Bỡi lẽ, được sống trong không gian nhà chùa từ ấu thơ, nên trong ba tôi - nhà thơ Yến Lan, có chút tâm linh. Song, cũng thật khó giải thích về những liên quan trong cuộc đời 82 năm của ông. Câu chuyện sau chỉ là một ví dụ: Ông được một thiếu nữ đến trong giấc mơ báo cho biết tuổi thọ của ông.
Năm ông 75 tuổi, mỗi lần ốm nặng thấy vợ con vất vã vì mình, ông giơ bàn tay gầy gò ra, bấm đốt đếm và buồn bã nói: “Tôi còn làm khổ bà và các con những 7 mùa trăng nữa, khi tôi đủ 82 tuổi vào mùa trăng đấy!”
Để giải thích thắc mắc của vợ con, lúc khỏe ông kể:
Nhà thơ YẾN LAN thời trẻ
Một người bạn già đáng tuổi cha; quê ở Bồng Sơn - Tam Quan, rất mê thơ. Hể khi nào vào thị trấn, ông ta cũng rẽ qua chùa Ông mời chàng về nhà mình chơi, để có dịp nghe chàng họa, bình thơ cho thỏa. Lần nào chàng cũng bận nên hẹn: “ Nhất định cháu sẽ đi thăm bác vào một ngày không xa ”.
Thu về, trời se lạnh, sân chùa ngập lá bàng; lòng chàng tái tê trong không gian cô tịch của chùa. Sực nhớ lời hẹn, chàng xin phép cha đi thăm ông bạn vài ngày.
Cơm nước xong, ông chủ nói: “Cậu thông cảm; mình không thể để cậu ngủ trong nhà, vì con gái mình đã đến tuổi cặp kê, sợ hàng xóm dị nghị. Lát nữa thằng bé giúp việc đưa cậu ra nghỉ ở ngôi nhà ngay đầu ngõ, bên hông chợ; chỉ cách đây vài trăm thước thôi hà ”.
Lạ chỗ, lạ người, không biết ban ngày đông vui thế nào, nhưng đêm ấy, xung quanh vắng tanh; không gian đen như mực; tiếng ếch nhái râm ran từ xa vọng lại sởn cả tóc gáy! Tưởng chú giúp việc ở lại cùng, ai dè, trao chìa khóa xong, nó vội vàng lui gót và mất hút vào bóng đêm.
Thái độ dớn dác của thằng bé như nói; nơi đây có gì đó bất thường; cộng với ánh sáng lập loè yếu ớt của mấy con đôm đốm, làm nỗi sợ trong chàng càng lúc càng tăng. Song le, biết đi đâu trong đêm tối, nơi quê người giờ này?
Thật là tiến thoái lưỡng nan, chàng khách đành tra chìa khóa, mở cửa. Cánh cửa vừa hé, mùi vôi nồng nặc, mùi mốc meo xộc vào hóc mũi làm chàng khó thở, ho sù sụ: Nhà này chắc đã lâu không mở cửa nên khí uế mới ngập ngụa đến thế? Ngay sau đó, một luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng, chàng cảm giác như có oan hồn núp đâu đó trong xó xỉnh dõi theo mọi cử chỉ của chàng. Người chàng ớn lạnh, rùng mình liên tục. Chàng nói to để tự trấn an: “Ta không sợ chi cả, thần hồn đừng nát thần tính của ta". Nói ra câu này, chàng thấy yên tâm hơn và bước hẳn vào trong nhà.
Những gi chàng thấy, chứng tỏ ông chủ đã chuẩn bị trước cho khách: Trên bàn có cây đèn thủy tinh đầy dầu, đang leo lét; cạnh nó là que sắt một đầu nhọn, một đầu cong (để khêu bấc). Bốn chiếc ghế tựa được đút gọn dưới lòng bàn; sát tường là chiếc giường bằng gỗ xoan rộng độ 1,4m, chiếc màn trắng vắt gọn ghẽ.
