Bây giờ, trên văn đàn của chúng ta, nhiều người đại ngôn lắm. Thơ văn thì lời lẽ có khi to tát, có khi khó hiểu. Họ nói, họ viết nhưng lại ít nghĩ đến người đọc. Sự việc này đã diễn ra trong nhiều năm, song chẳng thấy ai lên tiếng cả. Chú ý theo dõi những lần đại hội, những kỳ hội nghị do các hội đoàn văn học - nghệ thuật tổ chức, không thấy ai lưu ý, phê phán hay báo động về hiện tượng lộng ngôn trong sinh hoạt văn chương. Văn đàn ngủ cả sao ? Đọc trên sách báo, thấy rặt một giọng khen nhau, lời lẽ nhiều khi đọc thấy khó chịu vô cùng, vậy mà đâu cũng vào dấy, ngẫm đi nghĩ lại, thấy buồn !
Tạp chí Văn Học (Sài Gòn - 15.3.1971). Ảnh chỉ mang tính minh họa. Tự liệu LMQ
Nhớ lại thời kỳ trước 1945, những nhà văn như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, v.v... cũng nêu lên ý kiến của mình về sáng tác, thậm chí Thạch Lam còn viết cả tập tiểu luận Theo dòng. Có điều là, đằng sau những điều học nói, họ viết, ta thấy bao nỗi niềm, bao trăn trở, thao thức về con người và cuộc đời. Bên những trang văn, những quan điểm nghệ thuật, người đời nhận ra tấm lòng, ý thức trách nhiệm và thiên chức của người nghệ sĩ. Nam Cao thường day dứt về ý nghĩa của văn chương. Trong truyện ngắn Đời thừa, nhà văn quan niệm một tác phẩm có giá trị "phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng tình thương, tình bác ái, sự công bình ... Nó làm cho người gần người hơn". Suốt một đời cầm bút, Nam Cao đau đáu nghĩ về việc sống và viết. Vũ Trọng Phụng đến ngày từ giả cõi đời vẫn căm thù tột độ thứ văn chương điêu trá, làm hại cuộc đời. Cả đến nhà văn Nguyễn Tuân, người được văn giới gán cho là một kẻ kiêu ngạo, khinh bạc, chơi ngông. Thế nhưng, điều lạ lùng là, trên giấy trắng mực đen để lại cho đời, ta chỉ thấy những trang viết thấm đẫm tình yêu con người, đậm đà tình nghĩa với cảnh vật, phong thổ quê hương.
Nhắc lại những điều trên để thấy rằng, những nhà văn có nhân cách, có văn hoá bao giờ họ cũng không dám nói nhăng cuội, vung tay khoác lác với cuộc đời. Thế mà, hôm nay, nhiều người viết trẻ không học được gì ở những nhà văn đi trước. Lớp trẻ bây giờ mạnh bạo, hùng hổ, họ nói nhiều lắm... Chừng như đọc những gì họ viết, nghe những gì họ phát biểu, ta có cảm tưởng, nói như Tú Xương "Thiên hạ có khi đang ngủ cả ". Lời trước, lời sau không thống nhất, chẳng cần. Nghĩ sao nói vậy, không cần gìn lời giữ chữ. Tôi ngờ rằng, nói và viết như thế, cũng sẽ sống và quan hệ như thế.
Sinh thời, Xuân Diệu thường phê phán gay gắt hiện tượng đa ngôn trong sáng tác. Ông góp ý, phê bình thẳng thắn những câu thơ thiếu lô - gích, xâm phạm mỹ cảm người đọc. Ông từng dùng cụm từ mauvaise gout để nói về loại thơ tạp. Ông trân trọng tài năng Trần Đăng Khoa nhưng cũng "sòng phẳng " nói rõ việc khó biểu dương tập Khúc hát người anh hùng. Ông phân tích cái nhược của tập thơ tương đối kỹ. Nhưng rồi, sợ người đọc hiểu sai mình, rằng không khuyến khích tài thơ trẻ, ông đã dành cả một trang để kể lại tình cảm, công sức của mình trong việc giới thiệu, bình luận và dịch thơ của nhà thơ mới 10 tuổi này cho bạn đọc ở trong và ngoài nước. Thành thật và trân trọng nhau đến thế là cùng !
Giờ đây, một số người viết trẻ mới viết được một số truyện ngắn, đôi bài thơ, mang lại giọng điệu mới, được người đọc chú ý, báo chí tán dương, vậy mà bắt đầu tuyên bố điều này, điều nọ. Họ tưởng mình là thiên tài thật. Khổ thay ! Có người đòi cách tân thơ Việt, cho "Thơ Việt Nam xuất phát từ đầu óc tiểu nông nên thấp bé, tủn mủn, vặt vãnh, không thể nói lên cái tầm cao ngất ngưởng của thời đại công nghiệp khổng lồ của phương Tây ". Có người phát biểu "Tôi sẽ phá vỡ giấc mơ của tôi", "Tôi thường đi vào những cơn mơ để tìm nơi ẩn náu của ánh sáng", rồi viết những dòng thơ mà người đọc bình thường không hiểu. Vậy mà, có người đã viết " Sửng sốt vì tài tung phá ngôn ngữ của cậu học trò 18 tuổi này ". Lại có người đòi phục sinh nhà văn này, nhà thơ khác ở miền Nam trước 1975. Họ nói đến Thanh Tâm Tuyền, nhưng chắc chưa đọc hết, đọc kỹ những gì của nhà thơ này viết. Và, cũng không hiểu sao họ lại tha thiết nói đến tác giả này. Trước đây, Thế Phong đã từng viết về Thanh Tâm Tuyền "Thơ ông sượng và sống ... Tôi xin nói ngay là ông chắp vá thơ của Breton..." (Xem Lược sử văn nghệ Việt Nam - NXB Đại Nam văn hiến, Sài Gòn, 1965, trang 92). Cố nhiên, đây cũng chỉ là một cách hiểu, một cách phê bình. Có điều, một số câu thơ, bài thơ bây giờ cũng na ná như những gì đã xuất hiện trên tạp chí, sách báo ở miền Nam vào thập niên 60 và đầu 70.
Nghĩ mà buồn cho thời buổi văn chương chữ nghĩa hôm nay. Những nhân cách lớn, những con người dám vạch trần cái huyễn hoặc của văn chương đã ra người thiên cổ rồi ! Văn đàn vắng chủ nhà, cho nên... Theo tôi, đã đến lúc cần có ngự sử trên văn đàn để đàn hặc những chuyện như thế trong sinh hoạt văn học nghệ thuật. Có thể những điều tôi nói trên làm cho ai đấy hoặc một số người khó chịu, cho là mất dân chủ, xâm phạm quyền tự do ngôn luận. Vâng, thà là vậy, còn hơn để con cháu chúng ta sau này tưởng cha anh nó sống và viết theo kiểu mục hạ vô nhân.
H.V.H
< Lùi | Tiếp theo > |
---|