4.DÁM TIẾP THU TÂN THƯ
“Văn hóa một khi đã vào sâu đại chúng cũng tác động như một sức mạnh vật chất”. Trường hợp của Bạch Thái Bưởi và nhiều nhà tư sản dân tộc Việt Nam đầu thế kỷ XX rất ý thức sâu sắc điều này, bởi bản thân của họ cũng trưởng thành từ căn bản của một nền văn hóa mới. Đó là sự ảnh hưởng của Tân thư do các nhà nho cấp tiến truyền vào Việt Nam trong thời điểm này.
Tân thư - tên gọi chung các sách báo xuất hiện ở Nhật, Trung Quốc và Việt Nam từ những thập kỷ cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX, có nội dung giới thiệu các tư tưởng mới của Âu Mỹ được phổ biến trong nước. Khi ta gọi Tân thư là nhằm phân biệt các sách báo cũ (Cổ thư) có nội dung văn hóa - giáo dục truyền thống. Bấy giờ, trào lưu tư tưởng mới của các nước châu Âu đã thâm nhập vào Nhật Bản - nhất là dưới thời Minh Trị Thiên Hoàng (1868) và Trung Quốc - đứng đầu là các nhà tư tưởng Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, Tôn Trung Sơn v.v…- từ đó nó dội vào Việt Nam thông qua con đường sách báo mà các nhà nho gọi là Tân thư. Trước cái họa mất nước vì hệ tư tưởng phong kiến trong nước đã lỗi thời, vì khoa học kỹ thuật tiến bộ của các thế lực xâm lược phương Tây, các sĩ phu yêu nước của ta nhanh chóng tiếp thu Tân thư nhằm trang bị tư tưởng mới để cứu nước. Từ đây, những tư tưởng mới của triết học Ánh sáng - thế kỷ XVIII của nước Pháp- với Lư Thoa (J.J. Rousseau), Mạnh Đức Thư Cưu (Montesquieu)… và các tư tưởng của các nhà triết học Âu - Mỹ dần dần được các nhà nho tiếp thu - dĩ nhiên là qua bản chữ Hán. Tân thư được du nhập vào nước ta bằng nhiều con đường. Chẳng hạn, do người Việt Nam đi nước ngoài đem về - như trường hợp Nguyễn Trường Tộ; hoặc qua đường buôn của những Hoa kiều tại Hải Phòng, Sài Gòn, Đà Nẵng…
Là nhân chứng của một thời điểm đầy biến động, về sau chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng có cho biết: “Địa ngục mấy tầng, ngọn triều Âu tràn vô ở bốn mặt, đồng nội mịt mù, đêm dài dằng dặc, bỗng đâu gà hàng xóm gáy lên một tiếng, giấc mộng quần chúng thoạt tỉnh dậy: sau cuộc Trung-Nhật chiến tranh (1894), Canh Tý liên binh (1900), người Trung Hoa đã dịch các học thuyết Đông Tây; sách báo của các danh nhân như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu; tạp chí của phái cách mạng Tôn Dật Tiên lần lần lọt vào nước ta. Trong học giới có bạn đã sẵn tư tưởng quốc gia cùng lòng đau đớn với giống nòi, được đọc loại sách báo nói trên, như trong buồng tối, bỗng chợt thấy tia ánh sáng lọt vào, những học thuyết mới “cạnh tranh sinh tồn”, “nhân quyền tự do” gần chiếm cả cái chủ đích môn học khoa cử ngày trước, mà một tiếng sét nổ đùng, có sức kích thích mạnh nhất, thấm vào tâm người Việt Nam ta là trận chiến tranh 1904 Nhật Bản thắng Nga”.
