2.DÁM TẬN DỤNG THỜI CƠ
Con đường Bạch Thái Bưởi đã nhìn thấy, đã lựa chọn là dự án khởi công xây dựng cầu sắt lớn Paul Doumer vừa được thông tin rầm rộ trên báo chí.
Tại sao có dự án này?
Bước vào những năm cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp đã thâu tóm mọi quyền lực trong tay. Ngay từ đầu chúng đã chú trọng đến việc khai thác hệ thống giao thông nhằm đạt hai mục đích: Vừa là phương tiện bình định các cuộc nổi dậy của người dân bản xứ, vừa là động lực để thu lợi nhuận trong kinh tế. Kế hoạch này có một ảnh hưởng sâu sắc đến việc thay đổi diện mạo của cả Đông Dương. Sử sách nước ta ghi nhận là “Công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất”.
Cha đẻ của kế hoạch này là ai?
Paul Doumer. Ngày 13.2.1897, từ Pháp đang giữ chức vụ bộ trưởng Bộ Tài chính, y sang Đông Dương nhận chức Toàn quyền thay cho Fourès. Sau khi khảo sát tình hình thực tế, với tầm nhìn của một nhà chiến lược có nhiều kinh nghiệm trong công việc bình định các nước thuộc địa, y đã vạch ra một kế hoạch lâu dài. Kế hoạch này được y thể hiện trong bản báo cáo quan trọng ngày 22.3.1897, gửi Bộ Thuộc địa Pháp. Trong đó có hai điều đáng chú ý:
“-Điều thứ 3: Xây dựng thiết bị kinh tế to lớn cho Đông Dương, như xây dựng hệ thống đường sắt, đường bộ, đường sông đào, bến cảng v.v... những thứ cần thiết cho việc khai thác xứ sở Đông Dương.
-Điều 4: Đẩy mạnh sản xuất và thương mại của Đông Dương bằng cách phát triển công cuộc thực dân của người Pháp và lao động của người bản xứ”.
Kế hoạch này muốn thành công, thì trước mắt phải tập trung toàn bộ lực lượng quân sự đàn áp các cuộc nổi dậy của bọn “nổi loạn”. Mà ở cái xứ sở lạ lùng này, đối phương không bao giờ khuất phục. Nay bại trận, thì ngày mai họ lại xuất hiện với với kinh nghiệm dày dạn hơn... Với lối đánh du kích, chủ yếu dựa vào địa hình địa vật thì họ như những bóng ma, thoắt ẩn thoát hiện khiến chúng ta rất mỏi mệt và hao tổn nhiều binh lực. Paul Doumer suy nghĩ rất nhiều về điều này và khẳng định: “Phải hoàn thành công cuộc bình định xứ Bắc kỳ; bảo đảm an ninh vùng biên giới Bắc kỳ”.
Một trong những kế hoạch tiến hành ngay là thực hiện các tuyến đường sắt. Với phương tiện vận chuyển này, người Pháp có thể huy động binh lính, vũ khí với số lượng lớn nhất và hành quân nhanh nhất để bình định các cuộc nổi dậy của người bản xứ. Hơn nữa, khi đường sắt đến đâu thì dân cư tụ tập làm ăn theo dọc tuyến đường ngày một nhiều. Những nơi ấy sẽ không còn là nơi khỉ ho gà gáy, mà đối phương có thể lén lút lui tới. Chúng sẽ dựng lên những đồn bót kiên cố nhằm cô lập, khống chế phạm vi hoạt động và đẩy đối phương phải lùi vào rừng núi, vào nơi rừng thiêng nước độc sâu hơn nữa...
Điều này vô cùng quan trọng. Một khi người dân bản xứ còn nổi dậy, giành tự do và quyền sống bằng bạo lực dậy thì các tuyến đường vận chuyển và tiếp tế cho quân đội không dễ dàng hoàn thành. Trước đây, chúng đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát nhưng đã kế hoạch ấy thất bại, bởi lực lượng kháng chiến liên tục đánh phá. Sự chiến đấu này bền bỉ, ngoan cường và đã gây cho nhà cầm quyền nhiều tổn thất to lớn và kéo dài trong nhiều năm. Đáng chú ý nhất là lực lượng nghĩa quân Đề Thám. Dưới tài chỉ huy của “hùm thiêng Yên Thế”, tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn đã bị phá hoại nhiều lần. Chúng chưa quên một thất bại đau đớn: ngày 17.9.1894 nghĩa quân đã từng phục kích đoạn đường Suối Ghềnh - Bắc Lệ bắt sống thương gia Chesnay - chủ nhiệm tờ báo L’avenir du Tonkin và Logiou chủ thầu khoán đường sắt Lạng Sơn. Để đổi lại mạng sống của hai nhân vật nổi tiếng này, nhà cầm quyền Pháp buộc phải chấp nhận nhiều thua thiệt trong thương lượng với Đề Thám.
