Đọc “Những Người Không Gặp Nữa” của Đoàn Tuấn

 

DOAN_TUAN_nhung_nguoi_khong_gap_nua

Quyển hồi ký này do nhà xuất bản Trẻ thực hiện và cũng được đăng trên trang của nhà văn Lê Minh Quốc.

Tôi bắt đầu đọc Những Người Không Gặp Nữa vào lúc gần 8 giờ tối ngày thứ Sáu. Dự định đọc chừng 1 giờ đồng hồ rồi đi ngủ nhưng quyển sách quá hấp dẫn nên tôi đọc một mạch cho đến hết quyển sách. Chủ Nhật tôi đọc lại lần nữa, thong thả hơn. Tôi không được quen biết với Đoàn Tuấn. Tất cả những điều tôi biết về tác giả là do những chi tiết tôi thu thập trong quyển hồi ký ngắn này. Tác giả sinh vào khoảng năm 1960. Vào bộ đội năm 1978. Được giải thơ hạng A của Văn Nghệ Quân Đội năm 1983-1984.

Tôi thường tránh việc đọc những gì liên quan đến chiến tranh, nhất là chiến tranh Việt Nam vì loại tác phẩm này làm tôi thấy buồn. Khi tôi được giới thiệu quyển hồi ký này tôi cứ tưởng đây là một loại sách dạy về viết phim bản hay kịch bản. Cái lầm tưởng này là một cái duyên khiến tôi được đọc quyển hồi ký này.

“Những Người Không Gặp Nữa” là hồi ký chiến tranh của nhà văn Đoàn Tuấn, trong đó ghi lại những kỷ niệm về cuộc sống và cái chết của đồng đội của nhà văn trong cuộc chiến ở Kampuchia. Đoàn Tuấn muốn nhấn mạnh đến khía cạnh tâm linh của những người lính khi dấn thân vào hiểm nguy. Nhà văn tin rằng những người đồng đội có linh cảm cái chết sẽ đến với họ và anh chứng minh bằng những mẩu ký ức anh thu thập, tự anh chứng kiến, hay nghe người khác kể lại. Đây là một điều thú vị vì Việt Nam theo chủ nghĩa duy vật thế mà một nhà văn sinh ra và lớn lên trong chế độ này lại viết về khía cạnh duy tâm của đồng đội.

Thêm vào đó tác phẩm giúp tôi hiểu biết thêm cuộc chiến tranh của Việt Nam với Kampuchia từ năm 1978 cho đến 1989, cuộc sống gian khổ của những người thanh niên Việt Nam và những cái chết phi lý do chiến tranh gây ra. Tôi không dám dùng chữ hay để nói về quyển sách vì nó gây cho tôi mặc cảm tội lỗi như thể tôi đang thưởng thức những tình huống đưa đến cái chết của những người trẻ tuổi.

Tôi thích cách viết của Đoàn Tuấn; trong sáng, ngắn gọn, không đào sâu vào tình tiết khổ đau thê thảm từ cái chết của đồng đội nhưng anh cũng không tránh né khi cần phải đề cập đến những điều khốn nạn của chiến tranh. Ở một vài nơi anh có cái nhìn của một nhà thơ, ghi lại những hình ảnh đẹp và lãng mạn bên cạnh cái tàn khốc của chiến tranh.

Trong phần viết về Phạm Văn Khai[1] tác giả tả cảnh đạn pháo bắn qua bắn lại của hai bên:

“Say mê ngắm nhìn chiếc cầu vồng đỏ rực do pháo ta bắn sang bờ bên kia và pháo địch phản lại sang bờ sông bên này. Một cầu vồng lộng lẫy ngang trời đêm, một cầu vồng dưới đáy dòng sông đang cuộn xiết. […]”

Anh tả lại không gớm ghê cuộc chôn cất cái xác của một người đồng đội mà anh yêu mến tên là Hà Huy Lan. Cái xác đã rửa nát sau khi cả tuần lễ mưa dầm chưa kịp chôn, đụng đến đâu vỡ ra đến đó, tróc cả tóc và da đầu để lộ hộp xương sọ trắng hếu. Ruồi nhặng bám cả vào mặt mũi của anh.

