THÔNG TIN CÁ NHÂN Tiêu điểm Lê Minh Quốc ĐOÀN TUẤN: Sách mới MỘT TRĂM NGÀY TRƯỚC TUỔI HAI MƯƠI

ĐOÀN TUẤN: Sách mới MỘT TRĂM NGÀY TRƯỚC TUỔI HAI MƯƠI

 

100-ngay-1-DTanh-nay-1

 

100-ngay-DT-2-anh-nay-2

 

1oo-nag-DT-anh-nay-3 

Vui như sách mới của mình
Sách của bạn nặng ân tình của nhau
Một thời tuổi trẻ lướt mau
Vẹn nguyên từng chữ trước sau vẫn bền
L.M.Q
(27.3.2019)

leminhquopcva-doan-tuans-anh-nayĐoàn Tuấn & Lê Minh Quốc (1.2019 tại SG)

"Một trăm ngày trước tuổi hai mươi"

authorThiên Việt Thứ Ba, ngày 04/06/2019 18:42 PM (GMT+7)

(Dân Việt) Sau “Mùa chinh chiến ấy”, nhà văn – nhà biên kịch Đoàn Tuấn tiếp tục cho ra tác phẩm mới “Một trăm ngày trước tuổi hai mươi”.

“Một trăm ngày trước tuổi hai mươi” có một chủ đề được tác giả thể hiện khá độc đáo. Chiến tranh không phải ở chiến trường, quân y viện… mà hiện ra ở những ngày huấn luyện tân binh. Chiến tranh ở rất gần họ, những chàng trai mới từ nhà trường đi ra, bộ quân phục còn mới tinh… Chúng tôi có dịp trao đổi với tác giả Đoàn Tuấn về tác phẩm mới này của ông.

Kỷ niệm về những ngày đầu trong quân ngũ sau 40 năm hiện trở lại rực rỡ, sáng chói, và nhân ái đến nao lòng. Chuyện vui, chuyện buồn, chuyện tốt, chuyện xấu qua lăng kính thời gian, qua bút pháp trung thực hiện lên một thời đại gian khổ nhưng thủy chung tuyệt đẹp. Mỗi người lính trẻ tuổi 20 là một thế giới kỳ diệu lung linh. Để lại tuổi học trò áo trắng, họ đi ra trận lần đầu, lòng thanh thản. Vì sao ông chọn viết về đề tài độc đáo này?

- Tại sao tôi chọn đề tài này? Một câu hỏi rất hay. Bởi phần lớn những người viết đều kể chuyện lính tráng ở chiến trường hoặc trở về hậu phương thế nào. Hầu như không ai viết về thời kỳ huấn luyện của họ. Dù thời kỳ này chỉ kéo dài khoảng 3 tháng. Vì sao? Nó không có gì đặc biệt chăng?

 alt

Tôi không nghĩ thế. Đó là bước đệm cực quan trọng đối với người lính trước khi vào chiến trường. Bởi họ, trước đó, đều là những người dân. Bỗng sau một ngày, trở thành người lính. Họ mang dấu vết của học sinh, sinh viên, công nhân, nông dân, thanh niên đường phố, thậm chí cả những thành phần bất hảo... Tất cả cùng tập trung trong một đội ngũ. Rất nhiều người mang tâm trạng khác nhau, thân phận cũng khác nhau. Bao nhiêu thành phần, bao nhiêu tính cách cùng va đập với nhau như vậy, lại chẳng có gì thú vị sao?

Hơn nữa, những lính mới tò te này lại không có doanh trại. Họ đóng quân tại nhà dân - một nét rất đặc trưng của bộ đội Việt Nam. Vì thế, càng có nhiều chuyện. Cái xấu và cái tốt. Sự trẻ thơ và già dặn, mới và cũ trong tâm hồn người lính trẻ. Các tính cách vừa dồn tụ, lại vừa bùng nổ trước áp lực của thời gian - một cuộc chiến đang đến gần. Và họ cách cuộc chiến một khoảng cách rất ngắn. Chỉ sau một đêm chuyển quân là có thể nhìn thấy cái chết. Một cuộc chiến mà họ không kịp chuẩn bị. Nếu suy ngẫm kỹ, cái khoảng thời gian ''nửa dân nửa lính '' đó là một trạng thái tâm lý rất dùng dằng, rất văn học, rất con người. Khám phá về họ trong những ngày đầu nhập ngũ là một hạnh phúc của tôi.

