Hôm qua, ngày 22.12, không hề có một cuộc điện thoại, tin nhắn nào như mọi năm. Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Dù gì, y cũng cựu chiến binh nhưng rồi chính y cũng quên béng. Đến nay, vẫn còn nhớ đến 1 trong những lời thề quân nhân: “Không lấy cây kim, sợi chỉ của nhân dân”. Chỉ còn nhớ đến đó, sau dằng dặc tròn 30 năm rời khỏi quân ngũ.
Sáng nay, đến Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM dự hội thảo Cao Xuân với Ngôn ngữ học Việt Nam do Hội Ngôn ngữ học TP.HCM tổ chức. Thông tin này, hoàn toàn không xuất hiện trên báo chí. Do nhà báo không quan tâm chăng? Do biết nhưng không đưa tin vì cứ nghĩ chẳng mấy ai quan tâm chăng? Đôi lúc, chẳng rõ thiên hạ đang quan tâm đến những gì? Thì cứ nhìn từ báo chí chính thống đến các trang mạng xã hội, có thể đo lường, kiểm chứng sự quan tâm của đám đông trong mỗi thời điểm khác nhau. Tốt thôi. Còn quan tâm, phản biện, đả kích, nâng bi, tán thành vấn đề gì đó đã là tốt, vẫn còn hơn sự dửng dưng, vô cảm.
Tuy nhiên sự kiện liên quan đến nhà ngôn ngữ học tài ba thuộc hạng cự phách mà ít ai biết đến, kể ra cũng lấy làm buồn. Buồn mà chi. Chỉ khi nào trong một xã hội mà sự ổn định và phát triển là gam màu chủ đạo, bấy giờ con người ta mới quan tâm đến học thuật, văn hóa, những giá trị lâu bền bằng không vẫn là những vấn đề thời sự sát sườn có tác động đến cơm áo gạo tiển mỗi ngày.
Trong tham luận Nhớ Cao Xuân Hạo và vững tin, nhà nghiên cứu An Chi cho biết, lúc ông Hạo bát tuần, ông đã có phác thảo trong đầu câu đối mừng. Nhưng rồi 7 năm sau, ông mới gửi tặng: “Ngữ học siêu quần - Văn khoa bạt tụy”. Điều đáng chú ý, trong tham luận này, về vấn đề từ láy, ông An Chi cho rằng: “Cái gọi là từ láy sở dĩ bị thấy thành láy thì chỉ là do cái cảm thức về mặt đồng đại của người sử dụng tiếng Việt, kể cả các nhà Việt ngữ học chứ tiếng Việt không bao giờ có kiểu tạo từ bằng phương thức “láy”.
Và ông dẫn chứng: “Tôi thấy trong bủn rủn, chẳng hạn thì cả bủn lẫn rủn đều là những thành tố có nghĩa hoặc vốn có nghĩa. Nếu không có nghĩa thì rủn không thể có mặt trong từ rủn chí, còn bủn thì hiện vẫn thông dụng trong phương ngữ Nam Bộ với nghĩa “mủn, mềm nhão; ươn, không còn tươi”. Trong bứt rứt thì bứt lẫn rứt đều hiển nhiên là những thành tố có nghĩa. Trong bời rời thì rời hiển nhiên là một từ độc lập có thể hành chức một cách tự do, còn bời không chỉ hiện diện trong bời rời, mà còn có mặt trong tơi bời. Khi một tiếng (âm tiết) có mặt trong hai cấu trúc khác nhau với cùng một nội dung ngữ nghĩa thì đó phải là (hoặc vốn là) một từ”.