Mấy giờ ngồi xe ngựa và cuốc bộ đến đây, đã thấm mệt; vã lại không có người để trò chuyện, chàng lên giường, buông màn. Ngọn đèn lúc lóe lên, lúc chực tắt, như ai đang trêu ngươi. Chàng thấy sợ, nhắm tịt mắt lại. Không tài nào nuôi được giấc ngủ, chàng trở mình bên này, lại bên kia; hết gác tay lên trán, lại để trên bụng; đếm một trăm, trăm nữa, nữa… và thiếp đi…
Rồi, chàng thấy một thiếu nữ, tóc xỏa ngang vai, mặc bộ bà ba màu mỡ gà đứng ở đầu giường. Cô đưa đôi tay trắng nõn, tròn lẳng, vén màn lên và lay người chàng: “Anh này ơi! ở đâu mà đến nhà tui, lại còn nằm giường tui thế này? Trả lại giường để tui nằm chớ,…?”. Lâu không thấy trả lời, cô đổi ý : “Thôi, nếu đã lỡ đến, không nơi đi thì xê vào cho tui nằm với ”, cô hẫy chàng dịch vào trong, và nằm xuống bên cạnh. Thế rồi cô bắt chuyện với chàng, nhiều lắm, nhưng chàng không nhớ nổi. Trong câu chuyện chàng chỉ nhớ tới con số 82 mà cô nhắc tới nhắc lui như một điệp khúc bên tai chàng: “Đời anh chính là số thứ tự danh sách tên học sinh đã học ở trường, Đó là số 82…”
Khi nói tới chữ “tám mươi, cô ngừng tí rồi đến chữ “ư” và sau đó là thêm chữ “hai mùa trăng ”. kiểu nói thế này “Tám mươi ( ư…) hai mùa trăng”.
Khi con số 82 vang như hét vào tai, chàng bật ngồi dậy như chiếc lò xo bị nén, hoảng hồn đưa mắt nhìn xuống giường. Không có ai, chàng phát hiện tiếng hét đó được phát ra từ miệng chàng: “Thì ra mình nằm mơ”.
Chàng tới hé cửa, nhìn ra ngoài: “Không biết mấy giờ rồi mà trời còn tối quá, chắc đã 3 g sáng?”; chàng quay vào, lấy que sắt khêu cho ngọn đèn sáng rõ hơn song, không còn hồn vía nào ngủ tiếp. Chàng bèn đi tới, đi lui trong nhà và cất giọng ngâm cho đỡ sợ:
Hồn tôi loảng trên bệ vàng thếp chảy
Cùng hồn trưa quấn quít lấy giao lân
Tám phương bạn - chợp hàng mi - mộng thấy
Xứ tâm tình, vàng rộn lá thu phân...
Bỗng vọng đến những tiếng nói mặn chát của mấy bà đầu nậu đang gánh cá đổ về chợ bán. Mừng quá, chàng khóa cửa trở lại nhà chủ. Ông đã dậy, đang pha trà. Nhìn thấy chàng xăm xăm bước vô, ông hỏi: “Đêm qua, nhà lạ cậu ngủ được không?”. Chàng không muốn làm người khác sợ, nên trả lời qua quýt: “Dạ ngủ được ạ”.
Sau bữa cơm trưa hôm ấy, chàng nêu lý do và xin phép về. Ông chủ hỏi: "Sao bảo chơi dăm ba bữa mà mới một hôm đã đòi về?". Giọng hỏi của chủ như cũng đã đón được lý do, vì trước chàng đã có người kể với ông.
Nhiều tháng sau đó, có người cho chàng biết: Căn nhà và chiếc giường mà chàng qua đêm là của một trong ba con gái ông, lúc ốm và mất đã nằm ở đó. Nghe vậy, chàng muốn biết liên quan về tuổi thọ của mình với con số 82 được báo mộng.
Để kiểm chứng, chàng trở lại trường cũ, xin phép thầy Hiệu trưởng cho xem danh sách lưu học sinh. Chàng vô cùng sửng sốt, khi mắt dừng lại tại cột số 82 là tên mình!
Lâu nay, trong Lý lịch, trên báo đều viết: Nhà thơ Yến Lan sinh ngày 2 tháng 3 năm 1916”. Thực ra.., mừng sinh nhật 1998 trong bài chị, ông viết:
Âm lịch còn giêng - dương, tháng ba
Bộn bề sách vở chưa phân ra,
Lật nhầm thơ cũ mừng sinh nhật
Văng vẳng dường ai nhắc nhở xa.
Còn bài em thì:
Tháng giêng âm lịch, tháng tư dương
Xáo trộn tâm tư biến dõi chừng
Hỏi vợ mới hay sinh nhật đến
Lệ từ năm trước lại rưng rưng
Đọc hai bài thơ, cháu gọi ba tôi là cậu, thắc mắc: "Thường thì chênh lệch giữa âm và dương chỉ một tháng, sao cả hai bài thơ lệch tới 2->3 tháng? Trong bài Chị” thì “Âm lịch còn giêng, mà dương lại tháng ba; còn bài Em thì “Tháng giêng âm lịch, tháng tư dương”.
