Chị Đẹp LÊ PHƯƠNG THẢO - Người đàn bà giao thoa giữa hai nền văn hóa

Mục lục
Chị Đẹp LÊ PHƯƠNG THẢO - Người đàn bà giao thoa giữa hai nền văn hóa
Thông tin liên quan đến nhà văn CHỊ ĐẸP Lê Phương Thảo
Tất cả các trang

 

Với bút danh "Chị Đẹp", Lê Phương Thảo đã nổi tiếng trên cộng đồng mạng cũng như như tác phẩm sách xuất bản. Chính từ đây, bạn đọc cảm nhận được sự thông minh, sắc sảo nơi chị, đúng với chữ "Đẹp" ấy.  Và chị - nét gạch nối giữa hai nền văn hóa Đông - Tây đã góp thêm cái nhìn nhân văn, nhân bản nhưng khá hiện đại về con người, cuộc sống, cách sống.

lephuong-thao-young-1

 

Viết từ những trải nghiệm

Chào chị, rất vui khi chị dành thời gian chia sẻ cùng Young Style. Trước hết, Young Style xin chị chia sẻ một chút về cơ duyên đến với nghề viết văn và những vui buồn trong nghề?

Thật ra văn chương với tôi không phải là “nghề”, vì tôi quan niệm, “nghề” phải nuôi sống được mình một cách phong lưu, và người có “nghề” phải có khả năng làm “nghề” một cách dễ dàng điêu luyện. Rõ ràng viết văn ở Việt Nam không cho ai một cuộc sống phong lưu cả, đồng thời tôi cũng không thuộc nhà văn viết lách điêu luyện.

Tôi viết văn từ khi còn rất bé, học lớp năm đã có bài đăng trên báo Mai Bê Bi của nhật báo Chính Luận [ một tờ báo trước 75 ở Saigon ]. Lớp tám đã viết vài cuốn truyện dài, mỗi cuốn đầy quyển vỡ 100 trang giấy học trò. Thuộc loại học sinh giỏi văn của trường, viết các thể loại rất dễ dàng, đến độ được chọn viết bài diễn văn mừng Hiệu Trưởng mới về trường sau năm 75. Sang Mỹ cũng tham gia viết lách cho vài tạp chí của hội sinh viên và cộng đồng người Việt. Như vậy, không phải tôi “rẽ sang” con đường viết văn, mà chỉ là văn chương với tôi chưa bao giờ là mục đích hay một “con đường”, nó chỉ tự nhiên như ăn uống ngủ nghĩ vậy thôi. Thích thì viết. Nhìn thấy gì thú vị, nghe được gì sâu sắc cũng muốn viết ra miêu tả lại, như một người thích kể chuyện. Vì thế, buồn vui của “nghề” không ảnh hưởng đến tôi. Viết được là vui vì thấy mình vẫn còn khả năng kể chuyện.

Là một người chuyên về ngành thời trang, phải chăng tiếp xúc với cái đẹp nhiều đã khiến chị đam mê và đến gần với vẻ đẹp một cách chân thực hơn qua việc miêu tả bằng con chữ?

Rất nhiều người đọc văn tôi và nghĩ rằng tôi đã “chụp” lại và tô màu những ngôn từ những câu chuyện. Vì văn phong đượm đầy hình ảnh màu sắc và chi tiết. Với những ý kiến như vậy, tôi thật sự cảm động vì họ đã thật tình “đọc và nhìn” mình một cách gần gũi chân thật nhất. Đúng là với background về thời trang, về thiết kế, có lẽ hình ảnh và màu sắc của cái đẹp đã thấm đậm trong tinh thần đến độ khi nhả chữ ra cũng như đang ..vẽ vời. Người khác có thể viết về hình dáng của một chiếc áo dài, tôi có thể viết về những hạt nút bé xíu đính trên hò áo, về sự lay động uyển chuyển của cơ thể người đàn bà bên dưới lớp áo, về vài giọt mồ hội thấm đượm ở đáy lưng của tà áo. Đó là sự khác biệt của người viết chữ và người vẽ chữ, tôi nghĩ thế.

 

lephuong-thao-young-3

 

Chính vì lẽ đó mà một người “tay ngang” như chị nhưng được nhà thơ Lê Minh Quốc đánh giá rằng chị đã “bỏ bùa từ những dòng chữ viết”? Chị nghĩ sao về điều này? Nếu so với các nhà văn tên tuổi khác thì có quá không và theo chị thì đây có phải là cuộc dạo chơi trong vườn văn nhưng lại thành công?

