Tập thơ đầu tay Trong cõi chiêm bao (NXB Trẻ) in xong và nộp lưu chiểu vào tháng 5.1989. Như một cách mừng sinh nhật. Tranh bìa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, họa sĩ Điêu Quốc Việt trình bày, Đỗ Trung Quân ký họa tác giả và nhà thơ Nguyễn Thái Dương sửa bản in.
Ngay trang 3 là bài viết “Người nói giọng chim” của nhà thơ Đoàn Vị Thượng:
“Đúng ba mười tuổi, ra tập thơ đầu tay. Không sớm nhưng cũng không quá muộn. Lê Minh Quốc nói với tôi: Đây là món quà sinh nhật mình dành cho mình năm ba mươi tuổi! Độc giả có thể sẽ thích hay không thích tập thơ này. Nhưng đây, trước hết là món quà Quốc dành cho mình - hay nói cách khác, tập thơ này là sự đáp lễ đối với cuộc đời mà Quốc đã được sống trong ba mươi năm.
Ba mươi năm ấy… có những gì?
Bạn và tôi, nào ai biết được nếu không cùng lắng nghe Quốc kể.
Anh chàng sinh viên khoa Văn-vừa tốt nghiệp năm 1987 - này có một giọng kể khá thú vị trong thơ. Tưởng như rất ngang phè mà lại nghe ra nhiều tiết điệu, âm vang sôi nổi, ẩn hiện những nụ cười hóm hỉnh hay khinh bạc; và ở một lúc nào đó thì giọng kể của anh tự nhiên trầm xuống nỗi buồn rầu. Khôn phải vô cớ mà trong tập thơ này của Lê Minh Quốc hầu hết là những bài thơ tình, Quốc đang bước đi trên con đường thanh xuân đầy cỏ hoa tình ái. Và như bất cứ chàng trai nào trên hành tinh này, trái tim anh không ngừng rung động. Có người quen biết Quốc bảo rằng anh yêu vội nên làm thơ cũng… vội, sợ không sâu sắc (!). Nhưng chơi với Quốc, thân với Quốc, tôi biết anh không thuộc loại người ưa tỏ vẻ ta đây là người sâu sắc - trong cuộc sống cũng như trong thơ. Tính cách, bản lĩnh, tài năng anh thế nào, anh thể hiện thế ấy. Vì vậy, không thể nói Quốc là người dễ thành đạt trong cuộc sống. Cũng thế, chưa ai có thể đoán chắc anh sẽ thành công mức độ nào trong sáng tác. Và Quốc có nôn nóng gì cần đến điều ấy. Với một người con gái trẻ đẹp gặp tình cờ “chỉ mới nhìn một bận, chân xa nhau lòng chưa kịp thân nhau”… thì anh đã có biết bao điều muốn nói. Đêm về bứt rứt anh phải làm thơ. Có thể là người con gái ấy sẽ đọc được hoặc cũng có thể là không! Và rồi Quốc vẫn lại tiếp tục làm thơ về những hình bóng khác. Có những mối tình quá đỗi thật là gây nên bao đam mê, khắc khoải trong anh, cũng lại có những tình yêu chỉ nhẹ nhàng thoảng qua trong chốc lát. Tất, tất anh đều muốn giữ lại, trong thơ. Có thể nói thật ra mà không sợ hiểu lầm là Quốc làm thơ khá thoải mái, dễ dàng. Câu chuyện dông dài bàn về công phu lao động trong sáng tạo nghệ thuật hoàn toàn không nên bước chân vào “khuôn viên” tập thơ này. Ở đây ta gặp gỡ một anh chàng tự giới thiệu - tưởng như bằng một lời than van nhưng thật ra, là một khẳng định của sự tự ý thức về mình: “Ba mươi tuổi ở nhà thuê, áo cơm còn lận đận/ Sao vẫn đánh đu cùng vần điệu của thơ”. Bởi vậy nhiều khi Quốc lại tưởng tượng (hay mơ ước) về chỗ ở: “Hiên nhà phất phơ vài đóa cúc vàng/ Tôi ngồi làm thơ, ngồi chơi cờ tướng… Hoa cúc? Sao lại là hoa cúc? Có thể đây cũng là nỗi bí ẩn về khuynh hướng tâm hồn người đối với thiên nhiên - hoa. Song Lê Minh Quốc là người nhậy cảm với các màu hoa. Cũng là loài hoa cúc - nhưng anh yêu vẻ ấm áp, thắm nồng cúc vàng “Ôi hoa cúc vàng, hoa cúc của ta đâu?” mà lại sợ “màu trắng dững dưng nhợt nhạt đến lạnh lùng” của cúc trắng. Còn riêng cúc tím thì lại gợi cho anh “buồn phiền đớn đau từng kỷ niệm”. Ấy là trong mỗi bông hoa đều có một chuyện tình và hẳn chúng ta thừa biết - có cuộc tình nào thiếu vắng những bông hoa? Thế nên trong khi hào phóng thả những bước chân lơ đễnh trên khắp các con đường thành phố, có khi Quốc lại sững sờ bị “vấp té bởi mùi hương” nào đó. Hương ở đây là hương của hoa, cũng có thể là hương người, Nhưng đúng nhất, đó vẫn là một thứ “hương kỷ niệm” được tạo ra bởi hương hoa và hương người. Thị giác tạo cho ta cảm giác hứng thú hướng về ngày mai, song khứu giác hay bất ngờ đánh thức lại trong ta những kỷ niệm của dĩ vãng. Những làn hương gợi tưởng những bông hoa. Và những bông hoa gợi nhớ những người - trong đó, chẳng hạn, là một hình bóng cũ vừa đi lấy chồng:
Vệt son trên má cô dâu
Đỏ hoa cẩm chướng tình đầu vu quy
Mặc kệ các nhà thực vật - tâm lý học đang bóp trán tìm tòi và khẳng định ý nghĩa, biểu tượng của hằng hà sa số các loại hoa phong phú trên mặt đất, vẫn có một số ít những kẻ ngoan cố thích lấy điều cảm nhận tự lòng mình để hòa sắc, pha hương cùng những bông hoa. Có thể gọi, họ là những thi sĩ lẻ loi trên trần gian này mà Lê Minh Quốc là người cũng muôn hùn phận kiếp của mình vào bằng vốn liếng tài năng - ít hay nhiều - của anh. Và thứ hương tình từ những đóa hoa kia, lỡ ngậm lấy một lần trong miệng, nào ai quên? Lê Minh Quốc giải thích; “Ngậm lấy tương tư đã làm tôi say khướt/ Nên từ đây tôi nói giống như chim”. Chúng ta thử lắng tai nghe cái “giọng chim” đang nói ríu rít yêu đời, yêu người này xem sao. Nhưng chim cũng có nhiều loại. Tuy không phải là chim lạ, biết đâu Lê Minh Quốc vẫn trao gửi đến ta những gì riêng biệt trong giọng nói của một loài chim đang bắt đầu được nhiều người biết đến…” (tr.3-6).Thời đó, ngoài nhà thơ Nguyễn Thái Dương… thì tôi và Thượng cặp kè như hình với bóng. Thỉnh thoảng đi chơi về khuya là leo lên sân thượng nhà Thượng nằm ngủ với sao trời.
