Tuổi học trò đi qua như gió. Như nắng. Như mưa. Trước đó chừng một tháng, bỗng nhiên một ngày nọ, tôi thấy mình lớn hẳn lên. Mình đã lớn. Đó là lúc nửa khuya cả nhà thức dậy, mẹ tôi đọc kinh Phật lâm râm và nguyện cầu. Ba tôi đứng ngoài sân nhìn về phía xa xăm. Tiếng pháo kích đã dội vào thành phố Đà Nẵng. Từng chùm hỏa châu sáng lòe rọi xuống mặt đường phố vắng tênh một sắc màu xám xịt. Màu của cái chết đang rình rập đến từng giờ, từng phút. Còn tôi, tôi đang nằm trong hầm lắng tai nghe tiếng đại bác dội về thành phố Đà Nẵng. Chiến tranh đã đến tận trong ngõ nghách phố thị. Đêm chập chờn âu lo ấy mệt mỏi trôi qua.
Rồi một sáng thức dậy, tôi đã thấy rợp phố phường là những ngọn sao vàng, lá cờ nửa xanh, nửa đỏ. Lũ học trò thì thầm với nhau “Việt cộng đã về”. Có một điều rất lạ, đến bây giờ tôi không hiểu vì sao trước một sự kiện vĩ đại như thế nhưng mọi sinh hoạt trong xã hội vẫn nề nếp, hầu như không có gì thay đổi lớn. Đã nghe âm vang tiếng hát:”Đà Nẵng quê ta ơi hôm nay giải phóng rồi / Trên sông Hàn lại vang câu hò / Cờ giải phóng lại bay trên phố cũ / Trời của ta, đất của ta, con chim trên cành lại cất tiếng ca / Bao nhiêu mong ước mới có một ngày vui…”.
Chỉ dăm ngày sau, chúng tôi lại đến trường. Vẫn ngôi trường có cây phượng đang lập lòe trổ bông, vẫn chiếc bàn học cũ kỹ, vẫn cái ghế ngồi xộc xệch, vẫn tấm bảng đen và nhất là vẫn những thầy giáo ấy! Chỉ riêng môn Việt văn, người thầy dạy chúng tôi là một “chú bộ đội” trong quân phục màu xanh luôn gợi đến sự phong sương, từng trải.
Bài học của “văn học cách mạng” lần đầu tiên tôi biết đến là bài thơ Nhớ con sông quê hương của nhà thơ Tế Hanh. May mắn, vài chục năm sau ra Hà Nội, nghe tôi kể lại chi tiết này, nhà thơ Hoa niên đã xúc động rơm rớm nước mắt... Còn “bài ca cách mạng” đầu tiên, tôi biết đến là ca khúc dễ hát, cậu học trò lớp 9 chỉ hát một lần mà nay đã in trong óc: “Trường em lợp ngói đỏ / Bên hàng cây xanh xanh/ Ngày ngày vang tiếng hát / Khúc ca vui học hành/ Chúng em thi nhau viết / Thật đẹp tên Bác Hồ / Chúng em thi nhau vẽ / Ngôi sao trên lá cờ”.
Rồi ba năm sau, tôi đi bộ đội. Đang chuẩn bị học lớp 12, tôi nhận được giấy gọi nhập ngũ. Cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đã nổ ra. Đất nước vừa hòa bình. Đất nước vừa chiến tranh. “Chúng nó muốn nã pháo trên đầu mẹ / muốn bẻ gãy chiếc đòn gánh tì trên vai mấy ngàn năm / hối hả áo xanh lên miền biên giới / chặn bàn tay chém mẹ vết dao đâm..”. Ngày tháng qua mau. Đời sống có nhiều xáo trộn. Không còn một lựa chọn nào khác, thế hệ chúng tôi đã trở thành người lính. Như một lẽ tự nhiên.
Sau ba tháng quân trường, trong lễ chào cờ mỗi sáng thứ hai đầu tuần, chính trị viên của tôi thường kết thúc bài nói chuyện bằng hai câu thơ “Tổ quốc ơi hãy trao tôi cây súng / Thân tôi đã dài vai tôi đã rộng...”. Thơ của ai, tôi không rõ nhưng nay vẫn nhớ như là bài học đầu tiên về tình yêu bảo vệ Tổ quốc.
Ít lâu sau, chúng tôi hành quân sang đất K làm nghĩa vụ quốc tế. Trên đường đi, tôi đã gặp những anh em TNXP cán thương, tải đạn... gọi nhau ơi ới. Rồi có tiếng mìn nổ. Có người quay về tuyến sau trên chiếc võng toòng teng đầy máu. Máu chảy dọc đường đi. Năm tháng này, một thời gian dài, chúng tôi phải sống trong hầm dưới hào công sự và sẵn sàng nổ súng. Cái sống và cái chết chỉ gần nhau như một gang tấc. Tôi lại làm thơ như một cách ghi nhật ký, bởi từng ngày phải đón nhận những điều khủng khiếp mà mình chưa hề chuẩn bị trước, không thể lường trước...
Nếu lúc ấy cả nước bước vào cuộc chiến tranh, tâm trạng chúng tôi đã khác. Khổ nỗi, đất nước vẫn đang hòa bình. Chỉ có tiếng súng nổ ra ở biên giới. Đêm đêm đứng trên chốt, nhìn về phía sau, chúng tôi vẫn còn thấy những ngọn đèn mờ nhạt từ phía Pleiku hắt lên nền trời đen. Như những lời mời gọi rất quyến rũ. Chỉ cần quay đầu, chúng tôi đã có mặt tại đô thị, đã có thể nhân nha vị ngọt hòa bình ngày ngày bình yên vô sự. Nhưng rồi không thể. Chúng tôi lại tiếp tục đi sâu vào tuyến lửa.
Rồi một buổi chiều nắng úa trên những vòm cây đã bị cụt ngọn bởi hỏa lực, tại một giao thông hào chật hẹp, chúng tôi được kết nạp vào Đoàn. Không còn cờ, không có hoa, chỉ có lời tuyên thệ. Sáng hôm sau, Sư đoàn 307 mở màn chiến dịch đánh thẳng qua K. Từ đó, tôi thật sự trưởng thành. “Cái nắng quái như lửa nung cháy họng / cổ bỏng lên! ôi khát! ôi nắng / chúng tôi đi rùng rùng bụi đỏ / hái lá tai voi nhai suốt chặng đường dài / ba lô đeo vai / súng và gạo đeo vai/ vác trái đất nặng ba mươi ký / chúng tôi hành quân qua Xam-coong Thmây”. Đó là những câu thơ tôi còn ghi trong sổ tay.
Ngày 30.4.2015.
Từ những bài thơ ghi trong sổ tay ở chiến trường của ngay sau ngày thống nhất đất nước, đến nay tôi đã trở thành nhà thơ. Và xin được gọi ngày tháng ấy, thế hệ thanh xuân của chúng tôi đã trưởng thành.
L.M.Q
(nguồn: Báo C.A TP.HCM - số báo đặc biệt 30.4.2015 - kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|