Văn chương cũng như nhan sắc, đẹp /xấu, hay / dở đều tuỳ thuộc vào tâm thế, tinh thần, trình độ và thói quen của người đọc. Không thể nói ai đúng ai sai trong vấn đề này. Bởi vậy, tôi không bao giờ đọc những bài phê bình văn học, vì khi đọc những bài đấy, mình chỉ đọc được những suy nghĩ vô cùng cực đoan của một cá thể. Mà mình không thể nào giống người khác. Cách đọc và cách đánh giá một cuốn sách của mình cũng không giống người khác. Ngay cả chính tôi, đọc cuốn sách cách đây một năm, bây giờ đọc lại tư tưởng mình cũng đã rất khác. Cho nên không có gì là quá đáng khi một người nào đấy khen hay chê văn của mình, một thời gian sau, họ sẽ không còn nghĩ như vậy nữa.

Tôi có một thái độ sống rất thản nhiên, và thái độ thản nhiên này ẩn hiện trong tất cả công việc cùng các mối quan hệ trong đời sống hằng ngày của mình. Tôi làm việc nghiêm túc, viết thật thà, và khi mình không quá quan trọng về sự thành công [ trong viết lách ], thì cuộc dạo chơi như chị nói sẽ thong dong hơn. Những nhà văn tên tuổi, theo tôi nghĩ, họ không có nhu cầu so sánh tay nghề của họ với bất kỳ một ai. Nên chả có gì là quá khi có một ai đấy cho rằng tôi đã  “bỏ bùa từ những dòng chữ viết”, vì đấy cũng chỉ là một ý kiến vô cùng cá nhân mà thôi.

Cái gì chân thật và sâu sắc sẽ đi từ trái tim rồi sẽ chạm đến trái tim. Vì vậy, đọc các tác phẩm của chị người đọc đã tìm thấy phần nào đó con người của mình, ngay cả khi chị viết về một Sài Gòn xa hoa tráng lệ?

Con người rất khác nhau nhưng cũng rất giống nhau. Người ta có thói quen luôn nghĩ mình là đặc biệt, niềm vui của mình trọn vẹn nhất, nỗi buồn của mình đau đớn nhất. Nhưng không bao giờ là như thế cả. Thông thường, tôi viết về những gì mình đã trải qua, vì thế tôi mới có thể miêu tả kể lễ về niềm vui nỗi buồn của mình một cách rõ ràng chi tiết nhất. Tôi không bao giờ viết những gì dựa trên trí tưởng tượng của mình, vì không có sự tưởng tượng nào phong phú bằng những gì xảy ra với mình và chung quanh mình. Người ta, khi kể lại một chuyện gì lạ lung nhất , thường hay bắt đầu bằng câu “ thật không tưởng tượng nổi “ đây thôi. Chính vì thế, người ta đọc tôi sẽ luôn thấy một phần của họ trong đấy. Những gì khác nhau có thể làm người ta tò mò hấp dẫn nhau, nhưng những gì đồng cảm với nhau mới thu hút họ mãi mãi.

Nhiều người cho rằng “Văn là người”. Với chị có đúng như vậy không?

Như đã nói, tôi viết không dựa trên sự tưởng tượng, nên với tôi, Văn chính là người. Văn của tôi không màu mè, không cường điệu, không thổi phồng, không quá ẩn dụ, không trúc trắc, người đọc không cần phải trang điểm son phấn mang giày đẹp và cầm theo cuốn tự điển mới có thể hiểu được. Tôi thích nhà văn Vũ Bằng cũng vì thế, chỉ cần một số từ ngữ không nhiều, ông đã có thể viết cả cuốn sách, mà văn chương tinh thần cứ ám vào hồn người đọc không dứt ra được, vẫn gợi được cho người đọc phải hình dung ra khung cảnh, món ăn và sự rung động của người viết trong bối cảnh đấy.


Hiểu đàn bà hơn đàn ông

lephuong-thao-young-4

Trong tác phẩm của mình chị viết nhiều về người phụ nữ và có cái nhìn khá thông thoáng về thân phận, cách sống của họ, phải chăng do chị ảnh hưởng nhiều tư tưởng, lối sống phương Tây nên muốn giải thoát chính bản thân mình và người cùng giới?

