Ngữ văn 1983 - 1987: Mai sau còn nhớ những gì?

 

03_NguVan83ANH-NAY

 

Sẽ không ai có thể nhớ chính xác mọi chuyện đã qua, nhất là khi nó đã ở khoảng lùi của hơn 30 năm về trước. Nhưng nếu muốn nhắc lại để chính ta nhớ và cho mọi người cùng nhớ - thì trong con mắt của riêng tôi - lứa Ngữ văn 1983 ngày ấy có quá nhiều những con người tài hoa.

Từ nhiều vùng miền khác nhau của đất nước, như một duyên may chúng tôi hội tụ về dưới mái nhà Ngữ văn - Tổng hợp. Giữa buổi sơ giao nhận phòng ký túc xá, nhận lớp, nhận bạn có phần bỡ ngỡ, bỗng chốc ai nấy lại ríu rít cười nói hớn hở. Ừ, tuổi trẻ mà. Sàn sàn giống nhau là lứa 18 mới từ cấp 3 chuyển lên, lớn nhất cũng độ hơn 20 đôi chút, vì vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Cũng có một vài anh, chị đã yên bề gia thất. Nhưng tất thảy đều phơi phới tuổi thanh xuân. Dễ làm quen, dễ thích nghi với mọi điều kiện.

Vậy là một năm học đầu tiên của ngưỡng cửa đại học đã bắt đầu thế đấy!

Có thể con đường hướng nghiệp dạo ấy của chúng tôi khá mơ hồ. Sự lựa chọn ngành học chủ yếu đến từ sự mách bảo của cảm xúc cá nhân nhiều hơn. Hoặc đơn giản là vì mỗi người tự thấy mình có khiếu viết lách chút đỉnh. Dĩ nhiên suốt khoảng đời sinh viên đó, chúng tôi đã có cơ hội tìm hiểu sâu hơn văn chương từ cổ chí kim, từ đông sang tây qua những buổi truyền thụ của các bậc thầy cô khả kính.

Đáng nhớ hơn là chúng tôi đã học và trưởng thành trong giai đoạn khốn khó của đất nước. Mặc dù ăn uống thiếu thốn, kham khổ, nhưng tinh thần khao khát học hỏi, chinh phục chân trời tri thức thì luôn cháy bỏng trong tim. Thật sự là như vậy. Bởi lẽ tôi đoan chắc rằng tất cả chúng tôi đều là những người đam mê sách, gắn bó sâu nặng với từng trang sách.

Đời sống văn hóa - giải trí thời đó ít ỏi quá nên việc đến nhà sách để ngắm nghía các kệ sách, rồi đọc sách và mua sách là một thú vui tinh thần lớn lao của các cử nhân văn chương tương lai. Ngày ấy, Nhà sách nhân dân Thủ Đức - nằm bên hông chợ Thủ Đức - là "điểm hẹn" đầy hấp dẫn, lôi cuốn đông đảo đám sinh viên ngành xã hội. Chúng tôi có thể đọc ngấu nghiến cả đêm một tác phẩm dày cộp mới "ra lò". Nào là Sông Đông êm đềm của Sholokhov, Bông hồng vàng của Paustovsky, đến Qui luật của muôn đời (Dumbatze), qua Trăm năm cô đơn (Marquez), rồi Con cái chúng ta giỏi thật (Aziz Nesin)... Ôi chao! Thật là nhiều không kể xiết. Chỉ biết rằng chúng tôi đã tình cờ học hỏi từ sách nhiều gấp bội phần những gì đã học ở trường. Có thể xem đấy là những giờ tự học ngoại khóa, dù rằng việc đọc sách chỉ thuần túy thỏa mãn đam mê cá nhân.

