1.
Nhớ lại đi, có phải đã từng nằm vùi trong chăn gối, dù đã dỗ dành phải quên nhưng rồi nỗi nhớ ấy vẫn như lửa bén, tưởng rằng nếu lúc ấy hồn lìa khỏi xác, bước qua một thế giới khác thì sung sướng biết bao nhiêu. Nhưng rồi, không thể. Phải nghiến răng rã rời. Chịu đựng. Cam chịu. Vết gai nhọn tình phụ đang hằn từng vết xước, sưng tấy từ ngày này qua tháng nọ. Làm sao có thể nguôi ngoai? Làm sao có thể lãng quên? Nắng ngoài trời đẹp quá. Rực rỡ hoa trái ban mai. Vậy sao tâm trạng của y lúc ấy chỉ là màu của đêm, sắc của đêm và đâu rồi những tiếng reo vui của hẹn hò tình ái?
Trong đời sống kỳ diệu này, ai lại không từng trải qua giây phút đớn đau, bàng hoàng ấy? Để rồi, sau khi đã thôi giông tố, biển đã yên, sóng đã lặng, bình tâm nhớ lại, ai lại không ngậm ngùi tự nhủ: “Sao thuở ấy, mình lại trẻ con đến thế?”. Vâng, một khi trái tim biết rung động, cảm xúc từ một hình bóng khác cũng là lúc họ quay về với thế giới của trẻ con. Hồn nhiên. Vô tư. Đã yêu chỉ vì yêu, đơn giản nghĩ rằng từ giây phút ấy, họ không thể sống thiếu người ấy, dù chỉ một làn hương từ da thịt thoáng qua, dù chỉ một tiếng nói lướt ngang dịu vợi.
Tình yêu?
Tự nó đã là là một chất men tạo dựng nên nguồn vui sống. Một khi chất men ấy đã mất đi, con người ta bẽ bàng, bàng hoàng và đâm ra hoảng hốt. Có như thế, phải là thế, sáng tạo nghệ thuật mới có thể cựa quậy trên toan vải trắng với vô số sắc màu. Sắc màu của tâm trạng. Có như thế, trên trang giấy trắng mới viễn du từng con chữ. Con chữ của linh hồn. Có như thế, từ nỗi lòng mới vọng lên tiếng nói khi ngân vang cao vút, lúc sâu thẳm ngút ngàn để thăng hoa giai điệu. Có như thế, dù gì đi nữa, dẫu cuộc đời có tẻ nhạt đến dường nào, bất kỳ ai cũng “Có những niềm riêng làm sao nói hết?”. Hạnh phúc thay, đau đớn thay cho những ai đã trải qua ngày tháng ấy, khoảnh khắc ấy.
Này Q, em đã biết yêu từ lúc nào?
Nghe câu hỏi ấy, y biết trả lời ra làm sao cho gẫy gọn, chu toàn? Khó lắm. “Tiếng dội lưng mây đồng vọng mãi/ Tình hoang mang gợi tứ hoang mang (Quách Tấn). Vẫn là tâm trạng của một người khi nhớ về ngày tháng đã xa. Rằng, một khi đã bắt đầu mọc lông tơ trên gương mặt búng ra sữa, tóc vừa rẽ đường ngôi chưa thẳng nếp, chàng trai nào lại không có một mối tình đơn phương? Ấy là lúc họ đã lớn. Tuổi mới lớn ấy đánh dấu vào một ngày gió mới thu phai, có thể xuân vừa sang, nắng vừa tới là lúc đứng ở cổng trường ngỡ ngàng cảm nhận một cảm giác lạ lùng trước đó chưa hề có: “Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư”. Với ông Huy Cận phải là “Tuổi hai mươi đến có ai ngờ”, còn y lại khác, sớm hơn rất nhiều.
Lúc mới học lớp Chín, đã có nhân vật trong thơ Phạm Thiên Thư bước ra ngoài đời, cậu bé đi trên con đường Triệu Nữ Vương (Đà Nẵng), rồi sau này luôn tự hỏi: “Ai mang bụi đỏ đi rồi?”. Một câu hỏi thống thiết. Một tiếng lòng thơ dại. Một nỗi niềm tan hoang gió trút. Có ai trả lời không? Không một ai đâu Q à.