Nay, khi kế hoạch xây dựng đang tiến hành thì Paul Doumer nhận được tin một tay anh hùng hảo hớn của dân bản xứ vừa bị bắt tại Yên Thế. Đó là Kỳ Đồng. Một nhà cách mạng vừa du học ở Pháp về, lấy danh nghĩa khai thác đồn điền, nhưng thực chất là tiếp tế lương thực, vũ khí cho Đề Thám. Điều này đã khiến Paul Doumer lo lắng. Y nhận định, lực lượng kháng chiến của Đề Thám vẫn còn đóng quân tại đây. Chưa đủ sức đánh bật đối phương ra khỏi Yên Thế, tháng 11.1897 chúng buộc lòng phải thương lượng. Từ cuộc đình chiến này, Đề Thám ung dung đưa nghĩa quân trở về Nhã Nam, đóng đại bản doanh tại Chợ Gồ và tiếp tục bí mật xây dựng căn cứ chiến đấu.
Tình hình bất ổn như thế, khiến người Pháp càng quyết tâm phải thực hiện nhanh chóng kế hoạch của Paul Doumer. Hội đồng Tối cao Đông Dương đã họp tại Sài Gòn thông qua chương trình xây dựng trên quy mô lớn. Để có nguồn tài chính thực hiện, chúng đã vay của Ngân khố Pháp một số tiền khổng lồ lên đến 499 triệu france. Việc làm này cho thấy Paul Doumer là người trước nhất đã đem vào Việt Nam một phương thức kinh tế mới mẻ, trước đó triều đình Huế chưa biết đến, là cách huy động vốn tư bản. Với số vốn vay này, hơn 420 triệu france được đầu tư cho đường sắt, số còn lại dành cho việc làm cầu đường, bến cảng và các công trình quân sự, dân sự... Qua số liệu này, ta thấy việc thực hiện các tuyến đường sắt đang là mục tiêu quan trọng nhất.
Nằm trong dự án này, năm 1898, thực dân Pháp khởi công xây dựng cầu sắt lớn Paul Doumer (tức cầu sông Cái, nay gọi cầu Long Biên) vượt qua sông Hồng. Chúng quyết tâm thực hiện cho bằng được, bởi Hà Nội có vị trí thuận lợi giữa đồng bằng sông Hồng và các đầu mối giao thông thủy bộ lên các miền trung du và thượng du; bên cạnh đó mạng lưới đường bộ cũng nối liền với các tỉnh khác của xứ Bắc kỳ. Các tuyến đường xe lửa từ Hà Nội đi Lạng Sơn, đi Hải Phòng, đi Lào Cai, đi Nam Định - trong đó ba con đường Hải Phòng - Lạng Sơn - Lào Cai đều phải qua sông Hồng.
Kết hoạch xây dựng đòi hỏi nhiều kinh phí, công sức và kỹ thuật, bởi con sông này rất ương nghạch, bướng bỉnh.
Khi hay tin, nhiều người hồ nghi, rằng “Một con sông rộng như eo biển, sâu thăm thẳm đến 20m nước, mùa mưa lũ nước còn dâng cao hơn 8m phá vỡ cả đê điều. Lòng sông lại luôn chuyển đổi bên lở bên bồi thì làm sao chế ngự nổi để bắc được cây cầu trên mặt nước hung dữ?”. Thế nhưng, Paul Doumer vẫn bỏ ngoài tai, vì đây còn là dịp người Pháp khuếch trương thanh thế, để cho dân bản xứ thấy rằng không việc gì họ không làm được. Hãng Daydé và Pillé trúng thầu xây dựng cầu và thực hiện theo phương án của kỹ sư thiết kế và xây dựng Gustave Eiffel - người làm vinh dự cho nước Pháp qua thiết kế công trình tháp Eiffel. Với Việt Nam ngoài cầu Paul Doumer, sau đó Gustave Eiffel còn thiết kế cho cầu Tràng Tiền ở Huế. Theo phương án của ông, tổng cộng cầu dài 3.500 mét nối Hà Nội với Gia Lâm. Đoạn cầu chính dài 2.682 mét được xây dựng hoàn toàn bằng thép, có 19 nhịp nối liền với nhau bằng những dầm sắt... Toàn bộ chi phí 6.200.000 france lấy từ nguồn tiền công trái thuộc địa Đông Dương.
