Thời còn đi học, cô giáo tôi bảo mỗi học sinh phải sắm quyển sổ tay, nhỏ thôi, đủ bỏ lọt vào trong túi áo, luôn đem theo bên người. Để làm gì? Mục đích của nó là ghi lấy những đoạn thơ hay, những câu danh ngôn mà mình đã nghe/đã đọc được. Sự ghi chép ấy như lời nhắc nhở cần thiết, có lúc mình sẽ cần đến; hoặc ít ra, nó cũng là “người bạn” tốt luôn có mặt bên cạnh, san sẻ lời an ủi, động viên.
Đã nhiều năm trôi qua, tôi vẫn còn nhớ đến quyển số tay đó. Lật ra lại thấy có câu này mình ghi được, có câu kia, do ưng ý nên chép lại của bạn. Dù không rõ tác giả là ai, nhưng rõ ràng những câu châm ngôn ấy đã đồng hành cùng chúng tôi qua nhiều năm tháng. Khi tôi trao lại cho bé gái trong nhà, đọc xong, cháu thích quá và lại chép bằng nét bút nắn nót:
“Để đôi môi bạn trông quyến rũ; Hãy nói lời tử tế.
Để ánh mắt bạn long lanh hơn: Hãy chỉ tìm thấy điều tốt nơi người khác.
Nếu muốn có thân hình thanh mảnh: Hãy san sẻ thức ăn của bạn với người nghèo khó.
Nếu muốn có một mái tóc đẹp: Hãy cùng đùa nghịch với con trẻ, cho chúng vuốt tóc bạn.
Nếu muốn giữ được tinh thần tự chủ: Hãy bước cùng tri thức, bạn sẽ không bao giờ cô độc. Con người, hơn tất cả mọi thứ, cũng cần được khôi phục lại, làm mới lại, giác ngộ và chuộc lỗi. Vì vậy, đừng xua đuổi bất cứ ai.
Hãy nhớ là: Nếu bạn cần sự giúp đỡ, bạn có thể tìm thấy ngay ở chính bản thận bạn. Bạn có hai tay, một để giúp mọi người và một giúp chính mình”.
Câu danh ngôn trên, chí lý quá phải không?
Trong suy nghĩ của tôi, bao giờ cũng có cụm từ “người ơn”. Mình mang ơn không phải từ những giúp đỡ vật chất cụ thể, có thể cân, đong, đo, đếm. Mà chính quan niệm sống mà họ đã thể hiện qua thơ, ca, nhạc, họa và các loại hình nghệ thuật khác.
Anh bạn tôi kể lại câu chuyện này: Sau khi ly dị, anh ghét cay ghét đắng người vợ cũ. Hễ bất kỳ những gì liên quan đến cô ta, anh cũng đều tìm mọi cách chối từ, xóa bỏ. Ngày kia, con gái bị ốm, anh đưa vào bệnh viện. Sau những ngày được chăm sóc, dù vậy sức khỏe của cháu vẫn không mấy khả quan. Có những đêm ngồi trằn trọc bên giường bệnh, anh lại càng oán ghét vợ. Giờ này, cô ta đang tí tởn, hú hí với tình nhân mới, làm gì có thể biết đến nỗi nhọc nhằn mà anh đang đối mặt? Nghĩ thì nghĩ vậy. Nhưng nếu cô ta có đem quà đến thăm con, dứt khoát anh cũng “cấm cửa”.
Đang trầm tư suy nghĩ, bỗng cô con gái giật mình, níu lấy tay anh và mếu máo: “Con nhớ mẹ quá”. Vừa nghe nhắc đến vợ cũ, anh bực bội: “Có ba đây nè. Mẹ con tệ bạc lắm. Nhớ làm gì?”. Lặng lẽ quay mặt vào tường, con gái anh khóc nấc lên. Như một sự sắp xếp kỳ diệu mà đôi lúc người ta không ngờ đến, lúc ấy, đột nhiên vọng lại trong anh là tiếng hát trầm bổng nhẹ nhàng: “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” (T.C.S). Ờ nhỉ, sỏi đá vốn vô tri, vô giác cũng còn có nhau, chứ huống gì mình và vợ cũ đã có chung những năm tháng mặn nồng? Đã không chung sống được, chia tay nhau cũng là lẽ thường tình, hà cớ gì mình còn cay cú, căm ghét mãi? Hơn nữa, con gái nhớ mẹ có gì là sai? Lòng mình có chật hẹp quá không?
Tiếng hát vẫn ngân vang trong lòng. Như những đợt sóng vỗ nhẹ nhàng và xóa tan đi bao nỗi u ám. Giây lát sau, anh thanh thản hơn: “Ừ, ba sẽ nhắn tin cho mẹ vào thăm con. Ngày mai thôi. Con ngủ ngoan đi”.