Bấy giờ là thời điểm của thập niên 1980, lúc y đang ở chiến trường K, nghe tin nàng vượt biên, nhiều năm liền không có tin tức. Ngày kia, chú ruột của y - vốn rất giỏi Nho, Y, Lý, Số từ Bắc vào Đà Nẵng, gia đình nàng mới mời sang nhà xem một quẻ. Nghe kể lại rằng, ông cho người nhà lấy ra một thau nước sạch, viết tên nàng vào lá bùa, vo tròn lại, thả vào thau nước. Rồi ông thắp nhang khấn vái điều gì đó, không nghe rõ tiếng. Lạ thay, trời đất ơi, giây lát sau thau nước cuộn sóng, và lá bùa ấy chìm dần, chìm dần… Điều đó có nghĩa nàng đã chìm sâu dưới trùng dương điệp trùng sóng vỗ. Mất hút. Dù chỉ là cảm xúc đơn phương của thuở học trò nhưng vẫn nhớ. Bây giờ, “tôi đi vào một thế giới khác/ hiền lành như ve sầu/ nằm ngủ yên trong sách mới/ nếu một ngày kia/ nàng thức dậy thấy trên gối/ một xác ve khô/ thì tên tôi xin nàng hãy gọi…”. Làm sao nàng có thể gọi?
Sau khi rời khỏi chiến trường mịt mù lửa đạn, từng ngày đối mặt với chết chóc, y học bổ túc văn hóa rồi thi đậu đại học. Vào Sài Gòn lập nghiệp. Đã yêu, đã sinh viên, đã hoa mộng ngày tháng khốn khó: “Xin cám ơn con ngựa sắt cà tàng/ Rong ruổi theo em chưa hề bỏ cuộc/ Chiếc xe đạp như một vần thơ/ Chuyên chở tôi đi tỏ tình khó nhọc”. Đã trải qua những tháng ngày sau này nghĩ lại, lại cảm ơn nồng nàn tình yêu dấu ấy, nếu không, làm sao có thể trải qua cảm giác tươi ngon của lần đầu tiên, của lần thứ nhất: “Cầm chén cơm gạo trắng ngà/ Dẻo thơm muôn hạt biết là cậy em/ Làm sao anh có thể quên/ Dáng ngồi của mẹ là em bây giờ/ Khi anh đắm đuối với thơ/ Đêm đêm cắm bút mộng mơ với đời/ Thì em chẳng nói nhiều lời/ Chỉ im lặng một chỗ ngồi sau anh”.
Cuộc hôn nhân đầu tiên với nàng, tiếc thay đổ vỡ quá chóng vánh. Lỗi tại ai? Chẳng ai có lỗi nếu một khi duyên nợ đã dứt chăng? Nói thế thôi. Bao giờ nghĩ lại, ùa vào trong lòng, hun hút nỗi nhớ vẫn là y tự trách chính mình. “chia đôi hết - tôi mang theo chữ ký/ như dao chém trong đời/ một vết sẹo từ đây vĩnh viễn/ ám ảnh tôi như máu thịt con người”. Thuở trẻ trai ấy, do ham hố quá chăng? Do bay bướm quá chăng? Rồi y lại nối tiếp bằng một mối tình khác. Lại là một sự tiếc nuối đến ngàn đời sau nữa. “Thương em tảo tần như dáng mẹ/ Sao tôi để vụt khỏi tầm tay?”. Có giữ được đâu. Câu hỏi ấy, nay còn vang vọng mãi...
Một khi đã không giữ được, nói gì thì nói đó vẫn hai nhan sắc, hai gương mặt hằn lại vết thương đau đớn, sưng tấy ngay từ tâm tưởng bởi nếu không gặp y, họ đã có một đời sống khác. Yên bình và hạnh phúc. Sinh con và đẻ cái. Hay hướm gì các vần thơ tạ tội? “Mỗi lần quên là từ trong nhịp thở/ Trái tim đau như tiền kiếp vọng về”. Có những lúc y đã kêu lên thảng thốt điên cuồng: “Bây giờ em ở nơi đâu?/ Nhớ nhau lội ngược chiêm bao mà về”. Viết cho ai? Loan hay Hoàng? Cả hai đấy chứ.
