LÂM BÍCH THỦY: An Nhơn quê tôi là thế đấy!

9nhathoyen-lan

Nhà thơ YẾN LAN và con gái Lâm Bích Thủy (ảnh chụp trên sân thượng nhà 37 Hàng Quạt - Hà Nội)

Thế là chỉ còn mấy ngày nữa, thị trấn từng rất đìu hiu nọ được giải phóng tròn 40 năm (30/3/1975 - 30/3/2015) rồi ấy nhỉ! Thế mà cũng chính nơi này, gần ¾ thế kỷ trước; nếu ai chưa đặt chân đến, chỉ nghe qua những vần thơ của thi sĩ Yến Lan cũng sẽ cảm nhận được sự nghèo khó, đơn điệu và đìu hiu đến cỡ nào:

Tỉnh nhỏ đìu hiu

Mặt trời ngủ giữa chiều

Trở mình trên mái rạ

Cây đứng nép bên đường

Tay xương nắm lá

Như tay người đưa thư

Áo vải tây vàng hai vai đã vá

Đi giữa đường mấp mô

Không có kẻ đợi chờ… ..

Cả thị trấn lúc đó chỉ có:

Đôi chiếc xe chụm đầu ngái ngủ;  

Còn thiếu nữ thì chỉ biết:

Nằm xem kiếm hiệp ...”

Ừ, bé nhỏ và nghèo nàn vậy thôi, nhưng, nơi ấy lại mang dáng dấp của một vùng quê đa văn hóa, giàu tính lịch sử và huyền thoại. Vâng, khi nhắc đến An Nhơn - quê hương tôi; ở đây có địa danh tên Bàn Thành mà trong lịch sử dựng nước và giữ nước không thể bị lãng quên được.

Bàn Thành là tên gọi thành Đồ Bàn thủ đô của nước Chiêm Thành tại Bình Định vào thế kỷ thứ X. Thành Đồ Bàn nhờ địa thế và kiến trúc kiên cố nên bền vững trên 5 thế kỷ. Đến năm 1470 vua Lê Thánh Tông đánh lấy, đổi tên là thành Qui Nhơn. Đời Tây Sơn, Nguyễn Nhạc xưng đế đóng đô tại đây được 18 năm, đặt tên là Hoàng Đế Thành. Năm 1799 Nguyễn Ánh lấy được đổi lại là Bình Định thành. Năm 1814 thành Đồ Bàn bị phá đi để lấy đá xây một thành mới cách thành cũ chừng 5 cây số về hướng Nam. Người đời sau khi nói đến địa danh Bình Định thường dùng tên Đồ Bàn  (Theo Quách Giao).

Và nhắc đến Bàn Thành thì không thể không nhắc đến nhóm thơ của bốn chàng trai. Trong số họ có người chưa đến tuổi hai mươi; họ đến với nhau bằng tình thương và sự đồng cảm để lập nên nhóm gọi là Tứ Hữu Bàn Thành: Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Yến Lan và Chế Lan Viên. Họ ra đời trên một miền quê nghèo khó, nhưng những đỉnh tháp Chàm cổ kính, trăng vàng trên thành Đồ Bàn, dòng sông Côn, là những thứ đã cho họ một sự nghiệp văn chương, mỗi người mỗi vẻ đã đem vinh quang về cho quê An Nhơn Bình Định nói riêng và nền văn học dân tộc Việt Nam nói chung.

Ngạn ngữ Nga có câu: “Không có cuộc sống bất tử, chỉ có sự nghiệp bất tử”. Đúng thế! những người con của quê An Nhơn đó giờ đây không ai còn, nhưng sự nghiệp văn chương của họ sẽ còn lưu mãi tới ngàn năm sau.

