THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: “MỘT NỬA” TRÁI TÍNH TRÁI NẾT

LÊ MINH QUỐC: “MỘT NỬA” TRÁI TÍNH TRÁI NẾT




mot-nuua-trai-ti8n-htrai-net

 

Phải thừa nhận, ở trong nhà, nàng hiền lành, dịu dàng và ít nói nhất. Các con lúc nào cũng quấn quýt bên mẹ, chuyện trò tíu tít. Và người chồng, thỉnh thoảng cũng “bắt nạt” mà chẳng sợ vợ giận. Nàng dễ tính lắm, hễ chồng con cần gì, nhờ đến là gật đầu ngay thôi, thậm chí dù chưa yêu cầu thì nàng đã chủ động thực hiện. Nói tắt một lời, nàng luôn nhún mình, chìu chồng con “tới bến”. Chẳng bao giờ, thấy nàng “lên mặt” lấn lướt một ai.

Thật kỳ cục. Bởi vì rằng, chiều qua, lúc bố mẹ vợ sang chơi nhà, người chồng ngạc nhiên khi nhận thấy thái độ của vợ khác hẳn.

Nào, “Tẹo đâu, mau xuống đây phụ việc với mẹ. Không được chần chứ đấy”, khác hẳn mọi lần: “Thôi, con lên nhà chơi với em đi, một mình mẹ làm cũng được. Ngoan, mẹ thương”. Lại nữa, “Anh đâu, em bảo cái này. Anh ra ngay ngoài chợ mua giúp cho em thứ này nè. Mua theo những gì mà em đã ghi đầy đủ trong giấy đó”. Ngươi chồng lầu bầu trong bụng: “Cứ như thể mình hậu đậu lắm đây. Phải còn ghi ra giấy nữa kia à?”. Rồi, hết chuyện này, sang chuyện kia là nàng lại ra lệnh rất ư “bà chủ”.

Nhiều người khác có thể cũng đã từng một lần/ nhiều lần rơi vào tình huống éo le, bất ngờ này. Họ khó có thể lý giải nguyên nhân do đâu? Mọi ngày ở trong nhà, người chồng/ vợ ngoan lắm, “dễ bảo” lắm kia mà? Nếu gặp chuyện không ưng ý, hài lòng dẫu phản ứng cũng bằng thái độ nhẹ nhàng, thân thiện. Vậy mà, khi có sự xuất hiện của người khác thì lại “lên mặt” quá hớp. Một câu nói ra, bao giờ cũng muốn thể hiện quyền lực như ngầm khẳng định mình mới là “ông/bà chủ” trong căn nhà này.

Sau khi “tám” cho tôi nghe chuyện, “Tại sao lại thế nhỉ?”, anh Truyện -  bạn tôi ngạc nhiên hỏi. Tôi hỏi lại: “Thế, sau đó thế nào?”. Hắn ta cười khì khì: “Bà xã mình trở lại tính nết dịu dàng, tự tay làm hết việc nhà như trước, chẳng hé răng “sai bảo” gì ai cả. Ngộ ghê”.

Ừ, tâm lý của nhiều người đôi lúc tréo ngoe thế đấy.

Mới đây thôi, cô em út nhà tôi ghé sang chơi nhà, nhìn cái mặt nhăn nhó, bí rị ấy, tôi hiểu chắc, vợ chồng cô em đang có chuyện. Chưa kịp hỏi, cô em đã nói một hơi dài cứ như thể đang muốn trút nỗi ấm ức gì ghê gớm lắm đây. Rằng, lâu nay, ai cũng biết cậu em rể nhà tôi luôn “nể” vợ, nếu không muốn nói là luôn sộ vợ ra mặt. Mọi việc trong nhà đều do vợ quyết định và chỉ đạo, hắn ta chỉ răm rắp tuân theo.

Nào ngờ, mới đây thôi, “gió đã xoay chiều”.

