Những năm 40 của thế kỉ XIX, nhiều lần Cao Bá Quát đã đặt chân đến xứ Quảng. Ông đến đây trong tình cảnh của một “trục khách” (người bị đuổi đi), một “trục thần” (bề tôi bị đày đi xa kinh đô). Có thể nói, những năm tháng đầy dập vùi, cay đắng này đã để lại trong ông bao dư vị mặn chát về tình đời, về thái độ phải lựa chọn giữa nhân dân và vương triều đương thời.
Thủ bút Cao Bá Quát - trích tạp chí Giáo dục phổ thông in tại miền Nam số 34 (15.3.1959). Có thể tài liệu quý này rút từ tập sách của Trúc Khê Ngô Văn Triện viết về Cao Bá Quát trước năm 1945. Tư liệu L.M.Q
Xứ Quảng, nơi chưa hề quen biết, vậy mà vẫn có duyên nợ với ông. Cao Bá Quát đã đi nhiều nơi. Ông đến Lạng Sơn, Thái Nguyên, Côn Sơn vào Ninh Bình, Thanh Hóa, Hoành Sơn, Huế. Nơi nào đi qua cũng có thơ để lại. Những bài thơ mượn cảnh tả tình ấy đã cho thấy một tâm hồn khoáng đạt, yêu tha thiết cảnh vật và con người của đất nước. Sau này, bị phát vãng vào Đà Nẵng, xa nhà, xa quê hương, văn chương dang dở, Cao đã gửi bao buồn vui ở những vần thơ viết trên đất Quảng.
Năm 1841, Triệu Trị nguyên niên, vua có mở chiếu ân khoa, Cao Bá Quát được cử làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên. Do bụng liên tài, mến người giỏi, ông đã dùng muội đèn chữa cho 24 quyển thi. Việc ấy lộ ra ngoài, ông bị tống giam. Năm sau (1842), do cần những hàng tiêu dùng của người Âu, triều đình Huế cử số quan chức có tội ra nước ngoài làm công việc mua bán. Nhân đó, Cao Bá Quát được rời Huế vào Đà Nẵng, sung vào đoàn của Đào Trí Phú đi Indonesia, Singapore. Cuối hè 1843, thuyền về lại Đà Nẵng. It lâu sau, Cao về kinh. Tưởng được bổ dụng lại, không ngờ lần đó ông bị thải về quê.
Cuối đời Thiệu Trị (1847), ông được mời vào Huế, làm ở Viện Hàn lâm, giữ công việc biên tập thơ ca. Được một thời gian, Cao được giao đi công cán một số tỉnh Nam Trung Bộ. Thực chất, chuyến đi cũng là một kiểu đi đày. Và, đây là lần thứ hai, Cao đến xứ Quảng.
Qua những lần như thế, Cao Bá Quát viết một số bài thơ liên quan đến đất và người xứ Quảng. Chưa có tài liệu lịch sử nào xác nhận về những nơi ông đến, những người gặp ông, chỉ căn cứ vào địa danh và tên gọi trong thơ, đời sau hiểu rằng, đất Quảng đã không ít lần được Cao Bá Quát đề cập đến, cả vui lẫn buồn.
Cuối năm Nhâm Dần (1842). Cao Bá Quát đến Đà Nẵng. Trong bài thơ Phát vãng dương trình chu hành phó Đà Nẵng, tẩu bút lưu thân thức (1) Cao viết:
Đà Giang dao vọng nhật đông biên
Đảo dữ, thương mang lô kì thiên
Tử khuyết vân yên thường ngọ mộng
Thiên nhai cầm kiếm thị đinh niên
Dịch nghĩa :
Bể Đà Nẵng xa trông ở về phía đông
Đảo cồn muôn lớp sóng đường đi nghìn trùng
Mây khói kinh thành, ban trưa thường nằm mộng
Việc cầm kiếm ở bên trời, chính là lúc trai tráng này.
