THỂ LOẠI KHÁC Tạp bút LÊ MINH QUỐC: Hạt gạo chiến trường

LÊ MINH QUỐC: Hạt gạo chiến trường

atlto

Mừng sinh nhật nhà văn Bà Tùng Long (từ trái qua phải: Nguyễn Quang Sáng, Bà Tùng Long, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Nhật Ánh, Lê Minh Quốc). Ảnh: Nguyễn Đông Thức

LÊ MINH QUỐC

1.

“Hết gạo rồi”. Tiếng kêu thảng thốt của đồng chí anh nuôi nén lại trong ngực, nhưng vẫn bật qua kẽ răng. Răng nghiến lại và tưởng chừng như cái vị ngọt, bùi quen thuộc lại thấm tê đầu lưỡi. Nhưng không, gạo đã hết nhẵn. Nửa đêm, đại đội trưởng quyết định mở một con đường tìm về hậu cứ. Để tải gạo. Không thể bám chốt Con Cá trên Anlungveng với cái bụng đói meo, đói xé lòng mà từng ngày qua chỉ là cháo loãng độn với rau rừng. Chúng tôi đi trong đêm. Lính trinh sát cầm bản đồ, chiếc la bàn đi trước, tiểu đội tôi vác súng đi sau và cùng mơ về hạt gạo. Cái hạt gạo ấy, bình thường, chẳng mấy ai để tâm quan sát nó, nhưng khi đói thì mới thấy hết tự thân nó là một sức mạnh vĩ đại. Nó lớn lao đến nỗi, khi đó, trong giấc mơ tôi đều mơ về hình thù của nó. Mơ trong sự thèm thuồng và ước gì được nhai ngấu nghiến. Mơ ấy thật đẹp, đẹp nhất trong cuộc đời chiến binh, cũng như lúc khát đến cong lưỡi, lưỡi khô rang như một chiếc lá khộp, như cái bánh tráng tôi thường mơ chết đuối dưới sông dài...

“Đi tải gạo”. Phập phồng trong lồng ngực là một niềm hân hoan như ngày xưa được mẹ dẫn đi chợ. Hân hoan vì sẽ còn thấy được hình ảnh: “Chờ bình minh cuộn tròn trong giấc ngủ / Anh nuôi vo gạo bước qua sân”. Đó là những đêm ngủ yên giấc sau một ngày mệt nhọc chết chóc, không bị đánh thức bởi tiếng gầm đại bác từ nơi xa vọng đến. Bấy giờ, trong đêm đen, chúng tôi lại lầm lũi bước đi. “Vai hằn quay súng sau lưng / Gấu quần rách toạc luồn rừng An Lung”, luôn nhắc nhở đến ngày tháng tươi trẻ này. Cho dù có cắt rừng bởi những tay trinh sát thiện chiến nhất, thì có lúc chúng tôi cũng vấp mìn. Tiếng mìn KP.2 nổ chát chúa như tiếng thét của tử thần đã xé ngang người. Người ngã nhào xuống đất như thân chuối bị nhát dao sắc lẹm bất thần vụt ngang. Thật lạ, trăm lần như một, trước lúc trở về hư vô lạ lẫm, bao giờ đồng đội tôi, ai cũng như ai đều há miệng gọi lần chót trong đời, chỉ hai từ: “Mẹ ơi!”. Hai tiếng gọi “Mẹ ơi” buồn rầu như tiếng kinh cầu của ngày tận thế. Có phải, đó là lúc bạn tôi nhớ nhất đến những hạt gạo được sàng, sẩy dưới bàn tay mẹ? Hình ảnh ấy thơ mộng biết bao nhiêu. Biết bao giờ mới được ăn lại hạt ngọc thơm thảo ấy như ngày thơ bé? Không bao giờ được nữa rồi. Không bao giờ bạn tôi còn có thể thấy lại một hình ảnh đã đi vào thơ của một thi sĩ miền Nam nước Việt: “Nghiêng nghiêng bóng xế sau lưng mẹ / Gạo trắng như màu tóc trắng phau” (Kiên Giang).

2.

Cái hình ảnh hạt lúa có một sức mạnh khủng khiếp, thúc giục từng bước chân “đi tải gạo” nhanh hơn, nhưng cũng thận trọng hơn. Khi trở về đến hậu cứ thì trời cũng rạng sáng. Tiếng gà rừng gáy le te phía chân đồi như thúc giục bình mình đến sớm hơn. Vén màn sương, chúng tôi vào kho quân nhu nhận gạo. Trong lúc gạo được đổ đầy ba lô, đổ đầy vào ruột tượng thì chúng tôi thường tranh thủ bốc từng nhúm gạo bỏ vào mồm nhai trệu trạo. Nhai như như một đứa trẻ nhai bầu sữa mẹ sau lâu ngày đói sữa. Chao ơi! Có đói, có thèm, có mơ, có nhớ thì mới cảm hết cái vị bùi bùi, cái hương ngòn ngọt tan dần, tan dần trên lưỡi. Nước bọt ứa ra chân răng. Tôi nhủ tôi, đừng vội nuốt, hãy ngậm miệng lại để từng phút cảm nhận trên từng centimet của cảm giác cái hương vị nhà quê.

