HUỲNH VĂN HOA: HOÀNG CHÂU KÝ - NGỌN LỬA HỒNG SƠN CỦA ĐẤT QUẢNG

z5560517457461_6a97c26cd5990e7c94f28c71dffd2aa0

 

Hoàng Châu Ký sinh ngày 16 tháng 5 năm 1921 tại xã Cẩm Kim, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình khá giả. Ông sớm tham gia cách mạng, trải qua nhiều chức vụ về chính quyền, về đảng, về chuyên môn, đặc biệt, có công quy tụ nhiều nghệ sĩ tài năng như Đội Tảo (Nguyễn Nho Tuý), Tống Phước Phổ, Văn Phước Khôi, Nguyễn Lai, Ngô Thị Liễu, Võ Sĩ Thừa, ...

Hoàng Châu Ký đã sáng tác hơn 20 vở tuồng như Ông Ích Khiêm, Nguỵễn Huệ, Quang Trung, Vua Duy Tân, Trưng Nữ vương, Nguyễn Duy Hiệu, Cao Doãn, Thái tử Câu La Na, Trần Quý Cáp, cải biên, chỉnh lý nhiều vở tuồng cổ như Nghêu, Sò, Ốc, Hến, Ngọn lửa Hồng Sơn, Sơn Hậu. Ông còn biên soạn, xuất bản các sách nghiên cứu về tuồng, trong đó có cuốn Sơ khảo lịch sử nghệ thuật tuồng (NXB Giáo dục, 1973).  

  1. Hoàng Châu Ký là gương mặt văn hóa xứ Quảng 

Ông được nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn hóa viết đến, ở nhiều góc độ, trong đó, phải kể đến những ý kiến, những bài viết sâu sắc, toàn diện của Lê Văn Hiến, Huy Cận, Học Phi, Mịch Quang, Trần Bảng, Hoàng Chương, Nguyễn Đức Lộc, Trần Viết Ngữ, Phạm Đức Nam, Nguyễn Đình An, NSND Trần Đình Sanh, Lê Tiến Thọ, Hoàng Hương Việt, ...

Hoàng Châu Ký có mặt trong Tác giả Việt Nam (Vietnamese Authors) của  Lê Bảo Hoàng, NXB Nhân Ảnh, Canada, 2017, trang 174, Từ điển văn học, bộ mới, NXB Thế giới, 2004, trang 607, Nguyễn Q. Thắng, Văn học Việt Nam, nơi miền đất mới, NXB Văn học, 2008, tập 3, trang 487, Từ điển bách khoa Việt Nam, tham gia Ban biên soạn Khoa học xã hội, phần Sân khấu (Từ diển bách khoa Việt Nam, NXB Từ điển bách khoa, 2008)

 2, Về quyển từ điển độc đáo

 Đó là: Từ điển Nghệ thuật Hát Bội Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, do Nguyễn Lộc chủ biên, Hoàng Châu Ký biên soạn.

Công trình từ điển này, theo tôi, có ba ý nghĩa như sau:

Thứ nhất, lần đầu tiên ở Việt Nam, có một từ điển về một loại hình nghệ thuật vốn quen thuộc trong nhân dân các vùng miền, đó là Hát bội Việt Nam. Trong lịch sử từ điển học Việt Nam, chưa có cuốn từ điển nào biên soạn về nghệ thuật sân khấu như Nghệ thuật chèo, Nghệ thuật cải lương, dù có không ít những nhà nghiên cứu nổi tiếng, viết về hai loại hình nghệ thuật này. Điều này, kể cũng lạ. Vì thế, công trình Từ điển Nghệ thuật Hát Bội Việt Nam đánh dấu một cột mốc quan trọng về việc biên soạn từ điển đối với một loại hình nghệ thuật sân khấu.

Thứ hai, Từ điển này, do ra đời đầu tiên, nhờ thế, đã tổng quan các phương diện của tuồng, của biểu diễn tuồng, từ phục trang, hóa trang đến múa, hát, nhạc trên sân khấu tuồng. Các mục từ, nhìn chung, đều được biên soạn nghiêm túc, công phu và đầy đủ, giúp người đọc có điều kiện nghiên cứu, tìm hiểu về hát bội Việt Nam.

