Nhà thơ YẾN LAN
Khi còn tại thế, nhà thơ có lần tâm tình: “Là thi sĩ, cái chết về thể xác không đáng sợ, chỉ sợ mình mất đi trong lòng mọi người.” Cuộc đời của mỗi con người may, rủi đều do số phận; nó giống như những đóa hoa trên cùng một cội; song không phải hoa nào cũng hứng được sương và ánh sáng như nhau. Đời Yến Lan từ khi lọt lòng mẹ đến khi từ giả cõi đời đã gặp nhiều rủi ro, thua thiệt:
Quê ngoại bên kia bãi cát vàng
Mẹ tôi về lỡ chuyến đò ngang
Cơn đau trở dạ không giường chiếu
Tôi lọt lòng ra giữa bãi trăng
Ông là con út trong 6 anh chị em. Cuộc sống gia đình chỉ dựa vào bàn tay giỏi giang của mẹ. Lên 6 tuổi thì mẹ mất, các anh chị đi làm xa; cha xin làm thủ từ trong ngôi đền thờ Quan Thánh (tức chùa Ông trước đây). Cuộc sống của hai cha con chỉ dựa vào cây thị:
Ôi thị, thay phần mẹ dưỡng nuôi;
Nhành khô thường sưởi tuổi mồ côi,
Quả, ra chợ đổi lành thân áo,
Bóng phủ rèm trưa, lá: chiếu ngồi.
Ít lâu sau cha lấy vợ hai, nhà càng túng bấn. Gánh nặng trên đôi vai gầy, bé nhỏ của Yến Lan dường như trĩu xuống mà tiền bán thị chả thấm vào đâu nữa:
“Giá một quả cam bằng mẹt thị
Trồng chi bóng mát hỡi cha xưa.”
Và tuổi thơ Yến lan trải dài theo năm tháng trong ngôi chùa Ông như một định mệnh:
Tuổi thơ một đời cây thị
Chiều lung linh theo tiếng chuông chùa
Một lòng giếng nửa làng đến múc
Không thấy mặt mình chỉ nước nhấp nhô
Mẹ chết sớm, chị đi phu
Quần áo rách túm bằng giây chuối
Cơ rô bích chuồn nằm đêm cha nuối
Muốn nuôi con cha lại bám đời con
Trong những đêm dài canh bạc tưởng trống trơn
Láng giềng giàu cấm làm bạn lứa
Nhiều hôm no tuổi, no hờn
Ở đây đọng một nỗi buồn lưu ly
Biết đi đâu? Biết mong gì?
Tuổi thơ ơi ! tuổi thơ
Ta có em hay không có bao giờ...
Song cũng từ môi trường ấy đã tạo nên trong Yến Lan một thi sĩ đầy bản lĩnh và một nhân cách lớn bằng cả đức, tài và tầm. Ông cùng Hàn Mặc Tử, Chế Lan viên, Quách Tấn lập nhóm thơ “Tứ Hữu Bàn Thành”. Cả bốn người, mỗi người mỗi vẻ, bằng văn chương của mình làm rạng danh cho mảnh đất Bình Định thành câu danh ngôn vang mãi đến ngàn năm “Đất võ trời văn”. Ông không may mắn như bạn cùng thời. Những tác phẩm có thể làm nên tên tuổi đưa ông lên vị trí cao hơn trong làng văn thì bị thất lạc như 2 tập thơ Giếng loạn, Bánh xe luân hồi (viết về Đạo Phật), Hơn nữa, nêu không bị mất thì cũng bị người khác đứng tên như vở kịch thơ đầu tiên của nền Văn học Việt Nam “Bóng giai nhân”.
