LÂM BÍCH THỦY: Một thời không dễ quên


Yenlan
Nhà thơ Yến Lan

 

Cũng tại trí nhớ của tôi hơi tốt, giá như có thể quên được. Nhưng làm sao tôi có thể quên những ngày ấy được!

Chân ướt chân ráo gia đình tôi vừa đến nơi ở mới, 73 Phố thuốc Bắc - Hà Nội thì ba tôi -  nhà thơ Yến Lan phải đi “thực tế”. Tất cả văn nghệ sĩ nói chung phải về nông thôn để 3 cùng với nông dân “Cùng làm, cùng ăn, cùng ở”. Đợt thực tế này, ba tôi có lưu ảnh chụp chung với đoàn từ 10 đến 15 người trong thời cải cách ruộng đất (CCRĐ).

Về với nông dân, cùng làm việc với họ “trên từng cây số”, tưởng mọi việc như buồm xuôi gió. Nhưng, những định kiến về trí thức của cái gọi là Nhân văn giai phẩm đối với người nông dân trong thời hậu CCRĐ cũng lắm nhiêu khê. Khi xem giấy giới thiệu ghi là: Ông hay Đồng chí. Nếu là đồng chí (tức là đảng viên) thì Chủ nhiệm HTX kính nể, tin tưởng và dễ làm việc hơn chữ ông. Giấy giới thiệu của ba tôi chỉ ghi chữ “ông”!

Tôi cũng được chứng kiến thời gian mà cuộc CCRĐ đang vào giai đoạn quyết liệt nhất. Lòng căm thù của nông dân đối với địa chủ đang trong thời kỳ dầu sôi lửa bỏng; khắp xóm, làng khí thế đấu tố hừng hực; nhà nhà đấu tố, người người đấu tố! Không có người để tố cũng phải tìm cho ra! Học sinh miền Nam chúng tôi mới ra Bắc còn đang ở nhờ nhà dân tại Sơn Tây, song được trực tiếp chứng kiến cảnh đấu tố và xử bắn vài tên “địa chủ cường hào gian ác”.

Ngày ấy, ông Nguyễn Cường - Phụ trách Thiếu nhi xã, may mắn có lực lượng chúng tôi hậu thuẩn để đi tuyên truyền, cổ động đồng bào đấu tố. Chú bảo làm gì, chúng tôi răm rắp nghe theo; biết gì đâu, đứa lớn nhất lớp chỉ hơn 10 tuổi, đứa nhỏ mới 7 tuổi còn ỉa đùn trong quần nữa kia. Cứ chiều chiều, chú tập họp chúng tôi thành hai hàng, dẫn đi khắp hang cùng ngõ hẽm, xóm này đến xóm khác; tay nắm thành đấm, dứ dứ vào không khi. Đáp lại lời chú: “Đã đảo địa chủ cường hào gian ác”, chúng tôi hét: “Đả đảo, đả đảo, đả đảo” một cách hăng say và cuồng nhiệt!

Trong thôn tôi ở, có một ngôi nhà ngói, chú Cường nói: “Đó là nhà của thằng địa chủ cường hào nhất thôn ta”. Tôi không biết cường hào là tội gì nhưng cứ nghe đến chữ đó tôi có cảm giác rất bất an; mà đó chỉ là một ngôi nhà ngói, tường gạch bao quanh, so với nhà ở thành phố thì có gì to tát đâu mà gọi là giàu có, vậy mà cái án “địa chủ cường hào” đã đưa chủ nhà đến dựa cột. Cổng nhà ông lúc nào cũng đóng im ỉm, không bóng người ra vào, nếu có thì phải cúi gằm mặt xuống đất, không dám ngẩng lên!

Ngang qua nhà ấy, tôi thấy lòng mình trào lên một nỗi thương tâm vô hạn, nhưng nếu tôi nói ra cho bạn nghe thì tôi sẽ bị qui là lập trường giai cấp không rõ ràng, không biết phân biệt ta hay địch, thương hại địa chủ là có tội với nông dân v.v…  Cũng chính ông địa chủ này, tôi chứng kiến cảnh bị đấu tố và bị xử bắn tại trận! Nghe người ta nói, những kẻ đứng lên tố ông chính là những người họ hàng thân thiết của ông, từng được ông giúp đỡ lúc cơ nhỡ!

Sáng hôm ấy, lớp tôi tập họp tại sân gạch để nghe xét xử. Ban đầu thấy hai, rồi ba người liên tiếp đứng lên, xỉ vào mặt ông địa chủ vừa khóc vừa kể lể: “Mày là tên địa chủ cường hào gian ác, mày bóc lột gia đình tao, mày ức hiếp tao” v.v... Sau đó, chủ tọa phiên tòa kết luận: “Vì tội ác tày trời, gian ác, ỉ giàu ức hiếp dân lành... tên địa chủ Nguyễn văn A đáng bị trừng trị - xử bắn! Thế là hai anh dân quân đến bẻ quặt tay ông ra sau lưng, lấy vải đen bịt mắt rồi lôi xềnh xệt ông ra cột vào cây lông não bên kia đường. Và sau đó, một tiếng hô lạnh như thép, khô khốc vang lên giữa buổi trưa hè oi ả: “Chuẩn bị! Bắn!”.

