THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: GIỌT BIỂN MẶN TAN TRONG TÔI

LÊ MINH QUỐC: GIỌT BIỂN MẶN TAN TRONG TÔI

 

UntitledVTBA

 

       Trong mỗi một con người ta dường như ngay từ lúc chào đời đã hướng về biển rồi chăng? Sở dĩ nghĩ như thế, chỉ vì khi đứng trước biển, sóng điệp trùng trắng xóa. Sóng vỗ chập chùng dữ dội. Nhìn xa tít ra ngoài trùng khơi thăm thẳm mới thấy thân phận con người nho nhoi biết chừng nào. Rồi tự hỏi, làm sao có thể đi hết biển? Suy nghĩ này có “kỳ quặc” không? Không hề. Đã đến với Vũng Tàu nhiều lần nhưng rồi lúc ngao du nơi Bãi Trước, Bãi Sau, trong lòng tôi bao giờ cũng nghe tiếng réo gọi của biển. Và, nghĩ rằng, mình chỉ là một giọt nước trong đại dương mênh mông, biết bao giờ mới “kết tinh” thành hạt muối mặn? Lúc có con - một hành trình tiếp nối cuộc đời mình, tôi tự nhủ:


Chào thế giới bây giờ con đã đến

Lại mở ra vô số những con đường

Lạ mà quen bởi từng quen rồi lạ

Hạt muối nào không chứa cả đại dương?


Ấy cũng còn là cảm hứng từ biển. Tất nhiên, củng như mọi thành phố biển trên giang san gấm vóc nước Việt, sóng biển Vũng Tàu đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho các loại hình thơ ca nhạc họa. Cung bậc của lòng người hòa nhịp cùng linh hồn của biển, có lẽ cũng là lúc họ thăng hoa nhiều nhất. Nghĩ như thế, đôi lúc tôi “ganh tị” với các bạn bè văn nghệ, đồng nghiệp báo chí đã cư ngụ nơi này. Ối dảo, tại Sài Gòn, mỗi sáng bừng con mắt dậy, bước ra khỏi nhà đã nghe thấy ầm ầm tiếng động cơ náo nhiệt. khói bụi mù trời, trong khi đó, các bạn của mình thì sao? Hễ mở mắt ra đã dược hít thở mùi biển mặn, đã có thể nghe vọng lại lời thì thầm của sóng…


Do đó, thời còn trai trẻ những tưởng chỉ cần hít một hơi thở thật sâu là có thể bơi vòng quanh Vũng Tàu, tuổi trẻ mà, ai lại không có lúc “tưởng bỡ” đáng yêu đến vậy? Tôi đã đến đây, vẩn vơ nghĩ thơ mộng như thế và nhờ thế mới… “thu hoạch” được thơ. Vào một buổi chiều thật đẹp, những câu thơ đã bật dậy trong sóng biếc hân hoan:


“Mặt trời xuống biển như hòn lửa”

Câu thơ Huy Cận đến Vũng Tàu

Chiều nay, ngơ ngác em tự hỏi:

Hòn lửa kia rồi sẽ đi đâu?


Có những câu hỏi cũng chỉ mà hỏi. Không cần phải trả lời. Thích quá. Nếu ông Xuân Diệu bảo: “Hôm nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm”, còn ở biển vào mùa hè lại khác. Dù đã chiều nhưng “hòn lửa” vẫn nấn ná mãi chưa chịu “ngủ sớm”, còn mãi rong chơi mãi xa tít chân trời; rồi:


Sáng nay, lại thấy nằm trên biển

Mặt trời bơi sải đến thong dong

Tưởng quả cam tròn lăn với sóng

Đàn hải âu kia lượn mấy vòng...


Cứ như thế, con người ta lại tâm tình củng biển. Này bạn, tôi hỏi thật tình một cách hết sức ngớ ngẫn rằng, có bao giờ bạn tĩnh tâm nhìn ngắm mặt trăng ở biển chưa? Nếu không đến với biển, làm sao có thể? Tôi đã có lần ngồi củng nhà thơ Xuân Sách tại Vũng Tàu, chẳng để làm gì, chỉ để thả hồn vào ánh trăng bạc nổi chìm nhấp nhô. Tan ra, từ khơi xa. Tan ra, ngay dưới chỗ đang ngồi. Sóng đó ư? Những sắc màu huyền ảo lạ lùng. Và tôi đã thấy, đã nghe một kỳ thú choáng ngợp hồn mình:


Ào ào sóng vỗ mênh mông

Lẫn trong lời hát thong dong. Vậy mà

Tưởng chừng có triệu lời ca

Từ trong nhịp sóng hóa ra tiếng mình

Ông trăng nhìn xuống lung linh

Thấy em đứng hát tang tình thích không?