Khi còn sống, nhà thơ Yến Lan thường tâm sự với bạn văn về bước chân chập chững vào thế giới văn chương của mình: “Khoảng năm 17-18 tuổi; lúc đó, tôi dạy tư ở nhà. Học trò lóc nhóc đủ hạng. Hàng tháng học phí mỗi đứa dăm sáu hào. Nhưng thu tiền rất khó và phiền phức, nhiều đứa nghèo quá tới học không. Nhà có mảnh vườn nhưng tôi chẳng biết làm gì, túng thiếu. Thơ tôi đăng đều trên báo Phụ Nữ, Tiểu Thuyết thứ Bảy. Tết đến đọc thơ mình trên báo, chẳng có một xu dính túi, chứ đâu sướng như bây giờ. Các báo hồi đó nghèo quá mà cũng là bạn hữu văn chương cả. Tôi nhớ có lúc anh Minh Vĩ ra tờ báo “Phụ Nữ Hà Nội” tôi và Chế Lan Viên thường xuyên viết giúp. Tôi lấy bút danh là Xuân Khai còn Chế Lan Viên thì ký tên Kiểm Tịnh Chi…”

Nhà thơ Anh Chi đã viết về những người con của đất An Nhơn như sau: “Vào những năm 1930-1940, trên văn đàn có hai tờ tạp chí: gồm Tiểu thuyết thứ Bảy và Tiểu thuyết thứ Năm. Tờ TTTB, xuất bản vào năm 1933. Tờ TTTN xuất bản năm 1937. Mỗi số có 24 trang, kích cở 32cm x 24cm (những số đặt biệt lên đến 32 trang). Thời kỳ đầu do ông Lê Tràng Kiều làm chủ bút, Đỗ Phồn là thư ký tòa soạn; các ông Phạm Văn Kỳ (tức Kỳ Pa), Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng và một số cây bút khác như Yến Lan, Vũ Trọng Can, Thanh Tịnh, Quỳnh Giao, Anh Thơ, Mộng Tuyết.. là cộng tác đắc lực cho tờ báo.

Phần lớn các cộng tác viên gửi báo đăng bài của mình rồi nhận báo biếu để đọc cho vui chứ không ai nghĩ đến nhuận bút. Chỉ có anh em ruột Trúc Đường và Nguyễn Bính, người Nam Định được tòa soạn cấp cho mỗi người, hàng tháng 5đ Đông Dương để sống và viết cho báo. Còn khá giả như Đàm Quang Thiện, anh em Phạm Huy Thông, Phạm Huy Thá i- con chủ hiệu vàng Chấn Hưng, thì khi báo có tiền nhờ quảng cáo nào xôm tụ thì mời họ đi ăn một bữa là quá lịch sự rồi.”

Thế đấy; An Nhơn là nơi đã sản sinh ra nhiều nhân tài về nhạc, hội họa, thơ ca mà tên tuổi của họ cũng đã được ghi vào lịch sử của sự phát triển văn hóa như Hàn Mặc Tử, Quách Tấn, Yến Lan, Chế Lan Viên, và ba anh em họ Phạm là Phạm Văn Ký, Phạm Hổ, Phạm Thế Mỹ v.v...

Theo nhạc sĩ La Nhiên (tức Nguyễn Liên) con trai danh cầm đàn Tranh, Bảy Thiều, nổi tiếng của những thập niên 1950, cũng rất yêu thích các chàng thi sĩ này. Anh viết: “Hồi ấy, theo gợi ý của Ban biên tập Báo “Phụ Nữ Hà Nội” đã có một giai đoạn cả Chế Lan Viên lẫn Yến Lan buộc lòng phải đổi giới tính trong bút hiệu của mỗi người. Kiều Tịnh Chi, hoặc Kiều Linh Chi là bút danh của Chế Lan Viên, còn Yến Lan mang bút danh Cô Yến, hay Nàng Lê, những “nữ” tác giả này không mấy chốc “mê hoặc” được bạn đọc bốn phương của báo “Phụ Nữ Hà Nội” qua các chuyên trang “Phụ nữ xưa và nay”, “Phụ nữ Phương Đông” với quyền bình đẳng..” Không lâu sau, trên mặt báo quen thuộc này, bỗng xuất hiện và khoe sắc với một bút danh nữ mới toanh: Kiều Thu Ngân - Phạm thị Ngàn ở chuyên mục - Người Nội Trợ.