Một trong những thay đổi ghê gớm nhất, mà các nhà nho sau khi tiếp thu Tân thư đã tác động tích cực đến quốc dân là thay đổi quan niệm về nghề buôn! Trong giáo trình “Quốc dân độc bản” của trường Đông Kinh nghĩa thục đã mạnh dạn phê phán: “Phàm những kẻ biết đôi chút từ chương là đã vênh vang tự cho mình là sĩ, không thèm đứng với cùng hàng với nông, công, thương, họ cho là hèn hạ, gọi là dân buôn, dân thợ, dân cúng, ngu dốt, thậm chí có kẻ không thèm nói đến vải vóc, thóc gạo nữa!”
Do quan niệm phải tiến thân bằng con đường “độc thư” với khoa cử nên trước đây kẻ sĩ nước ta không đánh giá cao việc doanh thương, dẫu vẫn biết “phi thương bất phú”. Trong mắt họ, “dẫu ai ruộng sâu trâu nái, đụn lúa kho tiền, cũng bất quá thủ tài chi lỗ”, chỉ là “thằng mọi giữ của” mà thôi (Hàn nho phong vị phú - Nguyễn Công Trứ)! Nhà nho đậu đến Hoàng giáp là Trần Danh Án trong thư gửi cho con có khuyên: “Người ta nuôi được thân thể, nuôi được vợ con không đến nỗi đói rét khổ sở là phải có phương pháp: đọc sách, thi đỗ, yên hưởng lộc trời là bậc nhất; cày cấy mà ăn, cần kiệm để lập cơ nghiệp là bậc thú hai; làm thầy thuốc, thầy cúng, nghề thợ, nghề buôn, được người ta nuôi mình là bậc thứ ba”.
Rõ ràng, trong mắt họ thì nghề buôn được xếp vào hạng thấp nhất!
Nghề buôn không đáng trọng. “Nhất nông, vi bản” hoặc “trọng nông, ức thương” vẫn là quan niệm bất di bất dịch. Thậm chí, cơ cấu xã hội vẫn còn duy trì sự sắp xếp thứ tự “sĩ, nông, công, thương”. Quan niệm này đã tồn tại trong cấu trúc xã hội, trong tư duy của quốc dân hàng ngàn năm, chính vì thế trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nước nhà có rất nhiều Kẻ sĩ dẫu có giỏi về nhiều mặt nhưng... không giỏi về kinh doanh!
Một khi đã nhận thức quan niệm cũ kỹ trên là một trong những lực cản trở bước tiến của xã hội, các nhà nho cấp tiến, các nhà Tây học đã khởi xướng phong trào Duy tân rầm rộ từ Nam chí Bắc. Các chiến sĩ tiên phong của phong trào đã phát động đổi mới triệt về mọi mặt. Không chỉ “hóa dân” (mở mang dân trí), chung sức làm cho “cường quốc” (làm cho nước mạnh) mà còn kêu gọi “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, khuyến khích mọi người bước vào công thương nghiệp, dũng cảm kinh doanh, đầu tư cho sản xuất để cạnh tranh với ngoại bang v.v...
Sự đổi mới từ quan niệm trong cách suy nghĩ đến thực tiễn của công cuộc kinh doanh đã diễn ra, có thể ghi nhận là một cuộc cách mạng vĩ đại đầu thế kỷ XX ở nước ta.
Khi đánh thức tinh thần quốc dân về lợi ích của việc buôn bán nói chung, các nhà nho Phan Châu Trinh, Lương Văn Can, Ngô Đức Kế, Nguyễn Thượng Hiền, Phan Thúc Duyện, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Cao Vân, Lê Bá Trinh, Trương Gia Mô, Hồ Tá Bang, Nguyễn Trọng Lợi... đã đặt nền móng trước nhất. Để làm gương cho quốc dân, các cụ vứt bỏ các học vị tiến sĩ, phó bảng... thậm chí từ quan để mở trường dạy học theo lối mới, nghĩa là dạy học trò ý thức phải chăm học để sau này làm những việc ích nước lợi dân, chứ không phải để đạt đến mục tiêu cuối cùng của đời người là ra làm quan; các cụ còn mở cửa hàng buôn bán (thương cuộc), lập công ty (hợp thương) v.v...