Với người dân bản xứ, việc tiếp nhận thông tin này được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Chẳng hạn, với bậc “thiên sứ ái quốc” Phan Bội Châu thì sau này, cụ đã xin Tổng đốc Đào Tấn giấy thông hành để từ Trung kỳ ra Bắc xem hội khánh thành cầu Paul Doumer. Lợi dụng giấy thông hành này, cụ đã tìm đường lên Yên Thế bàn bạc kế hoạch cứu nước với anh hùng Đề Thám. Riêng với Bạch Thái Bưởi, vốn là người có tư duy về kinh tế, ông nghĩ đây là một cơ hội tốt để làm giàu, ông tiếp nhận một cách hào hứng và có tính toán. Vì thế, ông mạnh dạn nghỉ việc ở hãng thầu công chánh, xin vào làm đốc công ở công trình xây dựng này. Xin việc ở đây không phải vì đồng lương cao hơn chỗ làm cũ, mà ông muốn tìm hiểu người Pháp đang cần những vật tư gì? Nếu độc quyền cung cấp vật tư đó, chẳng mấy chốc ta sẽ trở nên giàu kếch xù!
Chao ơi! Ước mơ phiêu bồng của tuổi trẻ. Chỉ lúc còn trẻ, người ta mới dám có những ước mơ lớn. Bạch Thái Bưởi đang sống trong tâm trạng như thế.
Làm giàu bằng cách nào khi mà kỹ thuật xây dựng cầu đối với người Việt Nam thuở ấy vẫn còn xa lạ? Nhờ trước đây đã từng đi Pháp, dịp đó, Bạch Thái Bưởi đã tranh thủ tìm đọc nhiều tài liệu khoa học kỹ thuật của Pháp. Ít ai biết rằng, khi xuống tàu trở về nước thì trong hành lý của ông, đáng giá nhất vẫn là sách. Nhờ đó, ông đã biết ít nhiều về kỹ thuật, vật dụng xây cầu và tự tin sẽ có thể kiếm được một số tiền không nhỏ, nếu biết chớp lấy một cơ hội quý báu.
Đó là nhận cung cấp tà-vẹt (traverse) cho công trình này.
Tà- vẹt là “gối tựa” của các thanh ray (rail) tức là các khúc gỗ ngang để đặt đường sắt lên trên. Nguồn tài nguyên này ở xứ Bắc kỳ không thiếu. Nếu biết khai thác và xử lý tại chỗ thì giá thành rẻ hơn chính quốc mà lại không phải tốn thêm chi phí vận chuyển.
“Phải biết cung cấp cái mà người ta đang thiếu, cái mà người ta đang cần. Nhưng phải kịp thời”.
Bạch Thái Bưởi gật gù khi nghĩ đến điều này. Để có số vốn lớn, ông đã hùn tiền với một người Pháp cũng ý hướng. Họ chuyên khai thác gỗ làm tà-vẹt bán cho Sở Hỏa xa Đông Dương.
Trong ba năm liền, ông lặn lội khắp núi rừng để tìm gỗ tốt. Hầu hết gỗ được khai thác tại Thanh Hóa. Khi nhận việc khó nhọc này, không phải vì có đồng vốn kếch sù, thậm chí chỉ là “muối bỏ biển” nếu so với các “đại gia” khác nhưng tại sao Bạch Thái Bưởi vẫn mạnh dạn lao vào? Bởi ông đã nhìn thấy một nguồn nhân công dồi dào, có thể thuê với giá thỏa thuận, hợp lý.
Như ta biết, vào cuối năm 1897 khi người Pháp chính thức thành lập Ban Kinh tế trực thuộc phủ Toàn quyền Đông Dương để nghiên cứu các vấn đề nông nghiệp, thương nghiệp và công cuộc thực dân hóa thì họ rất cần nhân công. Đây là thời điểm thực dân Pháp sử dụng tù nhân và tuyển phu, nhân công bản xứ. Chính sách này đã đẩy hàng chục vạn nông dân chân lấm tay bùn ra khỏi đồng ruộng để đến với các công trường mới. Giai cấp công nhân Việt Nam bắt đầu hình thành. Chính vì thế, sau này một người cộng sản kiên cường được tôi luyện trong phong trào đấu tranh đã khái quát về sự “ra đời và lớn lên” của nó: “không phải từ khi có thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa của giai cấp tư sản dân tộc, mà ngay từ khi có sự khai thác đầu tiên của tư bản nước ngoài trên đất nước ta” (Lê Duẩn).
Những nông dân trước đây chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời trên cánh đồng một nắng hai sương nay đã trở thành cu-li (coolie) - tức những người làm phu, làm mướn, lao động chân tay với nhiều việc làm khó nhọc. Để có được số lượng cu-li đông đảo, thực dân Pháp đã phải thông qua bọn “cai tuyển”. Đây hạng “buôn người” mới ngoi lên, mới hình thành trong thời buổi giao thời nhố nhăng này. Chúng tàn nhẫn, cay độc “mua” sức lao động của nông dân lúc thất bát mất mùa, nghèo đói, nghéo rớt mồng tơi bằng giá rẻ mạt. Để rồi “bán” lại cho các công trường, đồn điền với giá cao hơn gấp nhiều lần. Thông thường, mỗi cu-li sẽ được tạm ứng 1$ tại điểm xuất phát Hà Nội, nhưng lại bị trừ thẳng vào tiền lương. Không những thế, số tiền này còn ít hơn thỏa thuận ban đầu rất nhiều, vì bọn cai thầu cắt xén, tước đoạt bằng nhiều thủ đoạn thâm độc!