Từ điển Nghệ thuật Hát Bội Việt Nam dày 670 trang, được phân công biên soạn: Nguyễn Lộc, phụ trách phần văn học, Hoàng Châu Ký, phụ trách phân Nghệ thuật sân khấu, Nguyễn Thụy Loan, phụ trách phần Âm nhạc. Phần Nghệ thuật sân khấu là phần quan trọng của quyển từ điển. Giáo sư Hoàng Châu Ký gửi gắm tâm huyết của cả đời mình vào những trang viết của phần này.

Thứ ba, Từ điển này đặt nền tảng cho giới nghiên cứu văn học, các nhà phê bình, lý luận các bộ môn sân khấu tham khảo, học tập, rút kinh nghiêm trong công tác biên soạn về các loại hình hoạt động sân khấu sau này.

Có thể khẳng định, với các phương diện như đã nêu, Từ điển Nghệ thuật Hát Bội Việt Nam có ý nghĩa quan trọng về mặt phương pháp luận, về nghiên cứu, xây dựng một từ điển về một loại hình sân khấu nghệ thuật, về một đóng góp đáng ghi nhận cho ngành Từ điển học Việt Nam, một công trình chưa hề có ở nước ta.

Trong Từ điển Nghệ thuật Hát Bội Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998, phần Quy cách biên soạn, trang 10nhóm biên soạn, trong đó có giáo sư Hoàng Châu Ký, có hé lộ một điều hết sức thú vị. Xin trích:

"Riêng đối với mặt nạ Hát bội, hiện chúg tôi đã sưu tầm được gần 300 mặt nạ, sắp đến sẽ in riêng thành một cuốn, trong Từ Điển này chỉ đưa mặt nạ làm thí dụ" (trang 10).

Trong nghệ thuật tuồng, mặt nạ giữ vai trò quan trọng. Mặt nạ trong tuồng Việt, như ta biết, dùng ít màu, chủ yếu là những màu nguyên chất, kết hợp lối vẽ mềm mại, khác kinh kịch Trung Quốc, sử dụng nhiều màu. Trong tuồng truyền thống Việt Nam, màu sắc mang nhiều ý nghĩa. Màu sắc trên mặt nạ không trung tính. Nhìn mặt nạ, doán biết tính cách nhân vật.

Như đã nêu, nhóm biên soạn đã sưu tầm trên 300 mặt nạ, một vốn liếng quan trọng, một tài sản hữu ích, từ ý nghĩa đó, chúng tôi đề nghị gia đình, Hội Nghệ sĩ sân khấu, các nghệ sĩ tuồng chung tay để công trình về mặt nạ tuồng sớm ra đời, làm sao cho 300 mặt nạ tuồng không rơi vào quên lãng, sớm được ra mắt, từ đó, lưu giữ, bảo tồn vốn c của cha ông.


3. Hoàng Châu Ký với chuyến Tây du ký  

Trong Di cảo của nhà nghiên cứu, phê bình Đặng Tiến (1940-2023), có bài viết khá hay về Hoàng Châu Ký, đó là bài: Tây du Ký - Kỷ niệm với Hoàng Châu Ký. Đặng Tiến viết bài đó tại Orléans, ngày 30-5-2010. Ông kể: Nhà nghiên cứu nghệ thuật Hát Bội Hoàng Châu Ký Tây du, sang Paris vào mùa đông cuối năm 1985, trong mấy tháng để sưu tầm văn bản tuồng cổ còn lưu trữ trong các thư viện Pháp. Đến đây, bạn đọc có thể thắc mắc: nghiên cứu về văn bản Hát Bội, việc gì phải sang tận Paris ? Xin đáp: vì Thư viện hội Viễn Đông Bác Cổ Pháp, có tàng trữ tư liệu văn học cổ, trong đó có một số văn bản Hát Bội, không có trong nước. Anh Hoàng Châu Ký làm việc chăm chỉ dưới sự hướng dẫn của người quản thủ thư viện thời đó là bà Christiane Rageaud.