Đất Mường, rừng núi Mường, bà con Mường và những người con gái Mường nơi đơn vị đóng quân trước ngày ra trận hiện lên thật tuyệt vời. Uy nghi, trầm tĩnh và thấm đẫm tình người. Những anh Rét, bà mế, chị Châm... rất sống động. Xin cảm ơn ông vì đã cho độc giả được biết đến  vẻ đẹp Mường độc đáo đến như vậy. Sau chiến tranh, những người lính có hay về thăm nơi đóng quân tại Hòa Bình?

- Thực ra, mỗi vùng đất, mỗi dân tộc đều chứa đựng những bí ẩn rất hấp dẫn. Chúng tôi có may mắn được sống với người Mường ở Hòa Bình khoảng 100 ngày. Đất Mường, người Mường đã trở thành kỷ niệm đẹp của chúng tôi. Đó thực sự là ''mối tình đầu'' của người lính.

Nhưng ''mối tình đầu" này rất khác với những mối tình đầu của tình yêu trai gái. Nó sâu nặng vì càng ngày mình càng cảm thấy nên biết ơn những nơi, những người đầu tiên giang rộng vòng tay đón mình ở nơi xa lạ. Nó càng ngày càng đẹp vì đó là một tình yêu vô tư, sáng trong, không hề nhuốm màu vật chất. Và nó ngày càng xa. Như một dãy núi. Như một phần tỉnh lẻ trong ký ức.

Những ngôi nhà Mường chúng tôi ở ngày ấy đều rất nghèo. Nhưng họ sống rất đàng hoàng. Tôi đã viết những trang đầy cảm xúc về đất Mường, núi Mường, cỏ cây và con người Mường trong ''Một trăm ngày trước tuổi hai mươi''. Họ như những hiệp sỹ. Không đòi hỏi chúng tôi điều gì. Họ chỉ có trách nhiệm và nghĩa vụ chăm sóc chúng tôi trước ngày ra trận. Đó là mối tình đầu của chúng tôi, của những con người biết hiến dâng tuổi xuân của mình cho Tổ quốc khi đất nước nguy nan.

Những người lính năm xưa, ngày hôm nay có gặp nhau? Có giúp đỡ nhau để vượt qua khó khăn trong thử thách của cuộc sống hiện tại?

- Sau quân ngũ trở về, đúng lúc đất nước ở trong tình trạng vô cùng khó khăn, bạn bè tan tác vì bận mưu sinh, đồng đội không có thời gian và điều kiện họp mặt. Mãi hơn 20 năm sau, những người lính đồng ngũ chúng tôi mới có cơ hội gặp gỡ.

Ngày ấy, 2.500 người lính chia hai ngả, lên phía Bắc và về Tây Nam. Ngày về, kể cả người còn nguyên vẹn chân tay và thương binh, không đầy hai phần ba. Nghĩa là hơn 1.500 người đã hóa thành đất đai biên giới, đã hóa thành đất bên ngoài Tổ quốc.

Hai đại đội nữ, trừ một số hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, đa số trở về. Nhiều người có chồng con đàng hoàng. Ít ai quá lứa nhỡ thì. Sau khi ổn định đời sống gia đình, chúng tôi vẫn gặp nhau. Tình đồng đội ngày càng thắm thiết. Những anh có vợ mất sớm, những cô có chồng không may yểu mệnh, kết đôi rất vui. Chúng tôi vẫn thường thuê xe buýt về Hà Nam thăm các em. Sau đó cả bọn lại hành quân sang Hòa Bình. Trên xe, chúng tôi vừa vỗ tay vừa hát đồng ca: “Hòa Bình ơi! Chờ trông nhau như con chờ mẹ! Chờ trông nhau như lúa mùa hè/ Chờ trông nhau nắng đẹp tình quê…”.

Lần trước chúng tôi đến Hòa Bình để đi vào chiến tranh. Bây giờ chúng tôi về Hòa Bình để tìm lại thời tuổi trẻ lêu têu… Chúng tôi thỉnh thoảng về Hòa Bình, thăm nơi đóng quân cũ. Thấy những hộ dân còn nghèo, chúng tôi hỗ trợ cho nhà mua cái xe máy, nhà thì nuôi đàn dê, nhà có cái tivi…

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!

