Thơ tứ tuyệt, rất dễ làm ngắn gọn, chỉ vỏn vẹn 4 câu. Ngoáy bút chỉ một phát là xong béng. Tưởng là tưởng thế thôi. Thật ra, cực khó. Bởi quy định nghiêm ngặt chỉ chừng ấy chữ, không thể thêm bớt một dòng nào nên mỗi chữ buông ra phải cân nhắc, tính toán chu đáo. Nếu là một bức tường, mỗi chữ là một viên gạch già lửa, có như thế mới tạo nên sự vững chắc. Tứ tuyệt không phải chỉ 4 câu mà phải đạt đến cái “tứ”. Tứ thơ là linh hồn của tứ tuyệt. Có những nhà thơ lúc về già, “gừng đã cay”, nghề đã thạo mới dám chạm bút vào thể thơ này.
Ấy thế, ông nhà văn Đoàn Thạch Biền, “chủ xị” tập san Áo Trắng lại “chơi khăm” khi nghĩ ra cuộc thi thơ tứ tuyệt cho người viết trẻ. Không ít người, kể cả Ban Giám khảo đã tỏ ý lo ngại chất lượng, sẽ gặt về những gì trên các chùm thơ đã ồ ạt gửi về tham dự? Sự lo lắng ấy đã tan nhanh, trôi qua nhanh khi được đọc các bài thơ dự thi.
Dù viết về cha mẹ, ơn nghĩa sinh thành, về quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa… nhưng đã có nhiều bài thơ đạt đến tứ thơ mới mẻ. Điều này cũng khó nốt, bởi các đề tài trên nhiều người đã viết, nay viết làm sao cho mới hơn? Chắc chắn khi tham dự, nhiều người đã phải tự trả lời câu hỏi gay go đó. Và họ đã trả lời rốt ráo qua thơ.
“Người về với đất/ Hương khói bay lên/ Hạt mưa rụng xuống/ Hoa hé bên thềm” (Khóc ngoại - Đình Quang). Thấy gì? “Tôi mua một bát canh riêu/ Đem về dâng mẹ cuối chiều mưa bay/ Mẹ tôi giờ khói hương gầy/ Năm gian nhà trống hỏi ngày xưa đâu” (Nhớ mẹ - Thanh Trắc Nguyễn Văn). Thấy gì? “Nằm mơ hơi ấm cha tôi/ Thấy mê man trắng chân trời khói hương/ Câu thơ nấc rụng canh trường/ Gió ơi đừng hú nẻo đường mồ côi” (Lặng lẽ - Bùi Đức Vinh). Thấy gì? Thấy rằng, có những từ dùng đúng chỗ, đúng nơi nên đã tạo thêm sức nặng của câu thơ. Chẳng hạn, câu “Gió ơi đừng hú nẻo đường mồ côi”, nếu thay đi hai từ “mồ côi” liệu có còn lay động được cảm xúc người đọc?