Vâng, gạo là quê nhà chứ còn gì nữa. Có những ngày bám chốt, chúng tôi phải ăn gạo sấy. Trời! Bẽ bàng làm sao, vô duyên là sao cái hạt gạo đã được chuyển qua công nghệ sấy kho, đựng trong bịch nylong. Nước sôi đổ vào, cột túm lại giữ hơi nóng. Lát sau, gạo nở ra từng hạt vàng hoe. Từng hạt rời rạc. Nửa mềm nửa cứng. Nửa nam nửa nữ. Nửa đêm nửa ngày. Chẳng ra làm sao. Nhưng rồi cũng phải cố mà nhai, cố mà nuốt và cố mà sống cho qua những ngày tàn khốc của cuộc chiến. Lúc ấy, mới thấy ông cha mình tài tình thật. Nói về cái ma lực ngàn đời quyến rũ của hạt gạo, chỉ với bốn từ “dẻo thơm muôn hạt” là đủ sức khái quát hết giá trị nhân văn của nó. Bốn từ ấy, thuyết phục ta hơn cả hàng trăm trang luận văn phân tích về phẩm hạnh hạt gạo của những vị tiến sĩ chưa một ngày cầm trên tay hạt gạo, chưa một lần được thấy cây lúa.

3.

Phẩm hạnh của hạt gạo là gì?

Tôi không dám lý sự dài dòng. Chỉ xin kể lại một kiểu làm bánh chỉ có thể có ở chiến trường Tây Nam. Đến bây giờ, nhớ lại, tôi vẫn thấy cái vị  “dẻo thơm muôn hạt” còn ấm trong lưỡi, thơm trong răng. Khi có gạo, nhất là vào những dịp Tết để có thức ăn mừng năm mới, mừng thêm một tuổi được sống sót sau những lần bị phục kích. Không biết ai nghĩ ra cái từ nghe là lạ, ngồ ngộ ï- nghĩa là hôm nào có cái gì ăn khác hơn, ngon hơn hằng ngày thì đều gọi tuốt là “cải thiện”! Anh nuôi của chúng tôi đã “cải thiện” như sau:

Trước hết là sàng, sẩy để lựa ra những hạt gạo ngon, vo sạch rồi đổ vào xoong quân dụng. Mọi ngày chỉ là nước suối, nay có thêm cả nước thốt nốt nữa. Khi cơm sôi, mở nắp vung ra ta sẽ thấy dậy lên trong không gian một mùi thơm man mác, như hương trinh nữ lần thứ nhất hẹn hò bẽn lẽn. Cái thơm như rụt rè, thấp thoáng khiến ta vừa muốn vồ vập, nhưng lại ngần ngại... Ngần ngại cũng đúng thôi, vì lúc ấy chúng tôi đói, đang rất đói nên những muốn ăn ngay nhưng phải nén lòng chờ phút Giao thừa thiêng liêng đang đến gần. Lúc cơm đã chín, anh nuôi đổ ra cái rổ lớn, đặng mau nguội và chúng tôi được phân công nén lại thành từng chiếc bánh dẻo, hình tròn. Bánh chỉ ngon khi khoảng một chén cơm nóng được bỏ vào khăn tay rồi nhồi đi, nhồi lại nhiều lần. Hạt cơm vỡ ra, quyện vào nhau bền chặt. Chặt chẽ như vần thơ song thất lục bát không bao giờ chệch vần! Đến lúc thấy bánh cơm dẻo đã đạt yêu cầu của “hàng Việt Nam chất lượng cao”, chúng tôi ấn ở giữa một lõm sâu vào và đặt vào đó một cục đường thốt nốt chỉ bằng ngón tay út. Cái “nhưn” ấy rất quan trọng, khi đói người ta luôn có cảm giác thèm ngọt!

Đơn giản vậy thôi sao? Vâng, chỉ có thế. Các chiếc bánh cơm dẻo này được đặt trang trọng ở bàn thờ Tổ quốc trong căn hầm của đại đội trưởng. Ai canh gác, ai cảnh giới thì cứ làm nhiệm vụ. Ai ngồi tụ năm tụ ba tán phét, kể chuyện ngày Tết thì cứ việc. “Giao thừa là để người câm / Ngồi yên không nói nghe trầm hương bay”. Ấy là lúc sắp chạm đến thời khắc thiêng liêng. không ai nói với ai một lời. Trầm ngâm và chụm tai nghe lời chúc Tết từ quê nhà qua làn sóng truyền thanh từ chiếc radio mà chỉ riêng đại đội trưởng mới có. Sau đó, chúng tôi chia nhau thưởng thức những cái bánh cơm dẻo cho chính tay mình đã làm ra từ lúc trời vừa chập chững xế bóng. Đó là bữa ăn được “cải thiện” bởi đường thốt nốt, bởi là phần quà quý báu mà thường ngày không thể có...

Cầm trên tay chiếc bánh cơm dẻo, tôi nghĩ về hạt gạo. Nghĩ về mệnh lệnh ngắn gọn nhưng dứt khoát: “Đi tải gạo” trong lúc nửa đêm. Nghĩ đồng đội tôi ,có người “bỏ cuộc chơi” khi trên vai cõng ba lô đầy gạo, nhưng lại trở về cát bụi với bụng đói meo. Cái bánh cơm dẻo “nhưn” đường thốt nốt luôn luôn sống trong tôi như một niềm ân sủng mà tôi đã tìm được từ hạt gạo.

LÊ MINH QUỐC

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com