Thử đặt câu hỏi, văn học Việt Nam thời kỳ 1932-1945 có nhà thơ nào chuyên viết thơ ngụ ngôn và thơ cho thiếu nhi không ? Dĩ nhiên là có, nhưng không nhiều, tiêu biểu nhất vẫn là nhà thơ Nam Hương. Nhưng hiện nay, không mấy người nhớ đến ông. Nam Hương tên thật Bùi Huy Cường (1899-1960), quê ở Hà Nội, học hết năm thứ tư bậc Thanh chung, ông bắt đầu dạy học ở Nam Định và Hà Nội. Từ năm 1920, ông tham gia viết báo, nhưng hầu hết các bài nghị luận về thế sự đều bị kiểm duyệt, do đó ông chuyển sang viết thơ ngụ ngôn để có thể nói được những điều mình muốn nói. Ông đã in những tập thơ ngụ ngôn như Gương thế sự (1920), Ngụ ngôn mới (1935), Thơ Ngụ ngôn (1937)…Ngoài ra ông còn có những tập thơ thiếu nhi được xuất bản như Bài hát trẻ con (1936) hoặc thỉnh thoảng có cho in đôi bài thơ trên báo Cậu Ấm…
Nếu có “bửu bối” của chú mèo Dorémon, đi ngược lại thời gian thì ta sẽ thấy thuở mới xuất hiện trên trường văn trận bút, thơ của Nam Hương đã được đón nhận cuồng nhiệt như thế nào. Chẳng hạn trong Nhà văn hiện đại, Vũ ngọc Phan đã không tiếc lời: “Thơ ngụ ngôn của Nam Hương rất phù hợp với tính tình trẻ con, vì thơ ông có những điều đặc biệt sau này: những truyện ông dựng không bao giờ khúc mắc, mặc dầu là truyện có sẵn ông cũng chỉ lược lấy những việc cốt yếu cho khỏi rườm rà, lời thơ ông rất giản dị và trong sáng, âm điệu lại giàu, làm cho người ta chỉ đọc vài lần là có thể nhớ ngay”. Chính nhờ ưu điểm trên nên nhà phê bình văn học đề nghị: “có thể lựa nhiều bài làm sách giáo khoa và sách tập đọc” cho trẻ em.
Nhưng các tập thơ trên của Nam Hương đến nay vẫn chưa tái bản. Hiện nay, chúng tôi có sưu tập tương đối đầy đủ thơ ngụ ngôn, thơ thiếu nhi của ông và xin trân trọng giới thiệu cho bạn đọc ngày nay được thưởng thức “những bài trong sạch”, mà từ năm 1942 Vũ Ngọc Phan đã cho biết: “Tôi lấy làm tiếc rằng, những tập thơ có tính cách giáo dục và trong sáng như thế hiện nay trẻ con lại không có để đọc, vì từ lâu không còn thấy thơ ngụ ngôn của Nam Hương ở các hiệu sách Hà Thành”.
Lâu nay, những nhà thơ đã thành danh cũng có làm thơ cho thiếu nhi, dù không phải sở trường của mình. Do lấy sở đoản để múa bút nên những vần thơ ấy người ta có cảm tưởng là viết về, hơn là viết cho đối tượng đó. Mặc dù, trong dòng thơ cũng có đứa trẻ chạy lon ton, cũng có những cái nhìn ngộ nghĩnh về cảnh vật xung quanh v.v...nhưng chỉ như thế vẫn chưa hẳn là thơ viết cho thiếu nhi. Vì ở đó, người đọc đòi hỏi nhà thơ phải thật sự rung động trước cái đẹp bằng cảm xúc như chính trẻ em đã từng rung động. Điều này không phải dễ, khi mà người viết đã vượt qua lứa tuổi ấy.
Nhưng ở trường hợp của nhà thơ Nam Hương thì khác hẳn. Những bài thơ của ông, ở đó, người đọc có cảm tưởng như chính đứa trẻ đã viết lại những xúc cảm tươi rói, mới mẻ của mình. Thuở nhỏ, ai không từng cỡi ngựa gỗ, chỉ cần nhún về trước hoặc ngửa đằng sau thì ngựa gỗ sẽ chuyển theo lực của người đang vận động. Chính từ sự nhịp nhàng ấy mà nhà thơ Nam Hương đã viết những câu thơ đọc lên nghe êm như ru.