Cùng đi thực tế với ba tôi có chú nhà thơ Hoàng Minh Châu, nhà văn Bùi Đức Ái. Họ đi ra biển, lên miền núi, về nông thôn. Ở thôn, ba tôi được bố trí vào nhà có hai hộ khẩu. Một là vợ chồng người con trai khoảng hơn ba mươi, có 4 con nhỏ. Bọn nhỏ mặt mày lem luốc, bụng ỏng, đít teo, truồng như nhộng, và người cha, trạc 60 tuổi, đau yếu, ốm tong teo. Ba tôi nộp lương tháng cho vợ của người con trai để được “3 cùng”. Ở đây, một vảy cá, một lá rau vô cùng quí giá. Bữa cơm thường là khoai, sắn luộc với khế, cà muối, đắp đổi qua ngày. Mỗi bữa cơm chỉ có những rễ khoai lang bé tẹo với muối hột... Thiếu rau, dinh dưỡng nên họ quắt queo, như ngọn đèn cạn dầu lay lắt trước gió.

Kết quả đi thực tế về, ba tôi bị lao, nằm Viện lao Trung ương. Không nhớ năm nào, chỉ nhớ mẹ con tôi vào thăm ông mấy lần, ông ra cửa đứng ngay tại cổng bệnh viện nói chuyện, ba không cho mẹ con tôi vào trong sợ con bị lây bệnh.  Đi thực tế, tôi nhận ra có sự chuyển biến trong ba. Trước, thơ ông có chỗ khó hiểu:

Đảo chờ thơ cõi quạnh

Vườn phù tang tiếp mây

Bướm vàng theo mệt cánh

Lạc trong sầu biếc xây

Cheo leo đài vọng hải,

Mây trắng nghìn tin xa

Cừ thông hờn nắng bãi,

Nương cát trễ tay ngà...

Tôi không hiểu những từ trên ba muốn nói gì; nhưng thơ từ trong thực tế ở, ăn, lao động trên thửa ruộng, trên bãi biển cùng người lao động… là tiếng nói thông thường của cuộc sống giản dị, mộc mạc như cách nói của người nông dân len lõi vào trong tôi rất dễ dàng:

Đất ơi đừng gọi     

Cánh buồm đang bay  

Ngựa - tôi từng cưởi    

Trâu - tôi đã cày

Thuyền - tôi mới lái    

Người tôi say sóng

Hay thuyền say tôi

Tôi say cuộc sống

Thuyền say con người

Một ngày lao động

Trên chặng đường ông đến đều có chông gai, gian khổ, nhưng ông thấy yêu và quí tất cả:

Mái vàng dưới bóng phi lao,

Bốn bên gió thổi rì rào nắng bay.

Nan mui lót dưới ghế thầy,

Ván khoang ghép lại mấy dây bàn trò.

Lưới lau phấn bảng phất phơ,

Dây neo chống bão quàng vô chái hè.

Chương trình sáng giữa liếp tre,

Vang vang tiếng kẻng đổ về thôn trên…

Để rồi lúc chia tay thì luyến tiếc:

Tạm biệt, tạm biệt, này đồi hoa đỏ

Tạm biệt cánh đồng như con mắt biếc

Tôi đến, tôi yêu, tôi về tôi tiếc…

Một người có tâm hồn bén nhạy như ba dễ nhận ra một điều, nhất là qua đợt thực tế vào những năm 1950-1960: Gian khổ, khó khăn không phải là điều đáng sợ. Cái làm cho người ta không chịu được, lúc thì thế này, lúc thế kia, làm cho người ta nghĩ tới giữa nói và làm, giữa lý thuyết và thực hành không đồng nhất, không thuyết phục được tinh thần họ và họ muốn đổi mới. Một ví dụ rất cụ thể: Để thực hiện kế hoạch “5 năm đầu Hợp tác hóa nông nghiệp”. Trọng tâm của kế hoạch này là tập trung “đưa sản lượng lúa đạt năng suất 5 tấn/ha”. Chỉ vậy thôi mà có tới hai cách làm trái ngược nhau: Lúc đầu, ông cán bộ khoa học sang Trung Quốc học tập kinh nghiệm, về hướng dẫn cho bà con nông dân: “Muốn tăng năng suất ta phải cấy thưa”. Thế là chúng tôi ra rả: “Cấy thưa thì thừa thóc, cấy dày cóc được ăn”.