Trong bản in lần đầu của Thi nhân Việt Nam xuất bản năm 1942, tác giả Hoài Thanh nhận định về thơ Yến Lan như sau: “Xem thơ Yến Lan tôi mơ màng như đi trong mây mù. Khi đầu thì cũng hay hay, nhưng dần lâu cơ hồ ngạt thở…”. Thi nhân Việt Nam là tác phẩm kinh điển đúc kết phong trào Thơ mới được nhìn nhận bởi đôi mắt của nhà phê bình tầm cỡ, nhưng cũng chỉ thấy “cơ hồ ngạt thở”. Rõ ràng thơ Yến Lan không phải một sớm một chiều mà hiểu được chân giá trị. Song, nhà thơ Quách Tấn khi đọc “Lời tựa thơ Yến Lan” của Chế Lan Viên đã bức xúc, rằng: “Còn ai hiểu thơ của Yến Lan bằng Chế Lan Viên?! Nhưng nay Chế đã qua đời (1989). Cái hay cái đẹp cái kỳ trong thơ Yến Lan biết nhờ ai đưa ra cho kẻ hậu học, thấy rõ và đúng để mà phân thưởng hay để mà làm gương; không lẽ tác giả tự làm lấy! Nhưng nghĩ lại không ngại gì. Tố Như tiền bối có câu:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khốc Tố Như.
Nghĩa là:
Sau ba trăm năm nữa trên trần thế
Biết sẽ là ai khóc Tố Như.
Nhưng chưa đầy trăm năm mà đã có không biết bao nhiêu người khóc Tố Như thì lo gì thơ Yến Lan sẽ không có người giải thích thấu đáo” (20/2/1990). Đối với Yến Lan cũng chẳng phải đợi lâu, chỉ mấy thập niên sau; Nhà nghiên cứu văn học hiện đại - Khổng Đức đã giải mã được thơ Yến Lan chỉ cần thông qua bài thơ “Bến My Lăng”: “Nắm được nguồn phát tích của bài Bến My Lăng là như có trong tay một chìa khóa để đi vào vườn thơ, đời thơ của Yến Lan. Thật vậy, dòng thơ Yến Lan từ nguồn suối vô thức My Lăng mà tỏa ra mọi nẻo: sông nước, bến bãi, đất quê hương, tỉnh nhỏ, quê mẹ, quê ngoại, tình vợ con, tình bạn bè… Tất cả đều mang tính chất lung linh, lấp lánh, hư mà thật, thật mà hư… nhưng rất thắm thiết nồng nàn. Hay nói như anh Chế Lan Viên: “Thơ phải nhìn rõ trong bóng tối”, thì nhà thơ Yến Lan là người đã có con mắt kỳ ảo thấy được bóng tối đó, nó là vô thức vậy”.
Sức sáng tạo của Yến lan, trải rộng ở nhiều thể loại: Thơ, Kịch thơ, truyện ngắn, truyện thơ…và trải dài từ trước 1945 đến khi nhà thơ qua đời 1998. Điều đó được nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam khẳng định:“Tài năng của Yến Lan sớm nảy nở và sớm được khẳng định. Truyện ngắn đầu tay của Yến Lan bút danh là Xuân Khai được thưởng giải cao của báo Thanh Nghệ Tỉnh khi Yến Lan chưa đầy hai mươi tuổi. Truyện ngắn của ông liên tục được giới thiệu trên các tờ Tiểu thuyết thứ Bảy, Tiểu thuyết thứ Năm và nhiều tờ báo khác. Yến Lan viết cải lương, viết kịch và thành lập đội kịch mang tên ông. Đoàn kịch Yến Lan với vở “Bóng giai nhân” đã từng lưu diễn ở Huế, Hà Nội. Thanh Hóa…”