Chưa bao giờ tôi có ước muốn hay nhu cầu phải “gỉai thoát” cho chính mình nói riêng hay phụ nữ nói chung. Tôi cũng không có kỳ vọng thay đổi bất kỳ một tư tưởng gì cả. Gia đình và xã hội ảnh hưởng sâu đậm đến tư duy và cách sống của tôi. Và tôi luôn cảm thấy hài lòng với những gì mình có được, mất đi, trải qua và chiêm nghiệm. Từ nhỏ đã học nội trú xa nhà, tôi vui với những gì bạn bè thầy cô mang đến cho mình. Càng lớn càng biết quý những khó khăn trong cuộc đời, chính những điều đấy giúp mình biết chấp nhận cuộc sống một cách dễ dàng hơn.  Tôi thích viết về thân phận đàn bà vì tôi hiểu đàn bà nhiều hơn là đàn ông. Lớn lên ở Mỹ, ít nhiều gì cách sống và cách suy nghĩ của tây phương cũng ảnh hưởng mình, và nó tự nhiên thấm nhuần như thế, nên khi viết ra người đọc cũng sẽ thấy được sự phóng khoáng tự nhiên đấy. Văn của tôi không bao giờ mang tính cách dạy dỗ giáo điều, nên không hề có tư tưởng muốn thay đổi hay giài thoát. Nếu người đọc cảm nhận điều đấy, đấy là một góc tôi chưa thực sự chạm đến đâu.

Tôi rất thích chữ dùng của chị “đàn bà” để nói về độ chính chắn trong trải nghiệm cuộc đời, suy nghĩ, việc làm… của một người phụ nữ. Song nhiều người lại nghĩ từ này có vẻ nặng nề, thô kệch hơn mỹ từ “phụ nữ”. Chị nghĩ sao về điều này?

Với tôi, từ “Phụ Nữ” mang tính chất giới tính nhiều hơn là cá tính. Mang tính chất chung chung một cách phong trào hơn là nhìn nhận sắc thái. Gọi đàn bà là phụ nữ đồng thời xác định vai trò thấp hơn một bước của đàn bà so với đàn ông. Đàn ông được gọi là “chính nam”, vì họ nắm vai chính. Nhưng hơn hết, tôi thích từ “đàn bà” vì sự sexy kiêu hãnh của họ. Đàn bà với tôi như một đoá hoa nở ở giai đoạn đẹp nhất, toả hương thơm nồng nàn nhất, họ sẽ yêu đậm đà nhất. Đàn bà với tôi như một loại trái cây ngọt ngào nhất, ngập răng cắn vào, đầy đủ, no nê.

Tôi biết nhiều người không thích dùng từ “đàn bà”, và thật tình là sau nhiều lần suy nghĩ, cho đến bây giờ tôi vẫn không hiểu vì sao. Có lẽ thói quen tư duy của người Việt không thích nhìn nhận cách sống bản năng, từ “đàn bà” gợi đến bản năng trực diện quá nên không được ưa thích.

Ngày nay, suy nghĩ của người đàn bà Việt Nam cũng thông thoáng. Bằng chứng là họ dám sống, dám thể hiện và tận hưởng cảm giác của chính mình. Vậy mà việc này bị dư luận lên án, soi mói rất nhiều. Trong chừng mực nào đó sự ràng buộc của nếp nghĩ cũ vẫn còn ám ảnh họ như kiểu lũy tre bao bọc xóm làng. Có thể nói đến giờ họ vẫn “cách tân” theo kiểu nửa mùa”?

Ngay từ chữ “dám” của chị đã nói lên sự cố gắng gượng gạo của cách sống cho là thông thoáng của đàn bà Việt Nam ngày nay. VÌ nếu đấy là một sự thông thường thì không ai cần phải “dám sống” cả.

Việt Nam thời mở cửa có những sự nhộn nhạo, các nền văn minh [ và cả những cái xấu ] bên ngoài được đưa vào quá nhanh trong thời gian quá ngắn làm người ta không có đủ thì giờ để học hỏi sàng lọc. Xã hội mạng phát triển với tốc độ chóng mặt càng làm người ta hoa mắt về số lượng thông tin. Người Việt thường chú trọng bề mặt, tin vào những gì được thể hiện nhiều hơn là tìm hiểu cốt lõi. Với xã hội thiếu nền tảng như thế, không tránh được sự đua đòi, bắt chước, hay tự tạo một phong cách sống cho mình. Và cũng chính vì thế mà đa số cách sống, sự thể hiện của họ vẫn còn khập khiểng gượng gạo hoặc quá đà dẫn đến sự bất cần.