Lỗi lầm ấy, dù có sống thêm một một đời nữa, liệu có trả nổi không hả Q?
2.
Ông ba ta nói một câu rật hay: “Ngựa quen đường cũ”. Sau nhưng chia tay, chia ly, ly biệt mà trong lòng trống rỗng như gió thổi rông rênh qua sân ga chiều cuối năm, tàu đã chạy, không một bóng người, y lại yêu lần nữa. Ừ, thì yêu. “Hiền như hạt gạo/ Là em trong đời/ Điên hơn cơn bão/ Cũng là em thôi/ Đưa tôi lên trời/ Dẫn về địa ngục/ Đau trong đòn roi/ Có vui hạnh phúc/ Em là gỗ mục/ Lại lẫn trầm hương/ Tưởng gặp ác quỷ/ Ngờ đâu thiên đường/ Vùi trong tai ương/ Xanh mầm hy vọng/ Thấy từ môi ngon/ Ghen hờn nổi sóng…”.
Cảm giác ấy, nếu chỉ dành cho lúc đang đắm đuối yêu thì tốt quá. Cũng là một cảm xúc thăng hoa cho đời sống tẻ nhạt này vui thêm một chút. Bởi không ràng buộc gì nhau còn có thể chịu dựng được. Nào ngờ, lại đám cưới. Thế mới phiền toái. Rồi lại chia tay. Một đứt gẫy không lấy gì làm vui. Làm quái gì có niềm vui trong sự chia lìa dù rằng, đôi khi người ta nghĩ rằng cũng là một sự giải thoát cho nhau. Miễn sao khi nhớ lại chẳng thù hằn, oán ghét gì nhau, được thế đã may. Nói thì nói thế nhưng lỗi ấy, vẫn tại y đấy chứ? Thì nào dám cãi. Hãy nghe từ lòng mình đang vọng lên điều gì? Chẳng có gì ngoài những câu thơ đã viết. Những dấu vết của một thời đã xa.
3.
Khi đọc Nỗi đau của chàng Werther, y lẩn thẩn tự hỏi, ai là tác gia lớn nhất của nền văn học Đức? Có phải Friedrich Schiller - nhà thơ, nhà viết bi kịch và triết gia được mệnh danh là “Shakespeare của văn học Đức”, được ca ngợi “vị thần của nghệ thuật”?
Không, y lại nghĩ khác. Phải là Goethe với Nỗi đau của chàng Werther. Tác phẩm này, xét ở môt góc độ nào đó vẫn là chủ đề có tính phổ biến toàn cầu. Đàn ông đàn ang nào không có lúc: “Lại như những thói người ta/ Vớt hương dưới đất bẻ hoa cuối mùa” (Truyện Kiều); lại không có lúc sửng sờ đối mặt: “Trả ngọc chàng, lệ như mưa/ Giận không gặp gỡ khi chưa có chồng”. Ngô Tất Tố dịch Đường thi của Trương Tịch tặng cho y đấy ư?
Friedrich Schiller chính là người đã viết thành công nhất về tâm lý đó. Y đã gặp một đôi lần và cảm nhận: “Ngón tay áp út đã gieo nhẫn/ Sao nàng vẫn như nắng trong veo?/ Môi son tình ái chừng đang nhạt/ Sao vẫn thơm như khói lưng đèo?/ Đêm ngủ tựa đầu trên vai khác/ Sao tóc vẫn hương dỗ nắng reo?/ Ngày ăn chung đũa đêm chung gối/ Sao vẫn nồng như lửa mới khêu?”. Dằng dặt các câu hỏi, không thể nào trả lời nổi.
Ngày đó, đã có những ngày tuyệt vọng như sắp chết rồi hân hoan như trẻ như lên mười. Rồi may mắn thay, mọi điều đều không thể, và cũng lạ lùng thay, mọi điều đều có thể, đó là lúc y đã bước ra ngoài tâm cảnh đó. May mà không như Werther đã chọn một kết thúc khác.
