“Khó lắm”, có nhiều người từng thốt ra khi tìm cách giải quyết một vài xung đột trong mái ấm. Đâu phải bất kỳ chuyện nào cũng đều có thể kể lể, tâm sự người ngoài, dù rằng đó là bạn bè, anh em thân thiết. Giữ mãi trong lòng lại ấm ức, bực bội; nếu tranh luận, góp ý thì chắc gì người vợ/chồng “tâm phục khẩu phục” mà thay đổi?
Chẳng lẽ sự việc đó dẫm chân tại chỗ?
Mới đây, cô em kết nghĩa của tôi sang nhà chơi. Khác với mọi lần, cô kéo riêng vợ tôi ra ngồi ngoài sân. Hai chị em thì thầm, nhỏ to tâm sự mà xem ra cực kỳ khả nghi vì trông nét mặt đăm chiêu lắm. Mọi trao đổi chỉ nói thì thào, nhỏ xíu dù cố tình lắng nghe nhưng tôi cũng không thể hiểu ất giáp gì cả. Mãi đến lúc cô em ra về, tôi lo lắng tò mò hỏi vợ chuyện gì vừa xẩy ra? Nhìn thấy nét mặt đang “trầm hóa vấn đề”, nàng cười phá lên: “Anh cũng biết hóng chuyện quá há?” rồi kể về tâm tư của cô em kết nghĩa.
Rằng, dù cưới đã lâu nhưng họ vẫn chậm có con. Nỗi lo này không chỉ của vợ lẫn chồng mà các bậc phụ huynh cũng lo nốt. Cách tháo gỡ lâu nay của họ vẫn là tìm đến bác sĩ tư vấn, rồi thuốc men, kiêng cử nọ kia… Vừa nghe đến đó, tôi buột miệng: “Vậy tốt quá, đã tìm cách giải quyết đúng hướng rồi, còn gì mà lo?”. Nàng bèn nguýt dài: “Nói như anh thì mọi việc đơn giản như đang giỡn. Sự đời đâu chỉ có thế anh ơi”.
Rồi nàng kể tiếp là dù tuân theo lời tư vấn nhưng Hưng - chồng cùa cô em kết nghĩa lại không làm theo nghiêm túc. Bác sĩ dặn dò cấm tiệt bia rượu, đàn đúm ăn nhậu nhưng rồi mọi việc thế nào? Lý luận của Hưng đưa ra vẫn là đôi khi cũng phải châm chước, du di linh hoạt chứ không thể chấp hành triệt để. Tại sao? Không lẽ những lúc bù khú với bạn bè chỉ uống nước suối? Ừ, cứ cho là thế, chẳng sao. Nhưng chẳng lẽ trong công việc làm ăn lại từ chối các tiệc tùng do đối tác mời? Lý lẽ của chồng đưa ra bị cô vợ phản đối kịch liệt vì các lý do trên chỉ là phụ, quan trọng nhất vẫn phải là chấp hành theo tư vấn của bác sĩ để mau có con.
Cả hai không tìm được “tiếng nói chung” nên hục hặc, mặt nặng mày nhẹ suốt ngày.
Trong trường hợp này tôi nghĩ cần có người làm trọng tài, phán xử mà cả vợ lẫn chồng đều nghe theo. Nhờ anh em bồ tèo chắc gì sự góp ý, tác động ấy có trọng lượng vì họ đều bằng vai phải lứa? Đã thế, lại biết đâu nghe câu trả lời trớt quớt: “Ơi hay chuyện nhà của bạn, làm sao tớ dám ý kiến ý cò?”. Chà, “Vậy phải làm sao?”, tôi phân vân vì cảm thấy khó sử. Nào ngờ, nàng trả lời nhanh như sao xẹt: “Dễ ợt. Để anh coi mọi việc sẽ đâu ra đó”.
Vậy cô em kết nghĩa đã cầu cứu đến ai? Đã làm như thế nào? Câu hỏi hóc búa này, cho phép tôi “bật mí” sau.
Xin kể thêm một chuyện khác, tôi có cô bạn có sở thích lạ lùng (hay phổ biến?) là khoái sưu tập túi xách. Hễ ngoài cửa hàng có mẫu mã mới là mua; cũng mẫu mã đó nhưng màu sắc khác lại mua. Cái sự mua này đối với người chồng lại là lãng phí vì có mấy khi cô sử dụng đến, đã thế lại chất đầy nhà. Nếu tiền bạc rủng rẻng, thừa thải thì chẳng sao cả, dù gì cũng là thú vui của vợ nhưng hiện tại còn phải lo nhiều thứ nên mới gay go. Ai đời, thỉnh thoảng lại bỏ ra cả tiền triệu mua lấy cái túi xách về ngắm nghía?
“Phí tiền quá đi mất”, người chồng nhầu nhỉ mặt mày, thầm thốt oai oái cái câu ai oán đó mỗi khi thấy vợ khoe túi xách mới sắm. Đôi lần “uống mật gấu” với tất cả bản lĩnh mạnh mẽ của đàn ông, chàng bèn cằn nhằn, nàng cãi: “Thế, bao nhiêu tiền đổ vào hồ cá của anh, em có nói gì đâu?”.
Nghe thế, chàng cảm thấy đuối lý dù rằng tiền mua cá cảnh có là bao so với chi phí mua sắm của nàng? Nhưng rồi, cãi lại cũng khó nên sau đó ngươi chồng trút nổi nổi bực dọc bằng cách tâm sự với bạn bè. Hỡi ôi, lời nói vốn có cánh. Và nó bay tọt đến tai vợ. Thế mới sinh chuyện. Vâng, “đúng quy trình” là vậy vì đâu phải chuyện gì có tính cách riêng tư, không hài lòng về “một nửa” mình lại tiết lộ cho người ngoài cùng nghe, cùng biết?
Trở lại với nỗi lòng của cô em kết nghĩa, nhờ đâu mà sau đó mọi việc xuôi chèo mát mái?
Xin thưa, cô đã cầu cứu đến là bố mẹ chồng. Vâng, có những tình huống dù khó đến mấy, vẫn có cách giải quyết nếu ta tìm đến đúng người. Không rõ bậc phụ huynh của Hưng đã “ra tay” thế nào mà sau đó hắn ta răm rắp chấp hành, chẳng bù cho trước đó cô vợ dù năn nỉ, dù cằn nhằn, làm mình làm mẩy chán chê vẫn không ép-phê gì.
Do đã có mối quan hệ ruột thịt nên cũng câu nói đó, lý lẽ đó nhưng khiến “một nửa” nghe theo phải hoặc dễ dàng chấp nhận hơn. Lựa chọn theo cách này còn có cái hay là “nửa này” khó có thể cằn nhằn tự ái: “Trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường”, chưa gì đã bép xép cho cả thế giới biết chuyện nhà. Sao lại thế?”.
Có thể nói, một trong những lựa chọn khôn ngoan vẫn là tìm đến “đồng minh” ngay trong gia đình chồng/vợ.
L.M.Q
(nguồn: TGPN 25.12.2017)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|