Dịch giả Nguyễn Lệ Chi
Là dịch giả của gần ba mươi đầu sách, hàng trăm tập phim, đưa dòng văn học Linglei (Trung Quốc) vào Việt Nam tạo nên hiện tượng cũng như năng lượng sáng tạo mới cho các tác giả trẻ. Đồng thời, là người sáng lập cũng như giám đốc điều hành của Chibooks; vừa qua dịch giả Nguyễn Lệ Chi còn ra mắt truyện “Bụng Phệ nhanh chân” (NXB Kim Đồng) với tư cách tác giả.
Bìa cuốn “Bụng Phệ nhanh chân”.
“Mới chỉ học lớp 5, nhưng tôi đã đọc những tác phẩm kinh điển như Đồi gió hú, Trăm năm cô đơn, Chiến tranh và hòa bình… thuộc lòng cả thơ Nguyễn Bính và nhiều đoạn trong Truyện Kiều. Hồi đó chưa có nồi cơm điện, nên tôi vẫn thường xuyên bị mẹ mắng vì tội mải mê đọc sách làm… cháy cơm khi được giao nấu ăn”. Dịch giả Nguyễn Lệ Chi chia sẻ khởi nguồn với đam mê sách của mình.
Lớn lên trong gia đình mà bố mẹ đều yêu quý sách, sẵn lòng để dành tiền mua sách. Như chị kể lại, sách khi ấy bốn cuốn giá trị bằng một chỉ vàng. Bố mẹ xếp sách gọn gàng trên giá, phân loại kỹ lưỡng cho việc dễ kiếm tìm. Sách nhiều, và chủ yếu là thể loại văn học. Khi bị nhốt trong nhà, (thường ngày ấy, hầu hết trẻ con trong phố để tránh lê la ngoài đường, tránh những nguy hiểm không lường trước, đều bị bố mẹ nhốt trong nhà, tự chơi với nhau, hoặc học cách mơ mộng), Nguyễn Lệ Chi tìm đến với sách, như một khuây khoả tự nhiên, và rồi ngấm dần, và yêu thích.
Sinh ra tại Hà Nội, trải qua tuổi thơ trong vắt, và những lãng mạn xuân thì từ thành phố này, năm 1998, Dịch giả Nguyễn Lệ Chi tốt nghiệp cử nhân ngoại ngữ tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội và cử nhân ngoại giao tại Học viện Quan hệ quốc tế năm 1999. Không dừng lại việc học ở đó, Nguyễn Lệ Chi tự tìm kiếm học bổng và theo học Thạc sĩ Điện ảnh tại Khoa Đạo diễn Học viện Điện ảnh Bắc Kinh (Trung Quốc) niên khoá từ 2000 đến 2004.
Vào dịp nghỉ hè, khi đang học thạc sĩ tại Bắc Kinh, Nguyễn Lệ Chi theo lời hẹn với hai bạn gái thân từ thời đại học, chị tới Thành phố Hồ Chí Minh và có thời gian dài lưu trú lại.
Ba cô gái cùng đi chơi, đi ăn, và tâm sự cùng nhau nhiều chuyện, khi ấy tất cả đều có chung suy nghĩ, thành phố này là nơi tất cả đều muốn gắn bó.
“Lúc đó cũng chỉ đơn giản nghĩ rằng, thành phố náo nhiệt này thật thu hút, thật ồn ào nhưng cũng đầy sức mạnh và sự tươi trẻ. Nếu mình vào đó sẽ như một hạt mầm có đất tốt để vùi mình vào, để rồi vươn lên thành những mầm xanh mạnh mẽ, hướng về phía mặt trời. Nơi đây không khó khăn với người trẻ, người tài, thậm chí còn rộng mở và tạo điều kiện để người trẻ thử sức. Nếu tôi bám trụ được ở đây, lập nghiệp được ở đây với niềm đam mê của mình, được làm những điều mà tôi yêu thích, thì thật vui biết bao. Nếu phát triển thành công được sự nghiệp thì càng tốt, vì điều này càng khẳng định tôi có khả năng hay không, khi tay không lập nghiệp trên mảnh đất lạ, sống một mình phiêu dạt trên đất khách, không hề có một mối quan hệ nào hỗ trợ, không có khoản tiền nào lớn để phòng thân. Tất cả chỉ có sự hăm hở, quyết tâm và bồng bột của tuổi trẻ”.
