“Anh ơi, em bệnh rồi nè”, vừa nói xong, nàng nhăn nhó mặt mày bí rị, thấy cũng tồi tội. Đưa tay sờ lên trán, ơ kìa, chẳng thấy gì khác. Vẫn thế. Vẫn mát lạnh như mọi ngày. Vậy cớ sao lại than bệnh? Hơn nữa, sáng nay lúc gặp bạn bè “buôn dưa lê”, nàng vẫn líu lo như khướu bách thanh kia mà? Chàng ngạc nhiên: “Thế, em bị bệnh gì?”. Nàng càu nhàu: “Bệnh là bệnh chứ còn hỏi tại sao gì nữa, bộ anh chưa từng bị bệnh à?”. Nghe câu trả lời “chướng” không chịu nổi, nhưng chàng vẫn im lặng, khó có thể truy hỏi gì tiếp.
Lạ thật, có những người tự dưng lại “đổ bệnh” bất thình lình, tại sao?
Tình huống kỳ quặt này, cần phải hỏi các bác sĩ chăng? Một chuyên gia tâm lý bảo với tôi, có lúc không ưng ý điều gì đó, thay vì phải nói ra, có người lại chọn cách “đơn giản” như “đang giỡn”, cứ nói vống lên đang bệnh. Sự làm mình làm mẩy này có cái hay là trước sự lựa chọn nào đó, họ giành thế chủ động khiến “nửa kia” khó có thể ép được.
Mới đây thôi, khi chuông điện thoại tèng téng teng của bạn bè nhắc nhở phải có mặt đúng giờ như đã hẹn từ tuần trước, chàng Khải - bạn tôi náo nức, vui vẻ lắm. Hắn ta dậy từ sớm, quần áo chỉnh tề, chỉ chờ vợ sửa soạn xong là cùng phóng xe vi vu. Lúc cô vợ bước ra, nhìn thấy cách ăn mặc hơi bị giống như đi dự đám cưới, hắn nhăn mặt: “Trời ạ, đi chơi ngoài trời mà em chưng diện cứ như thể bước vào dạ tiệc à?”.
Khải ngạc nhiên là đúng quá.
Ai đời, nàng “chơi” luôn cái váy ngắn củn, thì cũng được đi nhưng lại diện đôi guốc cao gót, áo mỏng phong phanh thì chẳng hợp với chủ đề “về với thiên nhiên” chút nào cả. Chẳng lẽ du ngoạn nơi đèo cao hút gió, phóng xe qua đường đèo chênh vênh dốc thẳm, trùng điệp núi non mà lại diện thế ư? Nghe chồng phân tích chán chê, cô vợ hỏi vặn lại: “Thì đã sao? Mình đi chơi thì cứ ăn mặc cho thỏa mái chứ anh? Chẳng lẽ, đã đi chơi còn phải tuân thủ mọi thứ như lúc đi họp à?”.
Đấy, nghe câu trả lời cù nhầy ấy có ai chịu nổi không? Tất nhiên là không. Khải cũng thế thôi, nhưng cái sự không ưng ý ấy, chỉ dám thể hiện qua tiếng thở dài. Biết ý chồng, cô vợ nói thêm: “Vậy, anh cứ chờ đi nhé. Em vào nhà đây”. Hắn đổi mặt làm vui, liền gật gù tán thành: “He he, phải biết nghe lời góp ý của chồng mới là vợ ngoan”. Nhủ thầm câu nói ấy, hắn liếc mắt mắt nhìn đồng hồ rồi mỉm cười hài lòng, dù gì cũng còn kịp thời gian.
Và thời gian thấm thoát trôi qua nhẹ nhàng, kim đồng hồ gõ nhịp tíc tắc. Năm phút rồi mười phút, Khải sốt ruột nói vọng vào nhà: “Cưng ơi, nhanh lên. Mọi người đang đợi nè”. Âm thanh giòn giã ấy vang lên như tiếng kèn thúc giục, lạ thay, chỉ rơi vào khoảng không im ắng, tức là không hề có câu trả lời vọng lại. Sốt ruột, Khải bước vào nhà trong, phải dụi mắt nhiều lần vì không thể tưởng tượng ra nổi: cô vợ nằm trên giường, trùm chăn và than: “Em bệnh”. “Bệnh gì bất ngờ quá ta?”, hắn hỏi đi hỏi lại cũng chỉ nghe mỗi câu trả lời gọn lỏn ấy.
Tình huống ngoài dự kiến, không thể ngờ trước, cuối cùng Khải phải xuống nước năn nỉ ỉ ôi. Và cuối cùng, may quá cô vợ đồng ý theo chồng đi dã ngoại nhưng với điều kiện là được ăn mặc tùy thích. Thôi kệ. Như thế này vẩn còn “ngon lành” chán, còn hơn phải mang tiếng thất hứa với bạn bè.
Xét ra chiêu này, không là độc quyền của phe yểu điệu thục nữ. Ngay cả đàn ông đàn ang cũng có lúc áp dụng nốt. Hiệp - bạn cùng công ty với tôi kể, có lần hắn ta thích đôi giày kia quá nên nhiều lần bảo vợ cho tiền mua, cô nàng gật đầu nhưng rồi cứ lần lữa. Thúc giục mãi cũng bằng thừa, hắn cáu tiết lắm.
Cuối tuần ấy, có cuộc hẹn đi dự tân gia sếp của vợ, dĩ nhiên “vợ đâu chồng đó” nhất là trong trường hợp này, thế là hắn “giở quẻ” không chịu đi. Lý do Hiệp đưa ra khiến cô vợ bối rối là mình bị bệnh bất thình lình. “Cố lên anh. Đến một chút rồi về cũng được. Tân gia của sếp mà vắng mặt là khó lắm”. Nghe vợ thở than, nài nỉ, hắn cũng xốn xang nhưng ngoài mặt vẫn lạnh như cà rem. Cứ nhất quyết không đi là không đi. Mãi lát sau, liếc nhìn đồng hồ, đã thấy gần đến giờ hẹn, hắn mới “xuống nước” rồi buông ra một câu bâng quơ: “Đã bệnh, đi đứng loạng choạng mà giày dép cũ rích thế này người ta cười cho”.
Chả bù cho trước đó, hễ nghe nhắc đến chuyện mua giày, cô nàng cứ ậm à ậm ừ rồi quên tuốt. Lạ thay, lần này, cô vợ lại cười giòn tan: “Tưởng gì. Trước lúc đến nhà sếp, mình tạt qua tiệm giày luôn đi anh”.
L.M.Q
(nguồn: TGPN 9.10.2017)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|