Đã bẽ bàng và lại yêu. Lại hăm hở lao một hình bóng khác với tất cả si tình cuồng nhiệt như chàng tuổi trẻ trên chiếc đu bay lại không có bảo hiểm lúc băng qua vực thẳm chông chênh. Những vần thơ về nhan sắc ấy đã trọn vẹn trong trường ca Hành trình của con kiến. Lúc ấy, cũng là khoảng thời gian y nghĩ nhiều về sự tiếp nối, càng ý thức nhiều hơn về một vẻ đẹp: “cây sẽ ra hoa như trùng dương đem về tiếng sóng/ nàng đem đến cho tôi hình bóng/ của chính tôi/ áp tai nghe sự sống đã sinh sôi/ trái đất lớn dần thiên thần cựa quậy/ tôi thấy chính máu tôi đang chảy/ vĩnh viễn trong thân xác của nàng”.
Mong muốn cho mọi việc đâu vào đó, mẹ y đã làm gì? Bà cụ lẳng lặng về quê tìm đến là cái điện thờ Mẫu, sau khi có ngày giờ cụ thể, đã sắm lễ vật đâu vào đó, bà cụ cho gọi y về. Ngày đó, bà mẹ ngoài 70 dẫn đứa con sắp 50 đi cải số. Để làm gì? Để nó mau có vợ. Thiệt tình. Biết chi tiết này, người ta sẽ cảm động hay phì cười? Rồi lòng thành ấy cũng tan dần theo mây khói.
4.
Ai đó đã nói một điều rất đúng, đại khái để lãng quên mối tình này hãy bắt đầu bằng một cuộc tình khác. Hình bóng người này sẽ khỏa lấp người kia. Phải thế chứ. Y đã làm theo như thế. Có khác gì không? Trong thần thoại Hy Lạp có anh chàng Sisyphus hằng ngày đẩy hòn đá tảng khổng lồ lên đỉnh núi cao. Rồi đá lại lăn cù xuống vực thẳm. Lại đẩy lên. Cứ thế, hết một đời. Xét ra y có khác gì khi đã phiêu du trong hôn mê tình ái? Khác chứ, khác ở chỗ đã gặt hái trên tay những vạt mây đủ các sắc màu tượng hình nên những câu thơ ám ảnh.
Những tập thơ ghi lại tâm cảnh của xuân hạ thu đông bàng hoàng chết đuối, từng có lúc đơn độc tuyệt vọng phải cầu cứu đến mẹ. Gào lên gọi mẹ: “thời gian điên cuồng quất những ngọn roi/ tím bầm hai con mắt/ đêm đen/ đau buốt ngực/ tà áo của nàng vẫn thơm trong ký ức/ vỗ về từng vết thương/ con đã có những ngày chìm trong nỗi buồn/ rơi xuống vực sâu/ nghẹt thở/ nàng đã lấy của con hơi thở/ đã lấy nụ cười/ đã lấy sự sống/ đã lấy mơ mộng/ dù thế nào cũng nuôi hy vọng/ từng đêm mưa lạnh cóng/ con vẫn nuôi lửa ấm/ trên tay”. Ngọn lửa ấm đã tắt ngúm vào một ngày u ám của năm 2000.
Có phải vì thế mà chán nản, bỏ cuộc chăng? Đừng hỏi thế. Y vẫn tiếp tục mãi đến bây giờ. Tiếp tục để sau Vớt mây dưới nước lại Yêu một người là nuôi dưỡng đức tin. Một khi đã đến với tình yêu, con người ta bao giờ cũng ý thức: “Từ em, tôi lại sinh ra/ Từ tôi, em mới bước qua xuân thì”. Niềm hoan lạc ấy, bây giờ, lúc này sẽ dừng lại vĩnh viễn chăng? Nào ai có thể trả lời? Kể cả người trong cuộc cũng không thể biết nốt.
Nếu không có được những gì như mong muốn, lại gẫy đổ thì hãy lại tiếp tục hành trình mới trong tâm thế tự nhủ: “chẳng có ai cứu nổi anh đâu/ anh biết thế nên tự anh giải thoát/ thoát khỏi giấc mơ chân trời bát ngát/ thoát khỏi ban mai hư ảo xa xăm/ thoát khỏi hoàng hôn/ thoát khỏi hương sen hương hồng hương huệ/ thoát khỏi đường xa thoát ngoài mê lộ/ anh thoát khỏi anh là giải thoát được anh”.
Hỡi ôi, biết đến bao giờ hả Q?
L.M.Q
(nguồn: Giai phẩm Phụ Nữ XUÂN 2018)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|