Còn nhớ, sáng nọ, mặt trời đã lên mà tôi vẫn còn ngủ nướng. Mẹ Thượng lên và nói: “Đoàn à, nhẹ chân thôi để thằng Quốc ngủ”. Đoàn là tên thật của Thượng.
Thỉnh thoảng vẫn còn nghe văng vẳng bên tai giọng nói Huế hiền lành và đôn hậu ấy.
Đọc lại tập thơ này, thấy hiện lên nhiều hình bóng cũ. Có những bài thơ không nên chọn, vì lý do nào đó. Mà thôi, có ai có thể xóa đi một phần đời sống của mình?
5.2012
LÊ MINH QUỐC
LỜI CA CỦA CON CHIM THẤT TÌNH
Có thể nào níu rách trời xanh
Bằng lời của chim mềm hơn hơi thở?
Tương tư em chính là tôi hoảng sợ
Như bước chân đi trên lửa hoang mang
Như thấp thỏm ngồi trên những đống than
Tình yêu tôi cháy bùng trong cơn sốt
Có hạt cát nào xốn xang trong mắt
Tôi nhắm mắt là lại nhớ về em
Chỉ có riêng em trong giấc ngủ chênh vênh
Lưng chẳng chạm giường nửa đêm thức dậy
Em ở nơi đâu sao tàn nhẫn vậy
Xin hãy quay về dù trong lúc chiêm bao
Tương tư em tôi ốm sốt xanh xao
Biếng nói, biếng ăn mỗi ngày mệt lả
Tôi như cây mà tình yêu như lá
Lá rụng rồi cứ đau khổ trăm năm
Và tôi như một đứa trẻ đau răng
Thèm nằm co ro cầm thư em đọc
Em nơi đâu mà quanh tôi hương tóc
Cứ thơm hoài như mỗi lúc gặp nhau?
Có thể nào tôi vẫn cứ khổ đau
Đôi đũa so le ngập ngừng… tôi đợi?
Một dáng đi quen. Một bàn chân bước vội
Một không gian tràn ngập tiếng cười em
Chỉ có riêng tôi lơ lững bước trong đêm
Không thể nào níu rách trời xanh được
Ngậm lấy tương tư đã làm tôi say khướt
Nên từ đây tôi nói giống như chim…
1988
THÔNG ĐIỆP CỦA TÌNH YÊU
Hỡi chùm hoa thạch thảo
Chưa phai hương đầu mùa
Hỡi tình nhân mới lớn
Môi thơm sữa ya-ua
Hỡi những tà áo mỏng
Còn bay trong nắng chiều
Thơm hoài mùi long não
Rộn ràng chút hương yêu
Hỡi từng sợi tóc xanh
Rẽ đường ngôi chưa thẳng
Hỡi mắt sáng học trò
Tinh khôi màu áo trắng
Hỡi ai còn trái tim
Chưa ung thư cắt xén
Tôi mở rộng vòng tay
Mời tình nhân hãy đến
Hỡi con gái, con trai
Khi gần mười bảy tuổi
Đón nhận mối tình đầu
Không bao giờ chết đuối
Đừng để giăng màn nhện
Trên trái tim của mình
Nó sẽ thành củi mục
Nếu đánh mất niềm tin
Tôi đã từng làm thơ
Dưới pháo gầm đại bác
Nhưng vẫn thấy bất ngờ
Trước hoa hồng nở ngát
Một chồi cây xanh biếc
Một đôi mắt non tơ
Một mù sương lãng đãng
Tôi bắt gặp từng giờ
Bất cứ ai đang yêu
Đang “gửi hương cho gió”
Cũng cảm nhận điều này
Khi niềm tin thắm đỏ
1985
BÀI THƠ VỀ HOA CÚC
Hoa cúc nở cuối nhà em buổi ấy
Về phép một lần thương nhớ đến bâng quơ
Bình thường em ngồi bên ô cửa sổ
Riêng anh về đêm mất ngủ làm thơ
Chiều nay anh một mình xuống phố
Xe đạp nghiêng từ nỗi nhớ chung chiêng
Thấy rạo rực niềm vui thời mới lớn
Em cầm hoa cúc vàng như để làm duyên
Anh gọi thầm như tiếng chim, tiếng suối
Ơi hoa cúc vàng thân ái của con trai
Xin một lần gửi hương về bên ấy
Mai xa rồi chưa dám nói cùng ai
Đã có lúc đội trời đạp đất
Qua chông chênh dốc đá ngủ lưng đèo
Uống nắp bi-đông dịu lòng cơn khát
Trên đầu thanh thản tiếng chim reo
Đã từng đi bốn mùa ngang dọc
Áo toạc vai vác súng lội qua rừng
Bên cánh võng có lần nghe cỏ hát
Mường tượng về đôi mắt người thương
Và anh gọi thầm ơi hoa cúc trắng
Dù hoa cúc vàng bối rối lúc nhìn em
Mai xa rồi riêng anh sẽ nhớ
Chiều vàng bình yên em chải tóc bên thềm
Và anh biết: “Hương gây mùi nhớ” (*)
Một nụ cúc vàng nằm ở ba lô
Đi theo anh những ngày đánh giặc
Tháng năm này vĩnh viễn hoá thành thơ
1985
(*) Chữ của Nguyễn Du
CHIẾC RĂNG KHỂNH
nhắm mắt lại tôi đã hình dung thấy em
chiếc răng khểnh nhỏ xíu
cắn ngọt ngào vào ngón tay út của tôi
chiếc răng khểnh một trăm lần yểu điệu
đem đến cho tôi hờn giận lẫn niềm vui
hỡi chiếc răng khểnh mọc chênh vênh dễ ghét
sao mỗi lần hôn em
tôi cũng đều bắt gặp hương cà phê sữa
ngọt như là hạnh phúc lúc về đêm
hỡi chiếc răng khểnh dễ thương
chiếc răng khểnh làm duyên của người con gái
chiếc răng khểnh nếu hôn một lần rồi chia xa mãi mãi
tôi chợt thèm chợt nhớ... một ly kem
tôi sẽ vẽ chiếc răng khểnh của em
giống như trái tim của chú cừu non
thơm như mầm cây, ngọt như viên kẹo
mỗi lần nhìn tôi muốn ghé môi hôn
hỡi chiếc răng khểnh của em
sao mỗi lần em giận
tự nhiên tôi lại muốn đau răng?
cám ơn nỗi đau vô cùng êm ái
nỗi đau này tôi đón nhận từ một người con gái
có chiếc răng nhỏ xíu mọc chênh vênh...