Rầm rộ từ Nam chí Bắc, các cụ đã đồng loạt “gióng trống Duy tân, giương cờ Thực nghiệp”. Chẳng hạn tại Nghệ An, cụ Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn lập Triêu Dương thương quán... Ngoài Bắc, cụ Đỗ Chân Thiết, Phương Sơn buôn gạo từ Thái Bình, Hải Dương về Hà Nội, mở hiệu buôn Đồng Lợi Tế (nghĩa là hội họp nhau cùng sinh lợi) tại phố Mã Mây chuyên bán đồ nội hóa; cụ Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Quyền mở công ty Đông Thành Xương (thành Đông thịnh vượng) bán hàng tạp hóa ở phố Hàng Gai; cụ Tùng Hương lên Phúc Yên mở hiệu buôn Phúc Lợi Tế; cụ Nguyễn Trác mở hiệu buôn Sơn Thọ ở Việt Trì v.v... Trong Nam, cụ Nguyễn An Khương mở khách sạn Chiêu Nam lầu ở Sài Gòn; cụ Trần Chánh Chiếu lập Minh Tân khách sạn ở Mỹ Tho, lập Nam kỳ Minh tân Công nghệ theo phương thức cổ đông v.v...
Dù vậy, nhưng cốt cách của người từng dùi mài kinh sử ở cửa Khổng sân Trình vẫn là một trở ngại. Chẳng hạn, nhà nho Đỗ Chân Thiết và Phương Sơn mướn thuyền về Hải Dương, Thái Bình mua gạo chở lên Hà Nội bán. Dù đi buôn nhưng hai cụ vẫn giữ vẻ quan cách đĩnh đạc, vẫn áo xuyến, khăn lượt chỉnh tề, thỉnh thoảng còn ngâm nga đôi câu thơ vịnh “trăng, hoa, tuyết, nguyệt”! Thuyền đậu ở bến Cột Đồng Hồ (Hà Nội), có mấy o xinh đẹp xuống hỏi mua. Nhưng khi nhìn thấy trong khoang thuyền nào là tráp khảm, sách vở mấy pho, treo vài câu đối đỏ với nét chữ phượng múa rồng bay nên tưởng các nhà nho đùa, mấy o liền ù té chạy. Hai cụ gọi hết hơi nhưng cũng chẳng ai tin!
So với các nhà nho, sự tiếp thu và vận dụng Tân thư của Bạch Thái Bưởi có phần thuận lợi hơn, vì ông là người Tây học, người từng có nhiều kinh nghiệm đã tích lũy trên thương trường, đã từng cọ xát làm ăn, buôn bán trong thực tế... Nhờ những yếu tố này, năm tháng đã chứng minh Bạch Thái Bưởi đã trở thành một mẫu doanh nhân điển hình nhất thời bấy giờ.
Điển hình nhất, vì từ đây ông đã suy nghĩ về sự học, sự làm giàu dưới một góc độ khác hẳn. Học, không phải để thi đậu ra làm quan mà nhằm mở mang tri thức, có tri thức thì mới cứu được nước; làm giàu không phải chỉ bo bo cho riêng mình mà phải vì lợi ích lâu dài của cộng đồng...