Với Bạch Thái Bưởi, ông không áp dụng cách làm tàn nhẫn này. Ông tạm ứng tiền cho cu-li đã tuyển mộ để họ yên tâm dốc sức làm việc cho mình. Nói cách khác ông đã thỏa mãn được nhu cầu chính đáng của công nhân đang bán sức lao động. Khi ông vay vốn để trả lương cho lực lượng cu -lu, nhiều người thân thuộc trong gia đình bày tỏ sự lo lắng. Vì nếu không quản lý được, chẳng may cu-li bệnh tật hoặc bỏ trốn hoặc làm việc không đạt năng suất thì sẽ phá sản như chơi. Nhưng không. Ông nghĩ rằng, tầng lớp vô sản xuất thân từ đồng ruộng, bản chất của họ là của những người lương thiện. Họ cần đồng lương để sống, bán sức lao động để sống. Nếu đem lòng nhân ái đối xử với nhau, trả đồng lương hợp lý và biết cách quản lý thì họ sẽ làm được rất nhiều việc. Đến nay, chưa có tài liệu nào cung cấp cho chúng ta biết cách quản lý nhân công của ông như thế nào? Nhưng sự thành công của khiến ta có thể phỏng đoán, ít ra trong cách cư xử của ông với người lao động khát hẳn các “cai thầu” lúc bấy giờ.
Trong công việc, Bạch Thái Bưởi tỏ ra rất khắc nghiệt khi nghiệm thu sản phẩm. Kích thước dài, ngắn như thế nào; chất lượng gỗ như thế nào thì phải nhất nhất như thế. Không hề có sự châm chước. Ngày nọ đã đến hạn giao hàng nhưng kiểm tra thành phẩm thấy không đạt chất lượng, ông tỏ ý không hài lòng và cương quyết bỏ toàn bộ. Làm như vậy mất thêm thời gian, sẽ giao hàng không đúng hẹn, sẽ bị phạt một số tiền không nhỏ. Không một chút nao núng, ông bảo:
-Tiền mất đi còn có thể tìm lại được, chứ chữ tín mất đi là hỏng việc lớn sau này.
Thái độ làm việc nghiêm túc này khiến Sở Hỏa xa Đông Dương hài lòng với sản phẩm được cung cấp. Tiếng lành đồn xa. Sự tín nhiệm này chính là “chìa khóa” để sau này ông tiếp tục mở thêm những cánh cửa khác trong kinh doanh.
Sau nhiều năm ròng rã lao động, kể từ ngày 13.9.1898 lễ khởi công đặt viên đá đầu tiên thì đến ngày 28.2.1902 cầu Paul Doumer được khánh thành. Ngày ấy thiên hạ khắp nơi đổ về xem cầu như đi trẩy hội, vua Thành Thái cũng ra dự. Khi tận mắt nhìn chiếc tàu lửa hùng dũng kéo còi rền rĩ băng qua sông Hồng, đã có kẻ sĩ cao hứng làm bài thơ vịnh... đầu toa xe lửa - nhằm kín đáo ám chỉ những thân phận, những kiếp người nô lệ một cách đau xót, chua chát:
To đầu mà chạy thật là mau,
Chỗ gọi rằng xe, chỗ gọi tàu.
Đi khắp tỉnh này qua tỉnh nọ,
Nối liền toa trước với toa sau.
Nước sôi than nóng không nài khổ,
Lối vạy đường cong đã thuộc làu.
Lui tới đều quyền tài xế cả,
Bảo gì làm nấy, biết gì đâu!
Còn Bạch Thái Bưởi, sau khi nắm trong tay số vốn đã tích lũy được, ông không để đồng tiền ngủ yên trong két sắt. Tiền phải đẻ ra tiền. Đó là nguyên tắc mà ông luôn tự nhắc nhở mình. Ông rất tâm đắc với câu nói của ông bà từng dạy, phải đem tiền ra ra kinh doanh, vì “tiền trong nhà tiền chửa, tiền ra khỏi cửa tiền đẻ”. Suy nghĩ này càng được củng cố do trước đây lúc sang Pháp, tham quan các nhà máy của chủ tư bản, ông cũng tìm hiểu, thu thập được kinh nghiệm đầu tư và sử sụng đồng vốn như thế nào hiệu quả nhất.
Từ đây, ông bắt đầu bước vào một lãnh vực kinh doanh khác.
< Lùi |
---|