Nhưng không chỉ là đọc cho vui, ông còn khéo léo lồng vào đó một tình cảm mới: “Ép nhong nhong! Ép nhong nhong! / Nay còn bé nhỏ, chạy rông chạy dài./ Mai sau khôn lớn bằng ai. / Quyết đi ngựa thật ra ngoài bốn phương” hoặc ở trò cho dô-ta kéo gỗ, ông viết: “Hai bên cây cỏ xanh rì / Mải vui cảnh mới, nghĩ gì đường xa”...Những bài thơ viết sau thời kỳ mà cụ Phan Bội Châu khởi xướng phong trào Đông Du, đưa thanh niên yêu nước xuất dương học tập để sau này về cứu nước thì chuyện đi xa ấy ngụ ý ở thơ Nam Hương rõ ràng là có mục đích. Cụ thể hơn là bài Gà gáy sáng, ông quả quyết: “Dậy mà rấn bước chân đi/ Quản gì Nam - Bắc, quản gì Tây - Đông” hoặc ở bài Chí đi xa, vần thơ hào sảng lạ lùng: “Tôi cầm lái chạy cho mau/ Đi cho biết mặt hoàn cầu vần xoay”.
Như ta đã biết, dưới thời Pháp thuộc, thực dân tìm mọi cách kìm hãm người dân trong vòng tù túng, ngột ngạt thì ông đã mơ đến các phương tiện vận chuyển không chỉ xe đạp, ngựa mà có mơ ước đến máy móc tân kỳ hơn như xe hơi, tàu thủy để được đi xa hơn, đi để “Mắt coi đàng trước / Chân chẳng lùi sau / Dạo khắp hoàn cầu / Giung giăng giung dẻ”; và ở đây ông còn dự báo trước một hiện thực dứt khoát sẽ xẩy ra: “Máy bay! Nếu có máy bay! / Tôi bay suốt đêm ngày! / Bay trên đỉnh tháp, ngọn cây. / Sẵn sàng lướt gió, đường mây tung hoành!” Đáng quý thay ở trí tưởng tượng của Nam Hương. Nhưng không chỉ sống trong tưởng tượng, ngay sang Cách mạng tháng Tám cho đến năm 1958, Nam Hương đã hăm hở nhận công tác ở Bộ Giáo dục của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, để có thể tiếp tục công việc giáo dục thế hệ trẻ mà ông đã gắn bó nhiều năm. Ta có thể thấy điều này qua một loạt tác phẩm mà ông đã viết trong thời gian này, đặc biệt trong đó có những tập thơ thiếu nhi từng được nhà xuất bản Kim Đồng in như Gà con giúp mẹ, Dạy sớm (in chung)...
Một kinh nghiệm làm thơ thiếu nhi mà ta có thể rút ra từ thơ Nam Hương, là ông đã vận dụng sự nhịp nhàng các trò chơi quen thuộc của trẻ em để gieo vần. Mà không chỉ dừng lại ở đó. Là một nhà giáo, ông biết rằng, các trò chơi của trẻ em hầu hết đều đi với vần điệu, câu chữ ngộ nghĩnh, nhưng nhiều khi câu chữ ấy vô nghĩa, hoặc không còn hợp thời thì nay ông đặt lời mới, qua đó lồng thêm ý nghĩa giáo dục mới. Đó mới là thật sự đóng góp của nhà thơ Nam Hương trong thơ viết cho thiếu nhi từ nửa cuối thế kỷ XX.
Ở mảng thơ ngụ ngôn, ngoài những ý nghĩa mà Vũ Ngọc Phan đã phân tích ở trên, ta còn có thể nhận ra những nhân vật trong đó có suy nghĩ đậm đà tính cách của người Việt Nam, chứ không phải phỏng dịch lại từ ngụ ngôn của La Fontaine. Đó là chuyện của ngói, đầm, sông, phường chèo v.v...Chẳng hạn, chuyện cá mực tranh mồi mà “Đùn ra một chất tanh hôi lạ lùng” liền bị cá trích chê rằng: “Giận thay cái gống to đầu! / Râu hùm, hàm én ngờ đâu đê hèn! / Chỉ vì chút lợi nhỏ nhen / Làm cho cả nước tối đen như mù!” thì ta lập tức liên tưởng đến nhân vật trượng phu trong Truyện Kiều! hoặc chuyện tre và trúc, ông đã vận dụng thành ngữ “tre già măng mọc” rất quen thuộc trong tâm thức mọi người...
Có thể nói, thơ của Nam Hương nói chung là ngôn từ trong sáng, hình ảnh và nhạc điệu phù hợp với cảm xúc hướng thiện của trẻ em Việt Nam. Việc giới thiệu lại những bài thơ tiêu biểu nhất của Nam Hương, một lần nữa khẳng định văn học thiếu nhi Việt Nam đã có nền móng từ khá lâu và ngày càng phát triển theo định hướng mới của thời đại...
L.M.Q
THƠ NAM HƯƠNG BÙI HUY CƯỜNG
1.- KÉO GỖ
Dô ta!
Cùng nhau kéo gỗ, dô ta!
Kéo từ sườn núi kéo ra cánh đồng;
Đóng bè thả xuống dòng sông,
Thuận buồm xuôi gió bình bồng trôi đi.