(nguồn: http://danviet.vn/van-hoa/mot-tram-ngay-truoc-tuoi-hai-muoi-985646.html?fbclid=IwAR14AMEuVEXe2-27R_n6WxmGgIv281AjCCTg_dCuIKOnS-hGvWtlJBSAD4Y)

100_ngay_truoc_tuoi_2p_PNCN(nguồn: Báo Phụ Nữ chủ nhật -phát hành ngày 9.6.2019)

Lại tuổi hai mươi ra trận

Đọc tiểu thuyết "Một trăm ngày trước tuổi hai mươi" của Đoàn Tuấn, cái làm tôi nhớ nhất vẫn là những chi tiết hết sức bình thường, thậm chí tầm thường nhưng nó sống, hiện thực, không tránh né, viết như trải lòng, như trả món nợ ân tình với đồng đội

100-ngay-truoc-tuoi-20-1558100746716809855216

Cách đây vài năm, Đoàn Tuấn đã có cuốn tiểu thuyết dày hơn 500 trang nhan đề "Mùa chinh chiến ấy". Một tác phẩm có thể nói là dày dặn nhất, mãnh liệt nhất, hiện thực nhất viết về cuộc chiến đấu của những người lính Việt tình nguyện tại chiến trường Campuchia. Như chưa thỏa nỗi lòng với đồng đội mình, nhất là với những đồng đội không bao giờ còn được trở về nhà như mình, Đoàn Tuấn lại viết tiếp "Một trăm ngày trước tuổi hai mươi" (NXB Trẻ - 2019). Một tiểu thuyết ngắn, thời gian tiểu thuyết chỉ diễn ra trong đúng 100 ngày, đó là 100 ngày người lính chuẩn bị đi vào chiến trường, một trăm ngày chưa có chiến tranh nhưng đầy những dự cảm về cuộc chiến sắp tới. Vẫn là chiến trường Campuchia. Vẫn những người lính tuổi hai mươi, chỉ 5 năm sau thế hệ những người lính tuổi hai mươi đi vào chiến trường chống Mỹ.

Hai cuộc chiến tranh gần như liên tiếp nhau. Tôi chợt nhớ những câu thơ của thi sĩ Hoài Anh viết về đêm bùng nổ toàn quốc kháng chiến chống Pháp, 19-12-1946: "Một người bạn tôi gặp trong đêm ấy/ Ra phố mua một bao thuốc lá/

Chín năm sau anh mới trở về nhà/ Ta mang ba mươi sáu phố phường đi kháng chiến/ Chín năm rừng lòng vẫn thủ đô". Đó là một chàng trai Hà Nội ngày khởi đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Chuyện rời nhà đi chiến trường của anh cứ nhẹ như không.

Lại tuổi hai mươi ra trận - Ảnh 1.

Bìa sách “Một trăm ngày trước tuổi hai mươi”

Khi bước vào cuộc chiến tranh thứ ba, nếu kể cuộc chống Pháp là thứ nhất, bạn Đoàn Tuấn của tôi, một chàng trai thủ đô, không có được cái tâm thế quá nhẹ nhàng như vậy, không quá tình cờ như vậy nhưng cũng không nhiều dằn vặt. Khi nhận giấy báo nhập ngũ, ngay trong ngày biết kết quả thi đại học, biết mình đã đỗ vào Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đoàn Tuấn vẫn dằn lòng xuống: "Vậy thì đi. Cái chuyện hệ trọng, mình nhìn nhận sao cho bình thường. Cái chuyện nặng nề, mình làm sao cho nó nhẹ nhàng" (tr.16).

"Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc" - năm 1974, tôi có viết một bài thơ ngắn, trong đó có câu thơ như vậy. Đó là thời điểm cách ngày 30-4-1975 tới hơn một năm và khi tôi đã ở chiến trường Nam Bộ. Cái dằn lòng của Đoàn Tuấn, dù anh không nói dài hơn nhưng tôi nghĩ, nó không thể không nặng nề. Vì nói thật, cuộc ra đi chiến trường của thế hệ chống Mỹ chúng tôi vẫn khác nhiều với cuộc ra đi sang chiến trường Campuchia của thế hệ Đoàn Tuấn sau đó. Đừng nghĩ cuộc chiến tranh nào cũng như nhau. Tôi đã có dịp trò chuyện với nhiều cựu binh từng tham chiến ở Campuchia, điều mà họ cảm thấy đau đớn nhất là họ chiến đấu khi không có nhân dân mình ở phía sau che chở, bảo bọc. Họ rất cô đơn, dù bên cạnh vẫn là đồng đội. Trong khi thế hệ chống Mỹ chúng tôi, luôn sống và chiến đấu trong lòng nhân dân, được nhân dân nuôi nấng, che chở.

