THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: NHỮNG CÂU CHUYỆN “SỨC KHỎE GIA ĐÌNH”

LÊ MINH QUỐC: NHỮNG CÂU CHUYỆN “SỨC KHỎE GIA ĐÌNH”

 

NGHUNG-AU-CHUYYEN-SUC-KHOE-GIA-DINH

 

Sống trên đời, chắc hẳn ai cũng muốn việc gì ra việc nấy, trắng ra trắng, đen ra đen, không lập lờ úp mở, cứ phải rành mạch, rõ ràng. Nếu được như vậy, tốt quá. Nhưng rồi, sự đời không hề đơn giản bởi có những sự việc không diễn ra như ý muốn. Thế là họ lấy làm ảo não, sầu khổ, dẫm chân than thân trách phận. Sở dĩ chuốc lấy nỗi nhọc nhằn tâm trí đó bởi họ quên rằng, hầu như vấn đề nào, sự việc nào cũng có sự ngoại lệ đứng ra ngoài quy ước chung. Và người ta dù muốn, dù không đôi lúc cũng vẫn phải chấp nhận.

Nói thì dễ lắm nhưng trong hôn nhân lại khác hẳn. Có thể cùng một trường hợp tương tự, mái ấm này đồng thuận nhưng chắc gì gia đình kia đã đồng tình. Đứng trước tình huống cụ thể, nhiều người vò tai bứt tóc và nhủ thầm: “Ước gì, vợ/chồng của mình “thông qua”, gật đầu cái rụp thì dễ thở biết bao?”.

Thật vậy, có “bài toán” khó, cực kỳ phức tạp nhưng vẫn có cách tìm ra “đáp án”, chỉ cần “nửa kia” gật đầu là xong. Đơn giản thôi mà. Nhưng rồi triền miên ngày này qua tháng nọ, sự việc vẫn cứ dẫm chân tại chỗ. Không khí trong nhà ngột ngạt, “ông nói gà, bà nói vịt”, chẳng ai chịu ai. Cái khó nhất là ai cũng đều có lý nhưng “vấn đề đặt ra”: họ có dám chấp nhận sự ngoại lệ hay không?

Trong nhóm bạn bè khoa Văn thời đại học, bạn bè tôi đều lo cho X. Sau khi ra trường, hắn ta lập gia đình rồi “gẫy đổ” khi chưa có con. Qua “tập 2”, chẳng rõ trời xui đất khiến thế nào anh lại “kết model” với người phụ nữ ly dị chồng đã có mấy mặt con. Nhiều người khuyên không nên, vì sau này dễ xẩy ra trường hợp “con chung, con riêng” mệt đầu lắm. Lúc đó, đang hào hứng trong “cao trào” của tình yêu nên  X không nghe theo. Họ tổ chức làm đám cưới, có hôn thú hẳn hòi.

Thời gian đầu, cả hai chung sống hạnh phúc, yên vui như mọi cặp vợ chồng khác. Nhưng rồi, thời gian trôi qua cái vèo, gần cả 5 năm trời vợ X vẫn chưa mang bầu. Cứ như theo lời X kể, mỗi lần anh đặt vấn đề cần phải có “niềm vui trong Bệnh viện Từ Dũ”, cô vợ trả lời dứt khoát: “Con em đang tuổi ăn tuổi lớn, phải chăm sóc, dạy dỗ, theo dõi hằng ngày. Nếu lơ là, biết đâu bị bọn xấu dụ dỗ nghiện ngập thì khốn. Còn thời gian đâu phải chăm thêm em bé?”.

Thương vợ mà cũng thương cái thân mình, X chỉ thở dài. Về “nguyên tắc”, Thắng đã có con, dù là con của vợ với người chồng trước nhưng làm sao bằng con do máu mủ mình sinh ra? Nghe X tâm sự, nhóm bạn học thân thiết “hiến kế”: “Nếu thật sự yêu thương, cô ta phải chấp nhận nguyện vọng của cậu. Bằng không, cậu cứ lén “giải quyết”, đến đâu hay đó”.