Nhớ làm sao bao buổi tối náo nức nhắn nhủ nhau lũ lượt rồng rắn kéo “quân” qua Đại học Nông lâm để đón chờ xem từng tập phim trên màn ảnh rộng. Quên sao được những vòng tròn bè bạn ấm áp giữa khoảng đất trống sân banh ký túc xá vào đêm trăng sáng, để cùng lắng đọng tâm tư và bồi hồi theo từng vần thơ du dương âm điệu hoặc truyện ngắn đầy cá tính của Trương Nam Hương, Lê Minh Quốc, Nguyễn Quốc Chánh, của Kiều Kim Loan, Thu An, Nguyễn Thủy, Ngọc Lai, Bùi Diệp v..v…

Tưng bừng và rộn ràng nhất có lẽ là những đêm ký túc xá cúp điện. Lúc ấy, bao câu chuyện kể sôi nổi, ồn ào của Nguyên Hạnh tựa như thỏi nam châm hút lấy sự chú ý của bè bạn. Lại chẳng thể nhịn cười với kiểu pha trò hóm hỉnh nhưng đáo để của Phong Lan. Hoặc khó mà quên được chất giọng Quảng Nam rặt khi kể chuyện đời xưa mà thủ thỉ, nhỏ nhẹ, đằm thắm của Trần Phượng...

Ký ức năm xưa lại thấp thoáng như ẩn như hiện! Trong ánh lửa bập bùng của đêm lửa trại là tiếng guitar réo rắt của Hùng Anh, của Hoàng Yến, Thu Thủy... Nhớ như in giọng hát sâu lắng của Phương Hoa qua Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, với tiếng ngân da diết, mượt mà trong ca khúc Mùa chim én bay của Lê Lưu Ái Linh. Để rồi nhớ đến nao lòng chất men ngọt ngào làm  đắm say lòng người với một sáng tác Nhánh cỏ hương (thơ: Quốc Chánh - nhạc: Hoàng Yến) từ giọng ca của Quốc Hương. Chưa kể là những dịp thi thố văn nghệ, ca hát nhảy múa của lớp sẽ khó "ra ngô ra khoai" nếu thiếu bàn tay sắp đặt của người "chị cả" Khánh Sơn. Chị chẳng khác nào một "tổng đạo diễn" đầy uy lực trên sàn tập.

Nói dông dài thế nào chăng nữa nhưng sẽ vô cùng thiếu sót nếu quên nhắc đến nhân vật lớp trưởng Vũ Quốc Đại. Có lẽ tập thể ngữ văn 1983 đều tương đồng một suy nghĩ là lớp trưởng của chúng tôi - ngày ấy - thật sự là một lớp trưởng mẫu mực, tận tụy và chân thành với bè bạn.

oOo

Thời gian cứ lừng lững tiến bước. Bốn năm đại học bỗng chốc trôi qua chớp mắt trong dòng biến thiên của cuộc sống.Kỷ niệm đong đầy theo thời gian. Giấy mực nào chuyên chở nổi tấm chân tình của khoảnh khắc thời gian tươi đẹp, lung linh nhất của một đời người?  Giấy mực nào đủ khắc họa từng khuôn mặt bè bạn thân thương, hở bạn?
Chúng tôi đã kề vai sát cánh trong mọi sinh hoạt học tập, vui chơi, họp mặt, kể cả hẹn hò đôi lứa… Chúng tôi đã trải qua mọi cung bậc cảm xúc hỉ nộ ái ố, có thành công, có thất bại, có vụng dại nông nổi, có niềm hân hoan pha lẫn cả cay đắng, bẽ bàng, xót xa… Có những giọt nước mắt lặng lẽ rơi trong đêm... Có tràng cười sảng khoái lấp lánh ngời sáng... Nhưng những năm tháng ấy thật sự không hề hoài phí, bởi vì tất thảy đã trở thành bài học đắt giá, là trải nghiệm sống hết sức tuyệt vời. Nó giúp những người trẻ tuổi năm xưa có dịp soi rọi lại thế giới nội tâm chính mình. Nó còn là bệ phóng vững chắc, nâng bước chúng tôi tự tin bước tiếp chặng đường tương lai.

oOo

Ngày ra trường rồi cũng đến. Người ở tỉnh, kẻ ở thành phố, nhưng ai nấy đều chung một mối quan tâm về việc làm sắp tới. Dẫu vậy, dù có chọn một nghề nghiệp nào chăng nữa, dù làm tư hay làm công, làm lớn hay làm nhỏ thì đến thời điểm này, chúng tôi đều sống ổn định và tử tế với sự lựa chọn của riêng mình.