Năm 2008, sau khi có bằng thạc sĩ, Nguyễn Lệ Chi trở về nước, và như những gì đã định, chị bắt đầu sự nghiệp ở Sài Gòn.
Khởi đầu, theo đúng chuyên môn, Nguyễn Lệ Chi làm sản xuất phim truyền hình cho một hãng phim tư nhân. Một năm sau, chị giữ nhiệm vụ là trưởng ban bản quyền sách rồi phó giám đốc xuất bản của một công ty văn hóa lớn: “Công việc cuốn đi cùng áp lực tới nghẹt thở, nhưng bù lại, tôi biết thêm nhiều khả năng của mình mà trước kia không hề biết. Sự linh hoạt khi đối phó và xử lý với công việc, quan hệ xã hội, khám phá mảnh đất mới, lối sống mới, kết giao với những người bạn mới… tất cả đều rất sinh động và náo nhiệt. Tôi cảm thấy gắn bó hơn với thành phố này và thấy rằng quyết định ban đầu của mình thật đúng đắn. Nếu không thử, bạn sẽ không biết được mọi việc sẽ diễn ra đến đâu, có thể tốt hơn hoặc xấu đi, nhưng kệ, cứ thử đã, hãy sống và làm việc thật nhiệt tình, thật hết lòng, không nên suy tính quá nhiều. Bởi xét cho cùng, không ai sống hộ mình, cảm nhận hộ mình, vui buồn hộ mình và sung sướng, đau khổ hộ mình nếu mình không tự làm và tự cảm nhận.
Cuộc sống ở đây là sự khám phá, khẳng định, trải nghiệm, say mê và quyết tâm. Nó mạnh mẽ và đầy âu lo, phấn khích và quyết liệt, dễ bị cuốn đi tới kiệt sức nếu không biết cách kìm chế”.
Nếu ai đó nghĩ, Sài Gòn thật là nơi dễ sống, là nơi muốn đến của nhiều người, thì khi thực sự sống tại đó, bạn phải đủ sức mạnh cho nỗ lực đấu tranh sinh tồn. Ở Hà Nội, bạn được mơ mộng, bởi sự thanh bình nhẹ nhàng mang tới, phố nhỏ, mối quan hệ con người chặt chẽ, thế nên lòng người cũng hướng về nhau nhiều hơn, sự quan tâm cũng sâu sát hơn. Còn ở Sài Gòn, đúng như những gì Nguyễn Lệ Chi cảm nhận: “Sài Gòn chỉ yêu bạn khi nó cần bạn và bạn còn cống hiến, còn giá trị với nó. Mỗi khi bạn mệt mỏi, bạn muốn dừng lại, mảnh đất này sẽ khiến bạn bị đào thải, bị lạc hậu, bị mất vị trí. Bạn luôn phải nỗ lực từng ngày từng giờ, chiến đấu không mệt mỏi để tồn tại, và để giữ gìn những gì bạn đã vất vả có được. Cuộc sống ở đây nhiều lúc cũng mệt mỏi vì áp lực, chứ không quá dễ dàng như mọi người thường nghĩ”.
Chính vì thế, giữa những chống chếnh, và đôi khi bất an, Nguyễn Lệ Chi lại mang cảm giác nhớ nhung Hà Nội, “luyến tiếc một cuộc sống êm ả, thanh bình”.
Sau chín năm sống với Sài Gòn, Nguyễn Lệ Chi với bao nỗ lực không ngừng, cùng sự thông minh, nhẫn nại, bên cạnh tập trung, chịu khó, chị đã có cho mình một gia đình ấm áp, gia sản riêng, và làm nhiều việc cùng lúc. Nguyễn Lệ Chi thường ít nói, và lúc nào chị cũng mang trong mình sự điềm tĩnh nhẹ nhàng. Có lẽ thế, nên chị luôn đủ tỉnh táo để xử lý rất nhiều áp lực từ việc làm báo và kinh doanh mang lại, trong khi, vẫn chăm sóc chu đáo mẹ và cô con gái nhỏ, có cái tên rất đáng yêu: Bụng Phệ.