Tôi không khỏi so sánh quyển hồi ký ngắn này với một vài truyện ngắn của Tim O’Brien, tác giả của tập truyện ngắn “The Things They Carried.” Điểm giống nhau của Đoàn Tuấn và Tim O’Brien là nhân vật của họ chiến đấu ở đất nước người, như cá bơi lạc vào dòng nước lạ. Nhân vật của cả hai chiến đấu với những bãi mìn. Điểm khác nhau là Đoàn Tuấn viết hồi ký về sự thật còn Tim O’Brien thì viết truyện ngắn mang tính sáng tạo. Tôi không nói sáng tạo thì hay hơn hồi ký, mỗi thể loại có điểm mạnh riêng. Tuy nhiên vì tôi là người Việt tôi thích truyện của Đoàn Tuấn viết về người Việt hơn truyện của O’Brien viết về người Mỹ.

Đoàn Tuấn có tâm sự ở phần cuối quyển hồi ký là anh đã thử dùng một hai phương pháp để sáng tạo nhưng theo anh là chưa thành công. Tôi cho rằng nếu anh dùng một vài chi tiết có thật, biến Nguyễn Xuân V. thành nhân vật phản diện, khai thác sự xung đột giữa những người trong cuộc dẫn đến cái chết của Nguyễn văn Huyên và Hà Huy Lan, nhấn mạnh cá tính của mỗi người, vẽ ra tình huống trớ trêu. Để tránh tội xúc phạm đến đồng đội đã ra người thiên cổ hãy đổi tên tất cả những người liên hệ. Tôi tin anh có thể biến thành mẩu hồi ký này thành truyện ngắn, phim hay kịch.

Thêm một điểm thú vị nữa, hơn mười tám nhân vật được nhắc đến, mỗi người đều là một nhân vật có cá tính đặc biệt. Nhà văn có thể chọn một vài người, biến mỗi người thành nhân vật chính của một truyện ngắn và những truyện ngắn này có liên hệ với nhau như một chương trong quyển tiểu thuyết.

Trở lại với chủ đề những người ra trận có linh cảm là họ sẽ chết mà nhà văn Đoàn Tuấn nêu ra. Tôi không dám bác bỏ chủ nghĩa duy tâm vì điều mình không thấy không hẳn là không có. Tôi cho rằng những người vào sinh ra tử trong chiến tranh, ai cũng quan sát, phân tích, loại trừ và tổng hợp chi tiết của tình huống chung quanh, những kinh nghiệm rút ra từ quá trình quan sát và phân tích, tổng hợp cũng như loại trừ biến thành cái gọi là linh cảm. Những linh cảm này có khi đúng có khi không. Thí dụ như Đoàn Tuấn khi qua sông đã vốc nước rửa mặt nghĩ rằng nếu mình có chết thì cái mặt mình cũng được sạch sẽ. Anh đã có ý nghĩ là ở giữa trận mạc người ta có thể chết bất cứ lúc nào, đó là một phần của linh cảm. Nhưng anh may mắn vẫn còn sống sót để viết nên quyển hồi ký này. Và như thế là linh cảm của anh đã sai.

Một ngày trước khi tôi đọc “Những Người Không Gặp Nữa” tôi tình cờ đọc một hồi ký có tựa đề War (Chiến Tranh) của Sebastian Junger. Nói là tình cờ vì hồi ký này được in chung trong một tập truyện không hư cấu (non-fiction) về rất nhiều đề tài; khi bắt đầu đọc tôi cũng không biết là sẽ có chuyện chiến tranh. Điểm chung của các truyện này là truyện có thật.

Junger bắt đầu tham gia cuộc chiến của một quốc gia không phải là quốc gia của anh ta với tư cách phóng viên chiến trường khi anh ta được ba mươi mốt tuổi. Anh chủ động chọn lựa đi vào chỗ nguy hiểm chết người. Anh sinh ra lớn lên trong một gia đình khá giả. Những năm hai mươi tuổi anh viết văn. Anh đi làm phóng viên chiến trường để có cảm giác mình là đàn ông, và trưởng thành.

Những người đồng đội đã chết trên chiến trường của Đoàn Tuấn hoàn toàn không có được sự chọn lựa. Họ không đi tìm cảm giác mạnh để khẳng đính chất khí khái nam nhi của họ. Junger có một người bạn phóng viên chí thân cùng sống chết bên nhau nhiều lần. Và lần cuối cùng, Junger không thể đi cùng với người bạn này, và anh ta đã chết.

Điểm giống nhau của Junger với Đoàn Tuấn là họ cùng nhận ra một sự thật khắc nghiệt. “Vấn đề chính không phải là bạn sẽ chết trong chiến tranh, mà chắc chắn là bạn sẽ bị mất người anh em, người đồng đội của bạn.”

[1] Đề nghị tác giả kiểm chứng lại. Ở phía dưới đoạn này lại viết tên liệt sĩ là Phạm Xuân Khai

(nguồn: Blog Chuyện Bâng Quơ)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com