Sau một thời gian không kết quả, ông cán bộ khác đi Trung Quốc. Ông này về chỉ đạo: “Ta phải cấy dày thì mới có ăn”. Để bảo vệ luận điểm đó, trên báo có quảng cáo hình Mao Chủ tịch, khuôn mặt hồng hào, to béo, khỏe mạnh, đứng trên những bông lúa mẩy đều, dày đến độ không thể nào dày hơn nữa để không bị quằn dưới thân hình bự con của Chủ tịch Mao. Chúng tôi nói với nhau: “Chắc anh phó nháy phải kê ván ở dưới để bác Mao Chủ tịch đứng?”. Đúng sai thì chỉ có nhà nhiếp ảnh và cụ Mao biết thôi?

Về vấn đề học tập và áp dụng kinh nghiệm nước bạn vào nước mình, tôi nghe ba tôi  tranh luận với  các  chú: “Sao ta cứ rinh nguyên cách làm của nước bạn để áp dụng vào ta. Mỗi nước có phong thổ, địa lý, đất đai, khí hậu khác nhau, không thể cứ bạn làm sao ta làm vậy, đó là giáo điều…”. Từ những việc như vậy, ba tôi có bài thơ “Tĩnh vật”. Cũng vì bài thơ này mà đời ông không vượt nỗi chính mình mấy chục năm sau đó, bởi ông phê phán chủ nghĩa giáo điều rất thẳng thắn và mạnh mẽ: “Họ lấy cả giáo điều rán mỡ làm quay guồng máy nổ”.

Cùng thời, học sinh chúng tôi là lực lượng trẻ, là cán bộ tương lai của đất nước, chúng tôi phải “Phấn đấu, tu dưỡng thành người cán bộ vừa Hồng vừa Chuyên để sau này về phục vụ quê hương miền Nam”. Muốn làm được điều đó, Bác Hồ luôn đề cao tinh thần: Giữ gìn sự đoàn kết / Tự phê bình và Phê bình. Bác giải thích:“Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình”,”Phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của đồng chí mình”. Nhưng, thực tế không được như vậy. Ở cơ quan, lớp học, ai dám nói thật. Dịch giả Đào Xuân Quí, là Đảng viên lâu năm, qua Hồi ký “Nhớ lại”; trang 142: “Sự thật không phải lúc nào cũng nên nói. Mà khi đã nói, còn phải xem nên nói với ai, nói vào lúc nào, và nói như thế nào nữa chứ! Chao ôi! Chỉ có việc nói sự thật không thôi, mà sao phiền phức, sao khó khăn, rắc rối đến thế nhỉ”.      

Các chú trong Hội nhà Văn bảo rằng ba tôi - ông Yến Lan hiền lành! Nói một cách thành thật, ba tôi hiền nhưng không ngố mà lập trường của ông rất kiên định. Ông khuyên tôi: “Chơi với người trên chớ nịnh / chơi với người dưới chớ kiêu”. Điều này xem ra ba tôi không thức thời tí nào, vì, có câu nói ngược lại: “Thật thà thì thua thiệt, luồn lách lại lên lương”.

Thi tốt nghiệp phổ thông xong, cô bạn thân rủ tôi đưa đơn vào Đại học Ngoại thương Ngoại Giao, và đợi thư trường báo. Nhưng, tôi lại nhận thư Trường Đại học Nông Nghiệp. Cầm phong thư, tôi thẩn thờ, dường như niềm hy vọng bay cao, bay xa trong tôi tắt ngủm! Tôi cho rằng có ai đó không phải với gia đình tôi? Nếu xét gốc ba đời, nhà tôi chưa ai làm nông, về vóc dáng thì tôi thuộc loại thiếu xương, bé nhỏ, chỉ nặng 35kg. Mà lúc ấy, tôi có một ưu tiên đắt giá nữa là: “Con em cán bộ miền Nam tập kết là diện ưu tiên số 1 chọn ngành nghề hợp với sức khỏe, nguyện vọng”.

Đơn xin vào trường Ngoại thương Ngoại giao bị trả lại. Nơi đây, con các ông lớn, đã yên vị hết, họ ngâm nga: “Nhất Y; nhì Dược; tạm được Bách khoa, Nông nghiệp bỏ qua, Nông lâm cút thẳng”. Trường Nông nghiệp gửi thư cho tôi lần thứ hai. Tôi đưa cho ba xem, tưởng ông tìm cách tháo gỡ, nào ngờ cụ lại ca bài Tái Ông mất ngựa “Thôi con! được ngựa không nên mừng, mất ngựa không nên tiếc. Biết đâu ở lĩnh vực này con sẽ là nhà phát minh, là Anh hùng Lao động thì sao!.”

Ôi! lúc nào ba tôi cũng gợi mở và hướng cho tôi một chân trời rộng mở, lạc quan đến vậy!

L.B.T
(Trích Hồi ký về người cha thi sĩ của Lâm Bích Thủy)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com