“Anh có thân với anh X không? Em có việc cần phải nhờ cậy. Nếu anh quen biết, đi cùng em thì tốt quá”. Nghe nàng hỏi câu ấy, chàng ngẫm nghĩ giây lát rồi gật đầu nhè nhẹ. Sở dĩ không dám gật cái rụp một cách dứt khoát, chàng không thân thiết với X lắm, dù có đôi lần trò chuyện xã giao.
Mấy khi được vợ nhờ vã, do đó, lần này chàng hào hứng lắm, bèn nói vống lên: “Ối, hắn ta với anh là bạn thời sinh viên, dù học khác khoa nhưng vẫn thường gặp nhau ở nhà ăn trong ký túc xá”. Tin lời chàng, nàng yên tâm vì có nguời quen biết trước thì mọi việc sẽ cởi mở, dễ dàng hơn.
Vào ngày đẹp trời, họ ăn mặc chỉnh tề cùng đến cơ quan của X. Vì quen biết nên họ sẽ được nhân viên tiếp tân ưu tiên chăng? Không, sau khi chờ đợi chán chê, họ mới được mời vào phòng. Vừa gặp X, chàng cố tình như đã quen biết từ lâu bèn vồn vã: “Bồ tèo khỏe không?”. Lạ thay, X vẫn mặt lạnh như cà rem, im lặng, thản nhiên mời chàng và nàng cùng an tọa.
Lúc mở đầu câu chuyện, X hỏi nàng: “Có phải chị là chủ doanh nghiệp vừa nộp đơn”. Nàng gật đầu. X đưa tay ra bắt rồi… thôi! Sự thể ấy rõ ràng sự có mặt của chàng trong mắt X chẳng ra “cái đinh” gì cả. Cảm thấy kỳ cục và cũng ê mặt cho chồng, nàng vội vàng: “Báo cáo anh, đây là ông xã tôi”. X miễn cưỡng đưa tay ra bắt lấy tay chàng mà không hề hỏi han gì thêm.
Từ giây phút đó X chỉ chăm chú trao đổi công việc với nàng, xem người ngồi cạnh, đi theo chỉ là con số zéro không hơn không kém. Chàng sượng trân, cảm thấy mình trở nên thừa thải. Đã lỡ đi theo vợ đến nơi này, thì phải tỏ thái độ thế nào? Chen ngang vào câu chuyện để khẳng định sự có mặt? Đứng dậy bỏ về quách cho bõ ghét? Thôi thì cứ ngồi trơ mặt ra đó, hậm hực “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Sau khi kể lại câu chuyện này, Phiên bực bội nói với tôi: “Đã đành, tớ quá dở khi tháp tùng theo vợ nhưng ít ra thằng chả (ám chỉ X) cũng phải lịch sự một chút chớ?”. Tôi ngẫm ra cũng có lý, nhưng còn có cái lý to hơn, đó là nơi cơ quan nhà nước, người ta làm việc theo văn bản giấy tờ, thủ tục hành chánh chứ đâu phải vì quan hệ riêng tư nên X có phớt lờ thì Phiên cũng chẳng nên trách.
Thử hỏi, đã không quen biết, không giúp giải quyết được gì nhưng vẫn cứ nhận bừa là nhằm ngụ ý gì? Nghe tôi hỏi, Phiên thật lòng: “Sở dĩ tớ chỉ nghĩ đơn giản, bà xã cũng làm ăn lớn, là giám đốc “điều binh khiển tướng” hàng trăm nhân viên, dẫu tớ tài năng không bằng nhưng ít ra, về mối quan hệ ngoài xã hội tớ phải hơn chứ?”. Đúng thế, một khi đã “dưới cơ” của vợ/chồng thì “nửa kia” thường tìm cách chứng tỏ mình vẫn hơn cái gì đó.
Chiều hôm ấy, cô vợ tôi than phiền: “Đấy anh xem, cái tủ lạnh dạo này cà trật cà duột cà chớn cà cháo, khi tắt khi chạy, em đã gọi lên hãng cho thợ xuống bảo hành mà họ có thèm nghe đâu?”. Chà, việc này lẽ ra mình phải “ra tay” trước mới đúng, nhưng quên béng. Nay nghe vợ cằn nhằn, cảm thấy áy náy nên tôi hỏi ngay: “Giấy bảo hành còn thời hạn không em?”. Vợ bảo: “Mua mấy năm rồi ai còn nhớ”, chưa kịp dứt câu, cô lại nói luôn: “Bạn em bảo nếu quen biết, họ vẫn nhận bảo hành anh à”.
Chẳng lẽ, phải thú thật mình chẳng quen biết gì cả? Cũng như bao người đàn ông luôn thể hiện có nhiều mối quan hệ, tôi gật đầu quả quyết: “Chuyện nhỏ như cái móng tay. Anh chỉ cần a lô cho giám đốc một tiếng là đâu ra đó”. Này, khi gặp chuyện, nếu nghe “một nửa” tuyên bố câu xanh rờn như thế, ai mà không hãnh diện, nở mày nở mặt? Vâng, chỉ có điều sau câu nói hiên ngang ấy, tôi cảm thấy lo lo.
Thế là tôi điện thoại cầu cứu bạn bè. Khổ nổi chẳng ai giúp được gì. “Vậy phải làm sao đây?”, khi tâm tình với Hương - cô em kết nghĩa, nào ngờ nghe được một câu nhẹ tênh: “Dễ ợt, anh cứ làm như em đận trước. Nhớ chưa?”.
À, mẹ chồng Hương rất hâm mộ nghệ sĩ Y, hễ có chương trình biểu diễn là bà phải đi xem cho bằng được. Rồi, lần nọ bà mời sui gia cùng đi chung, bèn hỏi cô: “Bỏ tiền ra mua vé thì chẳng sao. Ai làm cũng được. Nếu con quen biết, lấy giúp mẹ cặp vé mời thì vẫn sang hơn”. Mấy khi được mẹ chồng nhờ vã, cô hào hứng nhận lời ngay tắp lự. Biết rõ cô chẳng hề quen biết ai trong giới nghệ sĩ nhưng sau đó, mọi việc vẫn diễn ra ngon ơi. Tài thật. “Sao Hương giỏi thế?” tôi hỏi, cô em chỉ cười một cách bí mật.
Vốn thông minh, tôi liên tưởng đến chuyện cái tủ lạnh đang “giở quẻ”. Dễ ợt. Dễ như lật bàn tay, thế mà nghĩ không ra. Chà sử lý bằng này là xong ngay. Nhanh và gọn. Không phải mất thời gian nhờ cậy ai, mà ở đời, đâu có việc gì nhờ suông?
Lúc đi làm về, nhìn thấy mọi việc đâu ra đó, cô vợ tôi sung sướng ra mặt: “Quan hệ rộng cũng tốt quá anh nhỉ. Mình cũng tiết kiệm đươc ít tiền”. Tôi cũng cười theo và ngay lúc ấy thấy điện thoại rung, biết có tin nhắn, bèn đọc: “Anh ơi, khoản nợ đó em trừ vào lương tháng sau nhé”. Ấy là số tiền mà tôi tạm ứng tài vụ cơ quan để mua cái tủ lạnh mới toanh.
L.M.Q
(nguồn: TGPN 13.11.2017)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|