Đã có nhiều bài thơ khắc họa lên hình ảnh: “Trên đồng cạn dưới đồng sâu/ Chồng cày, vợ cấy con trâu đi bừa”. Nhưng rồi, đã mấy ai nhìn thấy: “Kéo cày đến kiệt sức già/ Chết còn lột nốt tấm da cho làng/ Nghìn dùi trên mặt trống phang/ Trâu không hề hỏi người đang làm gì?” (Trâu - Nguyễn Minh Khiêm). Chỉ 4 dòng nhưng sức ngân vang còn dài hơn nhiều. Tôi cũng thích bài thơ với câu hỏi tưởng chừng như bâng quơ nhưng lại thấm đẫm cái tình: “Từng cánh hoa rơi xuống/ Giữa mảng lòng ngát xanh/ Nhìn hoa rồi tự hỏi/ Hoa rơi thanh thản không? (Hỏi - Vũ Hà Thanh Nhi). Có câu thơ thô mộc nhưng lại khó quên: “Tự dưng huyên náo sau vườn/ Chó sủa, gà chạy, cuống cuồng kêu la/ Tưởng rằng chó lại cắn gà/ Cầm roi ra đuổi hóa là… mít rơi” (Mít rơi - Bùi Thị Nhung). Nếu không sống ở nông thôn, làm sao có thể thấy “hoạt cảnh” vui nhộn đến thế? Lại tự dưng thấy thương thương tâm cảnh của một người: “Chiều mưa em nấu món quê/ Canh chua cá lóc lá me đãi người/ Anh còn vui thú bên trời/ Tiếc tô canh nguội em cời tro than” (Tro than - Việt Nghĩa). Đã lâu lắm rồi, mới bắt gặp lại cái từ “cời” bình dị, dân dã này. Thời buổi xài bếp gas ắt không có chỗ cho “cời” nữa rồi, tự dưng thấy một khoảng trời xa xăm hiện về… Lại thêm từ này nữa là “trầy” nhưng “trầy” cái gì mới là điều đáng nói: “Hoàng hôn ủ mật vườn cây/ Da em trắng quá sợ trầy mùi hương/ Sầu riêng sao quá yêu thương/ Mùi hương chín ngậy thơm hường má em” (Mùi hương - Phùng Gia Thi)…
Và cũng như cuộc thi thơ của Áo Trắng lần trước, nhà thơ Lê Thị Kim lại cùng Ban Giám khảo tìm ra cây bút nữ để chị “tài trợ” theo tiêu chí: nữ, trẻ và triển vọng. Cây bút nữ Lê Thị Minh Thu (Thanh Hóa) đã lọt vào “mắt xanh” của chị với những câu thơ như: “Xa nhau chỉ mới đôi ngày/ Tim đà chống chếnh, lòng đầy ngóng trông/ Nhắn người giữa chốn chợ đông/ Đừng quên một đóa cải ngồng cúi thu” (Cải ngồng)…
Nhìn chung về chất lượng, còn có thể chọn thêm nhiều bài thơ tứ tuyệt gọn, chặt một tứ thơ đủ sức lấy được tình cảm người đọc.
Trước lúc, dừng bút cho tôi được “bật mí” thêm một cách “chơi khăm” khác nữa của nhà văn Đoàn Thạch Biền: Không chỉ tạo sân chơi ở thể loại thơ “khó ăn” này, anh còn buộc người dự thi phải có chùm thơ từ 3 bài. Không chỉ “gây khó” người dự thi mà còn cho cả Ban Giam khảo nữa. Có tác giả, nếu chọn một bài thì không chê vào đâu được nhưng chọn lấy cả chùm như theo quy định của cuộc thi thì lại khác. Nghĩa là, chất lượng cả chùm thơ dự thi mỗi bài đều phải ngang nhau, chứ sự trồi sụt của mỗi bài khó có thể thuyết phục được Ban Giám khảo. Chính vì thế, nói thật, chưa bao giờ các anh chị Huỳnh Như Phương, Đoàn Thạch Biền, Lê Thị Kim, Trương Nam Hương, Lê Minh Quốc phải bàn cãi, cân nhắc, tranh luận nhiều như chấm giải lần này.
Cuối cùng, kết quả Cuộc thi Thơ Tứ tuyệt đã được công bố.
Xin chúc mừng các tác giả đoạt giải và không đoạt giải. Chúc mừng các tác giả có thơ dự thi được in và không được in trên Áo Trắng. Nghĩ cho cùng, cuộc thi đã khép lại nhưng cũng là lúc mở ra một chân trời phía trước, chân trời của thơ đang giục giã chúng ta đi tiếp bằng tình yêu mãnh liệt dành cho thơ. Bây giờ và mãi mãi. Vẫn là thơ.
L.M.Q
(Thay mặt Ban Giám khảo)
(nguồn: Tập san Áo Trắng XUÂN 2016)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|