Cuối cùng, X thực hiện “phương án” thứ 2. Đến lúc mọi việc không thể giấu giếm được nữa, liệu vợ  X có chấp nhận “ngoại lệ” đó không? Với những trường hợp tương tự, khó có một “đáp án” chung, vì nó còn tùy theo quan niệm, tính cách của mỗi người. Khó có thể kết luận “đúng/sai” rạch ròi như 1 cộng một bằng 2 mà cần có cái nhìn uyển chuyển, linh động hơn…

Tôi còn biết thêm trường hợp khác của V - anh bạn đồng nghiệp. Đến bây giờ, ai cũng phục V là người có đức tính đáng khâm phục, dám bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu, chê bai của thiên hạ. Thuở hàn vi, vợ chồng V sống nghèo khó, sau “phất lên” nhờ nghề thiết kế, đóng bao bì theo công nghệ mới. Từ khi có tiền, anh đầu tư nhà hàng, bất động sản, cho con du học. Những tưởng từ đó, bước qua tuổi trung niên, họ sẽ an phận với cuộc sống sung túc và tất nhiên, sẽ càng yêu thương nhau hơn.

Không ngờ, chẳng rõ thế nào, vợ V lại mê đắm chàng “phi công trẻ” và nhất quyết đòi ly dị. Để gây áp lực tinh thần cho anh, cô vợ công khai mọi việc, không thèm giấu giếm. Ai cũng mỉa mai anh bị “cắm sừng”. Nhục lắm. Thế nhưng anh vẫn không phân trần, không giải thích, xem như không đáng bận tâm. Anh khôn khéo không tạo bất kỳ cơ hội nào khiến vợ kiếm cớ đưa nhau ra tòa.

“Tại sao có thể chịu đựng được nỗi đau ê chề này?”, nghe tôi hỏi, V trả lời gọn băng: “Con cái du học, nếu nghe tin bố mẹ chia tay nhau ắt khó an tâm học hành. Vì thế, khi cô ấy đòi ly dị, tớ chỉ bảo đợi lúc con cái tốt nghiệp thì cũng chưa muộn. Với cái lý đó, tớ cố tình trì hoãn, kéo dài thời gian. Nói thật nhá, còn vì lý do quan trọng khác nữa”. Lý do gì? Thà kề tai tôi nói khẽ: “Tớ chẳng dại gì, chẳng lẽ một nửa tài sản bỗng nhiên lọt vào tay thằng cha vớ vẩn?”.

Rõ ràng, trong trường hợp này, vì “đại cục”, V đã chấp nhận sự “ngoại lệ” của vợ. Do đó, không phải ngẫu nhiên, sau một thời gian dung dăng dung dẻ, cô vợ thay đổi tính nết và quay về tổ ấm, chàng “phi công trẻ” cũng biến mất tiêu.

Nếu không chấp nhận “ngoại lệ”, có thể V đẩy sự việc đi vào ngõ cụt.

Mấy năm trước, mỗi lúc lai rai bù khú với nhau, trăm lần như một bao giờ B cũng thở ngắn than dài chuyện vợ anh chỉ sinh toàn “vịt trời”. Ai cũng bảo, con cái là trời cho, có thế nào hãy cứ bằng lòng, chẳng việc gì phải sống theo quan niệm “có nếp, có tẻ”, “có trai, có gái” mới là gia đình hạnh phúc. Anh có thèm nghe đâu, lúc nào cũng rầu rĩ: “Cháu ngoại cũng là cháu nhưng đặt tên có theo họ của dòng tộc nhà mình đâu?”.

Khi trao đổi vấn đề này, vợ của B thừa biết chồng mình muốn gì. Thế là từ đó, rất hiếm hoi chúng tôi gặp lại anh. Sau này, tìm hiểu kỹ mới biết anh bị vợ áp dụng chính sách “bế môn tỏa cảng”, “nội bất xuất ngoại bất nhập”. Từ chỗ đang ăn nên làm ra, bất ngờ, B bỏ bê hết công việc không thèm quan tâm đến nữa. Mới đây, bạn bè báo tin là vợ chồng anh đang treo bảng bán nhà. Thiết nghĩ, nếu B chấp nhận sự “ngoại lệ” không có con trai nối dõi ắt sự việc không đến nỗi xấu đến thế.

Mà thôi, biết thế nào được. Có những trường hợp, người ngoài không thể có tư vấn được gì, vì còn tùy vào quan niệm sống của vợ chồng họ.

Trở lại với trường hợp của X mà tôi vừa kể ở trên, may quá, mọi việc kết thúc “có hậu” dù vợ  không chấp nhận “ngoại lệ”. Cô đồng ý ly dị để anh đến với người khác, miễn là không tranh chấp tài sản với mẹ con của cô. Thôi thì, “hậu vận” như thế cũng tốt lắm rồi.

L.M.Q

(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 486 ngày 9.9.2017)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com