THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: THỨ NÀO DÙNG VỀ VIỆC ẤY…

LÊ MINH QUỐC: THỨ NÀO DÙNG VỀ VIỆC ẤY…

 

thunaoveviec-nay-1-R

 

Với nhiều người, hầu như có một tâm lý khá phổ biến: thích được thiên hạ biết đến mình qua chức danh. Càng cao càng tốt. Càng hãnh diện. Càng có nhiều người xum xoe, nhờ cậy, tâng bốc và đi đến đâu cũng có người chào hỏi ân cần, trịnh trọng. Khoái chí lắm. Hả hê lắm. Và mặc nhiên, điều đó được xem như “thước đo” của sự thành đạt. Không chỉ cá nhân mình mà ngay cả vợ con cũng “thơm lây”, tự hào, vui vẻ. Nếu không có tài năng, không may mắn, không đươc các đồng nghiệp tín nhiệm làm  gì có thể ngồi được “cái ghế” đó?

Tuy nhiên, ở đời, có không ít người đã “mặc cái áo quá rộng” bởi vì lý do gì gì đó, họ được cấp trên nâng lên chứ không phải từ sự phấn đấu, trình độ, khả năng chuyên môn gì sất.

Có hai trường hợp xẩy ra, hoặc mạnh dạn từ chối, chỉ ngồi đúng vị trí vốn có, không thèm ham hố “luồn sâu, trèo cao” vượt quá khả năng; hoặc “ngậm miệng ăn tiền” vì lý lẽ đơn giản “cờ đến tay ai, người đó phất”, có cơ hội tốt để tiến thân, chẳng dại gì chộp lấy ngay. Với hai sự lựa chọn này, ai là người “biết sống”?

Khi đặt câu hỏi này, trong đám bạn tôi đã cuộc tranh luận nho nhỏ. Tất nhiên, ai cũng có lý của mình, tùy theo quan niệm sống của mỗi người.

Thật ngạc nhiên, khi có nhiều ý kiến tán thành cách lựa chọn thứ hai. Theo họ, mọi việc ở cơ quan, công sở là việc chung của tập thể mà đã “cha chung thì không ai khóc”, lại có câu “nhiều sãi không ai đóng cửa chùa”, có thể hiểu nôm na, đã việc chung thì trách nhiệm cũng chung nốt. Nếu mình được leo lên “cái ghế” cao hơn, nói gì thì nói, trước hết thu nhập khấm khá hơn người khác, hưởng được nhiều quyền lợi hơn.

Vậy tội gì phải từ chối?

Lại có người chọn cách thứ nhất, chẳng hạn như trường hợp của anh bạn tôi. Từ một công nhân gắn bó với xí nghiệp lâu dài, luôn là đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” trong các cuộc tổng kết hằng quý, hằng năm, do đó, ban giám đốc quyết định bổ nhiệm anh lên chức trưởng phòng. Vốn biết khả năng của mình không thể đảm đương nhiệm vụ đó nên anh có ý định từ chối. Thế nhưng khi về nhà, hỏi ý kiến người “đầu ấp tay gối” thì cô vợ khuyên nên nhận. Bao nhiêu năm gắn bó, làm việc ở xí nghiệp với mức lương chẳng đáng “bò chét nhét miệng hùm”, há đây chẳng là cơ hội tiến thân đó sao? Dù không hào hứng lắm nhưng cuối cùng anh ta nhận lời.

Sau vài tháng gặp lại, anh cho biết cuộc sống từng ngày xáo trộn mà chẳng đâu vào đâu. Cũng công việc đó, với một người có chuyên môn, có trình độ ắt giải quyết dễ dàng như lấy đồ trong túi áo, còn anh thì lại khác. Phải trậm trày trập trật vì anh không được đào tạo qua trường lớp một cách bài bản. Công việc ở xí nghiệp ngày càng chỉnh chu, đi vào nề nếp thì không thể sử lý, giải quyết bằng kinh nghiệm mà phải biết tính toán, có kế hoạch thể hiện từng mẩu biểu, chi li từng con số. Do đó, đối với anh là một áp lực nặng nề.

Trước kia, mỗi sáng đầu tuần đến cơ quan là niềm vui, hào hứng thì nay lại khác. Ngay cả lúc ngồi chễm chệ tại bàn làm việc, dù bề ngoài làm ra vẻ tươi tỉnh nhưng ai thấu hiểu anh sợ hãi cả lúc khi nghe tiếng chuông điện thoại réo đến. “Lại việc gì nữa đây?”, anh giật thót cả người. Công việc vượt ngoài tầm hiểu biết. Mệt mỏi lắm.

