THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: LỜI KHUYÊN... GÂY HỌA

LÊ MINH QUỐC: LỜI KHUYÊN... GÂY HỌA

 

loikhuyenqayhoa-1-R

 

Kỳ cục thật, có những người cho mình cái quyền là được ngang nhiên bình phẩm, có ý kiến này nọ vào chuyện nhà của người khác. Sở dĩ xẩy ra chuyện đó, một phần cũng do thiện ý quan tâm, muốn bạn/người thân của mình có cuộc sống tốt hơn, tất nhiên “tốt hơn” ở đây là theo suy nghĩ chủ quan của họ. Sự quan tâm này, trong một chừng mực nào đó cũng đáng ghi nhận, tuy nhiên nếu “can thiệp” sâu quá lại gây ra sự phiền toái.

Lâu nay, trong nhóm bạn bè của tôi, ai cũng biết Hóa xứng đáng được phong danh hiệu “anh hùng râu quặp”. Dù đang vui vẻ “chém gió” cùng bạn bè, thậm chí đang ngủ, nghỉ nhưng hễ nhận được “chỉ đạo từ xa” của vợ, Hóa chấp hành ngay tắp lự, chẳng khác gì người lính ngoài sa trường nhất nhất tuân theo mệnh lệnh của vị chỉ huy.

Có một lần, sau những ngày trình bày “phương án” cùng anh em bồ tèo đi “phượt”, năn nỉ đến gẫy lưỡi mới được vợ “duyệt”. Theo kế hoạch, bọn tôi đi những 5 ngày, ai cũng biết Hóa sung sướng đến cỡ nào vì có khoảng thời gian dài thoát khỏi sự “quan tâm quá mức cần thiết” của vợ.

Thế nhưng, vừa đi được 2 ngày, vợ gọi điện thoại bảo phải về ngay. Tại sao lại có lệnh bất ngờ vậy? Cô vợ bảo, con bị ốm… đột xuất! Chuyện này, lấy gì kiểm chứng? Mọi người khuyên cứ phớt lờ, chẳng việc gì phải sợ vợ đến mức hễ nghe phán lời nào là răm rắp tuân theo. Đang đi chơi chung có bạn có bè, một người quay về ắt mất vui. Mà chắc chắn, cô vợ bịa ra đấy thôi. Quay về là… hèn! Sau giây lát ngần ngừ, cuối cùng, Hóa tắt luôn điện thoại. Phải “đáng mặt đàn ông” đến thế chứ!

Sau chuyến đi “phượt”, vừa về đến nhà, tôi đã nghe điện thoại dồn dập của Hóa: “Hỏng bét rồi. Tớ vừa bị vợ mắng một trận te tua. Con gái bị ốm thật, đang nằm bệnh viện”! Khổ thân cho Hóa.

Vi chơi với bạn bè cũng là một nhu cầu. Tuy nhiên, có nhũng người dù đang vui, hễ nhận lệnh của vợ, ngay lập tức đứng phắt dậy “tung cánh chim tìm về tổ ấm”! Bỏ mặc ngoài tai sự níu kéo của bạn bè. Thế đấy, nhiều đấng mày râu, trông bề ngoài cực kỳ “hầm hố” nhưng với vợ lại nhũn như con chi chi. Vậy là anh em trong nhà/bạn bè liền có lời ra, tiếng vào khuyên răn phải thế này, phải thế nọ. Quan sát nhìn từ bên ngoài, thiên hạ cho rằng sự góp ý của mình là đúng, hợp lý nhưng ai biết rõ nội tình của họ?

Đôi khi, phải thấu hiểu nội tình của người ta, mình mới có thể thông cảm, bằng không, dù có thiện chí nhưng chắc gì đã trúng. Mãi đến gần đây, các đồng nghiệp trong công sở thấy sự lựa chọn của chị Xuyến là hợp lý, phải đạo. Khi hay tin chồng của Xuyến mèo mỡ lăng nhăng, cánh bạn gái khuyên chị phải nên “ra tay” trừng trị tình địch một trận. Thế nhưng, chị vẫn phớt lờ như không. “Có ngày nằm chèo queo, một mình nuôi con, nhà cửa chia đôi, đừng có bảo là bạn bè đã không góp ý tận tình đấy nhá”, nghe lời răn đe ấy, Xuyến cũng chỉ cười cười. Thế mà còn cười được à? Đúng là người phụ nữ yếu đuối, hèn kém. “Bị người khác “giật chồng” mà chẳng dám tỏ thái độ gì, chỉ có là ngốc”, không ít lời bình phẩm kiểu như thế lọt vào tai Xuyến.

Ai cũng nghĩ đến sự việc sẽ diễn ra tồi tệ như dự đoán. Nhưng không hề, chỉ sau khoảng thời gian “đuổi bướm hái hoa”, chồng Xuyến lại thay đổi hẳn. Phải là người trong cuộc mới biết lý do, Xuyến bảo: “Hiểu chồng nhất, không ai bằng vợ. Tớ biết anh ấy rất thương con và có hiếu với bố mẹ. Vì thế, sự tác động của con cái và bố mẹ ắt có hiệu quả hơn các trận đánh ghen ồn ào”. Đúng vậy, do hiểu tính tình của người đầu ấp tay gối nên Xuyến có “chiêu” phù hợp mà người ngoài khó có thể biết.

Cũng chỉ vì không thể biết rõ nội tình nên nhiều lúc sự “tư vấn” đầy thiện chí, mong muốn chuyện nhà của bạn tốt hơn nhưng lại… trật lấc. Chẳng hạn, chuyện này mới vừa xẩy ra đây thôi. Rằng, trong nhóm bạn chơi thân với nhau, ai cũng biết Trung nổi tiếng “sát nữ đại hiệp”, tất nhiên vợ anh cũng biết. Sau khi được đề bạt lên làm trưởng phòng kinh doanh, Trung đi sớm về muộn nhiều hơn, nào ai biết anh ta tập trung thời gian đó vào chuyên môn hay tranh thủ “léng phéng” nọ kia? Bạn bè của vợ Trung biết chuyện liền khuyên cô ta phải tăng cường cảnh giác, nếu cần phải “ra tay hành động”, chứ đừng để xẩy ra tình huống “mất bò mới lo làm chuồng”. Phải vậy thôi, cái chức đó thu nhập cao, không quản lý khéo thì toi. Nghe theo lời khuyên đó, với các chứng cứ thu thập được, vợ Trung chọn một ngày đẹp trời đến công sở của chồng “quậy tưng” một trận cho biết mặt!

Mọi việc sau đó sẽ như ý, sẽ yên ấm cửa nhà chứ gì?

Lục đục hơn thì có. Chỉ chừng nửa tháng sau, Trung bị ban giám đốc thuyên chuyển vì họ không thể sử dụng một cán bộ tai tiếng đến thế. Nếu người vợ khôn khéo hơn; hoặc  người ngoài trước lúc tư vấn có cái nhìn tỉnh táo, cân nhắc chu toàn thì mọi việc đã khác.

Đành rằng, anh em, bạn hữu vì thương nhau, quý nhau nên mới có những góp ý chân tình. Tuy nhiên, nếu can thiệp sâu quá mà không nắm rõ hoàn cảnh cụ thể, biết đâu có lúc lại không đạt hiệu quả như mong muốn. Hơn nữa, chuyện nhà của mỗi người không ai giống ai, có khi mình thấy cần phải điều chỉnh, thay đổi nhưng bản thân họ lại hài lòng thì can cớ gì mình phải xía vào?

L.M.Q
(nguồn: TGPN 18.4.2016)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com