Báo mạng Phú Yến có đăng về Yến Lan: “Ngay trong những ngày tháng 8/1945, Yến Lan là người sớm nhất trong lứa bạn cùng thời làm thơ phục vụ cách mạng tại địa phương. Ông đã viết Bình Định 1945, Bình Định 1947 cùng nhiều ca dao, hò vè cổ động nhân dân đứng lên chống ngoại xâm. Trong khoảng thời gian tham gia kháng chiến, ông cùng với khoảng 16 nhà thơ khác tham gia soạn Cương lĩnh mặt trận Tổ quốc diễn ca để truyền bá trong nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn tác phẩm của Yến Lan. Thơ Yến Lan dễ làm người đọc rung động trước vẻ đẹp của non sông đất nước và tình người. nhà thơ như dắt ta đi qua cuộc hành trình nhân thế với những nét tế vi của cuộc sống. Cả đời thơ ông say mê sáng tạo, tích góp một giọng thơ riêng để làm giàu thêm đại dương thơ dân tộc. Thơ là lẽ sống của đời ông. Kí ức thơ có trong ông từ khi ông có trí khôn đến khi ông từ giả cõi đời làm nên một sức sáng tạo dồi dào qua bao thăng trầm của lịch sử và cuộc đời.:
Ta viết cho đời thơ tuyệt cú
Bù vào đất chật những trường thiên
Quế hòe phóng ngọn trên đồng cỏ
Đọng sóng tầng cao những nét riêng
(Tự bạch- Tháng 7-1967)
Thời gian 100 năm của Yến Lan nhằm ngày 2/3/2016. Trong đó, hơn 60 năm hoạt động nghệ thuật, ông không để lại bất cứ hồi ký nào kể chuyện mình làm thơ, nhưng những vần thơ lưu của ông với những chi tiết đơn giản trong cuộc sống thực, hiện lên từ góc nhìn vừa cụ thể vừa chân thật khiến người đọc rung động tận đáy lòng:
Tỉnh nhỏ
Đìu hiu
Mặt trời ngủ giữa chiều
Trở mình trên mái rạ...
Áo vải tây vàng hai vai đã vá
Tỉnh nhỏ
Cô em-nằm xem-kiếm hiệp
Hàng rong-gặp hàng rong
liếc nhìn nhau qua mẹt bánh
Anh khóa nghèo lên tỉnh
Lá đơn cặp với cán ô…
Cảm hứng về tình yêu trong thơ Yến Lan là cái chất riêng khó gặp ở những phong cách thơ khác cùng thời. Tình yêu Yến Lan không dữ dội mà đằm thắm, thiết tha:
‘Vì với tình tôi phải nhẹ nhàng
Phải là ý ngọc, phải tim vàng
Phải là trọn vẹn là trong sáng
Là một bài thơ khắc chữ “nàng”
(Đồng nội hồn tôi)
Hoài Thanh từng đánh giá thơ tình Yến Lan: “Có cái không khí là lạ nhưng nhẹ nhàng dễ khiến người ta thích”. Tình yêu hiện lên rất chân thật trong cảm xúc nhưng được bao phủ bởi lớp sương khói bàng bạc, huyền diệu, thơ mộng. Âm điệu nhẹ nhàng, đều đặn như lời kể trong câu chuyện cổ tích của mẹ. Hình ảnh về “em” được đánh thức trong ký ức. Một cõi mênh mang, mờ ảo mở ra trong không gian phủ vàng bởi những sợi tơ. Một cô thôn nữ quay tơ, dệt vải là hình ảnh đẹp quen thuộc nhưng vào thơ Yến Lan đẫm nét huyền diệu. Ông đã hư ảo hóa tình yêu bằng màu vàng bao phủ:
Ai về xóm cửi năm năm trước,
Đều thấy em ngồi dệt đoạn tơ,
Quanh em vàng tựa trời gieo xuống,
Vàng ở trong màu xuân lắm thơ.
Tơ em vàng quá cho nên những
Vàng ở màu Ngâu nhạt mất rồi,
Ánh đèn bạch lạp vàng hơn nữa,
Xuyên tận hồn em mộng sáng ngời .
(Vàng)
Tình yêu làm nên chất sống trên đời, nếu đánh mất nó thì là đánh mất ý nghĩa của cuộc đời. Vậy mà tình yêu trong thơ Yến Lan thường dang dở, bị ngăn trở bởi giàu nghèo, và những trở lực về vật chất khiến người ta đau khổ bẻ bàng:
Thói thường đăng đối cuộc nhân duyên
Cha mẹ em giàu dễ để yên
Cho một lứa đôi không xứng vế
Dập ngay ngọn lửa mới vừa nhen...
