Nghĩ thế, Jean đổi thái độ. Ôn tồn hơn. Và tìm hiểu lý do mà tay thư ký này xin nghỉ việc. Dù được nghe giải thích nhiều lần, nhưng Jean vẫn không tin vào tai mình. Cuối cùng, không còn cách nào khác Jean phải đồng ý với quyết định của thuộc cấp mà y cho là điên rồ.

Có thể nhiều người khác cũng nghĩ Bạch Thái Bưởi điên rồ. Với đồng lương đang nhận hàng tháng, chẳng mấy chốc ông có thể vun vén, tích lũy một số vốn không nhỏ. Đời sống êm đềm đi qua. “Sáng vác ô đi, tối vác về”. Một mái ấm dành riêng cho mình với vợ đẹp, con ngoan và nhất là không phải canh cánh lo thất nghiệp. Nhưng không, ông lại thầm nghĩ nếu mình thủ phận với đồng lương, dù đủ sống nhưng suốt đời chỉ làm tôi tớ cho kẻ khác. Chi bằng bỏ việc để tự dấn thân vào con đường kinh doanh, tự mình làm chủ cuộc đời mình thì mới có cơ may để đổi đời. Vạn sự khởi đầu nan. Tất nhiên. Mình tìm đường đi bằng đôi chân của chính mình vậy. Nghĩ  thế, ông mạnh dạn xin nghỉ việc. Giọng nói của Jean vang lên đột ngột:

-Nghỉ việc ư? Thế mày không sợ chết đói à? Đời mày còn dài, đừng vì một phút bốc đồng mà làm hỏng việc.

Không đợi ông trả lời, Jean đứng dậy:

-Tùy mày. Bọn phu xe mửa ra từng bát máu, chỉ kiếm nổi mỗi ngày chỉ vài xu. Ấy là chưa kể roi gân bò của bọn cai quất xuống như mưa! Thời buổi này muốn sống cũng không dễ dàng đâu!

Ông vẫn điềm đạm:

-Thưa, tôi đã ý thức mình phải sống như thế nào rồi. Chết thì dễ, chứ sống mới khó. Tôi không sợ sống!

Jean không nói thêm lời nào nữa, y đã biết tính cách của tay thư ký này.  Ít nói, nhưng mỗi lần nói lời nào thì như cóc cắn. Tính cách này là của con người quả quyết, dám chịu trách nhiệm với lời lẽ và hành động của mình. Ngay từ khi nói “Không sợ sống” thì Bạch Thái Bưởi đã chọn cho mình một thái độ sống.

Dám sống là một trong những tư duy của con người năng động. Dám nghỉ việc với ý thức làm chủ cũng là tư duy của con người tự nắm lấy vận mệnh cuộc đời mình. Nói như thế bởi sau này, có một doanh nhân cũng hành động tương tự là Nguyễn Sơn Hà. Cái năm ông Bưởi sang Pháp, thì ông Hà mới khóc oe oe chào đời ở Hải Phòng.

Lớn lên, Nguyễn Sơn Hà xin vào làm thư ký cho hãng sơn Sauvage Cottu. Mục đích chính của chàng trai thành phố Cảng là tìm hiểu công nghệ sản xuất mà người Pháp đang giữ bí mật. Vì vậy mỗi lúc chủ đi vắng, chàng tranh thủ lấy sách viết về kỹ thuật sơn ra đọc và ghi chép cẩn thận. Sau khi nắm vững các nguyên lý cơ bản của việc chế tạo, chàng càng quyết tâm đi vào nghề này. Đến lúc hãng sơn đổi qua chủ khác, chàng liền nộp đơn xin nghỉ. Biết chàng là người tích cực trong công việc, lại biết kỹ thuật nên chủ mới thương lượng trả lương cao hơn gấp nhiều lần để giữ chân. Từ bậc lương mỗi tháng 30 đồng nay tăng vọt lên 100 đồng, nhưng chàng vẫn cương quyết từ chối. Thấy thái độ kỳ quặc của con, bà mẹ rầu rĩ, thở ngắn than dài:

-Chao ôi! Không biết ma đưa lối quỷ dẫn đường thế nào đây, cơm không ăn mày lại đi ăn cám!

Nghe vậy, người con giàu nghị lực, ý chí làm giàu chỉ mỉm cười. Vẫn cương quyết xin nghỉ việc. Chàng bàn với  sáu người em bán đi tài sản lớn nhất trong nhà là chiếc xe đạp để lấy vốn kinh doanh. Nhờ dũng cảm như thế, về sau Nguyễn Sơn Hà “không ăn cám” mà đã trở thành một trong những doanh nhân “có máu mặt” trên thương trường.

Còn Bạch Thái Bưởi sau khi nghỉ việc, sẽ làm gì? Đây cũng là câu hỏi mà trước lúc chia tay, Jean đã hỏi. Ông vẫn lễ phép:

-Thưa, tôi đã chọn đường đi của tôi.

Jean mỉa mai:

-Tao chúc mày thành công, tìm được đường đi.

-Vâng, đường đi ở dưới chân tôi, tôi đã nhìn thấy. Tôi sẽ đi bằng đôi chân của tôi.

Ngoài sân vẫn chập chờn bóng nắng. Đâu đó có tiếng chim reo trên vòm lá. Bước ra khỏi hãng thầu công chánh, trên hành trình tự khẳng định mình, từ nay Bạch Thái Bưởi sẽ đi như thế nào trong những ngày tháng sắp đến? Còn đường nào đang mở ra trước mắt ông?



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com