Ít ai biết rằng, dù đã nay trong tay hàng chục vạn bạc, đang tất bật với công việc ở hiệu cầm đồ tại Nam Định, nhưng Bạch Thái Bưởi vẫn quan tâm thời cuộc, ông không đứng ngoài hoạt động:
Trường Nghĩa thục đứng đầu dạy dỗ
Khắp ba mươi sáu phố Hà Thành
Gái trai nô nước học hành
Gái trai mấy lớp, học sinh mấy ngàn
Buổi diễn thuyết người đông như hội
Kỳ bình văn khách đến như mưa
Trường này được thành lập phải kể đến công rất lớn của cụ Phan Châu Trinh. Sau khi từ Bình Thuận trở về, năm 1906, cụ Phan ra Bắc liên hệ với những bậc trí thức yêu nước như các cụ Lương Văn Can, Đào Nguyên Phổ, Võ Hoành, Lê Đại, Nguyễn Quyền, Ngô Đức Kế, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Bá Học, Đào Nguyên Phổ, Dương Bá Trạc, Hoàng Tăng Bí … để bàn bạc thực hiện những mục tiêu của phong trào Duy tân đã khởi xướng trước đó tại Quảng Nam. Những bài giảng, những buổi thuyết trình, bình văn tại trường đã tạo ra một ảnh hưởng ghê gớm trong công chúng - trong số đó có Bạch Thái Bưởi. Sau này, ta thấy không phải ngẫu nhiên mà hầu hết các hoạt động kinh doanh của ông không những không đi chệch khỏi mục tiêu như trường trường Đông Kinh nghĩa thục đã giáo dục mà còn áp dụng triệt để:
Mở tân giới, xoay nghề tân học
Đón tân trào, dựng cuộc tân dân
Tân thư, tân báo, tân văn...
...
Việc tân học kíp đem dựng nước
Hợp doanh hoàn của nước cùng nhau
Việc buôn ta lấy làm đầu
Mọi nghề cùng với địa cầu một vai
Thời điểm nay, so với Bắc kỳ thì suy nghĩ của người dân ở Nam kỳ về vấn đề buôn bán có phần thoáng đạt hơn. Dù vậy, tại Sài Gòn một nhà nho cấp tiến như cụ Nguyễn An Khương khi mở hiệu cơm tại số 49 đường Kinh Lấp (Boulevard) cũng phải viết bài báo “phân trần” về việc này, đơn giản vì “Thuở nay, trong bạn đồng bào ta những tay có tiền hay cho nghề bán cơm là nghề nghèo hèn cho nên không một ai mở tiệm cạnh tranh với Hoa kiều...” (Lục tỉnh tân văn số 8, ra ngày 2.1.1908). Với Bạch Thái Bưởi thì ông đến với nghề này có phần “nhẹ nhàng” hơn. Sau khi hãng cầm đồ ở Nam Định đã làm ăn phát đạt, “trong tay sẵn có đồng tiền” ông nhanh chóng về Thanh Hóa mở hiệu cơm Tây, mở đại lý rượu ở Thái Bình bất chấp lời ong tiếng ve của ai đó cho là cái nghề “nghèo hèn”!
Không những thế ông còn đứng ra kinh doanh ở nhiều lãnh vực mà chưa người mấy ai thấy được mối lợi to lớn. Nếu nhà nho Huỳnh Thúc Kháng thi đậu đến tiến sĩ còn dám đi buôn nước mắm, thì việc làm của người Tây học như Bạch Thái Bưởi cũng dũng cảm không kém. Ông đứng ra... thầu thuế chợ! Lâu nay trong quan niệm cũ, chợ búa là chốn của đàn bà chân lấm tay bùn, của những người “buôn gánh bán bưng, “buôn thúng bán mẹt”,”buôn ngược bán xuôi” “buôn đầu chợ, bán cuối chợ”, là nơi “chưa họp, kẻ cắp đã đến”... Vẻ vang gì nơi ấy! Vì suy nghĩ như thế, các nhà nho ta dù thuộc làu làu vài vạn trang kinh sử, nhưng lại lơ mơ đường đến chợ, chứ đừng nói buôn với bán nơi đó!
Với Bạch Thái Bưởi thì khác hẳn.