Giận cái ngây thơ tự lúc đầu
Thấy rằng tường dậu chẳng ngăn nhau
Ai hay rẽ thúy chia uyên ấy
Còn bức thành cao giữa khó, giàu
(Gần nhà xa ngõ - 1939)
Trong tình yêu, với tính cách hiền hòa, trầm lắng. Về mặt tâm lý, Yến Lan không thể hiện đòi hỏi, ham muốn quá mãnh liệt. Và ngay cả với nỗi buồn của sự chờ đợi:
Nắng chiều nay bặt tiếng xuân tiêu
Thôi hát cùng em điệu hát chiều
Thôi tiễn cùng em người lữ khách
Bạn về đợi bạn chốn đìu hiu
(Chiều)
Viết về tình yêu ông thường mượn hình ảnh ẩn dụ “Thuyền, bến và trăng”. Bến đò, dòng sông đối với Yến Lan là hình ảnh thân quen, và có những bến sông đã đi vào ký ức con người để rồi trở thành huyền thoại:
Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách,
Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu.
Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách,
Ông lái buồn để gió lén mơn râu.
Với trăng là chất vi lượng nuôi dưỡng nhà thơ:
“Từ thuở lên hai, trăng đã yêu
Đã bồng, đã ấp, đã nâng niu
Ban ngày tôi ngủ trong lòng mẹ
Lại ngủ trong trăng lúc tắt chiều
Trăng đi từ tóc, đi vào máu
Như sữa tuôn dòng chảy khắp thân …
(Bệnh trăng)
Tuy là lớp nhà thơ tiền bối, nhưng thơ Yến Lan vẫn rất mới; mới ở thể thơ, ở cảm hứng thơ: Không hoảng loạn như Hàn Mặc Tử, không đắm say, cuồng nhiệt như Xuân Diệu, không kỳ bí như Chế Lan Viên. Yến Lan cứ nhẹ nhàng, từ tốn, giản dị như cuộc sống. Mà cuộc sống thì vẫn luôn vận động, là niềm tự hào được sống, được là tinh hoa và được liên đới với bao kiếp người:
Tôi đang sống vì có người đã chết,
Hồn kết tinh bằng bao nhớ thương xưa.
Đời lớn mau và mạnh như bẹ dừa,
Tôi là cả tinh hoa muôn thế kỷ
Sống phút sống của hàng ngàn thi sĩ,
Mơ giờ mơ của bao cửa không gian.
(Những giọt bông hường”)
Với đôi mắt thi sĩ, Yến Lan đã nhìn vẻ đẹp của thiên nhiên qua cảm hứng :
Sầm Sơn xám trong vỏ trai hoài cảm
Ngọc Đa Lăng gói giữa tấm khăn “san”
Trống xa mái ngẫn ngơ thơ đá chạm
Chiều bồ câu cánh ủ khắp viên trang
(Xa xanh)
Và bằng những câu thơ hiện đại Yến Lan đã thổi hồn cho cảnh vật của quê hương Bình Định:
Ôi Bình Định mây chia trời cách biệt
Nhúng bâng khuâng trong giá lạnh sương hoa
Nhà ngơ ngẩn, những tường vôi keo kiết
Nam quách sầu, Đông phố quạnh, Tây môn xa
Tình yêu con người, quê hương, đất nước trong Yến Lan lắng đọng tận cõi lòng nên vào thơ, hơn bất cứ nhà thơ nào khác, nỗi buồn của người nô lệ hiện rõ trong thơ ông:
Mái tóc hoa râm rũ xuống mày,
Từng ô chữ ngắn trong pho sách
Sao khiến thầy buông tiếng thở dài?
…
Tôi biết thầy lo chuyện nước non
Lòng phơi như ánh mặt trăng tròn
Mỗi khi nhắc đến người buôn tẩu
Tâm sự trào lên ngọn bút son
và xóay sâu trong tâm can ông:
Nhánh tòng bá có đau vì xứ sở
Chớ quặn mình thêm nức nở hồn tôi
Không được sống xin cho cùng được thở
Vạn lý tình trong gió ngọt xa xôi”
(Bình Định 1935)
Vẫn giọng thơ nhẹ nhàng mà thấm thía, tác giả cảm nhận sâu sắc một tương lai đang chờ đón cuộc trở về của những đứa con đã lỡ bỏ làng ra đi. Những hình ảnh trên quê hương biểu hiện một sức sống mới căng trào. Tất cả đang mở ra đầy sức sống:
Buồng phổi mới ngực phồng thân áo xám.
