THỂ LOẠI KHÁC Biên Khảo LÊ MINH QUỐC: NHÀ VĂN HỌC VĂN - BÀI 3: Nguyễn Công Hoan - mải mê học tiếng Việt

LÊ MINH QUỐC: NHÀ VĂN HỌC VĂN - BÀI 3: Nguyễn Công Hoan - mải mê học tiếng Việt

Mục lục
LÊ MINH QUỐC: NHÀ VĂN HỌC VĂN
BÀI 1: Phan Khôi - cuộc tìm về tiếng Việt
Bài 2: Tú Mỡ - học văn từ Tú Xương đến dân gian
BÀI 3: Nguyễn Công Hoan - mải mê học tiếng Việt
Tất cả các trang

 

BÀI 3: Nguyễn Công Hoan - mải mê học tiếng Việt


LÊ MINH QUỐC

Năm 1993, nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của nhà văn Nguyễn Công Hoan (1903-1977), Ban biên tập báo Phụ Nữ TP.HCM phân công tôi hỏi chuyện về ông qua con gái ông là nhà văn Lê Minh. Tôi hỏi: “Bút pháp của nhà văn Nguyễn Công Hoan có nét riêng biệt rất hiện đại và sau này, nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ là Axit Nezin cũng viết theo bút pháp ấy. Chị nghĩ sao về nhận xét này?”. Câu trả lời như sau: “Tác phẩm của cha tôi đã được dịch nhiều thứ tiếng trên thế giới. Và giới nghiên cứu nước ngoài đánh giá rất cao tài năng của ông. Tôi thấy họ so sánh Nguyễn Công Hoan với A.P.Tsêkhốp”.

Thế thì, thuở còn “mài đũng quần” ở Trường Bưởi (nay Trường Chu văn An - Hà Nội), học chung với nhà thơ Tú Mỡ, nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan… Nguyễn Công Hoan đã học văn thế nào? Trước hết, phải nói cha đẻ của nhân vật Kép Tư Bền hồi nhỏ cực kỳ láu cá, tinh nghịch, hay tìm trò tinh quái lỡm bạn bè. Có điều, ông có một niềm say mê không cưỡng lại được là rất mê đọc sách, đọc báo dù là các ấn phẩm ấy dành cho người lớn.

Ngày nọ, thầy giáo ra đề bài luận: Tả một đêm trăng trên Hồ Tây, ông bèn mở Đông Dương tạp chí, chép lại nguyên si bài Đêm trăng thú chơi Hồ Tây của Phan Kế Bính. Đến câu: “… mấy đóa hoa nở muộm mà vẩn xanh tốt”, dù không hiểu “nở muộm” là gì nhưng vẫn chép y chang. Lúc chấm bài xong, thầy giáo mới nhẹ nhàng bảo: “Đây là chữ “muộn” chứ không phải “muộm”, nhà in chép sai đấy. Anh không nhận ra à?". Nhà văn tương lai của chúng ta tái mét mặt mày.

Có thể nói, sự hình thành tình yêu văn chương ở đứa trẻ không gì ngẫu nhiên, phải từ nếp nhà. Với Nguyễn Công Hoan do bố là huấn dạo (dạy học), bác đỗ đại khoa vì thế trong nhà có rất nhiều sách. Bà nội thuộc dòng dõi nhà nho nên ngay từ bé, từ lời ru, lời ăn tiếng nói của bà, Nguyễn Công Hoan đã thuộc nhiều câu trong Truyện Kiều, Nhị độ mai… dù không hiểu nghĩa. “Cố nhiên là tôi đọc lại như vẹt, ngâm ngọng. Song do đó, niêm luật của thơ ca, nhạc điệu của ngôn ngữ được luyện vào óc tôi, được nhuần vào óc tôi từ ngày ấy”, ông cho biết.

Lúc ông theo học Trường Bưởi, Đông Dương tạp chí xuất bản thành khổ nhỏ có Phần văn chương, Trung Bắc tân văn có phần Từ phú thi ca và Đoản thiên tiểu thuyết thì trong thời gian nghỉ hè, không ngày nào ông không đọc những bài đã in trong báo đó. Không riêng gì thơ ca mà những đoạn văn nào có vần điêu du dương, nhịp nhàng thì ông cũng đọc đến thuộc lòng từng đoạn. Ngay khi Nam phong tạp chí ra đời, phần Văn uyển vẫn là chuyên mục ông thích nhất. “Khiếu văn chương” của ông đã hình thành từ đó.

Từ chỗ thích đọc, như một lẽ tự nhiên, khiếu văn chương ấy còn thúc giục người ta cũng phải viết theo. Tương tự Nam Cao, Tô Hoài… ban đầu, Nguyễn Công Hoan cũng làm thơ, tất nhiên chịu ảnh hưởng sâu đậm của lớp người đã thành danh đi trước. Lúc được làm quen với thi sĩ Tản Đà, đọc thơ của “Trời sinh ra bác Tản Đà/ Quê hương thời có, cửa nhà thời không”, cái mộng dan díu với “nàng thơ” ở ông tắt ngúm vì thừa biết mình không thể sánh được với bậc đàn anh.