1986
TRÊN ĐỒI CỎ XANH
Trên một đồi cỏ xanh
Có ngôi nhà cổ tích
Ngựa tung bờm hí vang
Công chúa đi chân đất
Mặt trời như bong bóng
Thả trên ngọn cây thông
Chú gà tơ gáy ngọng
Công chúa chưa có chồng
Chiều căm căm rét mướt
Gánh nước dưới đồi lên
Tóc xoã bay gió ngược
Chân bước dài chênh vênh
Công chúa biết soi gương
Nhưng chưa cầm son phấn
Quỳnh hoa ngủ trong sương
Tung tăng tà áo trắng
Vừa tròn tuổi mười tám
Đến trường chân bước nhanh
Sợ ai nhìn mỗi buổi
Lạc lối về đồi xanh
Có ngôi nhà nho nhỏ
Đêm đêm tiếng học bài
Công chúa áo len đỏ
Dịu dàng như nắng mai
1986
MÙA THU ĐỨNG TRƯỚC CỔNG TRƯỜNG
Vào thu hoa cúc chưa phai
Buổi sáng em tôi tóc xõa
Con chim nằm ngủ trên cây
Thức dậy xôn xao vòm lá
Gió cũng rướn mình rét ngọt
Thổi ngược tà áo em bay
Ngập ngừng dăm tia nắng rớt
Lá me lấm tấm đường dài
Hương ngày tựu trường em giữ
Ở trên mái tóc phải không?
Sao mù sương bay lãng đãng
Khi em đang bước thong dong…
Tội nghiệp cậu học trò nhỏ
Ngơ ngác đứng trước cổng trường
Sao em vô tình quá đỗi
Đi qua… thoáng nhẹ làn hương
Ngày xưa đi qua ngày xưa
Em như chim ngoan mắt ướt
Vào thu hôm ấy trời mưa
Tôi xa… em đâu biết được
Sáng nay trở về trường cũ
Có người lính thả khói bay
Mơ mộng nhìn em vào lớp
Gửi nụ cười lên vòm cây
1987
HIỂU GIÙM TÔI
Phải đâu muốn được yêu ai
Là tôi cứ nói dông dài trước sau
Hiên nhà phơn phớt hoa ngâu
Nở vàng như tự thuở nào… xa xưa
Tôi không quen nói đẩy đưa
Nên đành im lặng như chưa tỏ tình
Khẩu súng nằm trên vai mình
Đi đánh giặc có lặng thinh bao giờ
Đứng trước ai cứ ngẩn ngơ
Những lời dạn dĩ có ngờ đi đâu?
Chim chuyền bụi ớt lao xao
Ai nghe tôi nói gật đầu giùm tôi
Phải đâu răng cắn vào môi
Run run trước một hoa khôi tuyệt vời
Từng đi đánh đất đánh trời
Vẫn tôi ngang dọc một thời dọc ngang
Nhưng ai quá đỗi dịu dàng
Nên tôi bất chợt nhát gan quá chừng
Chim chuyền bụi ớt sau lưng
Hiểu giùm tôi những ngượng ngùng này không?
1986
NHỮNG NGÀY THÁNG HỌC TRÒ
Tôi đến giảng đường những buổi sớm mai
Không có em chợt nhiên lòng hờn dỗi
Đứng ngẩn ngơ nhìn mây bay và hỏi:
Em có yêu không hay nhí nhảnh giả vờ?
Thấy em cười - tôi lại muốn đọc thơ
Ca tụng một năm chỉ toàn ngày chủ nhật
Tương tư tóc em thơm hơn cỏ mật
Nên đến gần hơi thở lại run run
Không dám điêu ngoa như một kẻ đi buôn
Tôi chỉ làm thơ và yêu em đắm đuối
Dư dả nụ cười tặng em từng buổi
Lại thiếu lời gian dối để huênh hoang
Dòng sông xưa con nước vẫn trong xanh
Ngày tháng học trò mưa về chưa ước tóc
Trên đỉnh trời ngàn ngôi sao đang mọc
Đừng để nỗi buồn rơi xuống lạnh môi
Tôi làm thơ như một kẻ rong chơi
Trước sân trường nâng niu vài quyển vở
Lật từng trang lại thèm hôn ngọn cỏ
Dòng chữ nào cũng có dáng hình ai
Rồi buổi sáng nào cầm chiếc dép trên tay
Tôi đến tặng em như trong cổ tích
Chỉ em mới mang vừa đôi hài ngọc bích
Nên em thành ... công chúa của riêng tôi
1986
NẾU KHÔNG CÒN CỔ TÍCH
những đứa trẻ lớn lên
tuổi mười lăm, mười bảy bỗng dưng quên
vầng trăng tròn không còn mơ mộng
lấp lánh trong giấc ngủ mỗi đêm
bài hát đồng dao ví von tinh nghịch
đã bay ra ngoài túi áo của em
những con dế suốt một thời đã gáy
trong hộp diêm chừ đã bỏ đi đâu?
cánh phượng hồng nằm trong tập vở
chưa đến mùa hè sao kỷ niệm phai mau?
là khi ấy em sắp vừa mười sáu
tà áo dài bất chợt thấy ngắn hơn
trong giấc ngủ không còn ẩn hiện
những ông tiên râu trắng bước chập chờn…
và cánh cò bay khỏi thơ lục bát
cùng điệu dân ca lả bóng trăng rằm
nhịp guốc ngoài hành lang giòn giã
sao bây giờ nghiêm nghị đến xa xăm?
sẽ thật buồn một nỗi buồn rất thật
các em lớn lên hoài niệm những gì?