Cuối cùng, anh mạnh dạn xin trở về vị trí cũ, dù bạn bè và ngay cả cô vợ cũng chê bai là không biết tận dụng cơ hội tiến thân. Anh bỏ luôn ngoài tai, vì hơn ai hết chính anh mới biết mình đang cần cái gì và cái gì mới là quan trọng nhất. Có một điều lạ, không ngờ tới sau khi thôi chức anh lại được đồng nghiệp, cộng sự thân thiện, quý mến nhiều hơn trước. Tại sao? Họ quý tư cách của một người tự trọng, chứ không như ai kia “cố đấm ăn xôi”.

Mặc cái áo vừa với khổ người của mình, làm việc đúng với khả năng của mình là niềm sung sướng, hạnh phúc. Sự đời, đôi lúc chỉ cần thế thôi. Điều đơn giản đó, không phải ai ai cũng nhận ra, hoặc có lúc nhận ra thỉ mới giật mình tự trách bấy lâu “không biết mình là ai” nên ôm lấy nỗi khổ tâm, âu lo mà lẽ ra vẫn có thể tránh được.

Ai cũng thừa nhận sống là phải có ý thức phấn đấu để nâng cao địa vị của mình trong xã hội. Thời còn mài đũng quần ở ghế nhà trường, bài thơ của Nguyễn Công Trứ đã đi vào trí nhớ: “Quân tử lúc cùng thêm thẹn mặt/ Anh hùng khi gấp phải khoanh tay/ Còn trời, còn đất, còn non nước/ Có lẽ ta đâu mãi thế này?”. Tâm nguyện này, hoàn toàn đúng. Phải thế chứ. Có thế mới bằng vai bằng lứa với thiên hạ. Không thể “mãi thế này” mà phải phấn đấu khác trước. Nếu làm được thế, rất đáng hoan nghênh vì mọi sự có được là do tài năng, trình độ mà có.

Còn nếu như bỗng dưng mình được ơn “mưa móc” như sếp cũ sắp về hưu, muốn tạo vây cánh để nhờ vả về sau, bèn hào phóng bổ nhiệm vị trí đó, dù rằng “quá hớp” so với khả năng của mình; hoặc do cần bè phái, tạo phe phái trong công ty nên sếp đẩy mình lên chức thì sao? Câu trả lời trong ngữ cảnh này, tôi đồ rằng, ai cũng trả lời dứt khoát chỉ vỏn vẹn 2 chữ: “Từ chối”.

Nói thì dễ dàng như lật bàn tay, nhưng lúc đứng trước tình huống đó để có tâm thế rạch ròi, rành mạch đó, chắc là không dễ chút nào.

Thôi thì, khó ai có thể “dạy khôn” cho ai cả. Mà thái độ “kẻ cả đó chắc gì đã được thiên hạ “tâm phục khẩu phục”? Ở đây, tôi chỉ xin chia sẻ câu chuyện mà chắc nhiều người vẫn còn nhớ. Và khi cùng nhớ lại cũng là một cách để chúng ta ý thức tự hoàn thiện lấy chính mình.

Chuyện rằng, ngày xửa ngày xưa ở nhà nọ có hai bố con. Ông bố làm thợ mộc, đứa con đang theo học nghề. Một hôm ra bờ sông, con vớt được một cây gỗ, kéo về nhà hỏi bố rằng: “Cây gỗ này có thể dùng làm được những thứ gì?”. Ông bố trả lời: “Làm thứ gì cũng được. Chặt cành ra, cành to dùng làm cọc; cành nhỏ, làm củi đun. Cưa thân cây ra, đoạn to và dài dùng làm phảng, làm ghế; đoạn nhỏ và ngắn, làm các đồ lặt vặt”. Người con trông lên tường, thấy có treo một dãy cưa, hỏi bố rằng: “Dùng cái cưa nào?”. Người bố bảo: “Cưa lớn dùng để cưa thân cây, cưa nhỏ thì để cưa cành cây”.

Qua mẩu chuyện này, các bạn ắt đồng tình rằng: Thứ nào dùng về việc ấy. Người khéo dùng thì không có gì là vô dụng. Nó chỉ trở nên vô dụng khi đặt sai vị trí mà thôi.

L.M.Q

(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 453 ngày 8.10.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com