Năm 1920, vì chuyện xích mích trong gia đình nên Nguyễn Công Hoan “phiêu lưu” lên Hải Phòng. Lúc này, Tản Đà vừa xuất bản Còn chơi và ra tạp chí Hữu Thanh. Đọc tập thơ này, ông nẩy ra ý viết lại chuyến đi của chính mình, thế là Quyết chí phiêu lưu ra đời. Thế nhưng truyện ngắn đầu tiên của ông không báo nào… in cả.

Sau khi đi chán chê, trở về quê, tình cờ ông đọc được bản dịch Ba chàng ngự lâm pháo thủ của A. Dumas, thấy truyện hay, văn vui, tình tiết sắp xếp có lớp lang rất “nhà nghề” nên ông lại có hứng sáng tác. Không viết như truyện Quyết chí phiêu lưu, lần này ông viết ngắn hơn. May mắn, những truyện này được chọn in trong tập Truyện thế gian của Tản Đà tu thư cục, còn lại một số truyện ngắn, ông tự in thành tập lấy tên Kiếp hồng nhan làm tên sách. Và tác phẩm này, về sau được các nhà phê bình xem như một trong những viên gạch đầu tiên đắp nền móng cho nền văn xuôi hiện thực phê phán Việt Nam.

Qua năm 1922, ông thi vào Trường Nam Sư phạm. Năm thứ nhất ở nội trú, kỷ luật rất nghiêm, đến giờ phải lên giường ngủ nhưng đèn vẫn không tắt, nhờ vậy ông bắt đầu viết truyện dài Phải gió. Bạn bè đọc thử, thích lắm, cười rúc rích, người giám thị xộc tới tịch thu tác phẩm đó đem mách hiệu trưởng. Thầy hiệu trưởng Pujarnisele vốn là nhà thơ nên thông cảm với “nhà tiểu thuyết”, dù không phạt nhưng giữ riệt bản thảo, thế là Phải gió mất tích.

Những sáng tác này, hồi đó, Nguyễn Công Hoan còn viết bằng thứ văn biền ngẫu chịu ảnh hưởng của Tản Đà rất nhiều. Nhưng do lòng yêu mến Tản Đà mà ông tự rút cho mình một bài học: Không bao giờ nên viết lối văn du dương như thơ, kiểu Tản Đà nữa vì không còn hợp thời. Tình cờ đọc truyện ngắn Sống chết mặc bay và nhất là Tiếu lâm An Nam của Phạm Duy Tốn (thân phụ nhạc sĩ Phạm Duy), ông rất ngạc nhiên vì thấy “từ cách dùng chữ cho đến lối đặt câu, sao mà nó lọt lỗ tai và và nó vẫn còn mới thế. Lọt lỗ tai và mới, tức là văn ấy vẫn còn như văn chúng ta nói, nó không cũ tí nào”. Và ông “nghiệm ra rằng, văn chương mà viết đúng như tiếng nói và lối nói của dân tộc thì nó hay, nó đứng vững mãi. Bởi vì ngôn ngữ của dân tộc là một thứ trường cửu, ít thay đổi vì thời thế”.

Không chỉ học từ câu văn, Nguyễn Công Hoan còn học cả cách viết nữa. Ngày kia, người bạn thân là Tương Huyền (anh ruột nhà văn Tam Lang) muốn khuyến khích ông viết lành nghề hơn nên mới cho mượn tập truyện ngắn của Guy de Maupassant, Những kẻ khốn nạn của Victo Hugo… để ông tham khảo về cách bố cục, dựng truyện v.v… Với “cách học” và thực hành qua các truyện ngắn hiện thực phê phán lần lượt đăng trên báo chí thời ấy, Nguyễn Công Hoan ngày một tiến bộ rõ rệt. Rồi đến năm 1932, ông cho in tập truyện dài Những cảnh khốn nạn, tên tuổi của ông đã được bạn đọc săn đón, tìm đọc. Đến năm 1935, với tập truyện ngắn Kép Từ Bền, Nguyễn Công Hoan trở thành cây bút sáng giá, tầm cỡ cùng các đồng nghiệp đương thời như Vũ Trọng Phụng, Khái Hưng, Nhất Linh, Ngô Tất Tố…

Về kinh nghiệm học văn để rồi sáng tác, đeo đuổi nghiệp văn, có bài học mà ông thấm thía, tâm đắc nhất vẫn là phải nghiêm chỉnh học tiếng Việt: “Học để hiểu tiếng khó, thêm tiếng mới. Đọc bài nào mà người viết không “hay chữ”, tôi cứ thấy như “ăn phở không người lái”. Học ở ngôn ngữ dân tộc, học ở văn học dân gian… Nghề của ta là nghề dùng tiếng để viết. Anh không giàu tiếng, thì đố ngòi bút của anh tung hoành được”.

L.M.Q

(nguồn: Báo Phụ Nữ TP.HCM ngày 16.11.2018)

Chia sẻ liên kết này...



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com