THƠ Suy nghĩ về Thơ LÊ MINH QUỐC: ĐÃ CÓ 5 CHỮ MÙA THƠ

LÊ MINH QUỐC: ĐÃ CÓ 5 CHỮ MÙA THƠ

 

 

dacomua-tho-5-chu

ĐÃ CÓ 5 CHỮ MÙA THƠ

LÊ MINH QUỐC

(Thành viên Ban Giám khảo - phát biểu tổng kết Cuộc thi thơ 5 chữ của Tập san Áo Trắng - phát giải ngày 7.2.2018 tại NXB Trẻ)

 

Thơ hiện nay đang đi về đâu?

Đi về phía nội tâm người làm thơ. Đi về tâm trạng người yêu thơ. Cuộc thi thơ 5 chữ do Áo Trắng tổ chức đã xác tín điều đó. Lúc chấm giải, nhà văn Đoàn Thạch Biền - nhà đầu bếp trứ danh bày biện thức ăn tinh thần cho các bạn trẻ, tay huấn luyện viên lão luyện của sân chơi tuổi mới lớn đã phải thốt lên kinh ngạc: “So với trước, lần này, không chỉ số lượng mà chất lượng cũng cao hơn nhiều”.

Ấy là một tín hiệu đáng mừng, vì ít ra, vẫn còn đây những tâm hồn đồng điệu, luôn đau đáu với thơ.

Và cũng phải xác tín thêm một điều nữa: Hiện thời trên thị trường sách, báo chỉ có mỗi Áo Trắng vẫn bền bĩ, đồng hành cùng các bạn trẻ yêu văn chương. Sự đồng hành hiểu theo nghĩa tập san này vẫn là “diễn đàn”, là mảnh đất cần thiết dành cho các bạn gieo hạt mầm thơ đầu đời. Rồi cũng từ nơi này, như một “bệ phóng” để các bạn tiếp tục cuộc hành trình cùng chữ nghĩa.

Trở lại cuộc thi thơ lần này, Ban giám khảo vui mừng khi nhận ra đã có một dòng chảy khác với xu thế chung đang có. Khác thế nào? Là ở chỗ bên cạnh những bài thơ tình lứa đôi, những cảm xúc mơ màng, vẫn có những vần điệu gắn liền với thời cuộc, thời sự đang diễn ra. Nói cách khác, những người trẻ đã mở rộng tâm hồn mình để lấy cảm hứng từ đời thường;  từ những âu lo, buồn vui, chứ không chỉ phản ánh tâm trạng cá nhân. Nếu không ý thức công dân, chứ còn gì nữa? “Mong qua mùa sóng gió/ Để biển lại hồi sinh/ Trong mặn nồng hơi thở/ Trời mỗi ngày tươi xanh” (Đinh Hạ).

Gì nữa? “Phong ba nào hẹn đợi/ Bão dữ tràn biển Đông/ Con đường - tình yêu gọi/ Phố liền đảo chung lòng” (Nguyễn Nguyên Phượng) v.v…

Nhà văn Thạch Lam viết truyện ngắn Sợi tóc, có câu: “Chỉ một sợi tóc nhỏ, một chút gì đó, chia địa giới của hai bên...”. Vâng, khi liên tưởng đến thơ, tôi luôn nghĩ đến một khoảng cách mong manh giữa cảm thức thơ và không thơ. Lằn ranh mong manh này, xét về nghệ - thuật - thơ hay thời - sự -thơ cũng là một sự tranh luận/ tranh cãi khi xếp các thứ hạng giải lần này.

Phải nói thật rằng, không gì giấu diếm, khi đọc thơ vào chung khảo, tôi rất ngại đọc thơ tình đôi lứa. Bởi sợ sự giống nhau, không có gì đột phá, sáng tạo. Nỗi sợ ấy tan nhanh, khi đọc: “Mẹ thêu ngoài bậc cửa/ Đếm những mùa gặt lanh/ Em dệt bên bếp lửa/ Đếm những mùa khát anh” (Hoàng Anh Tuân). Nỗi sợ ấy loang nhanh, khi đọc: “Em trở về… chông chênh/ Níu nỗi lòng xưa cũ/ Hoa lục bình mùa lũ/ Vẫn ngát một dòng sông” (Kim Phượng Hà) v.v…

Cuộc thi thơ lần này, Ban giám khảo còn rất hào hứng bởi được chia sẻ, tâm tình những vần thơ mà các bạn đã viết về mẹ, nếp nhà, góc phố, bến sông… Những hình ảnh đã quen thuộc, nay lại dạt dào cảm xúc. Tại sao? Trong một xã hội, nhịp sống mỗi ngày một vội vàng, thay đổi chóng vánh đến độ “Sông kia rày đã nên đồng” (Tú Xương) thì làm sao lại không rưng rưng cảm động về một dấu vết từng gắn chặt với năm tháng tuổi thơ còn sót lại: “Cây bàng yêu thị trấn/ Mà không dám ngõ lời/ Để cuối mùa trở rét/ Cây khô một mình thôi” (Linh Văn)…

Làm thơ 5 chữ khó hay dễ?

Tôi nghĩ khó nhất vẫn là viết làm sao ngắn mà chặt chẽ ý tứ. Không ít lần, nhà thơ Lê Thị Kim trầm ngâm: “Nếu các bài thơ này cắt ngắn đi vài khổ thơ nhỉ? Tiếc quá”. Tiếc ở đây, tôi hiểu là sự dài dòng, rườm lời, cần nén lại nhiều hơn nữa. Nhung rồi, đã là cuộc thi, không một ai có thể can thiệp. Sự tiếc này, hầu như khá phổ biến. Vì lẽ đó, khi viết đôi dòng nhận xét này, tôi vẫn muốn nói rằng, các bạn hãy cố gắng cô đọng hơn nữa. Cái sự thừa ấy, bao giờ cũng khiến người đọc một bài thơ hay có cảm thấy tiếc là vậy.

Khép lại cuộc thi thơ lần này. Lại mở ra một cuộc thi khác. Chắc chắc thế. Và bây giờ, giữa lúc hào hứng chào đón “5 chữ mùa thơ”, ngoài trời đang Tết thì dù có giải hoặc không, dù cao hoặc thấp, tôi nghĩ ai nấy cũng đều rất… thơ. Bởi lẽ từ ngày 1.2.2017 trên mỗi số Áo Trắng, trong khoảng thời gian ấy chúng ta đều có chung cảm hứng thơ. Chính điều đó đã gắn kết chúng ta có cùng một mỹ cảm, một tâm thế khi đến với tập san Áo Trắng.

L.M.Q

(nguồn: Tập san Áo Trắng số 1.2018)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com