“Từ sau khi có Bụng Phệ, (cháu sinh năm 2008), tôi phải chăm cháu nhiều. Thời gian ở gần con hàng ngày giúp mình có nhiều cơ hội để quan sát kĩ cuộc sống qua mắt con trẻ. Ý tưởng làm sách thiếu nhi cũng được hình thành từ đây. Tôi lập thêm thương hiệu KIDBOOKS chuyên làm sách văn học thiếu nhi song ngữ Anh-Việt, với mong muốn giúp con và các bé vừa có những câu chuyện hay được mẹ kể cho hàng ngày, vừa tạo thói quen học những câu từ tiếng Anh đơn giản. Rồi thêm loạt sách tô màu cho trẻ, nâng cao năng khiếu mỹ thuật. Tôi từng tặng hàng loạt tủ sách cho 25 nhà thiếu nhi khắp các quận ở Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức thêm nhiều hoạt động vui chơi khích lệ trẻ ham đọc sách hơn”.
Nếu có dịp gặp Bụng Phệ, bạn sẽ thấy một cô bé trong sáng với trái tim ấm áp. Cô bé thích chia sẻ thế giới của mình với bạn trong sự lễ phép đáng yêu. Và cô bé rất có năng khiếu hội hoạ, bơi lội, chơi cờ vua hay chơi bóng rổ. Cô bé được mẹ giúp thoả mãn mọi năng khiếu này. Bụng Phệ vừa là người bạn nhỏ thân thiết, vừa là thế giới tinh thần của dịch giả Nguyễn Lệ Chi, vì thế, chị bắt đầu viết loạt truyện, mà nhân vật chính là con gái mình.
“Từ 2016, tôi bắt tay vào viết loạt sách về nhân vật Bụng Phệ, chính từ hình mẫu là con gái tôi với vô số trò tinh nghịch, buồn cười cho lứa tuổi dưới 10. Với cuốn sách đầu tiên Bụng Phệ nhanh chân (NXB Kim Đồng), tôi mong muốn các bậc phụ huynh nên dành nhiều thời gian cho con cái, quan sát con để phát hiện ra bất cứ điều gì khác thường, trò chuyện với con nhiều hơn để hiểu về tâm lý con mình, cũng như về môi trường với bạn bè, nhà trường mà con đang theo học. Trẻ con thời nay lớn rất nhanh và nhận thức được nhanh, và nhiều hơn chúng ta trước kia, đặc biệt từ sau khi bị tác động bởi truyền hình và Internet.
Bụng Phệ nhanh chân xuất phát từ những ghi nhận trong quá trình tôi quan sát, nuôi nấng, dạy dỗ con, từ đó hiểu hơn về con, và tự thay đổi mình để thích nghi hơn với con mình, cùng chia sẻ với con nhiều hơn và cùng đồng hành với con trong cuộc sống. Bạn có thể là người mẹ luôn lo lắng cơm ăn áo mặc cho con, những đồng thời cũng cần là người bạn thân trung thành và tin tưởng của con, để con luôn sẵn sàng chia sẻ tâm sự, mọi nỗi buồn hoặc niềm vui mà đôi khi vì nhịp đập quá gấp gáp của cuộc sống, chúng ta đã lỡ mất những giây phút quan trọng đó. Giúp con luôn cảm thấy tự tin và an toàn, có những nhận thức đúng về con người và cuộc sống, hướng con vào cách sống lành mạnh và biết đam mê là những gì tôi muốn gửi gắm qua cuốn sách này”.
Thời gian này, vẫn là sự bận rộn nối tiếp đối với dịch giả Nguyễn Lệ Chi. Sau khi đưa con đi học, chị về công ty của mình, xử lý các bản thảo, các hợp đồng, phân công cho nhân viên, giải quyết các vấn đề tồn đọng. Gần trưa, chị đến toà soạn báo tìm đề tài, “săn tin”, viết bài theo mảng mỹ thuật, xuất bản, điện ảnh, và những bài dịch, tổng hợp tin tức thời sự quốc tế. Đến khi ngừng việc, cũng là lúc trời tối, chị lại quay trở về với gia đình, lo nội trợ và kèm con học bài.
Với Nguyễn Lệ Chi, để có thể làm tốt nhất trong khả năng có thể giữa rất nhiều trách nhiệm: “cân bằng cuộc sống với công việc luôn là một điều khó khăn, nhưng tất cả chúng ta đều phải cố gắng, và nỗ lực hàng ngày”.
Việt Quỳnh
(nguồn: http://daidoanket.vn/tin-tuc/van-hoa/chi-tiet-bai-viet-cua-366654)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|