Nhìn biển, sao lại hỏi trăng? Thiệt trẻ thơ hết sức. Và, cho tôi mạo muội nói thêm rằng, biển đẹp nhất, ấn tượng, lung linh nhất vẫn là lúc nhìn vào ban đêm. Ngút tầm mắt là một thảm cỏ mênh mông vô tận, không màu xanh của cỏ lại là một màu của tâm tưởng. Đã có nhiều người đến Vũng Tàu một lần, sau đó quay lại nhiều lần cũng vì thích cảm nhận thêm cảm giác lẫn thị giác cùng cảm nhận:


Ngôi sao ở biển trong veo

Rơi trên mắt sóng tan vèo dưới chân

Lăn tăn sóng vỗ… lăn tăn

Sóng trắng xóa hóa thiên thần lả lơi

Dù em chưa gọi biển ơi

Đã nghe sóng đáp triệu lời trùng dương


Tiếng sóng ấy, khiến người ta không cô đơn, cô độc cho dù chỉ mỗi một mình trong khoảnh khắc ấy. Tôi nghĩ, nếu ai đó thu lại tiếng sóng vỗ ban đêm, lắng nghe sẽ phát hiện ra điều gì nhỉ? Ai kia, lúc xa cố hương, ngóng về quê cũ trong tâm trạng não nùng ắt nghe vọng về tiếng lòng của Thúy Kiều chăng? “Buồn trông gió cuốn mặt duềnh/ Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi". Ai kia, lúc đang đau đớn không cùng với mối tình trong trẻo, dằng dặc niềm thương nỗi nhớ ắt nghe lời thở than từ sóng biển vọng đến chăng? “Biển sóng biển sóng đừng xô nhau/ Ta xô biển lại sóng nằm đau/ Biển sóng biển sóng đừng xô tôi/ Đừng xô tôi ngã giữa tim người” (Trịnh Công Sơn)…


Thoát nghĩ đến diều này, có phải do sóng vỗ vào bờ lại cuồn cuộn ra khơi, chỉ nháy mắt, do đó, khi đến với biển, nhìn sóng, còn người ta thường nghĩ đến những cuôc tình đã đi qua đời mình? Đã đến và đi. Như sóng đã đi và sẽ đến. Chỉ có biển mới tạo ra cảm giác:


Biển bí ẩn vẫn muôn trùng bí mật

Đâu bến bờ chờ đợi mỗi đêm

Tôi như người lênh đênh trên biển

Lúc mở lòng hồi họp nói yêu em


Cứ thế, năm tháng đi qua va khi đứng trước biển cũng là lúc con người ta nhẹ lòng nhìn về năm tháng dĩ vãng. Sự kỳ diệu này, cho thấy rằng, sự hiện diện của biển trong cuộc đời này, từ tiếng sóng, tự nó đã là một “liều thuốc” màu nhiệm để người ta thanh lọc lại tâm hồn. Vì thế, có gì thay thế sự huyền ảo của biển không? Chắc chắn là không. Nhưng rồi có lúc, tôi nghĩ rằng có, đó là lúc nhân loại bắt đầu tiếp thu công nghệ mới: tin học.


Còn nhớ, bấy giờ ở thời điểm đó, khi tôi ra Vũng Tàu, đến thăm các đồng nghiệp ỏ báo Vũng Tàu- Bà Rịa thì câu chuyện “trà dư tửu hậu” của chúng tôi, từ Tổng Biên tâp Phạm Quốc Toàn đến các bạn Nguyễn Triệu Hải, Văn Thơm v.v… cũng cũng đều trao đổi về công nghệ kỳ thú, mới mẻ này. Công nghệ ấy, lúc ấy đối với các nhà báo vẫn là gì đó hết sức bí mật, lạ lùng. Với trình độ vở lòng khi tiếp nhận từ hệ điều hành MS.DOS và thao tác lệnh “dir”, tôi nghĩ, sự mới lạ này, chỉ có thể so sánh với… biển:


Biển hình vuông khuôn màu xanh trước mặt

Biến động liên hồi. Sáng tạo vô biên

Chớp nhoáng đổi thay đường bay tin học

Tôi ngỡ ngàng như chạm gió tháng giêng


Thoáng đó, chỉ vài chục năm trôi qua cái vèo, công nghệ đã thay đổi nhiều lắm. Biển vẫn thế. Vẫn không có gì có thể so sánh với sự huyền ảo, huyền bí của biển, do đó, ngàn năm trước rồi ngàn năm sau nữa, biển vẫn còn sức hấp dẫn và quyến rũ. Đầu xuân này, khi nhìn về biển trên dãy đất thống nhất của non sông nước Việt, từ chung và riêng, từ tâm tình hòa chung niềm vui với tất cả mọi người về tình yêu dành cho biển, cho phép tôi chia sẻ lòng mình:


Đầu xuân, cùng hướng nhìn ra biển

Nghe sóng âm vang tự trống đồng

“Kinh tế biển xanh” đang thôi thúc

Khơi dậy tình yêu với núi sông…

L.M.Q

(nguồn: Giai phẩm Xuân 2024 Bà Rịa - Vũng Tàu)

Chú thích ảnh:

Lê Minh Quốc tác nghiệp tại Giàn khoan Vũng Tàu năm 2001.

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com