Từ quan niệm này, ông An Chi đã tập trung khảo sát, phân tích và đưa ra một kết luận quan trọng: “Người sử dụng ngôn ngữ chỉ cần biết nghĩa của bịn rịn, bối rối, bời rời, mấp máy, nhấp nháy v.v… mà không cần biết bịn, bối, bời v.v… có nghĩa gì. Với anh ta thì trong những cặp đôi đó, hiện tượng láy là điều hiển nhiên nhưng mọi sự đều phải dừng lại đây, chứ nếu dựa vào đó mà khẳng định rằng “láy” là một phương thức tạo từ của tiếng Việt thì hoàn toàn sai. Chính từ quan niệm như thế nên tôi thấy muốn phủ nhận hiện tượng được phương thức “láy” như một biện pháp tạo từ thì phải làm từ nguyên, mà trọng yếu là từ nguyên của những từ Việt gốc Hán. Từ nguyên sẽ giúp ta giải mã cái bí ẩn lấp ló, thấp thoáng đàng sau hiện tượng “láy”. Nó sẽ giúp cho ta cảm thấy sảng khoái và thở phào nhẹ nhõm mỗi khi ta tìm ra được cái nghĩa đích thực của từng từ cổ hoặc hiện hành, bị gán cho cái nhãn “yếu tố láy”.
Sở dĩ ông An Chi lấy nhan đề tham luận Nhớ Cao Xuân Hạo và vững tin, vì rằng, ông cho biết “mừng như cá gặp nước” khi đọc bài Về cương vị ngôn ngữ học của tiếng của Cao Xuân Hạo công bố trên tạp chí Ngôn ngữ số 2.1985. Ông Hạo viết: “Không bao giờ chúng ta có thể dám chắc từ thứ hai của tổ hợp nào đó không có nghĩa thực trước khi tra hết bộ Từ Hải và tìm hiểu vốn từ của tất cả các thứ tiếng Việt - Mường, và rộng ra là các tiếng Môn - Khmer nói chung qua từng giai đoạn của chục ngàn năm diễn tiến”.
Chẳng phải ăn theo nói leo, té nước theo mưa, phải nói thật rằng, trước đây, khi mày mò tìm hiểu về tiếng Việt, y đã nghĩ ra điều đó một cách cảm tính. Trong bài báo Lập thân hèn nhất ấy văn chương, có đoạn: “Y nghĩ, gọi “tiếng đệm/ tiếng đôi” gì đi nữa, chắc chắn cả 2 từ đó đều có nghĩa, cùng nghĩa, dần dà về sau, do cách nói gọn, người ta bỏ đi 1 cho gọn nên thế hệ sau, nhiều thế hệ sau cứ ngỡ là từ đó vô nghĩa. Nói thì nghe hay lắm, thử nêu vài thí dụ đi. Xin vâng, chẳng tìm đâu xa, cứ lật Từ điển Việt-Bồ-La (1651) ắt rõ, chẳng hạn, mắng mỏ, mắng thì dễ hiểu rồi, mỏ là nổi giận.; sợ sệt thì sệt là sự kinh khiếp; yêu dấu thì dấu là mơn trớn, vuốt ve, gớm ghiếc thì ghiếc là buồn nôn cùng nghĩa với gớm ghỉnh v.v… Rõ ràng cả hai từ cùng một nghĩa đấy thôi. Rồi nữa nóng sốt. Sốt là gì? Cũng là nóng, há chẳng từng nghe đến “câu sốt câu nguội” là chỉ sự trò chuyện hàn ôn/hàn huyên rét ấm? (Ngày đi trên chữ - NXB Hội Nhà văn - 2017, tr.97).
Khác với các bậc thầy như Cao Xuân Hạo, An Chi đã chứng minh rành mạch, thuyết phục, cậu học trò là y chỉ “phát hiện” bằng sự cảm tính mà thôi. Đọc/ nghe một tham luận mà cảm thấy vỡ vạc ra nhiều điều, sáng nay với y, chính là bài viết của An Chi.
