THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Tập ăn

LÊ MINH QUỐC: Tập ăn

 

Ăn để sống, chứ không phải sống để ăn. Mỗi một ngày, mở mắt dậy, có biết bao lo toan mà lịch làm việc dày đặc, thoáng nghĩ đến, có người đã thở dài; hoặc hăm hở lao vào công việc. Ối dào, biết bao công việc đang hiển hiện trước mắt. Thôi kệ, việc đâu còn có đó, trước mắt phải… ăn cái đã.

 

ancug-tua-tap-rthienR

 

Thử một ngày, nhiều ngày không được ăn, ta sẽ có cảm giác thế nào? Trong cái nhìn của nhà văn Thạch Lam, lúc ấy: “Cơn đói lại sôi nổi dậy như cào ruột, xé gan, mãnh liệt, át hẳn cả nỗi buồn. Chàng muốn chống cự lại, muốn quên đi, nhưng không được, cái cảm giác đói đã lan ra cả khắp người như nước triều tràn lên bãi cát. Mỗi lần cơn gió, mỗi lần chàng ngửi thấy mùi ngậy béo của miếng thịt ướp, mùi thơm của chiếc bánh vàng, mũi Sinh tự nhiên nở ra, hít mạnh vào, cái mùi thơm thấu tận ruột, gan, như thấm nhuần vào xương tủy”. Rõ ràng, ăn đã là một nhu cầu không thể thiếu. Ngày trước, chỉ cần ăn cho no, dù cơm độn bo bo, sắn, ngô, khoai gì gì cũng đặng miễn là phải chắc ruột. “Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bịch bịch” đã là ước mơ của nhiều người. Thế nhưng, thời buổi này không chỉ ăn no và còn phải ngon nữa.

Thế nào là ăn ngon?

Có phải trên mâm ê hề sơn hào mỹ vị, này đùi gà váng mỡ bóng nhẫy, nọ cá chiên thật giòn, kìa tôm hùm béo ngậy…? Chưa chắc đã ngon bởi cái ngon không lệ thuộc vào giá trị cụ thể của thực phẩm mà chính tâm trạng của thực khách lúc ấy thế nào. Ngồi bàn tiệc sang trọng với món ngon vật lạ chỉ có trong cung đình nhưng lòng ngỗn ngang phiền muộn, âu lo thì liệu ăn có ngon? Đang ngồi ăn với người tình mà cứ lấm la lấm lét, láo liên nhìn trước ngó sau vì biết đâu “sư tử Hà Đông” sẽ đến đánh ghen thì liệu ăn có ngon? Chả bù cho đôi tình nhân kia, yêu nhau quá, yêu như Roméo - Juliet mỗi ngày chỉ cần gặp mặt nhau, tay cầm tay, mắt nhìn vào mắt thì dẫu ăn loại gạo hẩm cũng có cảm giác như đang nhai ngọc ngà châu báu!

Không ngoa ngôn chút nào khi nói rằng, muốn biết thưởng thức, tận hưởng cảm giác ngon thì ai cũng phải tập. Tập ăn là một nghệ thuật, chứ không phải hễ mở mắt làm người thì tự khắc đã biết ăn. Nghe thế, ắt có người sẽ cãi vung tí mẹt hoặc cười ruồi không thèm chấp! Cứ cho là thế, cũng chẳng sao. Xin hỏi, có phải từng ngày đến lúc ăn, mỗi chúng ta lại ăn theo thói quen hay tận hưởng lấy cảm giác ăn trong lúc ấy?

Vừa rời khỏi công sở, bụng đói meo nên không ít người vội vã, hấp tấp lao vào “quán cơm trưa văn phòng”; tạt qua ngã phố kia với “tiệm cơm bình dân”, “cơm bụi”... Trong lúc ăn, đang cắm cúi ăn thì “réng rèng reng” từ “dế yêu” nên phải dừng lại “à lố, à lô”! Nghe xong, có lúc bỏ ngang mà vội vã phóng xe đi gấp giải quyết việc nọ; hoặc có lúc ngồi lại thẩn thờ cố nhai nốt cho xong! Ăn trong tâm trạng công việc đang lẩn quẩn trong đầu, phải tính toán này, phải ngẫm nghĩ nọ thì làm sao có thể cảm nhận được cộng rau đang xanh nõn, con cá kho tiêu thật bùi, miếng cơm dẻo thơm muôn hạt? Tôi tin chắc rằng bà lão trong truyện ngắn Một bữa no của Nam Cao dù ăn no nhưng đâu cảm nhận được cái ngon: “Bụng bà tưng tức. Bà nới thắt lưng ra một chút cho dễ thở. Bà tựa lưng vào vách để thở cho thỏa thích. Mồ hôi bà toát ra đầm đìa. Bà nhọc lắm. Ruột gan bà xộn xạo. Bà muốn lăn kềnh ra nghỉ, nhưng sợ người ta cười, cố gượng. Ôi chao! Già yếu thì khổ thật. Đói cũng khổ mà no cũng khổ. Chưa ăn thì người rời rã. Ăn rồi thì có phần còn nhọc hơn chưa ăn. Ôi chao!”. Lúc ấy không phải là ăn, chỉ là động tác cố nhồi nhét thực phẩm cho chật,cho đầy bao tử.

Muốn biết ăn thì phải tập. Tập ăn là thế nào? Đơn giản thôi, là lúc ấy tự ý thức mình đang ăn. Tự nguyện ăn chứ không phải cố gắng. Ăn thư thái. Ăn hào hứng. Nhai thật kỹ. Không vội vàng. Không hấp tấp. Không nghĩ gì ngoài ăn. Ăn với sự huy động của thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác và xúc giác. Mà ăn chỉ vừa đủ no. Không nhất thiết phải thật no đến độ không thở nổi. Ăn cũng tựa như đang tập thiền, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã từng nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm viết thành thơ: “Lúc đó mỗi hạt cơm trong miệng con thật ngọt bùi, thơm thảo/ Con không cần ăn đến sơn hào hải vị / Để biết đến vị ngon có thể có trong đời / Chỉ cần trong một sát-na con biết lắng mình vào cuộc sống / Một hạt cơm là cả cuộc đời”.

Lòng yêu thương cuộc đời cũng chính từ những bữa cơm thân thiện. Không chỉ là ăn cho ngon, cho no mà còn là sự cảm nhận và biết ơn cuộc đời đã cho ta giây phút ấy. Lòng yêu thương dành cho cuộc đời, dành cho tha nhân chan chứa trong mỗi miếng ăn sẽ khiến ta càng cảm nhận được vị ngon của miếng ngon đó. Đôi khi, có những điều đơn giản nhưng rồi, công việc bận rộn, sự tính toán mỗi ngày lại cuốn ta đi trong những vòng xoáy khác nhau. Đến lúc giật mình, có lúc ta tự hỏi, lâu nay ta có ăn hay không hay chỉ là những động tác “đến hẹn lại lên” nhồi nhét bao tử cho qua bữa?

 

L.M.Q
(nguồn: Báo Khoa học phổ thông - chuyên đề Sức khỏe số cuối tuần 20.9.2014)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com