THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Phúc & họa - không khác gì nhau

LÊ MINH QUỐC: Phúc & họa - không khác gì nhau

 

phuc-hoa-khong-khac-gi-nhau-R

 

Hãy thử tưởng tượng: Vào một ngày đẹp trời, lúi húi làm cỏ ngoài vườn rồi đào đất trồng cây xanh, bỗng dưng phát hiện ra một hủ vàng! Trời ơi đất hỡi, các thỏi vàng ròng lánh lóe sáng dưới nắng mặt trời. Mình đang tỉnh hay mơ? Bèn lấy răng cắn vào môi thật mạnh, thấy đau điếng, rõ ràng không phải mộng mị gì cả. Sung sướng quá, hét toáng lên cho làng trên xóm dưới đều biết từ nay mình đã trở thành tỷ phú, giàu có nhất trong thiên hạ. Tương tự, có nhiều người mua vé số, bỗng dưng trúng độc đắc. Chỉ một đêm thức giấc, đã hoàn toàn trở thành con người khác. Trước đây, muốn chi tiêu gì, phải nhăn đầu bóp trán, tính toán chi li đến từng xu, từng đồng, nay không cần phải thế, cả một sấp tiền được ném ra nhẹ nhỏm như lật bàn tay.

Ai cũng nghĩ suy, may mắn ấy là phúc. Có thật là phúc?

Tôi kể lại câu chuyện hoàn toàn có thật, chị nọ mua vé số và trúng lô độc đắc, sợ chồng tiêu xài hoang phí nên nhờ chị ruột cất giữ giúp đặng sau này còn lo cho các con. Bẵng đi một thời gian dài, người chồng tình cờ biết chuyện vợ trúng số, tất nhiên anh ta đòi phải được sử dụng số tiền đó. Chị vợ không đồng ý. Đôi bên cãi cọ, ẩu đả nhau. Trong một phút thiếu kiềm chế, chị đã đâm chồng chết. Từ chỗ dù nghèo khó, chung sống yên vui, chị trở thành góa chồng, vướng vào lao lý. Tưởng trở thành tỷ phú là phúc nào ngờ lại là mầm mống của họa.

Ở nhà kia, anh em ruột thịt lâu nay đối xử như bát nước đầy, chan hòa tình cảm. Nhân cuộc vui, họ hùn tiền mua thùng bia uống chơi như mọi lần. Lần này, do có chương trình khuyến mãi, đại loại như “Uống bia trúng xe hơi”. Quả nhiên, anh em họ trúng thật. Mừng quá đi chứ? Vâng, mừng ơi là mừng. Nhưng ngay lúc đó, tình huynh đệ trở nên “nồi da xáo thịt”, không ai chịu nhường ai. Không thể tự phân xử, họ ùn ùn kéo nhau ra tòa án. Thử hỏi, tiền tỷ ấy có thể sánh bằng tình máu mủ ruột thịt?

Có nhiều người, đột nhiên sở hữu một khối tài sản lớn dù không đổ một giọt mồ hôi, ai cũng mừng cho họ. Nào ngờ, chính họ lại thở than: “Phải chi đừng có nhận được gì sất, cứ cặm cụi làm ăn thì tốt hơn nhiều”. Tại sao? Một khi nhận được đồng tiền ngẫu nhiên “trên trời rơi xuống”, không do công sức lao động chính mình làm ra, hầu như người ta không biết trân trọng giá trị của nó. Con cái, vợ/ chồng tiêu pha, mua sắm, chơi bời vô tội vạ, dẫu kho tiền cao như núi cũng sạch sành sanh! Khi quan sát các trường hợp này, tôi luôn nhớ đến lời rằng dạy của chúa Jesus: “Con hãy sống bằng mồ hôi trên trán của con”. Triết lý nhân sinh này, không chỉ các bậc hiền triết, vĩ nhân của nhân loại tâm niệm mà ngay cả bất kỳ người lương thiện nào cũng hướng tới.