Suốt thời gian ở Paris, Đặng Tiến cho biết, Hoàng Châu Ký "làm việc nghiêm túc, ngày ngày đi thư viện, cuối tuần mới đi chơi với bạn bè” Đánh giá: “Ông là một trí thức uyên thâm, cởi mở, hòa nhập rất nhanh với các giới Việt kiều, chủ yếu là các bạn trẻ. … Một đôi lần nói chuyện với công chúng Paris: một lần ở Nhà Việt Nam, thuộc Hội Người Việt Nam tại Pháp. Một lần trong Ban Việt học thuộc Đại học Paris 7, do tôi dẫn nhập và thông dịch. Nói chuyện trước công chúng về Hát Bội, anh nói rất hay và thành công: vừa nói vừa diễn xuất các điệu bộ tuồng, ước lệ và tượng trưng, theo những quy chế chặt chẽ. Và anh diễn xướng nhiều điệu hát.

Đặng Tiến cho biết thêm, giáo sư Nguyễn Huy Bảo đã phát biểu khen ngợi. Ông Bảo là bậc trí thức cao niên, đã là thầy các của Huy Cận, Xuân Diệu, từng làm Khoa trưởng các trường Đại học Sư phạm và Văn khoa Sài Gòn, khoảng 1955-1962; định cư tại Pháp ông thường xuyên tham dự các buổi nói chuyện tại Đại Học Paris 7 và ít khi khen ai - kể cả học trò của mình là Xuân Diệu hay Huy Cận, nhắc lại chi tiết như vậy, để chứng tỏ tác dụng của lối nói chuyện vừa thông thái, cụ thể mà linh động của Hoàng Châu Ký.

Có một chi tiết cảm động, Đặng Tiến ghi lại: Khi sắp về nước, thay vì mua bán những quà cáp linh tinh như nhiều người khác, thì anh nhờ tôi kiếm cho anh một bộ cần câu thật oách, máy móc hiện đại - nghĩa là đắt tiền. Tôi hỏi : anh làm gì mà phung phí như thế ?. Anh đáp: mình suốt đời gian nan nơi quê mùa, nay về hưu, thích có một dụng cụ hiện đại để… đi câu chơi !”. 

Đặng Tiến liên hệ: Tôi lại nhớ đến một nhà cách mạng cùng quê với anh, trong những năm sống lưu đày tại Paris, khoảng 1920, cũng đi câu, và nghe nói là chủ tịch đầu tiên của hội Ái hữu thợ câu ở Paris, là Phan Châu Trinh.

Năm 1986, tôi có dịp về nước, ở Hà Nội, anh đón tiếp tôi tận tình và rủ rê về ở với anh, tại nhà con gái là  nhà thơ Ý Nhi và chồng Nguyễn Lộc đã chuyển công tác vào TP Hồ Chí Minh. Anh ở một mình.  Thường ngày có bạn bè đến nấu nướng và thù tạc .

Kết lại bài viết, Đặng Tiến viết: Giáo sư Hoàng Châu Ký  là bậc đàn anh trưởng thượng trên mọi mặt, đã hạ cố xem tôi như bạn vong niên, và đối xử ngang tầm, do đó, trong tâm tưởng, tôi vẫn nhớ anh như một người bạn với những tình cảm sâu lắng thân thiết nhất, do đó, bài này viết trong sự ngưỡng mộ thân thiết.

Đặng Tiến còn viết: Hoàng Châu Ký là bậc trí thức uyên thâm và uyên bác,  chủ yếu là người tự học. Sinh trưởng tại nông thôn, lăn lóc với nông thôn, quê hương nghèo khổ và gian nan trong khói lửa suốt thời gian trưởng thành, sở học của anh không do nhà trường hay thư viện, mà do vốn sống, vốn suy nghĩ trên nền thiện chí và ý chí. Văn hóa, ở anh là tiềm năng tiếp thu thiên phú, nhạy bén, tinh tế, sáng suốt, luôn luôn  sẵn sàng nới rộng khơi sâu.

Gặp gỡ và gần gụi anh không được bao nhiêu ngày, nhưng những cơ hội qua mau ấy đã để mãi trong ký ức tôi một tấm gương sáng, nghiêm nghị nhưng hồn nhiên và hiền hậu. Trong tôi, khuôn mặt Hoàng Châu Ký là một tâm cảnh, một phong cảnh của quê hương. Chiều chiều lại nhớ

Có thể nói, trong nhiều bài viết về giáo sư Hoàng Chây Ký, đây là một bài viết chân thành, đậm đà tình nghĩa, đúng với con người, tâm hồn và nhân cách Hoàng Châu Ký.

