THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: CHẤP NHẬN THỰC TẠI

LÊ MINH QUỐC: CHẤP NHẬN THỰC TẠI

 

chap-nhan-thuc-t-i

 


Phải thừa nhận rằng, loạt bài Tự chữa bệnh ung thư bằng thảo dược và thực dưỡng của tác giả Phúc Thông - đăng nhiều kỳ trên chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần của Báo Khoa học phổ thông, đọc cực kỳ thứ vị. Có đôi lúc hồi họp, có đôi khi nhói lòng, thương cảm… Hành trình vượt qua sự khốn khổ, đau đớn của bệnh tật không ai giống ai nhưng chắc chắn giống nhau ở chỗ đều mong muốn lấy lại sức khỏe, tìm được niềm hưng phấn yêu đời vào mỗi sớm mai thức giấc, nhìn lại đời mình lúc nửa đêm sực tỉnh.

Điều tôi tâm đắc nhất là sự chia sẻ: “Mở lòng ra với cuộc đời/ Là đón nhận cả bầu trời bao la/ Sống thanh thản, sống vị tha/ Chấp nhận thực tại mới là trí nhân”. Cụm từ  “chấp nhận thực tại” thoạt nghe qua, cảm thấy dễ dàng quá, chẳng có gì là khó khăn cả. Với một người khỏe mạnh, không gì có thể ngăn cản được họ, chẳng hạn: “Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo/ Ngũ lục sông cũng lội thất, bát, cửu, thập, lục đèo cũng qua”. Khó khăn cỡ nào cũng vượt qua ráo trọi. Nhưng rồi, lúc bệnh hoạn thì sao? Hãy nghe nhà thơ Trần Đăng Khoa miêu tả: “Cả đời đi gió đi sương/ Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi”. Rõ ràng phải sống trong hoàn cảnh giữa bốn bề bủa vây của bệnh tật, giữa chông chênh sự sống và cái chết mới  biết phải là một nỗ lực ghê gớm.

Nỗ lực ấy được tiếp sức bằng điều kỳ diệu nào? Từ thuốc men? Từ phép lạ? Hay từ điều gì khác?

Tác giả  Phúc Thông đã nhắc lại tài liệu nói về bệnh ung thư của Bệnh viện Johns Hopkins (thuộc Trường Đại học Baltimore, Maryaland, Hoa Kỳ): “Ung thư là một căn bệnh của cơ thể, tâm trí và tinh thần. Một thái độ chủ động và tích cực sẽ giúp các bệnh nhân ung thư giành giật được sự sống. Ngược lại thái độ tiêu cực, buồn chán, thất vọng, kém hiểu biết, lo lắng bi quan sợ chết hoặc giận dữ… sẽ khiến cơ thể bị căng thẳng và tạo ra môi trường acid. Hãy biết chấp nhận thực tại, sống với tinh thần yêu thương và khoan dung. Cần học cách thư giản và tận hưởng cuộc sống”.

“Hãy biết chấp nhận thực tại”, có lẽ nhiều người đồng tình cho rằng, đây cũng chính là “triết lý sống” kể cả những ai đang mạnh khỏe, đang phơi phới trên đường đời. Thì đây, có một người vẫn thường xuyên khám sức khỏe định kỳ, không phát hiện ra bệnh gì. Từ ngày này, qua tháng nọ, người đó vẫn duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh như vốn có. Thế nhưng tại sao ngày hôm nay, bác sĩ khám bệnh lại thấy huyết áp tăng vọt? Người này giật mình thú nhận: “Tôi biết tại sao rồi. Tôi vừa tranh cãi với một bệnh nhân khác trong lúc chờ đợi”.

Trong khi đó, có người dù biết mình sắp lìa bỏ cõi đời nhưng vẫn không ai có thể thấy được dấu hiệu bi quan, u ám, mỏi mệt, than thân trách phận. Tôi muốn nhắc lại phút lâm chung của Bích Khê - người mà Hàn Mặc Tử đã gọi là “thi sĩ thần linh”. Chị ruột tác giả Tinh huyết kể lại: “Đêm ấy, cả nhà không ai ngủ. Bích Khê trông rất tỉnh táo, nằm lim dim đôi mắt nghe kinh, chốc chốc mở mắt nhìn đồng hồ với nụ cười hiền lành và tin tưởng”. Với tâm thế thanh thản, nhẹ nhàng ấy, có lẽ sự tàn phá của bệnh tật cũng không thể gây ra nỗi đớn đau, ít ra với Bích Khê trong giây phút ấy. Nếu không, làm sao ông có thể viết được những câu thơ Tuyệt mệnh ngập đầy ánh sáng: “Thân bệnh: ngô vàng mưa lá rụng/ bút thần: sông lạnh ánh sao rơi/ Sau nghìn thu nữa trên trần thế/ Hồn vẫn về trong bóng nguyệt soi”?

