“Chết thật, thế này thì toi rồi”, anh chàng nọ thầm rên trong bụng với tâm trạng âu lo, vì chẳng biết chiều nay về nhà, lúc phải “ăn làm sao, nói làm sao” với vợ.
Sự lo lắng ấy, hầu như có tính cách phổ biến ở nhiều người đàn ông, bởi vì rằng, một khi nàng đã giận, đã dỗi thì không khí trong nhà lúc nào cũng căng thẳng như đóng phim hình sự. Một câu nói cũng không, một tiếng cười cũng không. Ấy là chưa nói lúc cần “giao ban”, nàng không thèm “bật đen xanh” ắt chịu chết. Tóm lại, làm gì thì làm, nếu một khi cảm nhận được sấm sét ùn ùn sẽ xẩy ra, phải tìm mọi cách che chắn trước.
Thế nhưng có những chuyện rành rành ra đó, khó có thể “thanh minh thanh nga”, cãi chày cãi cối. Tâm trạng của Ngô cũng chẳng khác gì. Rằng, được công ty giao đi khảo sát vật tư, giá cả nọ kia, hắn ta khoái lắm. Chỉ mới 3 giờ chiều lại được vi vu xuống phố, thoát khỏi phòng máy lạnh với các mẩu biểu dài sọc, tính toán chi ly mệt cả đầu thì khoái là phải rồi.
Cơ hội này ít có lắm, vì lẽ đó, hắn vội vàng nhắn tin cho “mèo” và hẹn ở quán cà phê Nũng nịu. Chẳng rõ do trời xui đất khiến hay ai “mật báo” mà lúc cả hai đang tỉ tê tâm sự thì điện thoại của Ngô rèng réng reng. Hắn tái mặt khi thấy màn hình hiện lên dòng chữ “Gấu Mẹ”, liền vội vội vàng vàng chui vào toilet. “Đẹp mặt nhỉ. Vừa trốn việc làm, vừa hẹn hò bồ bịch lăng nhăng”. Hắn cãi: “Gì thế? Đùa khéo quá đi mất. Tưởng tượng cao siêu thật. Đang bù đầu ở công ty đây nè”. Lại nghe: “Ủa, công ty anh hiện nay chuyển trụ sở về quán cà phê Nũng nịu rồi à?”. Biết không thể nói gì thêm, hắn vội vàng tắt máy điện thoại.
Chẳng còn lòng dạ nào để tiếp tục thủ thỉ với “mèo”, hắn lấy cớ sếp gọi để chuồng gấp về công ty. “Vậy, chiều nay phải đối phó thế nào?”, nghe Ngô hỏi một cách khẩn khoản và nghiêm túc, bọn tôi nhăn mày nhíu trán suy nghĩ. Giây lát sau, một đồng nghiệp là Đồng liến thoắn: “Dễ thôi. Cậu cứ tạt qua nhà ngoại, chở bố vợ qua nhà rồi tùy cơ ứng biến”.
Mọi người vỗ tay khen cho là sáng trí. Ý kiến đó hay lắm. Trong tình huống này, bố vợ chẳng biết gì nội tình vừa xẩy ra, chỉ nghĩ rằng, hôm nay chắc có chuyện gì vui nên cậu con rể quý hóa mời sang nhà nhâm nhi, tâm tình đấy thôi. Mà quả thật, trên đường về nhà, hỏi bố vợ thích ăn gì, uống gì hắn ta tạt vào mua tất. Chiều hôm đó, bữa cơm ngon lành dọn ra, đầy ắp tiếng cười, vui vẻ. Đố cô vợ dám mặt nhăn mày nhó khi có bố sang chơi nhà. Lấy cớ, bố đang say, ngoài trời lại mưa nên hắn ta cương quyết giũ bố ngủ lại, không cho về, dẫu đi bằng xe taxi đi nữa. Cuối cùng, đêm hôm đó hắn ta vẫn đẫy giấc ngon lành. Có gì, mai tính tiếp.
Biện pháp này hiệu quả đến đâu, tôi không rõ. Nhưng chắc chắn qua ngày sau, sự tức giận ở “nửa kia” không còn “cao trào” như trước nữa. Sự tức giận, giận dữ ít nhiều đã “hạ hỏa” thì cách trao đổi, truy hỏi cũng chừng mực hơn. Nhờ đó, cách tháo gỡ có chiều hướng dễ dàng hơn. Đúng vậy, khi sự việc vừa chứng kiến nếu bập vào ngay, làm luôn cho “ra môn ra khoai” thì thái độ sẽ khác với lúc đã ít nhiều nguôi ngoai.
Nói cách khác một khi ngoài trời đang báo hiệu cơn sấm sét, tốt nhất vẫn tìm cách trì hoãn, chớ giong buồm ra khơi, chớ dại để xẩy ra tình huống đối đầu ngay lúc đó.
Khi trao đổi về nghệ thuật “tháo ngòi nổ” này, Thư - đồng nghiệp cùng công sở của tôi “bật mí”: “Có lúc, tớ nhờ đến bé út là xong tất”. Hay nhỉ? Cô ta đã nhờ thế nào? Dường như biết được thắc mắc này, cô thúc thắt kể, đại khái, ngày kia do mải mê “bà tám” với đồng nghiệp cùng phòng nên gần 7 giờ tối, Thư mới rời khỏi cơ quan.
Mọi lần thì không sao, nhưng tối đó vợ chồng cô đã có hẹn đi xem kịch. Vậy, trễ mất giờ rồi còn gì? Biết tính đa nghi của chồng, cô đã lường các tình huống sẽ xẩy ra. Trên đường đi, liên tục nhận được tin nhắn của chồng gọi về, cô lo lắm. Không phải lo giờ này vẫn chưa bếp núc, cơm nước cho cả nhà mà ngại nhất phải trả lời những câu cỡ như “Sao giờ này mới về/ Hẹn hò với ai à?” rồi anh chồng lại suy diễn linh tinh. Đã thế, chồng lại bảo lỡ chuyến xem kịch, rồi “nâng quan điểm” nghe chỏi tai như “một sự bất tin, vạn sự bất tin”… Oải lắm.
“Vậy bồ tèo tháo gỡ thế nào cho xuôi chèo mát mái?”, nghe tôi hỏi, Thư bật cười khanh khách: “Hì hì, về đến nhà, tớ chui vào phòng và cho gọi bé út vào xoa dầu, bóp chân. Cứ như thể đang cảm sốt. Thế là anh chồng tớ thay đổi ngay thái độ. Từ gương mặt đang hầm hầm bỗng tỏ ra quan tâm lắm lắm. Không hề nhắc lại lý do vì sao về nhà trễ mà chỉ chăm bẳm hỏi han sức khỏe ra làm sao”. Nghe đến đó, tôi vội vã chen ngang: “Cuối cùng thế nào?”. Thư cười tinh quái: “Đêm đó, cả nhà ăn phở gà ngon lành. Nghe lời yêu cầu của vợ đang ốm, ông xã tớ xăng xái đi mua ngay”.
Kể ra cũng độc chiêu đấy chứ?
Tuy nhiên, theo nhiều nhà tư vấn tâm lính thì dẫu “thuốc” có hiệu nghiệm đi nữa, chớ nên lạm dụng. Chỉ nên “thao tác” lúc thật cần thiết. Nếu cứ lặp đi lặp lại nhiều lần thì e phản tác dụng. Vậy nên, cách tốt vẫn là đừng để xẩy ra các tình huống éo le mà mình phải tìm cách “tháo ngòi nổ”.
L.M.Q
(nguồn: TGPN 11.9.2017)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|