Chị sẽ nhìn thấy một số người đàn bà trang phục theo phong cách Coco Chanel, Grace Kelly, Kelly Helburn, họ cho rằng mình cũng có tinh thần tâm hồn và lối sống như những idol kia, họ mặc váy chữ A, đánh son môi đỏ, mang túi vintage, đội nón kiểu cách, mang giày cao gót, xức nước hoa Nº5 và ngồi xổm xoạc chân ăn ốc chấm nước mắm gừng, thản nhiên phun vỏ xuống đất vương vãi chung quanh mình. Cái luỹ tre làng luôn thể hiện song song với giày cao gót. Son môi đượm mùi nước mắm.

Chị sẽ nhìn thấy những cặp đôi thể hiện sự văn minh lãng mạn của mình bằng cách tình tứ âu yếm tự nhiên ngoài đường phố, và cũng chính họ cũng tự nhiên đi vệ sinh dọc đường nơi công cộng. Họ không thể xác định được rằng văn minh của con người bắt nguồn từ những thứ nhỏ nhặt riêng tư nhất. Họ bị nhầm lẫn giữa phong cách sống và phong cách thể hiện. Và khi chính bản thân họ phải gượng khoác chiếc áo có số đo không vừa vặn với cơ thể thì dĩ nhiên họ không thể tự tin “dám sống” một cách thành thật tự nhiên. Chính vì thế mà họ vẫn còn sợ dư luận và sống vì dư luận chứ không duy trì được một lối sống để họ có thể thoải mái với chính mình

Và… cuộc sống muôn màu

lephuong-thao-young-5

 Dạo gần đây người ta hay kháo nhau rằng “Trai đẹp bây giờ đã ít mà chúng nó còn yêu nhau”? Phải chăng người phụ nữ hiện đại, tân tiến quá nên không còn là người đàn bà của gia đình nên đàn ông không chọn?

Tôi thật sự thấy thương vai trò người đàn bà VN hiện giờ. Thời bao cấp, đàn bà cũng như đàn ông, và đàn ông cũng như đàn bà. Hình ảnh người đàn bà tất tả cực nhọc làm phu hồ hay đi bộ đội, người đàn ông đèo con đạp xe vào chợ mua bó rau muống, nấu ăn quét dọn nhà cửa là chuyện bình thường. Không ai lên án ai cả. Người ta chỉ cần tồn tại.

Bây giờ đã khác. Cuộc sống con người có phần sung túc hơn, nẻ ra nhiều nhu cầu khác nữa. Chạy theo một hình tượng lý tưởng của đàn bà Á Đông đã là mệt, họ còn phải hiện đại hoá hình tượng đấy cho phù hợp với tư tưởng Tây phương kiểu fusion. Đàn bà ngày nay vừa phải giỏi, vừa phải ngoan kiểu hô khẩu hiệu “ đảm việc nước giỏi việc nhà”, lại còn phải đẹp và phải trẻ mãi không già.

Tôi nghĩ, chính bản thân người đàn bà tự thấm mệt, họ cho rằng sau tất cả những cố gắng đấy, họ không lựa chọn được một người đàn ông xứng đáng với những nổ lực mỗi ngày một tốt hơn của họ, nên họ thà sống cho mình hơn là phải sống với người khác. Tôi biết có quá nhiều những người đàn bà như thế, và dần dần sự thất bại trong tìm kiếm người đàn ông cho mình trở thành một phong trào, rồi biến thành một phong cách sống.

Và rồi, trai đẹp chỉ còn biết yêu trai, chỉ vì họ cảm thấy sự thua kém của mình với những người đàn bà họ thích.

Hóa ra khi đòi hỏi sự bình đẳng là lúc xuất hiện giới thứ 3 và đó là hậu quả của sự bình quyền? Chị có tán đồng hôn nhân đồng giới không?

