THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: LÙ ĐÙ VÁC CÁI LU MÀ CHẠY

LÊ MINH QUỐC: LÙ ĐÙ VÁC CÁI LU MÀ CHẠY

dung_lu_chong_nap_1_R

 

Không rõ căn cứ vào đâu, khoa Tử vi cho rằng, sao Kế đô ứng tai nạn cho đàn bà; sao La hầu ứng tai nạn cho đàn ông. Tin hay không, tùy mỗi người. À, ngoài Bắc thế nào nhỉ, chứ trong Nam mỗi lần muốn nói đến sự xúi quẩy liên tiếp xẩy ra, người ta hay dùng cụm từ với ý khôi hài, bỡn cợt: sao quả tạ! Trên đời làm gì có sao quả tạ? Đơn giản, dễ hiểu vì quả tạ, ai dám bảo là nhẹ như bấc? Nó rơi cái ịch xuống đầu chỉ có nước toi mạng. Này bạn mình ơi, không rõ, mẫu tự l/ lờ trong tiếng Việt ăn ở ra làm sao mà gần đây lại liên tù tì bị sao quả tạ chiếu tướng?

Thì đó, vụ "lư" chưa xong đã nhảy qua "lon", rồi nay lại đến "lu". Lư và lon, y đã bàn rồi, không nhắc lại nữa. Vậy, ta hãy cùng nhìn ngắm cái lu âu cũng là một cách thư giản cho thư thái cái sự đời. Cái sự đời bao giờ cũng đơn giản như đang giỡn, chẳng có gì trầm trọng cả. Từ từ rồi khoai cũng nhừ. Chớ vội vàng. Chớ hấp tấp. Chớ ồn ào. Chớ phát ngôn gì sất, nếu trong đầu không có gì. Tức là có những người ra chốn nghị trường, nếu họ ngậm miệng ăn tiền, câm như thóc, câm như hến, thin thít như thịt nấu đông ắt thiên hạ không thể biết họ nghĩ gì trong đầu nhưng tiếc thay, bẽ bàng thay, họ lại mở miệng. Thế mới là phiền. Phiền nhất là từ báo chí chính thống đến cộng đồng mạng phản ứng rầm trời, kêu trời không thấu: "Ối dào, ăn với nói. Nói như thầy bói đâm hành. Hắn ta/ cô ta trông như cái lu mà óc như cái lon. Bó tay".

Bó tay thiệt.

Cái mẫu tự "l/ lờ" ấy, trước lúc "lon", "lư" dậy sóng ầm ầm bởi những phát ngôn dấm dớ, ấm ớ, ú a ú ớ như tấu hài thì "lồng" cũng từng bị lên thớt. Thuở ấy, y có mẫu đối thoại như sau, chép lại hầu bạn đọc:

"Phen này ông quyết buôn lồng đẹp

Vừa bán vừa la cũng đắt hàng...

- Nghe na ná như thơ Tú Xương nhỉ? Nhưng vì cớ làm sao đang cà phê cà pháo ông lại cao hứng ngâm thơ oang oang rồi cười hì hì khoái chí đến thế?

- Không cười cũng uổng. Vừa rồi các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách họp thảo luận về dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, thật bất ngờ khi nghe có một ý kiến cực kỳ "sáng kiến" về việc phòng, chống tham nhũng.

- Chuyện này có gì đáng cười! Tranh luận, trao đổi trong nghị trường là việc thường tình, có như thế các vấn đề mới sáng tỏ chứ.

- Đồng ý cái rụp. Nhưng thú thật tui bất ngờ quá, có ông đại biểu hiến kế "đẹp như mơ". Ông ta cho rằng với các tội tham nhũng nên đổi mới việc áp dụng hình phạt. Rằng: "Không cần bắn, chỉ cần nhốt trong lồng đẹp để ở nhà vợ nuôi cho đủ... xấu hổ"! Trời đất, giữa thiên thanh bạch nhật, "quan trên trông xuống, người ta trông vào", tui cứ tưởng như ông ta phát biểu tếu táo, như đang kể chuyện tiếu lâm vậy!