Ông thâu tóm nguồn lợi thuế chợ Nam Định từ năm 1906 đến 1909; tỉnh Thanh Hóa từ năm 1907 đến năm 1909; Vinh - Bến Thủy từ năm 1906 đến năm 1912. Công việc này chỉ chấm dứt sau ngày 2.8.1912. Đó là ngày Toàn quyền Đông Dương ra nghị định đánh thuế môn bài đối với các doanh nhân người Việt ở Bắc kỳ. Nghị định này đã được áp dụng trước đó ở Trung kỳ vào ngày 14.11.1901.
Do nhận thức mới về công việc kinh doanh nên Bạch Thái Bưởi nắm được thời cơ và đã đi “một bước” trước người khác. Nhờ đó, ông trở nên giàu có. Sự giàu có của ông hoàn toàn không phải do “ăn may”, mà có cơ sở từ một sự tính toán, từ tư duy của một người nắm bắt được sự thay đổi của thời cuộc. Nói cách khác, ông đã biết “ăn theo thuở, ở theo thời”, chứ không câu nệ vào các giá trị cũ đã lỗi thời.
Thiết tưởng cũng không thừa, khi ta nhắc lại một chi tiết có liên quan đến Bạch Thái Bưởi. Rằng sau khi ngưng thầu thuế chợ như ta đã biết, ông là người Việt Nam đầu tiên ở miền Bắc thừa tiền để sắm... xe hơi vào năm 1913!
Tài liệu này trên báo báo Phụ nữ Tân văn số 207 (ra ngày 6.7.1933) cho biết: “Xe hơi làm quen với vựa lúa Đông Dương trước nhứt là hiệu Clément rồi mới tới các hãng: Peugeot, Comtal, Griffon, Cottereau, Bolide, Panhard, Aleyon, Darracq, Diérich, Richard, De Dion, Berliet, Foullaren, Saving, Zidel... Như bạn đọc đã biết, kể từ năm 1907 Sài Gòn có xe hơi trước tiên. Trung kỳ có xe hơi năm 1913. Người sắm xe trước nhứt là ông Nguyễn Văn Đương ở Thanh Hóa. Bắc kỳ có xe hơi cũng vào năm 1913, mà người sắm xe trước nhứt là ông Bạch Thái Bưởi ở Hà Nội”. Chi tiết nhỏ này cho thấy Bạch Thái Bưởi lúc ấy đã là người giàu sụ. Với phương tiện hiện đại nhất thời ấy, ông đã có thể di chuyển nhanh chóng từ Nam Định - Thanh Hóa - Hải Phòng - Hà Nội... để điều hành công việc chung.
Nếu cho rằng, Bạch Thái Bưởi chỉ chăm bẳm làm giàu cho riêng mình thì chưa đúng. Việc làm giàu này thoạt đầu dù có nghĩ đến hay không, thì chính hiệu quả công việc đã đem lại lợi nhuận ngoài dự kiến của ông. Bởi, ông làm giàu không nghĩ đến cho riêng mình mà còn vì cộng đồng nữa. Đây mới chính là cách làm giàu chính đáng và lâu bền. Một bằng chứng hùng hồn là ông đã dành nhiều thời gian để suy nghĩ đến những việc không thuộc trách nhiệm của ông, bởi việc này của nhà nước, của người đang cầm quyền. Chẳng hạn, việc phải chỉnh trang lại đô thị, phải cải tạo lại bộ mặt đô thị để nó trở nên sạch đẹp hơn, văn minh hơn, hiện đại hơn!
Những việc làm này, dù xuất phát từ mối lợi của ông nhưng qua đó, sự thừa hưởng và lợi ích lâu dài vẫn thuộc về cộng đồng. Ông đã dành nhiều thời gian suy nghĩ để có hướng hướng giải quyết tích cực nhất. Chính phủ Pháp cũng bất ngờ khi ông đưa ra đề án đặt cống thoát nước bẩn, đặt máy nước công cộng, đặt đèn điện... cho tỉnh Nam Định. Ngoài ra, ông còn có lên kế hoạch xây dựng một nhà máy xay gạo ở Nam Định. Với số vốn đang nắm trong tay, ông tính toán trích ra một phần để gửi mua máy móc ở Hambourg (Đức). Tiếc sau đó, chiến tranh thế giới lần thứ nhất xẩy ra nên công việc phải bỏ dở. Nếu có được nhà máy theo phương thức hiện đại, ngoài lợi nhuận của ông tăng vọt thì bà con nông dân ta cũng được hưởng thành quả từ một sáng chế mới.