bất hạnh làm sao nếu không còn cổ tích
suốt đời làm người chỉ chập chững bước đi
1988
BÀI HÁT GIỮA SÂN TRƯỜNG
Chúc mừng em một lần lều chỏng
Gữi tâm hồn trinh bạch với văn chương
Để sáng nay vất vưởng giữa sân trường
Chim hót buồn như khóc
Ký túc xá những chiều ngồi nhặt thóc
Xếp thành chữ… “no” mà nghẹn nửa chừng
Ngày tháng dài sách vở cất sau lưng
Chạy đôn đáo tìm việc làm khiêm tốn
Tấm bảng đen như một người bạn lớn
Cùng ước mơ năm rộng tháng dài
Tôi đi học nghe chim hót trên cây
Tiếng chim hót rót đầy bao tử
Rất no nê cùng trăm lời ngàn chữ
Ở giảng đường
Có thi ca Long Tống - Thịnh Đường
Có tiếng cười Molière chua chát
Có ngô đồng nhất diệp lạc
Để cuối giờ đói lả với tay run
Đêm ngủ không giăng mùng
Nhìn chuột chạy vòng vo tam quốc
Trang giáo trình chữ ngả chữ nghiêng
Tôi biết nói gì với em
Về những mùa trăng trong ký túc xá
Tiếng cười cợt mua dâm vọng lên xa lạ
Từ công viên Văn Lang
Đủ làm em sửng sốt bàng hoàng
Gục mặt xuống chuyên đề Kiều thao thức
Dòng lục bát bập bềnh ray rứt
Chuyện văn chương nặng nợ với cuộc đời
Sao thơ tôi lảnh lót hót chơi
Cười cợt đẩy đưa dăm lời mặn ngọt
Cầm “phiếu ăn” dửng dưng không một lời chia sớt
Cho bữa cơm em thi vị với thơ ca?
Chúc mừng em trinh bạch với Văn khoa
Bước vào đời thôi chạy đôn chạy đáo
Tâm hồn tinh khôi chưa một lần rách áo
Chúc mừng em, tôi chúc mừng em
Có những mùa trăng đốt lửa hát thâu đêm
Giọng nam trầm khàn khàn như ngỗng đực
Giọng nữ cao ồ ồ như gà mái ghẹ
Hát rất vui thật miệngthật lòng
Điểm gặp nhau ở một đường cong
Là đoàn kết
Thời sinh viên yêu nhau trong lớp học
Không có trái me chua giấu dưới hộc bàn
Mà ở đó là củ khoai, củ sắn
Để người thương lót dạ điểm tâm
Có phải nhất Y, nhì Dược?
Tạm được Bách Khoa?
Sư Phạm như... gà?
Tổng Hợp như... ngỗng?
Thời quá độ cần tiền hơn mơ mộng
Học văn chương trích cú tầm câu
Mắt mơ màng bước thấp bước cao
Chữ ký đẹp bởi nhiều lần... ký nợ!
Sinh viên nghèo nghĩa là nghèo mạt rệp
Ăn như tu nhưng không ở như tù
Rất hào hoa tiêu xài như công tử
Mừng sinh nhật mình bằng nồi cháo khoai lang
Gạo có ít thêm nước vào cho đủ
Ngồi cùng nhau và chúc tụng rất sang
Chúc gì tôi cũng xin khoan
Một bồ chữ nghĩa còn trang trải nhiều
Nắng vàng vọt rớt xiêu xiêu
Trong ký túc xá những chiều đói no
Áo sinh viên lấm lem bụi đỏ
Nhìn hàng me ngơ ngác giữa Sài Gòn
Chúc mừng em ra trường như trẻ nhỏ
Vòng xe lăn mỏi gối đạp bon bon
…
Sáng hôm nay giữa sân trường Đại học
Chúc mừng em dù chưa hát thảnh thơi
Đôi mắt sáng tâm hồn đừng chai sạn
Cùng niềm tin em hãy bước vào đời
1983-1987
KHI EM VỀ ĐẾN MỸ THO
Chia tay em về quê mẹ
Thành phố đang vào mùa mưa
Tôi nhớ hoài con chim sẻ
Học bài dưới gốc me chua
Sài Gòn chiều nay, có lẽ
Hồn tôi lạc đến Mỹ Tho
Đâu đây âm vang tiếng sóng
Mường tượng em bước qua đò
Em về đi ngang Chợ Gạo
Mùa này vú sữa tím cây
Chắc hương sẽ rơi đầy áo
Bâng khuâng tay nhớ bàn tay?
Em về qua sông Bảo Định
Mái tóc đậm mùi sầu riêng
Vắng tôi nên em thấy thiếu
Gió đưa sợi tóc làm duyên?
Thương em từng ngày vất vả
Tôi đạp xe đi lang thang
Nhà em vẫn xanh bóng lá
Một mình đâu dám đi ngang
Nỗi nhớ đọng vào đôi mắt
Tôi tìm trên tấm bản đồ
Một vết chân chim nhỏ xíu
Đang về đến đất Mỹ Tho
1985
TÌNH YÊU LÀM ĐẤT LẠ HÓA QUÊ HƯƠNG
“Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương” (*)
Câu thơ vỗ vể lúc tôi cay đắng
Dù không thể gừng cay muối mặn
Để tôi về làm rể ở quê em
Không yêu được người thì yêu đất, yêu tên
Từ buổi chia tay tôi còn ám ảnh
Giọng nói ngọt như nước dừa xiêm sóng sánh
Tôi uống ngập hồn mà muôn thuở chát chua
Nhưng em ơi tôi không thể vào chùa
Cạo trọc đầu đi tu như ngày trước
Chỉ nhủ lòng cám ơn em hạnh phúc
Như khi yêu em tôi hạnh phúc lạ lùng
Đừng ví tôi như sỏi đá miền Trung
Tình yêu đến ai không nghe cỏ hát?
Tôi vội vã vì trong ruột đất
Mẹ tôi gieo hạt lúa phải còng lưng
Tình yêu làm nắng hạ hóa mưa xuân
Có phải tôi về nên mùa này mưa vội?
Qua kênh Chợ Gạo một chiều bão nổi
Đôi mắt tôi chìm trong đôi mắt của em
Cám ơn Tiền Giang cái nhớ thênh thênh
Sông Thu Bồn hóa thành sông Bảo Định
Cũng tiếng chim rót qua vườn trái chín
Đất nước cưu mang ta lớn từng ngày
Tôi chọn về mình chua xót để chia tay
Tình yêu lứa đôi muôn đời khó hiểu
Tôi uống nước Tiền Giang, Cửa Tiểu
Vẫn ngọt lành như lúc mới yêu em
Không yêu được người thì yêu đất, yêu tên
1986
(*) thơ Chế Lan Viên
ÁO TRẮNG
Ngôi nhà tôi nằm trong hẻm nhỏ
Trẻ thơ cười ầm ĩ bóng trăng tan
Hiên nhà phất phơ vài đóa cúc vàng
Tôi ngồi làm thơ, ngồi chơi cờ tướng
Buổi chiều em về trong bóng nắng
Môi son dè dẻn nụ cười
Hẻm nhỏ nhưng lòng không chật hẹp
Khi còn hào phóng tuổi hai mươi
Em nhỏ nhắn như chùm hoa cúc trắng
Nở ngát hồn tôi những sớm mai
Áo trắng chờ em đi qua ngõ
Ngập ngừng thư mỏng nép trong tay
Thơ tôi viết từ ngôi nhà hẻm nhỏ
Sẽ hóa thành bươm bướm thơ ngây
Cho em giữ gìn trong nhật ký
Bẽn lẽn nằm bên vở chép bài
Đừng trách tôi chiều nay dại dột
Đợi em về trao tặng một chùm hoa
Em không nhận để tôi ngơ ngác đứng
Hương không bay cuống quýt mãi hiên nhà
Tôi rất sợ ngày mai em e ngại
Sẽ không về qua hẻm nhỏ. Trời ơi!