- Này, nhận xét "hơi bị" quá đà đấy nhé! Sáng kiến đó cũng hay ho, đáng hoan nghênh mà. Vì ít ra trong thời buổi gạo châu củi quế, suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều người thất nghiệp chưa biết kiếm cơm bằng cách nào, nhân đó ông và tui hợp tác chuyển sang làm nghề đan lồng để bán thì cũng tốt mà!

- Ừ, thì tốt. Bị nhốt vào cái lồng, mà lồng lại đẹp là oách rồi, lại được vợ nuôi cơm nước mỗi ngày, há chẳng phải là một kiểu... hưởng nhàn thanh tao đấy sao!".

Không rõ, sau sáng kiến sáng dạ, sáng ngời tư duy của tinh thần khởi nghiệp trong thời đại 4.0 có bao nhiêu người đã háo hức kiếm cơm bằng nghề đan lồng? Nay, không khéo, thiên hạ ùn ùn đi làm nghề nặn lu cũng nên. Cơn cớ ra làm sao? Thì đây. "Mỗi nhà ở nông thôn, trước sân có lu nước rất to để đựng nước, trong đó có tính năng lưu trữ nước mưa. Nên chăng, cần suy nghĩ về biện pháp này bên cạnh các giải pháp chống ngập bằng công trình. Đây là ứng dụng từ giá trị văn hóa bản địa. Có thể trang bị cho người dân mỗi nhà một cái lu nước to để chứa nước mưa".

Sáng kiến này, hay quá, tốt quá, vừa cực kỳ trí tuệ lẫn vừa tiết kiệm ngân sách nhà nước. Nhằm chống ngập tại TP.HCM, chương trình chiến lược ích nước lợi dân này đã ngốn biết bao nhiêu tiền nhưng nào cơm cháo gì, vẫn còn đang phải loay hoay cơ mà. Ấy thế, cứ theo nguồn tin từ báo Tuổi Trẻ: "Tuy nhiên, khi phát biểu về công tác chống ngập của TP trong thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan không đề cập gì đến sáng kiến này". Tiếc quá.

Vậy, lu là cái gì?

"Đồ gốm hình như cái chum nhưng cỡ nhỏ hơn, dùng để chứa đựng", Đại từ điển tiếng Việt giải thích, nhưng rủi ai đó cắc cớ hỏi tiếp, thế chum hình thù ra làm sao? Thì đây, "Đồ đựng bằng gốm, sành, cỡ lớn, cao, miệng tròn, giữa phình, thót dần về đáy". Sực nhớ đến câu ca dao: "Còn trời còn nước còn mây/ Còn ao rau muống, còn đầy chum tương", đôi khi chỉ cần có thế, đã đủ, việc quái gì phải lo lắng, cứ an vui, bình tâm mà sống. Nói nôm na, lu là vật dụng mà miệng và đáy túm, bụng phình to. Lu hũ là tên gọi chung về những vật đựng tùy thích, còn có cách gọi tương tự như lu khạp, lu mái... Vậy, chum, lu, mái, khạp, hũ đều có hình dáng na ná.

Chẳng lẽ, chỉ kết luận xuôi xị na ná là xong? Với nhà văn thì không thể, khi muốn miêu tả một sự vật gì, họ cần phải biết tỏ tường, tường tận càng tốt. Rằng thưa, lu có men màu vàng da bò, da lươn, trơn láng; có nhiều loại, được phân biệt kích cỡ từ 1 đến 5. Lu loại 1 là cỡ lớn nhất có thể chứa đựng đến 200 lít nước. Hoa văn trang trí thường là hình rồng, phượng đắp nổi, sờ vào cồm cộm, mát cả bàn tay. Tại các lò làm đường thì thường sử dụng lu loại 2, men tráng bề ngoài lại màu đen.

