Đúng là hên thật. Vừa bước vào công sở, chàng nhận được tin nhắn: “Lên phòng tớ, có quà cho cậu đây”. Dù thân thiết nhưng mấy khi Hưởng rủ rê nhậu nhẹt, hắn ta nổi tiếng “kẹo kéo” thế nhưng tại sao bữa nay lại tặng quà? Tôi phân vân tự hỏi. Thôi kệ, thắc mắc làm chi. Được tặng quà là thích rồi, nghĩ thế, khi gặp Hưởng. tôi nói ngay: “Biết ngay mà, ông là chúa hào phóng, hễ có tốt, gì đẹp thì cũng chia sẻ cho bồ tèo”. Nghe câu câu nịnh nọt ấy, hắn cười toe toét: “Sướng chưa? Cầm lấy đi, kẻo tớ đổi ý”.
Quà gì thế?
Trước mặt tôi là thỏi son dành cho phái đẹp, còn mới toanh, cực kỳ hấp dẫn, tôi ngạc nhiên: “Ơ hay, sao lại tặng quà này?”. Hưởng nói khẽ: “Hôm qua nhân sinh nhật vợ, tớ mua tặng nhưng cô nàng chê ỏng chê eo vì không thích nhãn hiệu này. Ghét quá. Cậu cứ đem về tặng bà xã. Đã không tốn tiền lại được vợ khen. Thử hỏi có ai chịu chơi như tớ không?”. À, thì ra thế. Hắn ta muốn tống khứ “của nợ” bằng cách này đây. Thế thì, cũng tốt thôi. “Mất gì của bọ” mà không nhận?
Với món quà đó, tôi hí hửng lắm. Ít ra cũng một cách lấy lòng vợ mà chẳng tốn xu teng nào. Đi làm về, vừa mở cửa vào nhà, tôi đã dõng dạc như ông tướng: “Nàng đâu? Có thấy ai tốt tâm, tốt tính như anh chưa? Dù trăm công ngàn việc, bận rộn suốt ngày nhưng anh cũng tranh thủ mua quà tặng em nè”. Những tưởng khi nhận thỏi son ấy, nàng sẽ cười tít mắt, sẽ òa lên sung sướng rồi “thơm” chùn chụt vào má vì quá cảm động, nào ngờ: “Cái gì đây? Có bao giờ anh mua thứ này tặng em đâu? Biết ngay mà…”. Câu nói bỏ lửng ấy khiến tôi ngạc nhiên tợn.
Nàng đã biết những gì?
Thay vì đi làm về, nghỉ ngơi chốc lát rồi cả nhà ngồi vào bàn ăn, chiều nay lại là cuộc truy hỏi cực kỳ bất ngờ. Nàng hỏi: “Em biết rồi. Anh nói thật đi, có phải anh định mua tặng cô nào, nhưng sợ em phát hiện nên “tương kế tựu kế” phỉ không?”. Biết trả lời ra làm sao? Chẳng lẽ nói thật là do Hưởng tặng? Nếu nàng biết chi tiết ấy thì quê cơ lắm. Chẳng ra làm sao. Chi bằng cứ nói là do thương, do yêu, do hàng trăm lý do nên mới mua tặng. Nàng lại hỏi: “Thế, anh có biết em thích loại son gì không?”. Tôi không thể trả lời nổi. Nàng lại cau có: “Sống chung bao nhiêu năm, biết quá mà, có bao giờ anh quan tâm đến mỹ phẩm dành cho phụ nữ. Thế mà nay đi lại mua son ắt phải có gì mờ ám đây”.
Thế đấy, lắm khi “nửa này” tỏ ra nghi ngờ chỉ vì không thể nghĩ ra tại sao “nửa kia” mua tặng loại quà ấy. Và lập tức, họ hạnh họe, dò hỏi. Nếu vẫn loại quà như đã nhận chẳng sao, chứ thay đổi một cách đột ngột, bất ngờ thì cũng dễ sinh chuyện. Khi trao đổi vấn đề này với các đồng nghiệp trong cơ quan, nhiều người cũng tán thành.