Nhiều bác sĩ bảo rằng, khi bệnh tật, ngoài thuốc men, sự tư vấn, điều trị của thầy thuốc, người bệnh còn cần thêm “dưỡng chất” nữa: lòng yêu thương của người thân. Trường hợp của cháu gái, không là ngoại lệ.
Dù giàu dù nghèo, dù thất học dù trí thức, hầu như ai ai cũng nhớ lấy những câu châm ngôn cho riêng mình. Cho tôi kể trường hợp của mẹ tôi cũng như hầu hết phụ nữ Việt Nam: chịu thương chịu khó, đảm đang và luôn sống bằng tâm thế không bao giờ đầu hàng số phận. Thử hỏi, sinh ra, lớn lên tại một vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, lại luôn chịu thiên tai hạn hán, lũ lụt, mất mùa nhưng tại sao bao giờ họ cũng lạc quan, vui sống?
Ngày mẹ tròn 90 xuân, tôi mới hỏi nguyên cớ gì mà trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không hề than trời, trách đất? Mẹ tôi bảo, ngày xưa, lúc còn nhỏ đã được bà ngoại dạy bài ca dao: “Tháng giêng, tháng hai/ Tháng ba, tháng bốn/ Tháng khốn, tháng nạn/ Đi vay đi dạm/ Được một quan tiền/ Ra chợ Kẻ Diên/ Mua con gà mái/ Về nuôi, hắn đẻ ra mười trứng/ Một trứng: ung/ Hai trứng: ung/ Ba trứng: ung/ Bốn trứng: ung/ Năm trứng: ung/ Sáu trứng: ung/ Bảy trứng: ung/ Còn ba trứng nở ra ba con:/ Con: diều tha/ Con: quạ bắt/ Con: mặt cắt xơi/ Chớ than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây…”. À, thì ra, “bí quyết” lạc quan của mẹ tôi chính là từ các câu ca dao này. Nhớ nằm lòng, nhớ trong óc và khi cần thiết vận dụng ngay trong cuộc sống của chính mình.
Nhìn về lịch sử vẻ vang của dân tộc ta, bất kỳ người Việt Nam nào cũng đều ngưỡng mộ vị thiên tài xuất sắc toàn diện, tiêu biểu cho khí phách và tinh hoa của dân tộc: Nguyễn Trãi (1380-1442). Để làm nên sự nghiệp, công đức vĩ đại cho ngàn đời sau, chắc chắn ở Nguyễn Trãi còn có tác động từ lời dặn dò của cha: “Con hãy quay về tìm cách rửa nhục cho nước, trả thù cho cha. Như thế mới là hiếu. Đi theo cha khóc lóc mới là hiếu hay sao?”. Câu nói của cụ Nguyễn Phi Khanh, nói cách khác chính là phương châm sống, không chỉ nói riêng với Nguyễn Trãi mà còn dành cho nhiều người.
Rồi cũng có những câu chuyện nho nhỏ lại làm thay đổi một quan niệm sống. Một nhà văn nước ngoài, rất tiếc tôi đã quên tên, có kể mẩu chuyện của của bà ngày còn bé. Một lần đi xe buýt, có cô bé lên mười ngồi cạnh ông cụ cầm bó hoa tươi. Thích lắm. Nhìn hoa thắm đỏ, sắc dịu dàng và nghĩ, nếu mình có được mà cắm vào bình trên bàn học, có lẽ học bài sẽ mau thuộc hơn. Nghĩ thế, nhưng nào dám nói, cô bé chỉ ngắm nhìn một cách thèm thuồng. Lúc đến chặng kế tiếp, xe dừng lại, ông cụ bước xuống. Thật bất ngờ, cô bé được ông cụ đặt bó hoa vào tay: “Bác thấy cháu yêu hoa và vợ của bác cũng vui lòng khi biết bác tặng hoa cho cháu”. Chỉ kịp lí nhí thốt lên lời cảm ơn, ngước mắt nhìn theo, cô bé thấy ông cụ bước qua cái cổng một nghĩa trang nhỏ.
Từ hành động nhân ái của ông cụ, sau này, khi đã trưởng thành bà đã sống theo câu châm ngôn đã chọn: “Sống là cho đi”.
Trở lại với quyển sổ tay thời đi học, tôi nghĩ rằng, nếu nhớ được một vài câu châm ngôn có ý nghĩ tích cực, rất cần thiết. Lúc ngã lòng, ta “vịn” vào đó để đứng dậy. Ai ai cũng thế thôi, tự thâm tâm đã hiện hữu những những lời khuyên răn, dạy dỗ và trở thành là nguồn động viên quý báu. Nghĩ cho cùng những câu ấy, dù không rõ tác giả là ai nhưng há chẳng phải “người ơn” của mình đó sao?
L.M.Q
(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 438 ngày 21.5.2016)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|