Oái oăm thiệt, trên đời có kẻ "Lù đù vác cái lu mà chạy". Trông mặt mà bắt hình dong. Nhầm chết. Lù đù cũng là lù khù - chỉ những kẻ không hoạt bát, lanh lợi, chậm chạp, ngờ ngệch cỡ như nhân vật anh cu Lặc của nhà văn Tô Hoài. Ở Nam Bộ có câu "Lù khù có con cù hộ mạng", chỉ những kẻ tài cán chẳng có gì nhưng nhờ ô dù, nhờ "chó dắt" mà cũng nên danh nên phận, vênh vênh váo váo... Cù là con vật chỉ có trong trí tưởng tượng, đại khái, có quan niệm cho rằng cơn giông lớn là do con cù từ trong đất vùng dậy bay lên mây, ra biển tìm mẹ - người dân miền Nam gọi "cù dậy".

Trong khi đó, khạp lại nhỏ lơn lu, hình dạng cũng khác tức nó gần như thon dài nghĩa là phần miệng, bụng, đáy có độ chênh không nhiều. Còn hũ cũng nhỏ hơn lu, có nhiều kích cỡ, dày mỏng khác nhau, thành miệng đứng, gờ miệng bằng. Nhà nào có con gái đã đến tuổi lẽ ra phải có đầu có đũa, có đôi có lứa nhưng vẫn phòng không chiếc bóng, vẫn "lính phòng không", người ta hay nói đùa: "Hũ mắm treo đầu giàn".

Nhân đây xin nói luôn, ở miền Tây Nam Bộ còn gọi cái chum là cái kiệu. Y có viết nhầm đấy không? "Thánh bà mới biết linh thiêng thật/ Gặp cái ô tô... kiệu đứng liền" (Tú Mỡ). Rõ ràng kiệu là cái ghế ngồi có đòn khiêng để rước hay để đi đường. Nhưng kiệu còn là từ đồng âm để chỉ cái chum. Nói có sách mách có chứng: "Kiệu: Cái chum to, phình ở giữa, thường trang trí rồng phượng, được tráng men vàng, dùng để đựng nước (Huỳnh Công Tín - Từ ngữ từ điển Nam Bộ, NXB KHXH - 2007, tr.664). Cách gọi này xuất hiện từ bao giờ? Hỏi, vì không thấy Đại Nam quấc âm tự vị (1895) ghi nhận.

Còn nhớ ở nông thôn miền Trung (các miền khác cũng thế thôi), ngay trước cổng nhà thường đặt cái lu đựng nước mưa trong veo trong vắt, có nắp đậy, có cái gáo dừa kề bên, ai đi ngang qua, khát nước cứ việc tự nhiên múc uống. Chẳng phiền gì ai. Cũng cái lu ấy, có nhiều nhà đặt ngay thềm nhà, trước lúc bước vào nhà, tiện tay múc gáo nước ở lu rửa sạch chân cho hết bụi bặm đường xa. Chẳng phiền gì ai. Nay, có người đề xuất dùng cái lu ấy chứa nước chống ngập, thử hỏi với tốc độ xây dựng nhà cửa chen chúc như hiện nay, bao nhiêu lu là đủ? Mà nếu không có máng xối thì bằng cách nào để dẫn nước mưa có thể chảy vào đầy lu? Ối dào, mà thôi, đừng hỏi lôi thôi nữa. Rách việc. Chi bằng:

Ngồi buồn đọc sách ngâm thơ

Tưởng đâu chữ rõ ai ngờ chữ lu

Lu này lại là mờ. Khi ông nhạc sĩ Phạm Đình Chương viết ca từ: "Đường về canh thâu/ Đêm khuya ngõ sâu như không màu/ Qua phên vênh có bao mái đầu/ Hắt hiu vàng ánh điện câu". Điện câu ắt điện lu vì nhiều nhà cùng câu chung từ một công tơ điện. Về cái vụ điện lu, điện cà giựt, khi tỏ khi mờ, ông thi sĩ Phan Minh Phụ (1913-?) từng có bài thơ nghe cũng vui tai: "Ai cũng than phiền ánh điện lu/ U u ám ám tợ mây mù/ Đêm xuân sao nhuốm màu thu đạm/ Lòng đã u buồn, điện cũng u". Lu kiểu này, còn có cách gọi là lu lít, lu lờ, lu li: "Không chùi để vậy lu li/ Chùi ra sáng tỏ khác gì thủy tinh" - tức lu câm, lờ mờ, không sáng tỏ. "Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ/ Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu/ Anh về học lấy chữ nhu/ Chín trăng em đợi, mười thu em chờ". Chữ nhu là chữ nho. Qua câu ca dao này, ta thấy lu trái ngược với tỏ, đã đành, nhưng còn có chuỗi từ khác nữa. Chẳng hạn, mờ - tỏ: "Trăng mờ tốt lúa nỏ, trăng tỏ tốt lúa sâu". Hoặc mờ - rõ; tối - sáng; thậm chí: "Trăng mờ có lúc lại trong/ Em đây vất vả đỉnh chung có ngày" (ca dao) v.v...