Chẳng hạn, Phước kể lại chuyện đã trải qua, đại khái, lần nọ, hắn ta không tin chính mắt đã nhìn thấy cô vợ đeo túi xách hàng hiệu. Làm sao cô ấy dám bỏ ra cả tiền triệu chứ? Chỉ có thể do ai đó tặng mà thôi. Ai tặng? Chỉ có thể gã đàn ông đàn ang nao đó chăng?
Sự ngờ vực này ngày một trầm trọng, đến lúc chịu hết xiết, hắn bóng gió xa gần: “Chà, người ta cũng giàu có nhỉ? Chắc là trẻ hơn anh chứ gì?”. Cô vợ tưởng chồng đùa: “Ừ, anh nói đúng chóc”. Thế là sóng gió nổi lên ầm ĩ. Cuối cùng cô vợ nói toẹt ra cái túi xách này, do chị bạn cùng cơ quan tặng. Phước vẫn không tin. Tin sao được cái món quà đắt tiền thế này mà bạn gái lại tặng cho nhau? Vô lý quá. Đã thế khi nghe nhắc đến tên người tặng, hắn lại càng không tin vì chuyện ấy khó có thể xẩy ra với đồng lương công nhân bột bèo. Cô vợ cáu quá, gắt: “Anh đừng xem thường bạn của em. Đơn giản, chị ấy được người bạn ở nước ngoài tặng 2 cái, vì quý em nên chia em 1 cái với giá rẻ”. À, ra là thế. Cô vợ mua lại nhưng sợ chồng cằn nhằn nên phải nói trớ ra quà biếu đấy thôi.
Rõ ràng, sự thay đổi đột ngột của “một nửa” cũng khiến người trong cuộc đặt câu hỏi to tổ chảng. Lần nọ, sau một chầu nhậu, tôi cao hứng rủ Sơn đi hớt tóc chung. Khi đến nơi, chẳng rõ do thợ tư vấn thế nào mà Sơn đồng ý cho cắt kiểu khác mọi lần. Thay vì chỉ tỉa tót, nay hắn đồng ý cho húi cua như cái mốt của bọn thanh niên “trẻ trâu”. “Trông trẻ ra những hai mươi tuổi đấy. Đẹp lắm”, tôi khen thành thật. Sơn thích lắm, cười tít mắt.
Mọi việc chỉ đơn giản vậy thôi. Nhưng rồi, vài ngày sau gặp lại, hắn ta nhăn nhó: “Vợ tớ cằn nhằn suốt, cứ quả quyết là tớ mới quen cô nào nên mới hớt theo kiểu này”. Tôi hỏi: “Cậu cứ nói thật, mọi việc sẽ ổn thôi”. “Đành là thế, nhưng bà xã cứ nghĩ do có cô nào xúi, thế mới phiền”, Sơn kể.
Qua những mẩu chuyện này, tôi nghĩ rằng, một khi đã “hai là một” thì một khi muốn thay đổi theo ý thích, ít ra cũng phải hỏi qua ý kiến của “nửa kia” cho chắc ăn. Khỏi phải rơi vào tình cảnh oan ông địa. Dù mọi việc chẳng có gì mờ ám, nhưng phải trả lời các câu hỏi nghi nghi ngờ ngờ cũng phát mệt.
Riêng cái thỏi son của Hưởng, cô vợ tôi đáo để quá. Nàng không thèm sử dụng đến, cũng không vứt đi. Hôm nọ, cô em gái tôi qua nhà chơi, nàng lấy ra và bảo: “Nè Hiền, chị tặng em đây. Quà này anh Tư em mua cho chị nhung chị tặng lại em đó”. Cô em gái tôi cười vui như Tết và khen bà chị dâu tốt bụng, hào phóng. Nó đâu biết cũng vì cái thỏi son chết tiệt ấy, tôi mất mấy ngày liền phải trả lời câu hỏi lãng xẹt: “Cô nào vậy anh? Em biết mà. Nói thật đi anh”.
L.M.Q
(nguồn: TGPN 1.1.2018)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|