Về ông Cao Xuân Hạo, còn nhớ chừng hai mươi năm trước, cô bạn người Nga Irina có kể mẩu chuyện nhỏ, đại khái trong khoảng thời gian đó, vì lý do riêng, cô không muốn nghe bất kỳ cuộc điện thoại nào của người Việt. Hễ các cuộc điện thoại nào gọi đến, qua các phát âm của họ, người nhà đều nhận biết người Việt hay người Nga mà cho gặp hay không. Ngày nọ, có cuộc điện thoại, người nhà gọi cô ra nghe, vì chắc mẫm người vừa gọi đó là người Nga chính hiệu. Nào ngờ, chính là ông Cao Xuân Hạo. Chi tiết này cho thấy, ông Hạo phát âm rất chuẩn tiếng Nga. Nghe nói, khi dịch tác phẩm văn học nước ngoài ra tiếng Việt, trong cùng một lúc ông dịch 2, 3 ngoại ngữ là sự thường tình. Cách dịch của ông là đọc từ nguyên bản, dịch đến đoạn nào, tiếng nước nào thì ông nói to lên cho thư ký ghi lại. Quá siêu.
Những ngày này, trời Sài Gòn trở rét. Lạnh nhiều hơn mọi năm. Mỗi sáng, ra khỏi nhà đã phải mặc thêm áo ấm. Vào dịp cuối năm, con người ta thường nghĩ về 365 ngày vèo vèo trôi qua đã làm được những gì? Y làm được những gì? Ngoài tái bản Chuyện tình các danh nhân Vệt Nam (2 tập) là 7 quyển sách mới: Trong tàn phai có nụ hồng thơm lên, Tình ta đang nhảy Rock, Ngày sống đời thơ, Lắt léo tiếng Việt, Yêu một người là nuôi dưỡng đức tin, Ngày đi trên chữ, Thật tuyệt, tình ta thôi trúc trắc. Kể ra cũng là một bút lực ghê gớm của một người kiếm sống bằng các con chữ. Tìm niềm vui lẫn giết thời gian từ các con chữ.
Do mê, thích các con chữ tiếng Việt nên thỉnh thoảng lưu tâm tư/ cụm từ vừa mới được sử dụng. Gần đây nhất, tạo nên sự bỡn cợt, tranh cãi nhiều nhất vẫn là cụm từ “Nâng đỡ không trong sáng”. Trang web của Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 17.12.2017, có post bài Vụ bổ nhiệm “thần tốc” bà Quỳnh Anh: Hiểu thế nào là “nâng đỡ không trong sáng”? Ta hãy đọc: “Người thì bảo “là trong bóng tối”, người khác lại bảo “là tranh tối tranh sáng", "là nhá nhem"... Có người nêu nội dung: Vậy "nâng đỡ trong sáng" thì sao, có được không, có sai không? "Nâng đỡ" là khái niệm chỉ sự tác động ngoại lực vào một vật để dịch chuyển vật này lên vị trí cao hơn, và vẫn phải tiếp tục tác động ngoại lực để vật này không rơi xuống, nghiêng, đổ.
Theo nghĩa trên, trong công tác cán bộ nếu phải "nâng đỡ" mới có được cán bộ thì chúng ta sẽ tạo ra những cán bộ "dặt dẹo", không có năng lực để thực thi công vụ; mà phải giả dối, phải "chém gió", phải kiễng lên cho đúng tầm vị trí được nâng đỡ. Hậu quả là những "cán bộ cà kiễng" này sẽ làm cho bộ máy quản lý nhà nước kém hiệu quả, mất uy tín. Một hậu quả khác, cũng tất yếu theo quy luật nhân - quả, nhưng chỉ người "trong cuộc" mới thấm thía. Đó là "đứng kiễng chân thì không đứng được lâu".
"Đứng kiễng chân", như các cụ dạy, là khổ lắm, chẳng sướng đâu. Lúc nào cũng phải tính toán giấu dốt, diễn kịch, làm trò và lo lắng. Lo lắng đủ kiểu. Mà cái lo nhất là lo mất đi sự "nâng đỡ". Bởi để có thể "nâng đỡ" ai đó thì người "nâng đỡ" phải có quyền, có tiền. Nhưng quyền lực đến lúc nào đấy cũng mất đi, yếu đi, thường là tồn tại theo nhiệm kỳ; tiền cũng vậy, và không phải mọi trường hợp đồng tiền đều phát huy được sức mạnh vật chất của nó.
