Lâm Bích Thủy: YẾN LAN - Trăng tình lên ngơ ngác


Thời gian ba tôi - nhà thơ Yến Lan, lúc đó ký bút danh Xuân Khai, về dạy học ở Tam Quan (Bình Định) có một chuyện tình mà ít người biết đến. Câu chuyện tình này giàu tính nhân văn, lãng mạn, song cũng rất bi, hài. Lúc đó, thầy Nhân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học ở Tam Quan có giới thiệu cho ba tôi cô gái tên là Điệp. Sở dĩ như thế, vì thầy muốn qua đó ba tôi sẽ ở lại đây dạy học lâu dài, chứ không đi nơi khác. Vừa nhìn thấy cô gái, thầy Xuân Khai như bị hút vào nét đẹp kỳ diệu của cô. Cô đẹp mê hồn, khuôn mặt  trái xoan đầy đặn, má ửng hồng, đôi môi mọng gợi cảm, hai má lõm đồng tiền làm nụ cười càng thêm quyến rũ!

 

imagesyenlan

Thi sĩ Yến Lan

 

Sau này, nhắc tới cô Điệp, ba tôi công nhận “cô ấy đẹp lắm, một nét đẹp như thiên thần, hiếm thấy!”. Thế nhưng, cô bị câm, điếc! Trò chuyện với cô phải qua giấy, bút. Tâm sự về cuộc đời cô lần lượt trải ra, làm cho thầy giáo trẻ cảm thương và đón nhận: Cô Điệp được một người đàn ông Pháp thuê giúp việc nhà. Trước nhan sắc trời, ông chủ không cầm lòng được, đã cướp của cô cái quí giá nhất đời con gái. Cô có bầu, sinh ra bé gái. Thừa hưởng ở cha mẹ những nét trội của hai giòng máu, nên ông chủ rất yêu con. Bé lên hai, ông sợ nó giống mẹ, nên tách ra, đưa về Pháp. Ông để lại cho cô ngôi nhà, ít vốn và gánh hàng xén, để tự nuôi bản thân. Ông chủ và con đi đến một nơi rất xa, cô không biết đó là nơi nào nhưng sự cô đơn và trống vắng ở chính gian nhà xưa thì cô cảm nhận rõ lắm. Mỗi lần nhìn mấy đứa trẻ bằng tuổi con đùa trước cửa, nỗi nhớ con làm lòng cô tan nát, ngẩn ngơ, tâm trí như người bị lạc mất hồn.

Nhưng, trời xuôi đất khiến thế nào mà khi thầy Nhân đưa chàng thi sĩ đến nhà chơi, cả hai nhanh chóng hòa cùng nhịp đập của con tim. Và họ thương nhau thật lòng. Những đêm trăng sáng, họ ra sông ngắm trăng treo trên ngọn dừa, nói với nhau bằng ánh mắt, nụ hôn cháy bỏng…Thời gian sau, tự nhiên chàng trai như nghe tiếng gọi của quê nhà. Tiếng gọi như giục giã, thúc chàng về. Chàng phân vân rồi nhất quyết trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Điều này làm chàng thấy sợ; nếu phải nói thật với Điệp về sự chia tay này.

Không thể nói lời từ biệt, chàng đành lặng lẽ chia tay thầy Nhân và nhà trường để về quê vào chuyến tàu 2 giờ khuya. Tại ga lẻ, đêm lạnh, vắng tanh vắng ngắt, chỉ có vài ba người trên sân ga. Khoảnh khắc chờ tàu đến ngạt thở, sốt ruột. Cảm giác có lỗi với Điệp lởn vởn trong đầu chàng, khiến chàng ân hận. Nhưng không còn cách nào hơn! Đấy là cách giải quyết tốt nhất cho cả hai người, của mối tình đầy nghịch cảnh, không lời hẹn ước.