“Triết lý sống” ấy còn nằm ở chỗ, ta biết chấp nhận thực tại đang có để phấn đấu theo một chiều hướng tốt đẹp hơn. Chiều hướng ấy hoàn toàn nằm trong nhận thức của mỗi người. Có câu chuyện như thế này: Ngày xửa, ngày xưa có một người nọ giữ lấy con chim vành khuyên trong lòng bàn tay, anh ta đi tìm nhà hiền triết và bảo: “Tôi đố ông, con chim này còn sống hay đã chết?”. Làm sao có thể trả lời câu hỏi oái oăm đó? Nếu bảo nó còn sống, hắn ta có thể bóp chết để thắng cuộc. Nếu bảo nó chết, nhưng nó còn thoi thóp thì sao?  Suy nghĩ một lúc, nhà hiền triết triết nhẹ nhàng: “Nó đang ở trong trạng thái như nó đang có. Nếu ông muốn sống thì nó sống; ngược lại, bằng không nó chết, điều đó hoàn toàn do ông quyết định”.

Ai cũng cho rằng, câu trả lời đó thông minh. Vì rằng, một sự vật có thay đổi hay không chính là tác động từ phía bên ngoài. Thế nhưng, con người ta không hẳn là thế. Khi rơi vào nghịch cảnh, con người ta vẫn có thể quyết định được số phận của mình cho dù lưỡi hái tử thần đang treo lơ lửng trên đầu. Không phải ngẫu nhiên, nhiều người đã ghi những câu nói của nhiều người nổi tiếng vào trong tâm khảm: “Tôi có rất nhiều vấn đề và nỗi buồn trong cuộc đời, nhưng đôi môi của tôi không hề biết. Chúng luôn cười” (Charlie Chaplin); “Đừng khóc cho những gì đã mất. Hãy cười vì những gì còn lại”; “Khi cuộc đời cho bạn hàng trăm lý do để khóc, hãy tìm từ cuộc sống hàng nghìn lý do để cười” (Oscar Wilde).

Nụ cười ấy, có thể thay đổi một nhận thức chứ sao không? Những ngày còn trẻ, tôi thường đi theo bà ngoại lên chùa. Có những lúc đuổi hoa bắt bướm; lại có khi nghe các sư thầy kể chuyện “cổ tích”. Có lần, lũ trẻ chúng tôi hỏi: “Thưa sư thầy, có thiên đường và địa ngục hay không?”. Câu trả lời là câu chuyện ẩn chứa một triết lý sâu xa, tất nhiên, thời ấy, chưa hiểu hết nhưng rồi, theo năm tháng, tôi đã lờ mờ  nhận ra một bài học gì đó. Những gì đã gieo trong đầu thời trẻ, ắt khó quên.

Chuyện rằng: Ngày kia có người bước vào chùa với gương mặt bặm trợn, hùng hùng hổ hổ cũng hỏi câu như trên bằng một giọn quát tháo. Vị một vị thiền sư hỏi lại:“Anh là ai mà đặt câu hỏi này?”. Người đó đáp: “Tôi là kẻ không sợ ai ở trên đời này”. Vị thiền sư đáp: “Hứ! Sao tôi trông mặt anh như một kẻ du thủ du thực?”. Lập tức, người này tức giận rút dao nhưng gương mặt của vị thiền sư vẫn không biến sắc: “Đây, hãy mở cửa địa ngục đi”. Người đó giật mình, rút dao lại, nhét lại vào trong thắt lưng, vị thiền sư nói tiếp: “Đây, hãy mở cửa thiên đường”. Nghe thế, anh ta “ngộ” ra và trên môi nở một nụ cười hiền lành.

Thiên đường hay địa ngục; vui sướng hay khổ đau cũng từ cái tâm mình mà có, chứ nào phải ở đâu xa. Khi viết những dòng chữ này, cũng là một cách mà tôi xin được chia sẻ với nghị lực của tác giả Phúc Thông. Hơn cả thế, khi đọc những bài viết lý thú, hữu ích trên trang báo Khoa học phổ thông, tôi nghĩ rằng, chúng ta còn có trách nhiệm quảng bá, phổ biến đến nhiều người  hơn nữa.

L.M.Q

(nguồn:Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 432 ngày 26.3.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com