Hai chàng thi sĩ nọ “suy ta ra người” nghĩ rằng chắc cũng là bút danh của một anh chàng nào đây và không bận tâm tìm hiểu “nàng Kiều” này làm gì… Bỗng một hôm, Chế Lan Viên đến nhà Yến Lan, đưa cho ông xem trang thơ của Báo “Phụ Nữ Hà Nội” với bài thơ của Kiều Thu Ngân, đề tặng đích danh “Cô Kiều Tịnh Chi tức Chế Lan Viên. Bài thơ “Khuyết đề”. Có hai câu được ông Minh Vĩ  bình rằng:

Tháp cao gió phổ Điêu tàn nhạc

Thành rộng mưa đan Giếng loạn thơ

Nếu “Điêu tàn” là tập thơ đầu đời của Chế Lan Viên thì “Giếng loạn” cũng chính là “chùm thơ khắc tâm” xuất sắc của Yến Lan. Cho nên “Tháp cao” sánh với “Thành rộng” là quá cân bằng lại còn thêm “Gió phổ điêu tàn nhạc” sánh với “Mưa đan giếng loạn thơ” thì còn nơi nào trong “Xứ thơ” này lộng lẫy hơn? Chưa hết, ông Minh Vỹ còn thêm“Kiều Thu Ngân” có những lời ca ngợi như xoáy vào tim của hai tài năng thơ mà nàng ta đang vô cùng mến mộ:

Làng thơ nổi tiếng nhất xưa nay

Tứ hữu Bàn Thành có những ai

Thử đến lầu thơ nhìn tận mặt

Hiện hữu hai chàng - Thơ vắng hai..

Trong khi ở Bình Định, Yến Lan và Chế Lan Viên đang phân vân về bút danh này, thì tại Hà Nội, ông Minh Vĩ mang một thắc mắc có tính chất tự vấn: “Chẳng lẽ Chế Lan Viên tự đề tặng cho chính mình?”. Điều đó khó có thể xảy ra, nếu như vậy sẽ mất uy tín của một nhà thơ tầm cỡ như anh ta? Vì vậy ông đã khá vất vã và mất thời gian để tìm hiểu vụ này cho ra nhẽ. Cuối cùng, các nhân viên trình cho ông một bài lai cảo của tác giả Kiều Thu Ngân - Phạm thị Ngàn, được lưu giữ từ nhiều năm trước. Tác giả gửi đến Ban biên tập báo PNHN từ làng An Thái, phủ An Nhơn-tỉnh Bình Định, ngày…tháng…năm 1938, trong đó nổi bật mấy câu:

Cửa Đông rẽ trái Trạm Nha

Cửa Đông rẽ phải dốc Nhà Tầm cao   

Tìm người như thể tìm sao

Trái phải không gặp thơ lầu vắng hoe

Vì vậy, công bằng mà nói sự đóng góp của các nhà văn, nhà thơ, các nhạc sĩ ở An Nhơn trước đây và cả sau này nữa đã khẳng định khả năng biểu đạt phong phú của ngôn ngữ Việt cũng như khẳng định sự phát triển thề loại văn chương lên một bước mới, nhiều sức chinh phục.”

Quê hương mỗi người chỉ có một, như chỉ do một mẹ đẻ ra mà thôi, song nếu vì một lý do nào đó mà phải rời quê để đến nơi khác để mưu sinh, không có nghĩa họ chối bỏ quê. Dẫu xa quê hàng ngàn cây số nhưng trái tim họ luôn đau đáu nhớ về nơi đã chôn nhau cắt rốn mình. Họ vẫn luôn hướng về quê, theo dõi sự đổi mới, phát triển của quê trên con đường hội nhập.

Và tôi đã thấy quê mình giờ đây khác xưa rất nhiều: 40 năm sau giải phóng, thị trấn nhỏ bé đã vươn lên đuổi kịp các tỉnh bạn. Suốt thời gian qua, nơi đây không ngừng thay da dổi thịt. Bây giờ các bạn ở đâu đó xa quê, nếu có dịp hãy một lần về thăm quê sẽ thấy: Cuộc sống mới ở An Nhơn ngày một khấm khá hơn, thị trấn đã trở thành một thị xã sầm uất nhất của tỉnh Bình Định; trong thị xã đã có những con đường mới thênh thang rãi nhựa, mang tên các danh nhân, anh hùng; chợ Gò Chàm thì xây mới lại, rộng hơn, đủ chỗ bán cho các loại hàng hóa; trường học thì khang trang, lại có công viên thoáng mát, có câu lạc bộ thơ ca xôm tụ, có nhà Bưu điện trang bị máy fax, và công nghệ kỹ thuật số chi phối toàn bộ hoạt động ngành viễn thong, chỉ tích tắt là từ nơi xa hàng vạn cây số, ta cũng nhận được tin người nhà ngay tức khắc v.v…

L.B.T

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com