- Nếu lấy ngày 2 tháng 3 âm lịch của năm 1916 là năm Bính Thìn, vậy ngày dương lịch sẽ là ngày 4 tháng 4 năm 1916. Không đúng như lời ông tâm sự : “Thực ra ngày 2 tháng 3 là ngày âm lịch của năm Đinh Tỵ”. Tra cứu kỹ, chính là ngày 22 tháng 4 năm 1917 dương.
Để biết sự dính dáng đời ông và trăng, ta ngược thời gian về lại ngày ông lọt lòng mẹ, Nhà báo, nhà thơ, nhạc sĩ Thụy Kha có viết: “…Yến Lan là trường hợp không dễ gì lặp lại. Ông đồ họ Lâm của vùng núi An Khê hẻo lánh, ngậm sầu vì thi không đậu ở Trường thi Bình Định khi xưa, đã quyết chí vượt bến sông Trường Thi sang làng Nhơn Hòa định cư cùng người vợ mới cưới. Ở đó vào một ngày tháng ba của năm Đinh Tỵ khi con đò đưa người mẹ mang thai vừa cập vào bờ, bà trở dạ và sinh ra cậu con trai ngay trên bãi cát”.
Ông tả sự ra đời của mình:
Quê ngoại bên kia bãi cát vàng
Mẹ tôi về, lỡ chuyến đò ngang
Cơn đau trở dạ không giường chiếu
Tôi lọt lòng ra giữa bãi trăng
Vâng, thật lạ, ngày ông ra đời cũng đầy trăng.
Dù nhiều lần đau nặng, tưởng chừng không qua khỏi, nhưng, những người chứng kiến đều ngạc nhiên; không hiểu Ông lấy đâu sức lực từ thân thể cạn kiệt để trở lại với đời bằng nụ cười tươi trẻ và sự sống đến bình thản như vậy. Có thật là ông đợi cho đủ tám mươi hai mùa trăng chăng? Ông giải bày tâm can của mình về những lần vượt qua thần chết vì Lưu luyến:
Theo dõi đêm thâu mỗi tiếng gà
Tưởng chừng chốc lát sẽ đi xa
Tình còn lưu chút mùi nhân thế
Lay lắc hoàng hôn một góc hoa.
Cô gái trong giấc mơ báo cho ông biết tuổi ông thọ, như mối liên lạc giũa ông và đất trời, nhắc nhỡ, gợi mỡ cho Ông việc phải làm, và còn làm trong thời gian còn lại. Lúc nào ông lãng quên thì cô lại hiện ra nhắc nhỡ:
...Chiêm bao mở lối ngóng người qua
Bắc cầu tâm sự - e lời nói
Đọng chốn nghìn thu-bóng lại xa.
“Mừng sinh nhật năm 77 tuổi“, ông viết:
Mừng nay sống xổi được thêm năm
Bút nặng tư lương gắn sức cầm
Nợ đất trời vay, thơ đã trả
Khuất già trẻ đến ghép tri âm
( 3/1993)
Thời gian không dừng lại, ông càng trân trọng những giây phút còn trên đời. Ông càng khao khát được sống và cống hiến như qua bài thơ Đa và dừa:
Hàng dừa tơ tốt mã mới trồng sau
Vút tàu lá làm gươm khua với gió
Cội đa cũ vươn tầm lên đại thọ
Góp nhựa đời buông rễ tự trên cao
(12/1987)
Đâu đó trong góc khuất tâm hồn, Ông luôn biết ơn bậc sinh thành và nơi mình được sinh ra: Trong bài thơ dài “TẠ ƠN” (Gửi đất quê An Nhơn ), ông viết:
Còn đây nguyên vẹn yêu tin
Xin dâng tạ góc trời riêng quê nhà
Xin dâng dàn nhạc chan hòa
Phấn hương nhuộm thắm, thi ca trữ tình
Cảm ơn cha dưỡng, mẹ sinh
Sông Côn dỡn sóng, lầu Thành đón trăng
Con đò đỗ bến My Lăng
Tháp Chàm uống vỡ âm vang cõi lòng
Cảm ơn cây thị chùa Ông
Còng lưng đại thọ tay bồng trái thơm…
Và lạ thay, lời dự báo của cô gái sao mà chính xác đến vậy! Cặm cụi cả một đời làm thơ, đúng ngày rằm tháng Tám, ngày có trăng tròn và sáng nhất (15/8/1998 âm lịch) ông đã ra đi, thọ đúng 82 mùa trăng.
L.B.T
< Lùi | Tiếp theo > |
---|