Áo trắng em vẫn còn xao xuyến mãi
Tôi biết tìm đâu khi đứng giữa cuộc đời?
1987
HOA HỒNG
Tôi tặng em cánh hoa hồng
Bỗng nhiên đau buốt trong lòng vì gai
Ngửa bàn tay khép bàn tay
Thì ra hương vẫn còn đầy bên tôi
Cánh hoa đã tặng em rồi
Sao tôi còn vẫn đứng ngồi chưa yên?
Em về áo trắng bay nghiêng
Để mùi hương lại - dĩ nhiên - tôi buồn
Cánh hoa xa cội xa nguồn
Chỉ xin em chớ có ruồng rẫy hoa
Giữa thời con gái kiêu sa
Cánh hoa tôi tặng có là hoa khôi?
Ei đi chưa kịp tỏ lời
Bàn tay đau buốt vô hồi vì gai
Dùng dằng trong gió chưa phai
Hương hồng xao xuyến thơm hoài thời gian
1986
NHỮNG NGÀY TÔI MỚI LỚN
Dù cây đàn cũ treo trên vách
Con nhện giăng tơ sợi ngắn dài
Nhưng tình tôi cũng ngân câu hát
Cung bậc yêu đời rất đắm say
Tôi cũng như là tên ăn trộm
Thập thò ngoài cửa lớp mười hai
Tóc mới rẽ ngôi… làm người lớn
Nhưng cũng lao đao cái nguýt dài
Sân trường mười sáu hay mười tám
Cây si nào cứ đội nắng mưa?
Là tôi nhút nhát không trốn học
Vất vả yêu em suốt bốn mùa
Đi theo em lúc còn con gái
Tình đầu chưa dám lấy tay đo
Lúc mắt liếc cười còn e thẹn
Lúc môi còn thơm phấn học trò
Khi ấy tiếng đàn gã Trương Chi
Rung mỗi đường tơ còn rất ngọt
Khi ấy con đường em bước đi
Chim chóc nhu mì reo tiếng hót
Khi ấy… xa rồi năm tháng cũ
Nhưng tình muôn thuở vẫn tinh khôi
Ngớ ngẫn làm sao ngày mới lớn:
Em cũng một đời trong mắt tôi
1987
KHIÊU VŨ XANH
Hằng triệu ngôi sao trên trời
Như thắp nến mừng sinh nhật
Từng đôi chim sẻ hôn nhau
Dịu dàng điệu valse dưới đất
Hương tóc lả lơi trong gió
Em cười ngây ngất âm thanh
Lời tôi thì thầm rất nhỏ
Điệu valse đã hoá màu xanh
Đôi khi cũng cần mắc cỡ
Vòng quay uyển chuyển hai người
Ngập ngừng từ trong hơi thở
Khi mình mới tuổi hai mươi
Tóc em quyến rũ trên môi
Điệu valse giục cánh hoa nở
Từng giọt âm nhạc đang rơi
Tôi ngậm giòn tan nỗi nhớ
Tay chạm vào tay run run
Chạm một vòng lưng mềm mại
Em "L'amour est bleu"
Khiêu vũ muôn đời xanh mãi
Trên trời hằng triệu ngôi sao
Như chiếc bánh mừng sinh nhật
Tôi và em vừa hôn nhau
Bay lên điệu valse ngây ngất
1987
CÓ MỘT KHOẢNG TRỜI
Tôi nằm dài trên võng đọc tiểu thuyết của Paustovsky dưới giàn hoa ty-gôn chập chời những con bướm trắng. Trời Sài Gòn chiều nay gió lạnh ùa về. Có lẽ, người con gái nào đi qua ngõ nhà tôi còn lắc lư bím tóc nửa như vô tình, nửa như trêu ghẹo gã thư sinh là tôi trói gà không chặt sao chiều nay thanh thản đến dường kia?
Em có hỏi tôi như vậy không? Nếu có hỏi thì xin em cứ nói. Chứ đừng che môi cười rồi lí lắc bước qua…
Mười năm sau, mười năm sau rồi em sẽ lớn. Môi sẽ thơm những nụ tình đầu. Tóc sẽ bay rụt rè khi lỡ hẹn. Em sẽ giống như tôi bây giờ, chứ có lạ gì đâu?
Có lạ gì đâu khi tôi nằm chờ nghe nhịp guốc - vọng lại từ xa rất quyến rũ ân cần. Cầm tiểu thuyết, tôi chỉ đọc giả vờ… để giấu đi bao niềm hồi hộp. Con mắt ngập ngừng xin được liếc nhìn em.
Nhưng không bao giờ tôi dám nói một điều chi - nên em đừng có ngại. Em cứ đi qua - như đã đi qua - để hồn tôi lang thang theo em vào tận lớp và nghe cô giáo giảng bài nghiêm nghị… bụi phấn bay.
Chiều nay,
Tôi nhìn em để tìm lại từng kỷ niệm đã bỏ tôi đi - từ ngày xa trường lớp, xa lũ ve hoảng hồn kêu vang khi chạm mùa hoa phượng đỏ, xa tiếng trống trường ngày hai buổi nắng mưa…
Em chính là tôi của một khoảng trời xa xưa đối với tôi bây giờ chỉ còn là cổ tích.