Rõ ràng, những sáng kiến này phải xuất phát từ suy nghĩ của một người luôn tha thiết với lợi ích chung của toàn xã hội. Chính điều đó đã góp phần không nhỏ để quần chúng đương thời có cái nhìn khác về doanh nhân - một cái nhìn vốn không mấy thiện cảm đã tồn tại từ hàng trăm năm trước.
Trong thâm tâm của Bạch Thái Bưởi cho đến lúc chết, ông vẫn thích nhất một bài học trong giáo trình Quốc dân độc bản do trường Đông Kinh nghĩa thục biên soạn. Đó là bài nói về sự cạnh tranh và “tin vào mệnh trời là sai”. Ông đã đọc đi đọc lại đến thuộc lòng và ghi lại nắn nót trong sổ tay:
“Ngày nay, chỉ riêng cái thuyết mệnh trời cũng đủ làm cho dân ta bị trở ngại. Mệnh là cái không đến mà lại đến. Người quân tử tri mệnh là biết không thể tránh được điều hại, không thể hưởng được điều lợi, nhưng cái đáng làm thì cứ làm. Cho nên tri mệnh là để khuyên lập chí, dẫu biết rằng người không có chí thì khi gặp việc là cầu khấn trời giúp cho, hỏng việc lại đổ cho trời làm hại! Cho nên, nước yếu thì không quy trách nhiệm cho chính sự tồi tệ, quốc dân bất tài, mà lại nói vận số không phải do con người quyết định. Lụt lội, hạn hán thì không trách cứ là không có kế hoạch tiêu nước kịp thời, không phòng ngừa đói kém, mà lại nói thiên tai không phải do người gây nên. Dịch bệnh lan tràn thì lại nói con người sống chết là do số mệnh, đề phòng cũng vô ích. Cùng làm một nghề, kẻ thành, người bại, cũng lại nói họ gặp may, ta gặp rủi. Than ôi! Sao lại có những cách nói tự hại mình đến thế? Sức người không làm được mà đổ tội cho trời, trời có nhận tội cho đâu. Thời buổi này là thời buổi đại cạnh tranh. Cạnh tranh về học thuật, cạnh tranh về công nghiệp, không mặt nào là không cạnh tranh, đâu phải chỉ cạnh tranh về đất đai, lãnh thổ mà thôi? Cạnh tranh với một nước, cạnh tranh cùng nhiều nước, cạnh tranh với người cũng là cạnh tranh với trời. “Ưu giả thắng, liệt giả bại” (mạnh được, yếu thua), lùi lại một nước là chết, không còn đất đặt chân nữa. Nguy hại thay! Người có chí, không thắng được người thì lấy làm sỉ nhục, tức cũng là không thắng được trời thì lấy làm sỉ nhục. Biết giữ vệ sinh, tuổi thọ trước kia thấp, ngày nay sẽ cao. Có kế hoạch phòng đói kém thì ngày trước lụt lội, hạn hán nhiều, ngày nay ít. Đâu phải tại trời, và không thể thắng được trời”.
Tư tưởng chủ đạo này sẽ còn được Bạch Thái Bưởi vận dụng suốt một đời. Để rồi ngày ông về chín suối, người ta bất ngờ khi biết chỉ vài giây trước đó ông đang đọc lại đoạn văn này.
Đó là một trong những bài học đầu tiên dạy ông về ý thức kinh doanh và yêu nước một cách tự giác, bỏ qua giai đoạn tự phát ban đầu.
< Lùi |
---|