THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Vì sao cô nàng... “sợ đẻ”?

LÊ MINH QUỐC: Vì sao cô nàng... “sợ đẻ”?

 

vi-sao-co-nang-so-de-1R


Một mai thiếp có xa chàng

Ðôi bông thiếp trả, con chàng thiếp xin

Ấy là câu ca dao ngàn đời bất biến đã phản ánh tâm thức, ước nguyện của phụ nữ Việt. Lâu nay, có dị bản: “Ðôi bông thiếp trả, đôi vàng thiếp xin”, thật ra chẳng hề có vòng vàng gì ở đây cả. Họ không màng đến những giá trị hào nhoáng bề ngoài, điều cốt lõi vẫn phải là đứa con mang nặng đẻ đau. Một khi gọi “con chàng” là họ nói nhún, nếu không có vai trò quyết định của họ thì sao?

Vâng, chính ý thức điều đó, không riêng gì tôi mà đàn ông toàn cầu đều có suy nghĩ: “không gì đẹp bằng người đàn bà bụng chửa dạ mang/ từ đây có một trái đất của riêng nàng/ được đặt bình yên tại nơi thánh thiện/ nàng cao quý mỉm cười mãn nguyện/ gìn giữ cho riêng mình/ một hành tinh/ một bình minh/ đặt tên là Sự Sống”. Một khi đã yêu, đã đến với nhau, điều mơ ước lớn nhất của người phụ nữ vẫn là lúc tay bế tay bồng, gìn giữ lấy mầm sống đã rứt ra từ máu thịt.

Bên cạnh đó, vốn tơ mềm liễu yếu, yểu điệu thục nữ lại cả nghĩ, do đó, họ cần có con để nhờ cậy về sau. Ông bà ta đã đúc kết: “Trẻ cậy cha, già cậy con”. Con cái vẫn là điểm tựa lúc hoàng hôn xế bóng. Vì lẽ đó, chuyện có con, sinh con đẻ cái là một thiên chức thiêng liêng, một khát vọng của bất kỳ người phụ nữ nào.

Vậy “chân lý” này, xưa đã thế thì nay cũng thế?

Chưa chắc. Dường như đang có sự thay đổi chăng? Tâm lý “sợ đẻ” ở người phụ nữ trẻ đang là một xu hướng có thật chăng? Tôi thận trọng dùng câu nghi vấn, vì rằng, muốn dẫn đến một kết luận rạch ròi ắt phải có cuộc điều tra xã hội học. Tuy nhiên, cái sự “dường như” ấy ngày càng rõ nét dần. Sau khi dò hỏi ở nhiều người, tôi có thể tạm “gạch đầu dòng” một vài lý do thầm kín mà họ đã thố lộ.

Trước hết, họ chưa muốn vướng víu, bận rộn chăm sóc con cái, “lui về phía sau”, chỉ vì nghĩ rằng đang cần phải có thời gian để khẳng định vị trí, tài năng, và ít ra phải là người kiếm ra tiền, chứ không chỉ dựa dẫm vào chồng. Đây là một trong những quan niệm sống của phụ nữ thế kỷ XXI. Họ chứng tỏ bản lĩnh hơn, tự lập hơn bởi vì rằng đã có không ít ông chồng hoạnh họe, chảnh chọe lúc đưa tiền cho vợ không quên “thòng” một câu rất ư kẻ cả như vừa khoe khoang, vừa than thở: “Cái nhà này, không có đồng lương của tôi thì sống ra làm sao đây?”. Chính vì thế, nhiều phụ nữ hoãn lại vụ sinh con để chứng tỏ cho “nửa kia” biết rằng, mình đây cũng không thua kém gì.

Thứ hai, có nhiều cảnh ngộ tréo ngoe đại khái như trong thời gian yêu nhau, họ được đàn ông ca ngợi bằng hàng triệu lời lẽ hoa mỹ, “có cánh”, chìu chuộng tận răng, vậy khi trở thành vợ thì vẫn thế? Khi nghe tôi đặt câu hỏi, nhiều cô phá lên cười khi “bật mí” cho biết họ đã được… đẩy xuống hàng Osin. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi đàn ông thường có tâm lý lúc chưa “cưa đổ” thì galant hết cỡ thợ mộc nhưng một khi “đã đâu vào đấy”, thái độ lại khác hẳn.

Thế thì, lúc ấy, việc phải sinh con có còn là niềm hứng thú? Lo lắng, chăm sóc, phục vụ cho ông chồng mỗi ngày đã bỡ hơi tai, vậy đẻ thêm một bé nhóc nữa, chịu sao cho xiết? Chính vì nỗi lo lắng ấy, khiến họ tặc lưỡi: “Từ từ hãy hay”, chứ không còn nôn nóng như trước.

Rồi, một trong những nỗi khổ tâm nhất của không ít phụ nữ là vớ phải ông chồng còn có suy nghĩ “cùi bắp” rất ư lạc hậu. Dù đã “nghéo tay” phải sớm đẻ con nhằm ổn định cuộc sống lâu dài thế nhưng đến ngày vợ “khai hoa nở nhụy”, bước vào bệnh viện vừa nhìn thấy thiên thần bé bỏng, thay vì nói cười rổn rảng, tự hào thì người chồng lại xụ mặt như đưa đám. Tại sao? Cô vợ đẻ con gái. Con gái thì cũng là con chứ? Thế nhưng, trời ạ, sống trong thời buổi hiện đại đến mức thiên hạ có thể du lịch lên tận sao Hỏa, nhưng nhiều quý ông vẫn quan niệm như thời “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Biết vậy, chi bằng “nín đẻ” quách cho xong.

Ngoài lý do trên, còn gì nữa không?

Nhiều người bảo rằng, vì quá kỳ vọng vào con mình nên nhiều phụ nữ không dám đẻ. Đẻ xong nếu không lo chu toàn, không làm hết trách nhiệm, không như ý muốn thì con cái về sau sẽ ra làm sao? Sự kỳ vọng ấy vô tình trở thành gánh nặng. áp lực khiến họ cân nhắc, thậm chí còn dẫn đến tâm lý sợ đẻ. Tôi lại không nghĩ thế, sự kỳ vọng, nuôi dạy, chăm sóc con cái còn là nỗi quan tâm của cả người chồng/người cha nữa chứ.
Vậy thì, một khi đứng trước vấn nạn “sợ đẻ” ở người phụ nữ, sự thay đổi cần bắt đầu từ đâu? Tất nhiên phải từ nhiều góc độ, nhiều yếu tố như môi trường sống, chất lượng sống v.v… Tất cả những điều này hoàn toàn đúng. Thế nhưng sự thay đổi ấy, theo tôi điều tiên quyết, cốt lõi nhất vẫn phải bắt đầu, vâng phải bắt đầu từ nhận thức của người đàn ông/ người chồng trong mỗi nhà.

Thời buổi này, người phụ nữ đã có bản lĩnh, tri thức, họ cưới chồng không phải vì tìm một chỗ để dựa dẫm mà cần một điểm tựa. Đó phải là nơi họ có thể tâm tình, chia sẻ mọi buồn, gửi gắm niềm tin, khát vọng của đời mình. Mà với họ, trên đời này, chuyện sinh đẻ yếu tố đầu tiên. Trong hành trình ấy, hãy lắng nghe lúc ấy, người đầu ấp tay gối của mình đang cần gì. Nếu người chồng bỏ mặc, không thay đổi nhận thức thì đừng chép miệng, nhăn mày nhíu trán khi giải bài toán hóc búa vì sao cô nàng “sợ đẻ”?

L.M.Q

(nguồn: TGPN 30.10.2017)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com