THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Sướng, khổ cũng tự lòng mình

LÊ MINH QUỐC: Sướng, khổ cũng tự lòng mình



suongkho-cung-tu-long-minh-R

 

“Tôi sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu. Khi hãy còn ở cái tuổi mà những đứa trẻ khác được chiều chuộng, nâng niu, ẵm bế, riêng tôi là đứa bé một mình phải chịu nhiều nỗi gian lao”. Câu văn của Vũ Trọng Phụng, chắc nhiều người vẫn còn nhớ. Tuy vậy, dù trong hoàn cảnh đó, có người lúc nào cũng lạc quan yêu đời và dám sống mạnh mẽ. Ngược lại, dù điều kiện sống thuận lợi hơn, nhưng có người vẫn luôn canh cánh trong lòng một nổi khổ.

Sao lại không khổ?

Sáng bảnh mắt ra, đã vội vội vội vàng vàng với công việc của mỗi ngày đang ùn ùn lao tới. Này phải đưa con đến trường, rồi ba chân bốn cẳng chạy vào cơ quan, mở máy tính vùi đầu vào các mẫu biểu, con số, kế hoạch… Nhức cả mắt. Mệt cả đầu. Mà nào có yên đâu, thỉnh thoảng sếp lại nhắc nhở, cằn nhằn, gắt giỏng : “Việc này đã làm đến đâu? Việc kia đã thế nào?”. Chiều về đến nhà, mệt bở hơi tai lại nghe vợ/ chồng “chửi chó mắng mèo” bởi sự bực dọc vô cớ nào đó. Ấy là chưa nói đến lúc bệnh hoạn; lúc thiếu thốn, thu nhập quá bèo không đủ tiền mua sữa cho con, thiếu tiền nhà trọ v.v…

Không phải ngẫu nhiên nhiều người tâm đắc với “chân lý” cỡ như: “Đời là bể khổ”. Nhà thơ Đoàn Như Khuê từ năm 1917 đã viết bài thơ Bể thẳm, có những câu thật ai oán:

Mới lọt lòng ra đã khóc rồi

Kiếp trần ngán lắm chị em ơi

Một lần mình khóc, lần người khóc

Sống thác đôi lần giọt lệ rơi

Một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất của con người là khi tiếp cận với cái chết. Tuy nhiên, nếu “quán triệt” được suy nghĩ này, ta sẽ có một cảm nhận hoàn toàn khác, tự tin hơn, không sợ hãi, không than phiền mà biết chấp nhận quy luật. Thiền sư Thích Nhất Hạnh nhấn mạnh: “Sự sống luôn có mặt đồng thời với cái chết, không có trước mà cũng không có sau. Sự sống không thể tách rời khỏi cái chết. Nơi nào có sự sống, nơi đó có cái chết; nơi nào có cái chết, nơi đó có sự sống… Nó cũng giống như bên trái và bên phải. Không thể nào có thể lấy bên trái ra khỏi bên phải; hoặc lấy bên phải ra khỏi bên trái. Điều này cũng đúng với các cặp đối lập như: tốt - xấu, trước - sau, ở đây - ở đó, anh - tôi. Cũng giống như hoa sen kia không thể nào có mặt nếu không có bùn. Không có bùn thì cũng không có sen. Cũng tương tự như vậy, hạnh phúc sẽ không thể nào có được nếu không có khổ đau, cũng như không thể nào có sự sống nếu không có cái chết”.

Nhận thức này, có thể giúp nhiều người bình tâm hơn trước một sự việc xẩy ra không như ý muốn.

Có những công việc, hoàn cảnh diễn ra như nhau, nhưng cảm nhận của mỗi người lại khác. Hơn nhau chính là chỗ đó. Trên một công trường đang xây dựng, nơi ấy, nắng chang chang, không một bóng cây, ai nấy đều chú tâm vào công việc. Có nhà báo hỏi anh công nhân đang khiêng đá: “Công việc của anh thế nào?”. Người này quạu quọ: “Tôi đang sắp kiệt sức, bộ ông không thấy sao?”. Nhà báo lặp lại câu hỏi đó với người thứ hai đang cưa sắt mồ hôi mồ kê nhể nhại, lại nghe câu trả lời: “Tôi vất vả để kiếm tiền nuôi vợ con. Kiếm đồng tiền sao mà khổ quá?”. Đến gặp người thứ ba đang oằn lưng vác bao xi-măng, nhà báo cũng câu hỏi đó, người này dừng lại, đứng thẳng người và nói một cách hãnh diện: “Tôi đang góp phần xây trường học, chỉ nghỉ đến ngày trẻ em trong làng tung tăng đến trường, lòng tôi đã rộn ràng niềm hạnh phúc”.

Cùng đổ sức lao động kiếm sống nhưng người thứ ba lại hài lòng, thích thú với công việc. Chính nhờ thế, đã không thấy khổ mà anh ta còn vui sướng nữa là khác.

Trên trái đất này, đã có những ông bố bà mẹ suốt một đời làm lụng, hy sinh cho con nhưng không bao giờ thốt lên lời thở than, không than thân trách phận “sao tôi phải khổ thế này?”. Đơn giản chỉ vì họ lấy sự nhọc nhằn đó là niềm vui sống. Sống vì con, lo lắng cho con nên người. Ước mơ ấy chính đáng quá đi chứ.

Tôi thích mẩu chuyện này, nhân sinh nhật của mẹ, cô bé lên mười đập heo đất mua tặng mẹ con búp bê, vì nghĩ mẹ cũng thích như mình. Người mẹ cảm động thốt lên: “Mẹ cám ơn con. Ba với mẹ đều cực nhọc, lo lắng cho con, sao vừa rồi sinh nhật của ba, con không tặng món quà nào?”. Cô bé hồn nhiên trả lời: “Mẹ ơi, mẹ chẳng bao giờ than phiền gì, chỉ lẳng lặng làm việc. Trong khi đó, ngày nào bố cứ làm ầm lên nào kể lể, than trách như thể con là gánh nặng ở trong nhà”.

Có người bảo rằng, trong các loại hình nghệ thuật, chỉ có xem tranh là là không cần “phiên dịch”. Đứng trước một bức tranh, tùy nhận thức, tâm trạng mà mỗi người có cảm xúc khác nhau. Chẳng hạn, cùng thưởng ngoạn  bức tranh Chim bồ câu - biểu tượng hòa bình của danh họa Picsso nhưng cảm xúc của các ông trùm diệt chủng như Pôn Pốt, Ieng Sary lại khác với người hướng thiện.

Đọc Truyện Kiều, có lẽ nhiều người còn nhớ đến câu này: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Mọi sự vật diễn ra trước mắt là thế, nhưng tùy vào tâm trạng của chính mình đón nhận nó. Đón nhận tích cực hay tiêu cực? Sự lựa chọn ấy, nghĩ cho cùng là bản lĩnh sống, thái độ sống của mỗi người. Biết chấp nhận hoặc vượt qua nghịch cảnh, hoàn cảnh đang sống không phải câu nói suông mà sự lựa chọn đó có ý nghĩa ở chỗ: hoặc nhìn thấy sự thăng hoa lung linh ánh sáng, hoặc cam chịu bóng tối thăm thẳm tiếng thở dài…

L.M.Q

(nguồn: Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 401 ngày 23.5.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com