Tôi quan niệm cuộc sống như một thế giới đầy bí ẩn con người sẽ không bao giờ khám phá được tất cả. Mỗi thế hệ đều tốn phí một số thời gian dài để lặp lại những gì họ được truyền bá dạy dỗ từ những thế hệ trước, và sau đấy, thêm một thời gian để họ chứng minh rằng những gì tồn tại trước đây thật ra không đúng. Cuộc sống vốn dĩ đầy màu sắc và không bao giờ đúng với ý nghĩ của mình. Vì con người luôn có những giới hạn về tư duy. Sống hết cả đời không đồng nghĩa với biết hết mọi thứ. Tuổi không đi đôi với tài. Giới tính thứ 3 với tôi không phải là hậu quả của sự bình quyền, nó đã tồn tại từ lâu lắm rồi, có lẽ ngay từ khi có con người. Chỉ là lúc đấy người ta không đủ kiến thức khoa học và ngôn ngữ để đặt tên cho nó mà thôi. Những gì người ta không biết và không giải thích được, có khi người ta làm ngơ nó đi, hoặc gán cho nó một cái tên rất xấu và liệt nó vào hàng “hậu quả”.

Với tôi, hôn nhân đôi khi là một sự diệu kỳ tác hợp hai người xa lạ đến với nhau, cũng có khi hôn nhân là một lỗi lầm của con người khi được dùng làm công cụ bó buộc tự do hay một công cụ tuyên truyền cho một chủ nghĩa. Hôn nhân đồng tính cũng thế thôi. Chỉ cần người ta yêu nhau, thông cảm nhau và khao khát được bên nhau mỗi ngày là đã đủ, không cần biết đồng tính hay không.

Trước thực trạng xã hội, có thể nói là khá phức tạp đó, là mẹ của các con chị cảm thấy cứ để chúng theo tự nhiên mà phát triển hay phải giáo dục như thế nào cho an toàn? Đi về giữa Việt Nam và Mỹ, chị thấy môi trường nào tốt nhất cho con cái của mình nói riêng và những thế hệ trẻ nói chung?

Môi trường giáo dục ở Mỹ tôi nghĩ hay ho hơn khá nhiều. Trẻ con được tự do phát triển và những mặt tốt sẽ được khuyến khích phát huy nhiều hơn nữa. Thầy cô tôn trọng ý kiến của học sinh, nên bọn trẻ tự tin hơn khi nghĩ ra những tư tưởng mới mẻ ngay từ khi còn rất bé. Bọn trẻ cũng biết được rằng những lỗi lầm mắc phải là chuyện không thể tránh được, và đôi khi cần thiết để có được sự nhìn nhận chính xác hơn trong cuộc sống sau này.

Tôi có con trai, nên khá nghiêm khắc trong việc giáo dục bọn trẻ. Đôi khi phải cứng rắn như …quân đội. Từ nhỏ tôi được học nội trú trường Dòng, nên ảnh hưởng giáo dục và kỷ luật gắt gao. Tuy sống ở Mỹ nhưng tôi hạn chế việc để trẻ con phát triển tự nhiên quá. Việc gi cũng có giới hạn cả. Nhất là xã hội ngày nay phức tạp rối rắm hơn nhiều. Các con có thể đòi hỏi được đáp ứng nhu cầu với điều kiện học hành vẫn giỏi và các công việc giúp đỡ ông bà cha mẹ trong nhà làm chu toàn.

Người ta thường nói cha mẹ sinh con trời sinh tính, nhưng không phải vậy. Trẻ con phát triển tính cách bằng cách học từ người lớn chung quanh. Mình thế nào, con mình sẽ như thế đấy. Xã hội tạo ra con người. xã hội loạn thì con người không tốt. Đơn giản thế thôi.

Xin cám ơn và chúc chị cùng gia đình Năm mới sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

lephuong-thao-young-2

Đôi nét về "Chị Đẹp" Lê Phương Thảo:
Sinh ra ở Huế, lớn lên tại Saigon và trưởng thành ở Hoa Kỳ.
Hiện sống và làm việc giữa Hoa Kỳ và Saigon.
-    Nguyên Giám Đốc Điều Hành Cty quảng cáo Hạ Long [ C.I ]
-    Giám Đốc Điều Hành Cty I.M Media
-    Giám Đốc/ Thiết Kế nhãn hiệu Ordinary Fashion.
-    Founder website Bloggazin.
Tác phẩm đã xuất bản:
-    Sóng Đưa Nước [ 2012 ]
-    Ve Vãn Saigon [ 2013 ]
-    Saigon Mùa Trứng Rụng [ 2014 ]

(nguồn: Tạp chí Phong cách trẻ Young style - XUÂN 2015)



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com