Ngẫm lại mới thấy, cổ nhân nói chẳng hề sai: “Ông trời chẳng cho không ai một thứ gì”. Nói cách khác, khi chìa tay ra nhận cái gì, ngay lập tức đã có cánh tay vô hình lấy của ta thứ khác. Suy nghĩ như thế, có “duy tâm” quá không? Hoàn toàn không. Bởi lẽ, trên đời này làm gì có người đầy đủ đến mức hoàn hảo, “trên cả tuyệt vời”, hoàn toàn thỏa mãn mọi nhu cầu. Bất kỳ ai dù giàu, dù nghèo thì mỗi người đều có nỗi sung sướng, niềm khổ đau ẩn giấu bên trong, khó chia sẻ với ai khác, chỉ chính họ mới cảm nhận được trọn vẹn. Vấn đề đặt ra, dù kinh tế, thành phần xuất thân, địa vị xã hội… khác nhau thì ai ai cũng “bình đẳng” trong đời sống cá nhân, trắc ẩn nội tâm, miễn họ tự hài lòng là được.

Bên cạnh đó, ông trời cũng dễ thương, đáng yêu quá đi mất. Ơ hay, chuyện gì vậy? Thì đây, khi gặp họa, chưa chắc đó là lúc con người ta bị đầy vào tuyệt lộ. Hãy tin bao giờ và lúc nào cũng có ánh sáng le lói cuối đường hầm mờ mịt thăm thẳm. Đừng tuyệt vọng. Đánh mất niềm hy vọng mới là sự phá sản khủng khiếp nhất.

Chiếc tàu nọ bị đắm tàu ngoài trùng khơi, may mắn có một người sống sót nhờ bám vào thanh gỗ và trôi dạt vào hoang đảo. Sau lúc kiệt sức, anh ta tỉnh dậy, hoảng sợ, lo lắng khi trơ trọi một mình. Trong hoàn cảnh không khác gì Robison, anh ta gắng gượng cất lên một cái lều tạm  bợ che mưa nắng. Ngày qua ngày, đau đáu nhìn về phía chân trời, anh ta cầu mong sẽ được cứu thoát. Rồi như thường lệ, ngày kia anh vào rừng tìm thức ăn. Bếp lửa vẫn bập bùng cháy trong lều. Hỡi ôi, lúc anh ta quay về thì túp lều đã ngập trong lửa, khói cuộn bốc lên trời cao. Mọi thứ đều tiêu tan thành tro bụi. Anh cay đắng, chết lặng trong tuyệt vọng: “Sao ông trời lại đẩy tôi vào đường cùng?”.

Sự tồi tệ này có thật là họa?

Rạng sáng hôm sau anh bị đánh thức bởi âm thanh của một chiếc tàu đang tiến đến gần đảo. Người ta đã đến để cứu anh. “Làm sao các anh biết được tôi ở đây?” - anh hỏi những người cứu mình. Họ trả lời: “Chúng tôi thấy tín hiệu khói của anh”.

Thế đấy, phúc - họa đan chéo, xen kẽ trong nhau. Đừng bao giờ nhận phúc chỉ thấy phúc, hãy bình tâm nhận ra mầm họa đang ẩn náu bên trong. Và ngược lại. Danh y Tôn Tư Mạo (581- 682) có một câu rất nổi tiếng, ở đây, xin nhắc lại vế chót: “Tâm tâm thường tự quá kiều thi” (cái lòng thì phải e sợ như lúc đi ngang cây cầu vậy). Có thể hiểu, dù bất kỳ trường hợp nào cũng phải bình tâm cẩn trọng, chu đáo, chỉnh chu như lúc bước qua cầu, phải nhìn trước ngó sau, thận trọng, không chủ quan.

Bất kỳ sự việc nào cũng có hai mặt của nó. Biết thế, hiểu thế, vậy cứ nhẹ nhàng như trước và sau lúc nhận được phúc/họa bởi lẽ sự biến hóa khôn cùng trong quy luật biện chứng ngàn đời nay đã là vậy.

L.M.Q

(nguồn: Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần - số 402 ngày 30.5.2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com