Hai bên cây cỏ xanh rì,
Mãi vui cảnh mới, nghĩ gì đường xa.
Dô ta!
Cùng nhau kéo gỗ, dô ta!
Kéo lên trên bến làm nhà trú thân;
Nào dui, nào cột, nào trần,
Tường cao cửa rộng trăm phần bình yên.
Vợ chồng con cái đoàn viên,
Chẳng lo gió táp, chẳng phiền mưa sa.
Dô ta!
Cùng nhau kéo gỗ, dô ta!
Kéo vào trong xưởng xẻ ra vắn dài.
Thợ thuyền hì hục hôm mai,
Đóng bàn đóng ghế cho ai học hành.
Mai sau nổi tiếng tài danh,
Chớ quên núi đỏ rừng xanh nước nhà.
Dô ta!
2.- CHUỒN CHUỒN
Chuồn chuổn chuồn chuồn!
Hết qua ngọn cỏ lại luồn cành cây;
Hỏi đi đâu đấy hỡi mày?
Bảo cho ta biết, ta đây đỡ buồn.
Chuồn chuổn chuồn chuồn!
Hết qua ngọn cỏ lại luồn cành cây;
Tôi đi đi khắp đó đây,
Bắt ruồi bắt muỗi cho khuây nỗi buồn.
Chuồn chuổn chuồn chuồn!
Hết qua ngọn cỏ lại luồn cành cây;
Thôi mày dừng cánh nghỉ bay,
Là là xuống với ta đây đỡ buồn.
Chuồn chuổn chuồn chuồn!
Hết qua ngọn cỏ lại luồn cành cây;
Bằng nay dừng cánh nghỉ bay,
Một khi bị bắt tôi đây cũng buồn.
Chuồn chuổn chuồn chuồn.(*)
(*) Tiếng chuồn còn có nghĩa là chạy trốn.
3.- CON CÒ
Con cò bay bổng, bay la,
Bay từ cửa tổ, bay ra cánh đồng,
Suốt mình trắng nõn như bông;
Gió xuân thỉnh thoảng bợp lông lên đầu.
- Hỏi cò vội vã đi đâu?
Xung quanh ruộng nước một màu bao la.
- Cò tôi bay bổng, bay la,
Bay từ cửa tổ, bay ra cánh đồng.
Trời sinh, mẹ đẻ tay không,
Cho nên đi khắp tây đông kiếm mồi.
Trước là nuôi cái thân tôi,
Sau nuôi đàn trẻ nên đời cò con.
Một mai khôn lớn vuông tròn,
Rủ nhau bay khắp nước non xa gần.
Kiếm mồi tự lập lấy thân,
Vẻ vang hãnh diện cho dân con cò.
Mỗi ngày một lớn một to,
Chớ đừng khốn nạn chỉ lo cậy người.
Mà cho nông vạc chê cười...
Ấy tôi lấy thế làm vui tuổi già.
Nên tôi bay bổng bay la,
Bay từ cửa tổ, bay ra cánh đồng.
4.- THỢ CẦY
Làm ăn tự sáng đến chiều,
Giữa trời bêu nắng như thiêu ngoài đồng.
Ruộng nương chẳng chịu bỏ không,
Hết mùa thóc lúa lại giồng ngô khoai.
Nghiệp nhà gánh vác hai vai,
Chẳng chồn gót ngọc, chẳng phai dạ vàng.
Ấm no là cái vẻ vang,
Quyền cao chức trọng không màng không ham.
Tháng năm biết có việc làm,
Ấy người cày ruộng nước Nam nhà mình.
5.- NGHỀ HÀNG SÁO
Ù ù tiếng sấm,
Xay cho đều, chớ chậm đừng nhanh.
Xay cho vỏ chấu tan tành,
Cho thân hạt gạo nguyên lành chui ra.
Phì phà phì phạch!
Quạt làm sao cho mạnh, cho mau,
Quạt cho chấu, bụi đuổi nhau,
Cho thân hạt gạo sạch làu mới hay.
Tiếng chày bình bịch!
Giã cho đều, cho thích cẳng chân,
Giã cho cám nhỏ muôn phần,
Tức thì hạt gạo thành thân ngọc ngà.
Bì bà bì bạch!
Sảy làm sao cho sạch cám ra;
Gạo kia trong trắng nõn nà,
Thế gian no đủ thế là xong công.
6.- THỢ NỀ
Kỳ cà kỳ cạch!
Từng đường từng mạch.
Này thước, này dao,
Này vôi, này gạch.
Đổ móng, đổ nền,
Trát tường, trát vách.
Làm cửa, làm nhà,
Xây thành, xây quách.
Tháng lại ngày qua,
Kỳ cà kỳ cạch!
Kỳ cà kỳ cạch!