 4,Tấm lòng của GS Hoàng Châu Ký đối với quê hương xứ Quảng


Đọc Tuyển tập Hoàng Châu Ký (NXB Đà Nẵng, 2002), thấy toát lên:


- Cuộc đời Hoàng Châu Ký là một hành trình không mệt mỏi, cống hiến hết lòng cho quê hương, đất nước, cho sáng tạo nghệ thuật, cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, cho những công trình nghiên cứu lý luận, cho biên soạn, chỉnh lý hằng chục vở tuồng quan trọng. Một sự nghiệp đồ sộ. Đọc Tuyển tập, người ta yêu thêm những làng quê với những gánh hát Hội Hồng (vùng Quế Phước, Quế Lâm, Quế Ninh thuộc huyện Quế Sơn, ven sông Thu Bồn), Gánh hát Khánh Thọ (Xã Tam Thái, huyện Tam Kỳ), Gánh hát Chánh Lơn (huyện Tam Kỳ, Quảng Nam), Đức Giáo (huyện Quế Sơn, Quảng Nam), Gánh hát Nhưng Giai, Nhưng Bính (Quế Sơn, Thăng Bình, Duy Xuyên, Hội An, Hòa Vang, ...).


Một tấm gương lao động nghệ thuật miệt mài, đáng nể phục. Một tình bạn tri âm với những nghệ sĩ tuồng, một tấm chân tình với bạn bè, môn đệ.


- Ông tham gia biên soạn và để lại cho đời sau một công trình từ điển độc nhất vô nhị về tuồng, về hát bội, đó là Từ điển Nghệ thuật Hát Bội Việt Nam, như trên tôi đã nên số nhận định. Mặt khác, cuốn Sơ thảo lịch sử nghệ thuật Tuồng, xuất bản năm 1973, tập sách không dày lắm, cho đến nay, vẫn là tài liệu giáo trình phục vụ cho công tác đào tạo tại Khoa Ngữ văn các trường Đại học sư phạm, Đại học Khoa học xã hội nhân văn, các lớp bồi dưỡng đối với những diễn viện nghệ thuật tuồng tại các địa phương có sân khấu tuồng.

- Ông cảm phục, trân quý những người con kiên trinh, bất khuất của Quảng Nam như Hoàng Diệu, Nguyễn Duy Hiệu, Thái Phiên, Trần Cao Vân, Phan Châu Trinh, …


Vở tuồng Trần Quý Cáp, trên dưới 50 trang, là khúc ca bi tráng về cuộc đời và sự nghiệp Trần Quý Cáp. 14 lớp của vở tuồng là một bài ca chính khí về người con của Điện Bàn, Quảng Nam. Lớp XIV: Pháp trường, Hoàng Châu Ký nghẹn ngào, đầy nước mắt, viết, tôi xin đọc:


Tiếng loa: Nơi pháp trường Song Cạn / Trần Quý Cáo thọ hình.


Tiếng loa: Loa ! loa ! Cấm mọi người vào đây ! Không được quần tam tụ ngũ


Ông CÁP: Thưa trước khi trảm quyết / Xin giám quan cho chút hậu tình / Bày hương án để tôi:


LẠY ĐẤT NƯỚC NÓI CÂU VĨNH BIỆT

(Hương án bày ra, ông Cáp khăn áo chỉnh tề, khấu lạy)


Trần Quý Cáp trình lời tâm huyết / Chưa trọn đời phục dịch nhân dân / Bước ra đi bất hiếu với tử thân / Không trọn kiếp với vợ hiền, con dại / Tạ từ lạy quốc dân hai lạy / Hai lạy này vĩnh biệt tử thân /


Ta có thể hình dung, kết thúc vở tuồng Trần Quý Cáp, Hoàng Châu Ký đã khóc khi viết những dòng về phút thọ hình của người anh hùng đất Quảng, Trần Quý Cáp.


HUỲNH VĂN HOA


Nguồn: Người làm báo Đà Nẵng, số kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

(21-6-1925-21-6-2024)

 

 

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com