Đọc qua những vần thơ như thế, điều dễ thấy là, giữa lúc thân tù ngục, lòng đầy ngổn ngang, tâm sự chỉ biết hỏi trời, được xa Huế vào Đà Nẵng, tâm hồn ông đã dậy lên bao niềm vui phơi phới. Đây cũng là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, trong ông, chất nho sĩ tích cực vẫn còn, vẫn muốn “Thiên nhai cầm kiếm thị đinh niên”. Song, cảm xúc ấy chỉ là nhất thời. Cái con người ưu thời, mang nhiều tâm sự bi thương vẫn là cái chính, chiếm lĩnh sâu sắc nơi tâm hồn ông.
Ở bài Châu hành há Thanh Khê, nhân cố nhân ký biệt tòng du chư đệ tử (Thuyền xuôi Thanh Khê, nhân có người quen, gửi lời từ biệt các học trò), Cao nói đến nỗi ngậm ngùi, quyến luyến trong buổi chia tay, chia tay trong tâm trạng “hận dữ thiên giang lưu” (Mối hận tràn theo dòng sông trong). Phía kia đèo Hải Vân không còn xa mấy, nơi này “Núi Ngũ Hành chỉ còn gang tấc”, thấy mây bay lững lờ, chỉ còn một mảnh trăng “nhất phiến nguyệt”, cứ đêm đêm soi hoài trên dòng sông bạc. Bài thơ chứa chan một nỗi niềm ngán ngẫm, pha chút u hoài.
Bài Tức sự nói lên cảnh tình đau xót, sức hèn tóc bạc, làm thân đi thú. Mây trời, sông nước Đà Nẵng cũng được nhìn dưới góc độ của một “trục thần”. Hai câu thơ cuối, Cao viết :
Tiếu khan Đà hải thủy
Ba lãng bão tri tân.
Dịch nghĩa :
Cười nhìn trước cửa bể Đà Nẵng.
Những sóng cùng gió đã làm cho ta càng biết được bờ bến nhiều hơn.
Ở bài thơ Lưu viện du nguyệt, văn đắc tái phát Đà Nẵng, thị dạ đồng Vũ Hoài Phủ thống ẩm (Ở viện hơn một tháng, được tin lại phải tái phát đi Đà Nẵng, đêm ấy cùng ông Vũ Hoài Phủ uống rượu thực say), trong cảnh ngộ tái phát phối, đêm ông cùng bạn uống rượu và bày tỏ nỗi niềm cho nhau. Ông nhìn cuộc đời mình, thấy con đường trở về quê xa lăng lắc, văn chương cũng chẳng giúp gì cho thân thế. Xa kia, mây núi của Đà Nẵng đã cảm thấy hơi thu đến gần (Đà tấn vân sơn tiệm giác thu), lòng như Lý Bạch tiễn Vương Xương Linh bị giáng chức đi Long Tiêu. Mượn sự tích Ngũ Khê và Dạ Lang, Cao Bá Quát muốn qua đây giãi bày tâm sự sắp đi đày của mình :
Một tấm lòng sầu chờ bác gửi
Năm khe thuyền Dạ bóng trăng đưa
(Xuân Trang dịch)
Một lần đến Hội An, gặp người hát cũ của thành Nam, lìa xứ, phiêu dạt vào nam, nỗi lòng cũng cô đơn, trơ trọi như mình, Cao Bá Quát viết bài thơ Du Hội An phùng Vị thành ca giả (Chơi phố Hội An, gặp người đào hát thành Vị). Thành Vị chỉ thành phố Nam Định. Cung bậc bài thơ có chút gì như tâm sự của Nguyễn Du gặp lại người ca kỹ cũ trong Long thành cầm giả ca. Nguyễn Du đã kết thúc bài thơ bằng những câu nghe ai oán, ngấn đầy nước mắt:
Ngán trăm năm thì giờ chớp mắt