Trăng mát đường về hội nghị cơ quan
Ôi Bình Định từ những ngày tháng Tám
Bao đứa con xiêu lạc trở về làng
Chiều đại hội ráng lồng trên biểu ngữ,
Đời căng buồm về xứ sở tự do
Đường Cách mạng thơm từng trang lịch sử...
Tất cả những điều đó đã gói gọn vào mấy dòng nhận xét của nhà thơ Anh Chi: “Yến Lan là nhà thơ tả thực rất tinh, sâu và có hiệu quả thơ, khiến độc giả rung động bởi được hiểu đời thật và thắm thía thương đời. Có thể nói viết câu thơ tả thực mà làm cho người đọc rung động như Yến Lan là rất khó và rất hiếm:
Nghe trên đàng quạnh hiu
Cổ xe bò nặng nhọc
Người trên xe trằn trọc
Giữa những tiếng rơm kêu
Người ta thường nói: “Cả cuộc đời một thi nhân chỉ cần để lại cho đời một bài thơ hoặc một câu thơ hay là đủ. Nhưng, với Yến Lan, giới yêu thơ đều biết; mỗi giai đọan lịch sử Ông đều để lại dấu ấn. Ông có rất nhiều bài thơ hay, ngoài Bến My Lăng còn có Bình Định 1935, Bình Định 1947, Lại về tỉnh nhỏ, Uống rượu với bạn đồng hương...”.
Nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Bao đã phẩm bình sơ lược: “Năm 20 tuổi nhà thơ Yến Lan đã có những câu thơ điêu luyện, tài hoa, những câu thơ có thể xếp vào lọai đặc sắc:
Trống xa mái ngẫn ngơ thơ đá chạm
Chiều bồ câu cánh ủ khắp viên trang
Sầu tam giác buồm cô về lặng nghỉ
Nhịp hoãn hòa đến vỗ đảo xa khơi”.
Đó là những tìm tòi táo bạo, phát hiện tân kỳ vừa kết hợp nhuần nhị tính dân tộc và phong cách hiện đại, vừa mang vẻ đẹp phương Đông truyền thống kết hợp thủ pháp nghệ thuật phương Tây…”. Vị trí của Yến Lan lớn, nhỏ đến đâu trong thi đàn nước nhà, điều đó còn chờ sự lắng đọng của nhận thức, phẩm bình và thời gian; nhưng có điều dễ thấy ở Yến Lan: Ông là một thi tài thật sự đặc sắc!”
Nhà thơ Trúc Thông, một tác giả cách tân thơ ở Việt Nam hiện nay, nhận xét về thơ tứ tuyệt của Yến Lan đầy cảm phục: “Trong số lưa thưa bậc hảo hán của thơ tứ tuyệt Việt Nam hiện đại, Yến Lan thuộc loại “bố già”. Một “bố già” hiền lành. Không cân quắc, ngang tàng, vang động. Nhưng vẫn đầy cốt cách trong cung cách âm thầm…‘Với sự đóng góp của Yến Lan suốt gần trọn một thế kỷ dâng hiến cho đời biết bao khúc nhạc lòng mà quê hương ông dường như cố tình hờ hững. Điều đó cho thấy trong suốt một thời gian dài, tên tuổi và sự nghiệp thơ văn của Yến Lan dường như bị lãng quên… Phải chăng đó là sự bất công hay nói như Chế Lan Viên "Có nhiều lí do. Nhưng thơ là cái đẹp lặng im, đi lầm lũi trong im lặng" thế nên thi sĩ ấy như một kiếp tằm, rút ruột nhả cho đời những sợi tơ óng ánh để rồi mình lặng im hóa kiếp chẳng ai hay, chỉ biết rằng mình hoàn thành nhiệm vụ " trả nợ dâu" và thanh thản! Còn cả đời ông không chức sắc gì to lớn, không giải thưởng đỉnh cao tột bậc, không tượng đài, không tên đường”.
L.B.T
< Lùi | Tiếp theo > |
---|