Với từ lu này, xe hủ lô/ hồ lô còn gọi xe lu, nay vẫn còn thấy. Tức loại xe có hai bánh sau, bánh trước là trục/ ống cán, sau khi đã đắp đường, trải đá hoặc tráng dầu hắc/ hắc ín người ta sử dụng nó để cán qua cho dẻ, cho phẳng, cho nén mặt nền. Xe hủ lô là mượn từ tiếng Pháp rouleau compresseur, thế nhưng nó đã trở thành tiếng lóng để chỉ những ai béo phục phịch, phì nộn, mập to, mập ú, mập quá cỡ thợ mộc. Điều này cho thấy dù từ vây mượn nhưng một khi đã du nhập vào lời ăn tiếng nói của người Việt thì nó cũng phải nhập gia tùy tục.

Lan man bàn về chuyện cái lu, đã đủ chưa? Không thèm trả lời, y bèn vớ tay lấy tập thơ Tú Xương đọc lại, đọc qua, đọc lên, đọc xuống, ơ kìa, tình cờ lại bắt gặp khổ  thơ này: "Gặp ván bài đen đã chẳng ù/ Ai ngờ lại gặp chú phi lu/ Bỡn thì xin trả ngay cho tớ/ Chẳng trả thì xơi cái củ từ". Vậy, "phi lu" là cái nghĩa gì? Đừng vội. Hãy quan sát từ ù trong câu thơ này. Dứt khoát là tiếng dùng trong lúc chơi bài tổ tôm, thắng ván bài khi gặp đúng quân đang chờ. Nhà văn Phạm Duy Tốn viết: "Thầy đề tay run cầm cập, thò vào đĩa nọc, rút ra một con bài, lật ngửa, xướng rằng:

- Chi chi!

Quan lớn vỗ tay xuống sập kêu to:

- Đây rồi!... Thế chứ lại!

Rồi ngài vội vàng xòe bài, miệng vừa cười vừa nói:

- Ù! Thông tôm, chi chi nảy!... Điếu, mày".

Đó là ván bài mà người chơi đã ù. Sau một ngày lao tâm khổ từ vì việc dân việc nước, các quan bình chân như vại, thư giản chơi vài bài tổ tôm lằng nhằng cho vui? Không, lúc ấy... đê đang vỡ, dân tình đang nhốn nháo cứu đê, "nước trào lênh láng, xóay thành vực sâu, nhà cửa trôi băng, lúa má ngập hết, kẻ sống không chỗ ở, kẻ chết không nơi chôn, lênh đênh mặt nước, chiếc bóng bơ vơ, tình cảnh thảm sầu, kể sao cho xiết". Oái ăm thiệt.

Trở lại với Tú Xương. Phi lu cũng là từ vây mượn Filou nhằm chỉ tên ăn cắp, lưu manh. Ối dào, chỉ mỗi từ lu/ cái lu cũng đã lắm chuyện. Mà nào đã xong đâu. Có kẻ một khi bị phản ứng rầm rầm vì phát ngôn dấm dớ, ú ớ bèn bù lu bù loa gân cổ lên cãi. Hung hăng con xít. Kinh quá. Chẳng lẽ, cũng cãi lại cho bằng được? Ai lại thế. Chi bằng, đọc lại khổ thơ của ông Tú thành Nam, dừng ở câu cuối: "Chẳng trả thì xơi cái củ từ".

Này, "củ từ" là củ gì thế?

L.M.Q

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com