Đó là lúc bạn bè của chồng tụ tập, lai rai tại nhà nhân dịp vui cuối tuần. Chuyện bù khú này nọ cũng bình thường, nhưng hắn ta trở nên mạnh mẽ, quyết đoán, chẳng thèm e dè, rụt rè, nhỏ nhẹ như mọi ngày. Đang ngồi tiếp bạn trên phòng khách, hắn hiên ngang dõng dạc: “Vợ đâu? Mau tiếp tế thêm mồi. Nhanh”. Nghe cứ như ông tướng ra lệnh ba quân giữa chốn sa trường. Lại nữa, “Vợ đâu, chạy ra đầu ngõ mua thêm ít bia, ít đá”. Nghe cứ như thể ông chủ ra lệnh cho Osin.

Với những câu mệnh lệnh ấy, cô em tôi choáng luôn. Không thể hiểu vì sao chồng mình lại trở chứng “trái tính trái nết” đến thế?

Sau khi nghe cô em út “trút bầu tâm sự”, tôi bèn hỏi: “Thì cứ cho là thế, nhưng sao đó thế nào? Chồng em cũng giữ tính cách ấy à?”. Cô xụi lơ: “Không hề. Quái lạ. Ông xã em lại hiền lành như cục đất. Lúc mọi người ra về, chỉ lẳng lặng thu dọn “bãi chiến trường”. Đố dám “lên mặt” với em. Lạ ghê chưa anh?”. Tôi bật cười: “Chẳng lạ gì cả. Tâm lý của “phái mạnh” vốn thế. Dù gì cũng phải lên mặt “ta đây” một chút cho oách xà lách chứ em?”.

Sự thay đổi đột ngột ấy, chỉ có thể giải thích, dù đã từng chịu lép vế trước “nửa kia”, nhưng khi thêm người khác, có người đàn ông lại muốn thể hiện “vai trò” của mình. Điều này khiến cho họ sáng giá hơn và mới đáng mặt “trụ cột” trong nhà. Nếu không, mình chỉ là “vai phụ” thôi sao? Vì lẽ đó, người chồng phải “gồng mình” nhập vai một cách ngon ơ, chẳng khác gì “chồng chúa vợ tôi” rất kiêu hãnh.

Một khi đã hiểu tâm lý này, nhiều người phụ nữ khôn ngoan vẫn cứ ngoan ngoãn chấp hành, làm theo mệnh lệnh của chồng, cứ ngọt ngào “vâng ạ, dạ anh” cho mọi việc xuôi chèo mát mái. Chẳng việc gì phải ngúng nguẩy, vùng vằng khiến người ngoài dòm ngó nội tình của nhà mình. Chẳng việc gì phải than phiền “tình hình rất ư là tình hình”.

Mà nay, những lúc ấy, có bực mình không? Ắt có. Nhưng rồi, chẳng mấy ai phản ứng lại. Chẳng dại. Người ngoài cười cho. Vì thế, “nửa kia” có bảo, cứ việc gật gù, chấp hành. Cứ việc đóng vai “dưới cơ” cho nó lành. Chẳng gì mắc cỡ, xấu hổ, “mất mặt” cả. Đơn giản thôi, mình sợ vợ/chồng mình chứ đâu phải sợ vợ/ chồng hàng xóm? Lại còn giữ được tiếng “trong ấm ngoài êm”. Chọn lấy phép ứng xử dịu dàng, mềm mỏng ấy chỉ “được việc” cho mỗi “nửa kia”? Không. Ngay cả “nửa này” cũng vậy thôi. Một khi vâng lời làm theo, chắc chắn lại được người ngoài thầm khen: “Chà, cô ấy/chàng ấy chìu chồng/vợ tợn”. Lời khen ấy chẳng phải không đáng?

Rồi sau khi mọi người ra về, sau lúc ra oai, tự “nâng mình lên” được vợ/chồng hỗ trợ ắt “nửa kia” sẽ thầm cám ơn mà “xuống” đến tận cùng. Mọi việc lại “lập lại trật tự” như cũ. Vậy nên, rơi vào tình huống đó, cứ tỉnh bơ như không, không nên phản ứng lại vẫn là sự lựa chọn tốt nhất.

Nghĩ cho cùng, ấy cũng là một cách “phản ứng” khôn ngoan.


L.M.Q

(nguồn: TGPN 25.9.2017)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com