Vậy nên, khi sự "nâng đỡ" mất đi, các "cán bộ kiễng chân" thực sự lo sợ, lo không tìm được thế lực mới để "tầm gửi" thì "ngã ngựa" là kết cục. Vừa rồi hàng loạt cán bộ bị kỷ luật, cách tuột các chức vụ, thậm chí dính vòng lao lý, đã chứng minh điều đó. Tóm lại, "nâng đỡ" cho ai đó có chức, có quyền là hành vi sai trái đối với nhân dân và cả với người được "nâng đỡ". "Nâng đỡ" dù với tình cảm vô tư, không vụ lợi, thậm chí như vì con cái mà "hy sinh đời bố, củng cố đời con" thì suy cho cùng cũng không thể gọi là trong sáng được”.
Với họa sĩ LAP của báo Tuổi Trẻ Cười, anh vẽ tranh biếm liên hoàn - 1: “Nâng đỡ trong tối” là người đàn ông từ phía sau chui tọt vào váy cô gái đó; 2: “Nâng đỡ trong sáng” là người đàn ông đó cồng kênh cô gái đó ngồi trên vai và được cô xoa đầu; 3: “Nâng đỡ không trong sáng” là người đàn ông đó khom lưng cúi xuống, dưới chân có mấy cái vỏ ốc, trên vai lại cồng kênhngười đàn ông khác ôm chặt và thọc tay vào ngực cô gái đó. Bức tranh của LAP có nhiều comment, phổ biến nhất vẫn là “kẻ ăn ốc người đổ vỏ”. Thế thì, cái nghĩa của “Nâng đỡ không trong sáng” là ở đó, chứ còn gì nữa.
Tạm ghi lại một vài sự kiện trong năm qua theo bình chọn của các trang mạng xã hội. Đại khái, chỉ lướt qua nhanh, chẳng hạn, Nhân dân của năm: Đồng Tâm; Người đi mây về gió của năm: Trịnh Xuân Thanh; Tiền lẻ của năm: BOT Cai Lậy; Nghề buôn phát đạt của năm: Buôn chổi đót xây biệt phủ; Phát minh của năm: Cải cách tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền; Cụm từ mới của năm: Nâng đỡ không trong sáng; Ca khúc của năm: Con đường xưa em đi; Hàng hóa đình đám của năm: Khaisilk; Câu nói của năm: Đám quần chúng không hiểu gì nhảy vào ném đá v.v…
Còn gì nữa không? Tất nhiên là còn. Tiện tay chép lại một đoạn ngắn trong bài báo Phụ huynh hốt hoảng vì không thể giải nổi đề lớp 2: “Một lần cô con gái lớp 2 mang về bài toán “có tất cả bao nhiêu số có 2 chữ số mà hiệu của hai chữ số đó bằng 6?”. Chị nói mình đã giảng hoài nhưng con vẫn không thể tự làm nên chép luôn cho con kết quả là 4 số (71, 82, 93, 60). Hôm sau đi học về, vừa bỏ cặp xuống bàn cô con gái la lớn “mẹ giảng cho con bài ấy sai rồi nhé. Cô con nói có 7 số kia (17, 71, 28, 82, 39, 93 và 60). Nói rồi con thắc mắc “sao số 17, số 28, số 39 lại đúng hả mẹ, số nhỏ đứng trước có trừ được cho số lớn đâu?”. Lúc này, chị mới hiểu ý của đề mà lúc trước chị cũng nhầm lẫn như thắc mắc của con nhưng để giảng cho một đứa bé 7 tuổi hiểu được vấn đề cũng chẳng hề đơn giản tí nào (nguồn: Trang điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 17.12.2017).
Bài toán của học trò lớp 2 đấy.
“Con cái chúng ta giỏi thật”, đâu phải mỗi nhà văn Azit Nezin thốt lên câu này.
L.M.Q
< Lùi | Tiếp theo > |
---|