Tuy nhiên, hoàn cảnh đẩy đưa thế nào mà số lượng các cô cậu cử nhân của Ngữ văn 1983 lại theo nghiệp làm báo khá đông. Không ít trong đó đã trở thành các cây bút nổi tiếng hoặc nhà quản lý báo chí già dặn kinh nghiệm. Ở báo viết có Thu An, Thanh Hà, Nguyên Hạnh, Phương Khanh (báo Tuổi Trẻ), Lê Minh Quốc (báo Phụ Nữ), Thu Tâm, Lê Đại Anh Kiệt, Lương Diễm (báo Pháp Luật), Hồ Văn Chừng (bút danh: Hoàn Vũ, báo Đồng Nai), Việt Dũng (báo Công An TP.HCM), Trương Nam Hương (báo Công An Nhân Dân), Hồng Lâm (báo Nhân Dân), Đinh Thu Thủy, Hùng Anh (báo Sài Gòn Tiếp Thị), Phương Hoa (Bản tin quận Gò Vấp), Nguyễn Duyên (Bản tin quận Bình Thạnh), Thanh Hiếu (Bản tin quận 1), Thanh Dũng (báo Cà Mau), Đặng Văn Thới (báo Vĩnh Long), Hà Thu Thủy (báo Bình Thuận). Ở báo hình, báo tiếng thì có Minh Hà (Đài PTTH Ninh Thuận), Minh Thanh (Đài PTTH Đồng Nai), Bùi Tân Sơn (Đài PTTH Bình Dương), Phạm Hà (Đài PTTH Gia Lai)…

Các bạn chọn nghề làm báo, tức là mặc nhiên dùng ngòi bút và câu chữ đểmưu sinh. Nhưng cạnh đó còn mong  muốn bảo vệ những điều ngay lẽ phải ở đời, mong muốn góp phần vào sự tiến bộ của xã hội. Dẫu biết rằng để trở thành một nhà báo chính trực không phải là điều dễ dàng. Song rõ ràng với những gì mà đa số các nhà báo của lứa Ngữ văn 1983 đã làm, thì chúng ta có quyền tự hào nói rằng: "Các bạn là những nhà báo lương thiện và tử tế".

Tôi vô cùng tâm đắc với một ý mà nhà báo Phạm Công Luận (báo Sinh Viên VN) đã viết và nhắn gửi một đồng nghiệp trẻ trong tập tản văn "Nếu biết trăm năm là hữu hạn" khi đề cập về nghề báo: "Không có gì bảo đảm là ta sẽ viết được những điều lớn lao, nhưng chắc chắn ta luôn có thể làm được điều tối thiểu là viết một cách chân thật. Viết thì dễ hơn là nói, nói thì dễ hơn là tin, và tất nhiên, tin thì dễ hơn là sống vì những điều tốt đẹp. Bởi thế, nếu ta chưa thể viết được những điều vĩ đại và chân thật, thì ít nhất, ta cũng phải viết được những điều bé nhỏ và chân thật".

Tôi xin cầu chúc cho các nhà báo của lứa Ngữ văn 1983 - nói riêng -  luôn "chân cứng đá mềm" để sống trọn vẹn với ngọn lửa đam mê viết lách đã được thắp lên từ hơn 30 năm trước. Và cũng cầu chúc cho những bậc đàn anh, đàn chị, những bè bạn của Ngữ văn 1983 - nói chung - hạnh phúc với những gì đang có trong tầm tay, với những gì mà cuộc đời đã trao tặng.

Sài Gòn, 26-1-2015

Phương Khanh

02_NguVan83ANH-NAY1R02_NguVan83ANH-NAY2R

 

02_NguVan83ANH-NAY

 

05_NguVan83ANH-NAY

HINH-KHOA-NGU-VAN-phuong-khanh

NguVan83ANH-NAY-1RNguVan83ANH-NAY-2R

06_NguVan83ANH-NAY

04_NguVan83ANH-NAY

Các bạn sinh viên khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp TP.HCM niên khóa 1983 - 1987

 

Ảnh tư liệu: PHƯƠNG KHANH

(nguồn: Kỷ yếu 40 năm Hội khoa Văn học & Ngôn ngữ / Ngữ văn 2015)

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com