Tôi thì thích nghề tôi.
Dậy từ sáng bạch,
Lên dóng lên thang.
Ngồi cao, ngồi thấp,
Bốn mặt xung quanh.
Khi giời trong sạch,
Chẳng phải cúi luồn.
Chẳng cần chen lách,
Hết hát tình tang.
Lại cười khanh khách,
Tuy ở giữa trời.
Vững hơn bàn thạch,
Tôi thích nghề tôi.
Làm ăn thanh bạch...
7.- NHẢY CHO TRÒN
Nhảy cho tròn!
Nhảy cho tròn!
Hỡi này các cháu tí hon của bà!
Thấy đàn cháu nhỏ như hoa,
Rừng xanh cũng phải ngắm mà nỉ non.
Nhảy cho tròn!
Nhảy cho tròn!
Hỡi này các cháu xinh dòn của ông!
Thấy đàn cháu nhỏ chơi đông,
Bướm ong phấp phới trên đồng cỏ non.
Nhảy cho tròn!
Nhảy cho tròn!
Hỡi này các cháu, các con trong nhà,
Thấy con, thấy cháu thuận hòa,
Đàn chim vỗ cánh bay ra hát mừng.
8.- GÀ GÁY SÁNG
Cúc cù cu!
Sáng rồi đây!
Dậy thôi! các bác đi cày nhà ta!
Ruộng nương đồng đất bao la,
Trâu bò đợi bác cùng ra cấy cầy.
Cúc cù cu!
Sáng rồi đây!
Học trò tỉnh dậy đi ngay nhà tràng.
Học sao ngoan ngoãn giỏi giang,
Học sao đổi mới dân làng, ấy hay!
Cúc cù cu!
Sáng rồi đây!
Thợ thuyền mau dậy đi xây cửa nhà.
Cho người có chỗ vào ra,
Vợ chồng, con cái, mẹ cha, xum vầy.
Cúc cù cu!
Sáng rồi đây!
Đường buôn nghiệp bán, ngủ ngày còn chi.
Dậy mà rấn bước ra đi,
Quản gì nam, bắc, quản gì đông, tây!
Cúc cù cu!
Sáng rồi đây!
Đời người độ một gang tay là cùng.
Nửa ngày còn đắp chăn bông,
Sống mà như thế, thực không bổ gì.
9.- RU EM
Kĩu ca kĩu kít!
Chị đưa em bổng tít hơn đu!
Ban ngày nhà vắng thầy u,
Em nằm nghe chị hát ru vui nhà,
Kĩu ca kĩu kít!
Chị đưa em bổng tít lên cao.
Ru em, em ngủ đi nào,
Miệng em như cái nụ đào nở hoa.
Kĩu ca kĩu kít!
Chị đưa em bổng tít tuyệt vời.
Em tôi hết ngủ lại chơi,
Chớ không khóc đứng khóc ngồi xấu xa.
Kĩu ca kĩu kít!
Chị đưa em bổng tít lên không.
Em tôi ngủ một giấc nồng,
Hay ăn chóng lớn yên lòng mẹ cha.
Kĩu ca kĩu kít!
Chị đưa em bổng tít lên mây.
Em tôi tuy nhỏ mà hay,
Đáng trông đáng đợi cho ngày mai sau.
10.- RUNG RĂNG
Rung răng rung rẻ...
Dắt trẻ đi chơi,
Đến chỗ mát trời,
Chớ nên bỏ phí;
Thở làn không khí,
Vừa sạch vừa trong;
Lòng đã hả lòng,
Thân càng mạnh mẽ.
Rung răng rung rẻ...
Dắt trẻ đi chơi,
Đến chỗ đông người,
Nếu không nhìn kỹ,
Người ta vô ý,
Chân dẵm phải chân,
Đau đớn muôn phần,
Còn chi vui vẻ!
Rung răng rung rẻ...
Dắt trẻ đi chơi,
Qua chỗ rãnh, ngòi,
Gần nơi than lửa,
Nếu trông ngang ngửa,
Liều lĩnh bước chân,
Bẩn áo, cháy quần,
Còn chi sạch sẽ!
Rung răng rung rẻ...
Dắt trẻ đi chơi,
Nhọc ta mệt ngồi,
Tỉnh tao lại bước,
Mắt coi đằng trước,
Chân chẳng lùi sau,
Dạo khắp hoàn cầu,
Rung răng rung rẻ...
N.H.B.H.C
Ghi chú: Tình cờ tìm lại bài viết đã lâu, post lại như kỷ niệm của ngày chưa có Google. Bây giờ, tìm kiếm tài liệu dễ dàng hơn nhiều rồi. Mà như thế, lại lười đọc, lười ghi chép hơn trước.Than ôi, ngày ấy đâu rồi?
< Lùi | Tiếp theo > |
---|