Sau khi đã đọc mấy tác phẩm viết về chiến tranh của Đoàn Tuấn, tôi nghĩ anh chịu ảnh hưởng khá đậm đà từ E.M.Remarque. Việc chịu ảnh hưởng này do có sự đồng cảm, cộng cảm sâu sắc giữa một nhà - văn - lính - Việt khoảng gần cuối thế kỷ XX với một nhà - văn - lính - Đức vào đầu thế kỷ XX, trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Khoảng cách có thể cả thế kỷ nhưng sự đồng cảm thì bất chấp thời gian. Được sự ảnh hưởng từ văn hào Remarque - một nhà văn tầm thế giới viết về chiến tranh - là một may mắn lớn cho Đoàn Tuấn. Cách nhìn, cách viết về chiến tranh của Remarque là cách của chủ nghĩa hiện thực nghiêm nhặt. Đoàn Tuấn cũng vậy. Không từ chối cả những chi tiết sống sượng, khi nó là hiện thực. Có một câu hát từ đâu đó: "Bởi chiến tranh đâu phải trò đùa". Đúng như vậy. Những nhà văn đã tham chiến đều chọn cách viết hiện thực khi mô tả chiến tranh. Thậm chí, đi đến tận cùng của sự thật.

Cách đây đã nhiều năm, khi Đoàn Tuấn và Lê Minh Quốc - hai anh lính tình nguyện tham chiến ở chiến trường Campuchia in chung một tập thơ "Đất bên ngoài Tổ quốc", tôi đã nói với Tuấn: "Các bạn phải có trách nhiệm viết về cuộc chiến tranh này, nếu không, khi thế hệ các bạn đi qua, cuộc chiến tranh dữ dội và đau đớn ấy có thể bị rơi vào quên lãng". Nếu cuộc chiến tranh chống Mỹ đã có rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ tham gia và sáng tác thì ở cuộc chiến Campuchia, vì những đặc điểm rất riêng của nó, sẽ không có nhiều tác phẩm viết về cuộc chiến này. Nhưng máu xương những người lính Việt thì vẫn vậy, không khác.

Ở tác phẩm của Đoàn Tuấn, cái làm tôi nhớ nhất vẫn là những chi tiết. Những chi tiết hết sức bình thường, thậm chí tầm thường, nhưng nó sống, nó hiện thực. Không tránh né hiện thực cuộc chiến, viết như trải lòng, như trả món nợ ân tình với đồng đội mình, Đoàn Tuấn là nhà văn hiếm hoi viết về cuộc chiến này và găm được vào người đọc không ít điều nhắc nhớ. Rất nhiều câu chuyện, vui có, buồn có, đau đớn có, được tác giả kể một cách hồn nhiên trong cuốn sách, sự hồn nhiên của tuổi hai mươi khiến chúng ta phải ngậm ngùi: "Chúng tôi thỉnh thoảng về Hòa Bình (nơi luyện quân trong 100 ngày hồi đó), thăm nơi đóng quân cũ. Thấy những hộ dân còn nghèo, chúng tôi hỗ trợ cho nhà mua cái xe máy, nhà thì nuôi đàn dê, nhà có cái tivi… Đồng đội bảo tôi, ông nên viết lại chuyện buổi đầu chúng tôi đi lính ra sao. Suy nghĩ mãi, mới dám cầm bút" (Vĩ thanh).

Riêng tôi, cứ bồi hồi khi tác giả kể trong "Vĩ thanh" về nhân vật Phương, vì nghịch cảnh mà phải chia ly, sau này khi sang định cư ở Canada, đã có một cuộc sống yên bình, nhiều lần trở về Việt Nam trong vai giám đốc một công ty du lịch lữ hành. Cuộc đời vẫn có hậu, là như thế.

Nhà thơ Thanh Thảo
(nguồn: Báo Người lao động ngày 18.5.2019  /

https://nld.com.vn/van-nghe/lai-tuoi-hai-muoi-ra-tran-20190517212025601.htm?fbclid=IwAR2JhpdScYx1nhyU-_WUVrDCyjmRgRbPLivtzBYxIAcUEZZb7ntg9YUrBKU

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com