1986
THƠ TẶNG TÌNH ĐẦU
Lá trầu xanh thắm áo hoa
Em như một hạt mưa sa dịu hiền
Bàn tay cầm lấy nhân duyên
Từ nay ván đã đóng thuyền trăm năm
Gửi lại đôi tiếng chim ngân
Lời ca lảnh lót trong ngần hạt mưa
Dương cầm vọng phím đàn xưa
Cho hoa cúc nở lúc vừa sang thu
Rụt rè gấp lại trang thư
Còn nghe tiếng nói ngọt lừ hôm qua
Chiếc chăn lệch bóng trăng tà
Giữ giùm hương thuở mười ba còn dài
Gửi lại những cánh hoa bay
Nằm thân mật dưới gót hài rất ngoan
Tiếng gà gáy rụng nắng vàng
Trưa trưa lại nhớ bóng làng xa xăm
Trên vạt áo thuở mười lăm
Gửi vết mực tím còn nằm ngây thơ
Một lần sen ngó dào tơ
Đi trên xác pháo bụi mờ áo hoa
Vòng tay từ biệt mẹ cha
Em là gái - hạt mưa sa ngày nào
Vệt son trên má cô dâu
Đỏ hoa cẩm chướng tình đầu vu quy
1987
ĐIỀU KỲ DIỆU NHẤT
nếu không có em trên cõi đời này
đó chính là lỗi lầm duy nhất
anh sẽ câm tiếng hát
thức dậy nửa khuya
và ôm mặt khóc...
xin chào tôi cùng những gã khờ
dù có gối đầu lên hàng triệu bài thơ
nằm ngủ giữa điệp trùng âm nhạc
cũng sẽ rùng mình bắt gặp trong mơ:
sự cô độc
lạ lùng sao khi ngậm trên môi sợi tóc
và chút hương thanh khiết buổi tự tình
trái tim tôi sẽ triệu lần nhún nhảy
dòng máu hồng đào đánh thức bình binh
lạ lùng sao khi cúi xuống hôn em
môi chạm vào môi là tôi chết điếng!
sống một đời không thể nào quên
hương tương tư thơm hoài trong miệng...
lạ lùng sao và cũng kỳ diệu sao
em có thật như là không có thật
là dáng mẹ tảo tần - chiều nay anh gặp
lúc đang nằm ốm sốt với cô đơn
và khi em độ lượng đặt môi hôn
anh gặp sự dịu dàng - người chị
em lại hoá thành người vợ chung thủy
khi đi bên anh đến cuối đất cùng trời
bài thơ này xin tặng riêng tôi
tôi chỉ là tôi lúc có em hiện hữu
cùng tất cả đàn ông trên trái đất này
Xin nâng cốc rượu
Chúc mừng sự-vĩnh-cửu-viết-hoa:
Phụ nữ chở che ta độ lượng tựa ngôi nhà
1988
THƠ TÌNH CỦA NGƯỜI QUA TUỔI BA MƯƠI
Dù không phải đứng đợi dưới gốc me già
Tóc và râu hài hoà như bài thơ Đường luật
Quần và áo phẳng phiu như tình yêu thứ nhất
Anh vẫn giữ nguyên mọi ý nghĩ tốt lành
Cám ơn vòm me trên đường phố Sài Gòn
Nhắc nhở hoài mối tình đầu đắm đuối
Tình yêu, em ơi không bao giờ luống tuổi
Dù chúng mình đã qua lứa ba mươi
Không còn đợi em phải... chuẩn bị nụ cười
Bởi nhiều bực mình hằn sau đuôi mắt
Không còn gặp nhau là hôn nhau thân mật
Nhưng mọi lo toan anh chia sẻ cùng em
Không còn đợi chờ hương dạ lý mỗi đêm
Hai đứa mới thì thầm lời tình tự
Nhưng mỗi miếng anh ăn, mỗi khi anh ngủ
Đều có tay em che chở ân cần
Không còn đợi chờ hoa cúc nở đầy sân
Anh mới rụt rè trao lá thư hò hẹn
Nhưng lại gặp môi em cười bẽn lẽn
Là trái tim anh đã nhún nhảy xôn xao
Và sinh nhật em nếu anh không kịp cạo râu
Không tặng hoa lay-ơn lẽ nào em trách?
Vì mỗi ngày yêu em, riêng anh thầm nhắc
Hãy giữ vẹn nguyên những ý nghĩ tốt lành
Như buổi ban đầu em đã đến trong anh.
1988
HOA CÚC KHÔNG PHẢI MÀU VÀNG
đôi mắt em rực rỡ màu rượu vang của mối tình đầu
anh đắm đuối uống một đời say khướt
hoa cúc không phải chỉ màu vàng
như thềm xưa ta ngồi lúc mười lăm năm trước
ôi, cứ tưởng hoa cúc vàng
những tháng ngày
anh ôm đàn vỗ nhịp tình tang
em - con chim hót vô tư mỗi sáng
rồi sáng nay hai đứa bỗng bàng hoàng...
hoa cúc không vàng thì hoa cúc trắng
màu trắng dửng dưng lạnh nhạt đến lạnh lùng
hoa cúc không vàng thì hoa cúc tím
màu tím buồn phiền đớn đau từng kỉ niệm
ôi hoa cúc vàng hoa cúc của ta đâu?
em thương yêu,
tháng bảy mưa ngâu em buồn lắm phải không?
hoa cúc thôi vàng như ngày xưa con gái
hương cúc thôi dịu dàng trên tóc em thơ dại
ôi hoa cúc vàng hoa cúc của ta đâu?
anh lang thang trước sân nhà em chỉ thấy bên thềm nở đầy hoa cúc trắng
và em dửng dưng nhìn người khách bên đường
đứng ngoài cổng nhìn vào thầm lặng
tưởng nhớ một mùi hương...
ta khờ khạo cứ tưởng rằng, cứ tưởng
hoa cúc màu vàng như em chỉ yêu anh
bài thơ viết như lời xin lỗi... ngượng
hoa cúc nào không khao khát sự chung tình?
1988
CÁI CHẾT CỦA CON BƯƠM BƯỚM
Trên đầu tôi lá ơi xào xạc mãi
Mây mùa thu đoàn tụ ở nơi nào?
Lá chưa hoá màu vàng cánh bướm
Mây trắng bay về thơ cổ điển hay sao?
Tôi bàng hoàng lật trang thư mực tím
Đừng khóc nghe em - tôi lại nhủ mình
Cánh bướm sẽ bay cuối trời dĩ vãng
Nếu ướt một hai giọt lệ trắng tinh
Trang thư mỏng phải chăng là ngôi mộ
Cánh bướm nằm thanh thản có chiêm bao?
Chữ gầy yếu phải chăng là ngọn cỏ
Còn tình yêu tôi trôi dạt phía nơi nào?
1986
KHI VỀ LẠI BẾN SÔNG XƯA
Tình cờ gặp nhau trên một chuyến đò
Chiều cuối năm gió ùa về tóc bay bối rối
Em xanh xao khuôn mặt gầy mệt mỏi
Và nghĩ gì tóc ngậm ở vành môi?
Thuở con trai nhút nhát đã qua rồi
Nguôi dần niềm đau cùng hờn ghen giận dữ
Em không còn là nơi tôi phơi bày tâm sự
Mưa cuối sông ngày ấy cũng phôi phai
Em về nhà chồng tóc thôi xoã bờ vai
Để che giấu cái cười bẽn lẽn
Môi thôi đỏ còn mong chi hò hẹn
Mắt không xanh nên tôi lạc đường về
Sông Thu Bồn nước sẫm ở ven bờ
Sao chiều nay chim kêu nhùng nhằng nhung nhớ thế?
