1.
Để rồi xem, một khi đã dan díu, chung chạ với Thơ thì mối lương duyên tri ngộ ấy bền chặt như tơ tằm. Quấn quýt, ràng rịt lấy nhau. Không gì có thể tách rời. Đôi lúc ngoảnh mặt, muốn chọn một con đường khác nhưng rồi cũng không thể.
Khi nàng Kiều muốn mượn dòng sông Tiền Đường dậy sóng để tẩy rửa phần kiếp hồng nhan bạc phận, lập tức bóng ma Đạm Tiên ghé tai nói nhỏ: “Đã toan trốn nợ đoạn trường được sao?”. Vâng, tất nhiên không thể được. Và Kiều phải dấn thân suốt mười lăm năm phiêu bạt.
Tôi nghĩ rằng, tâm thế ấy, dù không nói ra nhưng cũng là một ám ảnh bất biến trong con người thi sĩ. Nói như thế, đừng nhìn đâu xa, hãy nhìn vào nhà thơ Trịnh Duy Sơn. Từ thập niên 70 của thế kỷ trước, anh đã có thơ đăng báo, đã được công chúng biết đến. Nếu ngày ấy, vẫn tiếp tục đắm đuối với Thơ thì hình ảnh, vị thế của anh trên văn đàn đã khác.
Oái ăm, giữa lúc ấy, anh lại rẽ sang con đường khác. Dù vẫn vui với duyên bút mực nhưng các trang viết ấy không gần lắm với Thơ. Thế thì, Thơ sẽ giận dỗi, sẽ ruồng rẫy anh chăng? Không, từ đâu đó ở sâu thẳm tiềm thức, tiếng thơ vẫn réo rắc, ma mị, mời gọi và anh lại quay về với thơ.
Duyên trăm năm đứt đoạn
Tình một thuở còn vương
Không phải ngẫu nhiên tôi nhớ đến hai câu thơ của Đoàn Phú Tứ trong một chiều cả gió ngồi đọc thơ Trịnh Duy Sơn. Mùa hương thầm nhắc, tựa tập thơ đã ra đời từ ý tứ ấy. Ngày và đêm, ánh sáng và bóng tối, thực tế và mơ mộng đã thầm nhắc anh trở lại với “người tình” đã có từ muôn ngàn kiếp trước: Nàng Thơ.
2.
Và lần này, nếu so với các tập thơ đã viết, ở đây ý nghĩa của ngôn từ sâu lắng hơn mà cũng đau đời hơn. Tôi thích những câu thơ giàu tính triết lý của một người đã thấu hiểu lẽ vô thường:
Tìm em, lạc mấy nẻo đường
Anh nhờ đồi dốc khói sương dắt mình
Ở đây ý thức khôn ngoan, rành mạch tự nó đã “đi chỗ khác chơi”, nhà thơ Trịnh Duy Sơn nhờ cậy vào sự mơ hồ của thiên nhiên mách bảo. Câu thơ thể hiện rất rõ bản ngã một người giàu mơ mộng. Rồi lúc đau đớn của phận người người trong hợp - tan, anh cũng thấu rõ:
Tiễn em đi trọn kiếp người
Ngỡ như mây trắng cuối trời cũng đau!
Mây còn đau chứ huống gì người. Có những câu thơ không dễ thốt thành lời, thành chữ nếu cái tâm không khoáng đạt, nếu không đứng ngoài:
Một thời đo đếm cân đong
Nhân chia trừ cộng lòng vòng sân si
Vì lẽ đó, nhà thơ Trịnh Duy Sơn đã “tuyên ngôn”một điều lớn lao mà nhẹ tênh là buông bỏ:
Trả hương về lại với hoa
Trả men cho nhũn la đà cơn say
Dẫu rằng không nợ cùng vay
Cũng xin trả hết nắng mây cho trời
Khó có thể xác định ấy là câu thơ viết cho Tình hay cho Đời. Trong thơ anh, Tình và Đời quyện chặt khó có thể phân biệt rạch ròi. Những câu thơ viết về đồng đội thời chiến tranh cũng có một dấu ấn khó phai. Anh đã tìm ra nhiều tứ thơ độc đáo như:
Bốn mươi năm sau ta trở lại
Trận địa xưa thành rẫy bạch đàn
Vẫn thoảng đâu đây mùi thuốc súng
Bước quân hành thấp thoáng bóng xuân sang
Một cấu trúc tứ tuyệt hoàn chỉnh, chắc chắn âm vang của nó còn đủ sức lay động tình cảm người đọc. Rõ ràng, còn người giàu tình cảm, sống có chiều sâu nội tâm, do đó, sự đan xen giữa hiện tại và quá khứ mới nhất quán đến thế.
3.
Trong Mùa hương thầm nhắc, còn có thêm một phần ký ức của nhà thơ Trịnh Duy Sơn: tình yêu. Những câu thơ ấy, có lẽ nói như ngôn ngữ thời thượng @ đó là “tình đơn phương”, tình riêng lẻ nên đau đáu cho riêng mình:
Lòng anh đau như cắt
Mắt em nhòa long lanh
Mọi thứ đều chín cả
Riêng tình mình mãi xanh
Thử hỏi, sao lòng không bùi ngùi bởi sự đối lập giữa “chín” và “xanh” trớ trêu đến thế? Rồi đôi lúc, cũng như mọi tình si trên trái đất này, khi đang yêu, ai không liều lĩnh đến ngây thơ:
Em như bể ái trầm luân
Ta xin chết đuối một lần được không?
Trong tập thơ này, đọc kỹ, ta sẽ thấy có nhiều câu hỏi tương tự. Nhưng rồi, chẳng ai, kể cả tác giả có thể giải đáp được.
Vì thế, thơ mới ra đời.
4.
Đọc một tập thơ là hành trình đi qua tâm thức của một con người. Với Mùi hương thầm nhắc, bằng sự tài hoa ngôn ngữ và “có nghề” trong cấu tứ của thể loại, Trịnh Duy Sơn đã vẽ lên được chân dung thơ của anh với nhiều sắc màu khác nhau. Sắc màu ấy, chắc chắn còn đọng lại trong tâm thức người. Và tôi, tin ở một hồn thơ:
Tình thơ, gỗ hóa nên trầm
Tháng năm thì vẫn tháng năm chung tình
LÊ MINH QUỐC
(Xuân 2015)
(nguồn: Tập thơ Mùa hương thầm nhắc của Trịnh Duy Sơn - NXB Hội Nhà văn - 2015)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|