Đang chạnh lòng, bỗng, bóng một cô gái mặc chiếc áo dài Lê Phổ (nhà thời trang thập niên 1930-1940) lấp ló ngoài cổng ga, như đang tìm kiếm ai. Chàng nhận ra Điệp, cô cũng đã nhận ra chàng. Cô xăm xăm tiến về phía chàng, vừa đi vừa đưa đôi tay lên ôm mặt. Chàng bật đứng dậy như chiếc lo xo, rời khỏi chỗ ngồi, tiến về phía cô. Cô òa lên khóc nức nở, rồi quay lưng bỏ chạy. Lòng chàng trào lên cảm giác khó tả… Nhìn đồng hồ ga, thấy còn nhiều thời gian, chàng bèn theo chân Điệp để quay lại nhà, ý tình an ủi cô và để lòng được thanh thản.

Vừa thấy bóng dáng chàng, cô lao từ trong nhà ra, ôm ghì chàng, hôn lấy hôn để lên mặt, lên khắp người chàng. Chàng đã thiếp đi trong vòng tay êm ái của Điệp... Đến 1 giờ đêm, cô lay chàng dậy. Chàng thấy cô không những tỉnh táo mà vui vẻ lạ thường trên đường ra ga tiễn. Chàng hiểu hành động và cách xử sự của Điệp, đôi mắt nàng nói lên: “Em không có quyền giữ một người như chàng cho riêng mình, cầu cho chàng hạnh phúc nơi chân trời chàng đến! ”.  Và họ biệt tăm nhau từ đó, không một lời hẹn ước!

Có lẽ mối tình với cô gái câm là nỗi day dứt lớn nhất trong đời ba tôi. Bài thơ “Ga xép” ẩn chứa sự dằn vặt này bao năm qua về người đàn bà bất hạnh ấy:

Con tàu suốt của những chiều dĩ vãng

Giữa phút nhớ em - chạy giữa lòng tôi

Động thức hồn xanh từng cụm cây đồi

Chầm chậm ngang qua ga xép

Khói vướng đường cong giây thép

Võng sưa đưa những tin buồn

Nhà ga he hé cửa gương

Nắng nằm gọn từng ô
                                       Biếng cựa

Mấy tàu chuối úa

Vá lên nửa góc vườn xoài

Hàng cột xi măng không biết vấn vương

Nở vài cánh hoa leo tim tím

Gian nhà “kíp” dãy tường khói xám

Hai đầu “ghi” trơ mấy trụ đèn lồng

Một người phu tay đè trên cán xẻng.


Cuộc đời nặng trong đoàn toa xao xuyến

Trôi dài qua mấy thước sân vuông

Một môi cười hay một vệt trán buồn

Không rớt lại trong chiều ga xép
 

Em đừng trách lòng anh xưa chật hẹp

Khi đời anh

               con tàu cũ đang trôi

Và tình em cô quạnh giữa đời

Như một nhà ga

                không người lên xuống.

Có lần ba tôi khoe: “Ba có viết một truyện ngắn, tên “Trăng tình lên ngơ ngác” kể lại mối tình giữa chàng thi sĩ làm thầy giáo và cô gái câm xứ dừa Tam Quan. Tuy nhiên, tôi chỉ nghe chứ chưa thấy. Có lẽ nó bị đốt cùng các tác phẩm khác trong cái rương gửi cậu Thành trước khi đi tập kết? Đôi lúc tôi nghe má tôi nói: “Có thể ba và cô Điệp đã có gì đó với nhau, ba rất quan tâm muốn biết điều đó”. Sau giải phóng, sống trên quê nhiều khi những kỷ niệm xưa như thôi thúc chân ông quay lại Tam Quan để tìm tung tích cô Điệp. Tiếc thay, hỏi thăm những người có tuổi, không một ai biết chuyện về chàng thi sĩ và cô gái câm thuở nọ!..

Bài thơ “Uống rượu với bạn đồng hương” viết tại Hà Nội, khi ba 55 tuổi, vẫn thấy bóng dáng người đẹp Tam Quan:

Những vần thơ ban đầu

Từ bóng cô hàng xén

Đến tiếng vọng còi tàu

Không một lời hứa hẹn...


L.B.T

Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com