Muốn gọi bằng tên cũng không phải dễ
Hà huống gì nhắc lại chuyện xưa sau
Rất thật với đời chứ không phải chiêm bao
Một thời mộng du mình trở thành hiệp sĩ
Là Don Quichotte với trái tim chung thủy
Áo cưới đỏ sông tôi đứng ngẩn ngơ nhìn
Cùng một chuyến đò hai ý nghĩ bồng bênh
Sông nước bập bềnh chỉ tôi đáng trách
Em lặng im và quay lưng cúi mặt
Cũng đủ lãng quên phút gặp gỡ tình cờ
Qua sông Thu Bồn nghe chim hót bâng quơ...
1987
KHOẢNH KHẮC LÚC XA NHAU
Trăm năm hoa rụng không phai
Một mùi hương của một ngày chia xa
Em đi mang cả chiều tà
Hồn tôi tím ngắt như là tương tư
Thời gian mãi mãi vào thu
Nắng xiêu xiêu nắng, mây mù mù trôi
Là ngày chim sao xa tôi
Qua sông quên hót để môi ai buồn?
Thôi đừng ví giọng dế giun
Thơ tôi sóng sánh giọt buồn lạnh tanh
Bàn tay em lúc tôi cầm
Loang vết mực tím, tím bầm bàn tay
Rùng mình nhớ sợi tóc bay
Ơi hương ngày cũ chưa phai chút nào
Từ khi hai đứa xa nhau
Đêm đêm tôi lại chiêm bao một người
1988
GIẤC NGỦ CỦA MẸ
(thương tặng tân và Tiến)
có bao giờ mẹ ta ngủ hồn nhiên
thanh thản nằm trên chõng tre sau bếp?
gió thổi rúc xương cuối mùa mưa rét
mẹ cựa mình thao thức với chiêm bao
mẹ ta nhớ nhiều cổ tích với ca dao
dù chữ cắn đôi mẹ không biết đọc
ta chưa thấy mẹ cười, chưa nghe mẹ khóc
gương mặt đăm chiêu ngay lúc ngả lưng nằm
ta lớn lên như cá lội biệt tăm
xuôi ngược giữa dòng đời cay nghiệt
có bao giờ mẹ được nằm trên vần thơ ta viết
với những hương hoa phù phiếm ở đời?
ta cầm hương hoa vung vãi khắp nơi
cho mối tình đầu, tình sau, tình cuối
thì lúc ấy mẹ ngồi trong bóng tối
tựa cửa một mình chống chọi với mùa đông
ta lớn lên thắp triệu ngọn lửa hồng
sưởi ấm trái tim bao tình-nhân-băng-giá
thì lúc ấy mẹ còng lưng quét lá
khi đốt cháy lên không đủ ấm bàn tay
đêm mẹ nằm co - ta nhớ cái cò gầy
lặn lội bờ sông, đầu ghềnh, cuối bãi
đêm mẹ nằm nghiêng - ta nhớ dòng suối chảy
lặng lẽ trôi qua giữa náo động ồn ào…
bất chợt ta nhìn hai hố mắt mẹ sâu
đã thấy sự lo toan, buồn phiền, mệt mỏi
mẹ chỉ âm thầm và suốt đời lặng lẽ
gương mặt đăm chiêu ngay thảnh thơi nằm
1988
CÒN LẠI NHỮNG MÙA HÈ
Hỡi những cuộc tình buồn như cái chết
Đi qua đời tôi một nỗi đau dài
Trưa nay gặp một vòm hoa phượng cháy
Chợt biết mình đã hết tuổi con trai
Đã hết thời đứng cổng trường con gái
Đợi ai về lẽo đẽo bước theo sau
Đã hết thời chờ dương cầm vang vọng
Điệu Rumba khắc khoải mối tình đầu
Tôi không còn là tôi. Tôi trở thành ai đó
Những cuộc tình như trưa nắng lao xao
Xe thổ mộ ngỡ ngàng quanh chợ huyện
Chở tôi về nhưng tôi biết về đâu?
Tôi biết về đâu khi chính tôi đánh mất
Lời của chim lất phất trước sân trường
Lời của gió đẩy đưa hoa phượng nở
Tôi trở về vấp té bởi mùi hương
Khi đi đứng giữ mùa hè rực nắng
Hoa phượng ơi đỏ rực mỗi một thời
Tôi muốn khóc nhưng không còn nước mắt
Không còn gì rơi xuống đắng bờ môi...
1988
CHÙM THƠ TRÍCH TỪ SỔ TAY
TẠI SAO?
Khi em giận có một giọt nước mắt
Rơi trên tay tôi êm ái mùi hương
Sao môi tôi một ngày mặn chát
Dù lưỡi cong lên thề thốt mật đường?
ĐỘC ÁC
Sao em hoá đá trong im lặng?
Tôi tê cứng lưỡi với bao lời
Chân run lúc ngã bên thềm nắng
Tôi lại được em tặng tiếng cười…
NGOẠI TÌNH
Tôi đang chết cho dù đang hít thở
Trên tóc em hương quế tuyệt vời
Người tình cũ trong em vừa sống lại
Khi tôi vừa lơ đễnh khép làn môi
TÌNH YÊU
Trời giông bão em đi dưới vòm cây trứng cá
Ngang qua nhà tôi. Và có lạnh run người?
Bỗng dưng tôi nóng bừng như ngọn lửa
Lúc thấy em vô cớ nhoẻn môi cười
BUỔI SÁNG
Tiếng chim hót thung thăng trên mái ngói
Cùng lời yêu em mang âm hưởng ngọt lành
Tôi cúi xuống hôn giọt sương buổi sáng
Ngỡ như môi chạm cả trời xanh
1987-1988
ĐỌC LẠI MỘT TRUYỆN NGẮN CỦA NAM CAO
“trăng rắc bụi trên sông và sông gợn biết bao nhiêu vàng”
đêm ân ái tràn ra ngoài tiểu thuyết
yêu là không bao giờ nói lời nuối tiếc
em cho ta nguyên vẹn một mùi hương
đứng xó chợ đầu đường
rượu uống say mềm Chó Phèo lại chửi
chửi đất, chửi trời
nhưng chỉ vọng lại dăm ba lời chó sủa
dăm ba tiếng ho khan của nhà văn lao phổi
dăm ba giọng ru hời chìm trong cơn đói
trần gian buồn bã thế này sao?
