Viết về cha, với nhiều người là điều khó khăn; trong khi viết về mẹ dễ dàng hơn nhiều. Nhìn bóng cây sừng sững giữa trời đất, ít ai nhận ra vẻ đẹp uy nghi, an nhiên tự tại, dám đối mặt với mưa sa bão táp.
Thế nhưng khi nhìn sắc màu nõn nà, thơm tho lá biếc thì lập tức trong trí óc đã hiện về những tình cảm trìu mến, cảm xúc dạt dào, thân thiết. Cha vững vàng như cây, mẹ như lá rợp mát và lũ trẻ con chúng ta khác nào quả chín trên cành, là sự hòa hợp tuyệt vời của cha và mẹ. Họ là âm và dương, là trời với đất kết hợp “hai người một bóng” để tạo nên những mầm xanh thiên thần. Khi nhìn đứa trẻ từ lúc nằm nôi đến khi tung tăng chạy nhảy trên dòng đời, ai có thể phân biệt được đâu là tình cha, đâu là nghĩa mẹ?
Trong cuộc đời, có lúc mệt mỏi, vấp ngã, bị bủa vây giữa thị phi phiền muộn, quay về gia đình - nơi trú ẩn bình yên và an toàn nhất, người ta thường sẻ chia nỗi niềm ấy với cha hay mẹ? Ban đầu nghĩ đến cha - người đàn ông mạnh mẽ có thể mở rộng vòng tay an ủi, chở che lúc yếu lòng, nhưng rồi, tự nhiên ta lại thấy rụt rè. Ánh mắt của cha nghiêm khắc. Giọng nói của cha đanh như sắt đã trui qua lửa. Chỉ nghĩ vậy đã ngần ngại. Với mẹ lại khác, sự dịu dàng, biết lắng nghe và cái nhìn lúc nào cũng đầy cảm thông khiến ta yên lòng hơn.
Không phải ngẫu nhiên, từ ngàn xưa đã ví von tình cha cao ngất như núi, nghĩa mẹ sâu thẳm như nước trong nguồn. Sự mềm mại, uyển chuyển, linh hoạt của suối, của sông bao giờ cũng gợi lên sự vỗ về, san sẻ. Với núi, sự từng trải, nghiêm nghị khiến ta cảm thấy khó gần gũi, khó thân mật. Sự yêu thương của cha ít khi bộc lộ bên ngoài, mà ẩn giấu từ phía ngực trái - nơi trái tim đập nhịp mà thoạt nhìn, nếu vô tâm ta không thể hình dung ra hết những khắc khoải, âu lo từng ngày.
Đến một lúc nào đó khi không còn có cha trong cuộc đời, con người ta mới thấu hết nỗi bất hạnh mà trước đây mình không ngờ tới. Nỗi bất hạnh ấy không thoáng qua mà hằn vết rất lâu trong ký ức. “Còn cha gót đỏ như son, mất cha như thể chân con lấm bùn”. Có những điều ta chỉ có thể tâm sự và tìm lời bảo ban, dạy dỗ từ người cha. Tôi đã đọc và ngẫm nghĩ mãi về một truyện ngắn của tác giả người Mỹ. Rằng, sinh nhật 18 tuổi của đứa con gái, quà tặng của người cha chỉ là một chiếc chìa khóa thứ hai của chiếc xe hơi mà nó đang sử dụng. Ai cũng cho rằng ông ngớ ngẩn. Thêm chìa khóa thứ hai để làm gì cơ chứ? Nể cha, cô gái đeo tòng teng trên cổ như một vật trang trí. Không ngờ, đó chính là “báu vật” cuối cùng đã giúp cô thoát khỏi sự cưỡng hiếp của lũ quỷ râu xanh, bởi chúng đã tước đoạt giỏ xách của cô, trong đó có cả chìa khóa xe hơi! Nhờ quà tặng của cha, cô đã thoát trong tích tắc. Những tình huống như thế, chỉ có thể ở người cha, ở người đàn ông, tình yêu cha dành cho con luôn thiết thực và sâu xa…
Sự yêu thương của cha không phải lúc nào cũng ngọt ngào êm dịu mà có lúc lại lạnh lùng, cứng rắn, nếu không thấu hiểu lòng cha ắt có người oán trách. Không sao cả, bài học của cha dành cho con sẽ có ý nghĩa tích cực khi con vấp ngã mà biết cách đứng dậy.
Viết về cha, khó quá. Thử nghĩ lại mà xem, trong đời có bao lần ta ngồi hàn huyên tâm sự cùng cha? Bóng dáng người cha của mỗi chúng ta đều lừng lững như núi, như cây. Khó gần. Thế nhưng, xin đừng đợi đến lúc vĩnh viễn mất cha mới ý thức một khoảng trống không gì có thể bù đắp nổi. “Cha ơi!”. Đã bao lần, chúng ta thảng thốt gọi? Sao không ngay bây giờ, từ lúc này cất lên tiếng yêu thương để gọi cha mình?
L.M.Q
(nguôn: PNCN 15.6.2014)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|