Lệ thương tâm ướt vạt áo là
Nam về đầu bạc ngẫm ta
Trách gì hương phấn bông hoa chẳng tàn
Trừng trừng đôi mắt mơ màng
Quen mà hóa lạ nghĩ càng thêm thương (2)
(Hoàng Tạo dịch)
Ở Cao Bá Quát, tâm trạng có khác, song cũng không kém phần bi ai. Đêm gặp nhau, dưới ánh trăng tà, giữa nơi quê người đất khách, biết lấy gì san sẻ, nếu không mượn tiếng đàn tiếng sáo. Ngoài kia, có một quê hương nhưng khuất nẻo. Gió vi vút như gọi về, nỗi buồn như lan trên từng tiếng trúc, tiếng ti. Tâm sự tỏ bày, bình rượu vẫn còn sao nước mắt cạn, ép hoài chẳng chảy. Trong tận cùng nỗi cô đơn ấy, thôi thì hát cho nhau trọn khúc, giải nỗi sầu nhân thế:
Trúc tơ đêm trăng này
Đất nước mấy thu cách
Lệ cạn rượu còn đầy
Đèn còn lòng nỡ tắt
Bạn bè lưa thưa dần
Tiếc nhau gì khúc hát…
(Hoàng Tạo dịch) (3)
Âm vang bài thơ là nỗi buồn, nỗi buồn xa xứ và nỗi buồn thân phận. Có thể nói, trong các bài thơ đề cập đến xứ Quảng, bài Du Hội An phùng Vị thành ca giả là một bài thơ tê tái, đầy thương cảm. Chắc hẳn là, trong lần tao ngộ đó, trong ông đã thức dậy không ít nỗi niềm da diết và khắc khoải. Người gặp và kẻ được gặp, ai tâm trạng hơn ai, không biết. Chỉ thấy rằng, tiếng thơ là tiếng lòng của một nhà thơ đầy tình nhân đạo.
Và, nơi một bài thơ khác, bài Dữ Quảng Nam học chính Bùi đồng túc dạ khởi kiến nguyệt (Nằm cùng với ông đốc học Quảng Nam họ Bùi đang đêm trở dậy thấy trăng) lại cho thấy một Cao Bá Quát gắn lòng mình với cảnh trí thiên nhiên. Thiên nhiên ở đây là xứ Quảng. Gặp lại trăng sáng như gặp người bạn cũ, đang đêm trở dậy muốn mình như Tổ Địch, Lý Bạch, nhưng rốt cuộc phải quay về với chính mình, với ấm chè, mồi thuốc thức đợi mặt trời lên. Bài thơ cũng là một tâm sự.
Nhìn chung, trong những năm tháng không vui của đời mình, Cao Bá Quát đã đến với đất Quảng. Chắc rằng, vùng đất ấy đã chia ngọt sẻ bùi với ông không ít. Có vậy, ông mới có những vần thơ để lại. Tiếc là, đến nay chưa ai sưu tập đầy đủ những bài thơ của ông đã viết về con người và vùng đất Quảng Nam này.
Chú thích:
(1) Những bài thơ, câu thơ trích ở bài viết được rút từ :
- Thơ Chữ Hán Cao Bá Quát - NXB Văn học - HN 1976
- Nguyễn Tài Thư, Con người và tư tưởng Cao Bá Quát - NXB KHXH - HN 1980
(2) Thơ chữ Hán Nguyễn Du - NXB Văn học - HN 1978 - trang 241
(3) Trong tập Người Quảng Nam (NXB Trẻ - 2012), Lê Minh Quốc dịch (trang 101):
Thở than cũng đã muộn màng
Gặp nhau đất khách trang vàng tiếng tơ
Quê nhà xa lắc xa lơ
Rượu đầy. Lệ cạn. Lờ mờ đèn soi
Bạn thân nào có còn ai
Hát trọn khúc hát hẹp hòi làm chi
H.V.H
< Lùi | Tiếp theo > |
---|