đêm đặc quánh lại
Chí Phèo cầm lưỡi dao
rạch mặt
chính lúc ấy tâm hồn ta trong sạch
một tình yêu không mua bán bao giờ
không đổi chác trên đầu môi chót lưỡi
không lọc lừa như hàng triệu bài thơ
bất chấp chê bai của một lũ văn nô
đang chễm chệ trong cung-đình-văn-học-sử
cứ nằm tênh hênh là em Thị Nở
đánh thức trong ta sự lương thiện trên đời
nhân chứng một tình yêu đắm đuối
ngoài hai còn lại bóng trăng soi…
“trăng rắc bụi trên sông và sông gợn biết bao nhiêu vàng”
thiên nhiên ấy đã làm tôi bật khóc
trước nhân cách
nhà văn
đêm nay Chí Phèo có còn ngủ ngoài sân
cùng người đàn bà mang tên Thị Nở?
gió sẽ thổi tan mọi ám khí trần gian
trước tình yêu
mọi người đều công bằng và tự do hít thở…
1988
THƯ GỬI CHÍ PHÈO
Đêm nay uống rượu với vầng trăng
Ta chợt nhớ trái tim mình đơn độc
Như vó ngựa bốn mùa reo lốc cốc
Ôi ta đau khi nhớ gã Chí Phèo
Thị Nở đâu rồi để chăn chiếu mốc meo
Gió lùa vào căn phòng ta nghiệt ngã
Đốt bản thảo thơ sưởi lòng đêm lạnh giá
Ngọn lửa này có nấu chín nồi cơm?
Chí Phèo ơi, ta muôn thuở biết ơn
Cái đói của anh - thời quay quắt đói
Cái ngang tàng dám cầm dao rạch mặt
Của chính anh - khi đi giữa chợ đời
Uống rượu say không gọi: Thế nhân ơi
Ta khật khưỡng chỉ gọi: - Ơi Thị Nở
Bát cháo hành suốt đời ta mắc nợ
Còn bập bềnh trôi nổi giữa vần thơ…
Ơi gã Chí Phèo của cổ-tích-hôm-qua
Ngang ngược nói, cười, chửi trời, chửi đất
Cái đói eo sèo, cái buồn mửa mật
Trăng cũng xanh xao lay lắt cuộc đời thừa
Rượu uống say rồi sao ta lại chưa bưa
Như Chí Phèo đòi làm người Lương Thiện?
Ta chỉ cần Công Bằng mà vần thơ đau điếng
Lời vừa buông ra là máu bật bờ môi
Rượu uống say rồi ta gọi Chí Phèo ơi
Nếu sống giữa ngày này thì anh sẽ sống
Như kẻ thất thời? Như người lỡ vận
Như gã làm thơ viết bằng máu của mình?
1988
HƯƠNG HUỆ TRẮNG
em tắm nước sông nào?
da trắng như hoa huệ
da ngon như lời kinh bát nhã
môi thơm như buổi chiều êm ả
hỡi em?
tôi đứng trước cây khế mỗi đêm
để nhìn trộm em tắm
nhưng chỉ gặp hương hoa huệ trắng
thoang thoảng bay qua
tôi trở về nhà
suốt một đêm mất ngủ
từ đó, tôi yêu hoa
muốn tặng em một đóa hoa mới nở
nhưng lại sợ
hoa không thơm như môi em
hoa không trắng như da em
và hoa không tinh khiết như em
từ đó, mỗi đêm
biết rằng khi em tắm
tôi lại tương tư
hương hoa huệ trắng
1988
TƯỞNG TƯỢNG
(tặng Nguyễn Thái Dương)
Nếu trúng số độc đắc thì tôi sẽ in thơ
Một tập thơ mỏng manh như lá cỏ
Tặng những người đang yêu, tôi không hề mắc cỡ
Tập thơ hiền lành như chính bản thân tôi
Anh có thể đọc thơ khi ngồi ngóng mưa rơi
Sẽ thấy tôi lạnh run nhưng cũng cười ngỗ ngáo
Chị có thể đọc thơ khi ngoài kia giông bão
Sẽ thấy tôi nhen ngọn lửa nhỏ nhoi…
Tập thơ dịu dàng như chính bản thân tôi
Tôi sẽ cho in nếu rủi ro trúng số
Thời buổi này gạo châu củi quế
Ai dám đành lòng thách đố với thơ ca?
Nói đùa chơi nẫu hứng với ba hoa
Em đừng trách tôi - cái thằng ngớ ngẩn
Ba mươi tuổi ở nhà thuê, áo cơm còn lận đận
Sao cứ đánh đu cùng vần điệu của thơ?
Có kẻ một đời chỉ dám ước mơ
Được một lần trúng vào lô độc đắc
Để mua lại những gì trôi tuột mất
Kể cả lương tâm đã bán ở chợ đời
Có người dậm chân thất vọng gọi trời ơi
Nếu trúng số một lần thôi tôi sẽ…
(Hứa hẹn làm chi sự đời đâu phải dễ
Chúng ta đang mơ những ảo-tưởng-ngoài-tầm)
Thơ thời buổi này rẻ rúng nếu đem cân
Một ký thơ có bằng nửa cân thịt sống?
Dù biết vậy nhưng tôi còn mơ mộng
Nếu trúng số thì… tôi cũng sẽ in thơ
1988
NHỮNG NGÀY LÀM THƠ
(in bìa 4)
tôi làm thơ như hít khí trời để thở
như đó thì ăn, như mệt thì nằm
con tàu đi chông chênh qua vực thằm
tôi ngồi co ro gió rét lạnh căm
hỡi cô Tấm dịu dàng trong cổ tích
trái thị đầu mùa tôi lỡ cắn - sâu răng
còn nhức buốt suốt một ngày thơ dại
như những lần
trái tim tôi - em dẫm dưới bàn chân
tôi làm thơ như…
như cái gì tôi cũng không biết nữa
dốc đời cao và tôi như con ngựa
kéo khổ đau leo lên dốc mỗi ngày
này em,
tôi thao thức mỗi đêm
làm thơ không biết mệt
mây trắng phiêu du qua đỉnh trời Danrek
võng bạt tôi nằm hoài niệm cánh rừng xưa
những người lính binh nhì, binh nhất
đã sống cùng tôi một thời đi đánh giặc
hồn thơ như hoa cẩm chướng đỏ tươi
như mặt trời sáng lòa giữa ngực
tôi làm thơ như…
như cái gì chỉ có em mới biết
tôi mộng du trên trang giấy một mình
cái vắng teo không hiện lên chữ viết
đem mùa thu hoa cúc nở vô tình
như đói thì ăn như mệt thì nằm
tôi làm thơ như tôi đã sống
1986
< Lùi | Tiếp theo > |
---|