Khi báo chí quá đà câu khách:
Tôi vẫn tin vào nhận thức của số đông độc giả
3:32, 11/11/2011
Nhà thơ Lê Minh Quốc.
"Bằng chứng nhiều nhật báo chính thống chuyên về lãnh vực kinh tế, chính trị, xã hội… viết đứng đắn, nghiêm túc vẫn thu hút được số lượng lớn bạn đọc. Tôi biết, hiện nay trên mạng có tờ “laicai” như một sự phản biện lại các loại bài báo lá cải đang nhan nhản. Quan niệm về sự “cạnh tranh” như trên và bằng mọi cách áp dụng trong thực tiễn của nghề báo, theo tôi, đó là cách làm, cách đi chệch hướng của một bộ phận tờ báo, nhà báo" . Nhà thơ Lê Minh Quốc- Thư ký tòa soạn Báo Phụ nữ TP HCM khẳng định.
- Từng làm phóng viên mảng văn hóa nghệ thuật, rồi làm quản lý lĩnh vực này, xưa nay làng báo có khi nào phải “giật gân câu khách” như hiện nay chưa, thưa anh?
- Câu khách giật gân, tôi nghĩ, ngay từ khi nền báo chí mới ra đời thì từ đông sang tây, từ cổ đến kim cũng đã xuất hiện chiêu này. Không phải ngẫu nhiên, trước đây câu “nhà văn nói láo, nhà báo nói thêm” khá phổ biến. Vấn đề đặt ra một cách nghiêm túc rằng, nhà báo sử dụng “chiêu” đó liều lượng thế nào? Ý thức công dân của nhà báo ra sao? Nếu so với báo chí trước 1975, qua tư liệu tôi còn sưu tập được, thì phải gọi rằng chúng ta đang là “hậu sinh” mà chưa “khả úy”.
Quả thật, những ai có tâm trí bình thường cũng không thể chịu nổi với cách khai thác thông tin, cách giật tít của không ít báo (tôi nhấn mạnh, nhất là báo mạng), như: Vào sáng sớm, đang bán dâm thì bị bắt; Thanh niên hồn nhiên “tự sướng” trên xe bus; Minh Hằng “trần truồng”, người hâm mộ phát sốt; Thiếu nữ cuồng sex tấn công bạn trai vì không thỏa mãn; “Chuyện ấy” có nên làm trong bếp; Chồng tôi chỉ có một… bi; Những vụ cưỡng dâm động trời nơi công cộng...; Quang Dũng vẫn quan hệ bình thường với vợ cũ; Ngọc Sơn nguyện dâng nửa gia tài nếu ai đến cướp đời trai; Hà Anh và Ngọc Trinh: Ai mới xứng là “Nữ hoàng đồ lót”?; Ngắm siêu mẫu được quý ông HongKong khao khát nhất; Bồ CR7 khỏa thân trong bộ ảnh mới; Ưng Hoàng Phúc xé áo khoe cơ bụng sáu múi; Các “chân dài” Việt đua nhau đi xem khỉ đột; Vợ Minh Tiệp lộ rõ bụng bầu bốn tháng…; Bón cơm cho người… chết!; Vén màn tội ác “sát thủ móc mắt” rúng động miền Tây; Bỉ ổi những vụ cưỡng hiếp loạn luân; Nhói lòng những vụ trẻ em bị hiếp dâm tập thể; Hiếp dâm, tiện thể... cướp luôn tài sản; Gã “gia sư sinh viên” 7 lần hiếp dâm bé gái 6 tuổi; Được giảm án vì chỉ... hiếp dâm người lớn!; Man rợ kẻ hiếp dâm, rồi bóp cổ chết em bé 11 tuổi; Cảm nhận khi nàng thực sự “lên đỉnh”; Làm gì đêm tân hôn?; Suốt tuần trăng mật không “làm ăn’’ được gì… Thậm chí ngay cả vụ thảm sát ghê tởm nhất ở Bắc Giang, cũng có báo giật tít: Hé lộ đời tư của ông chủ tiệm vàng bị sát hại.
Phải nói thẳng với nhau rằng, hiện nay có nhiều tờ báo viết về chuyện đời tư nghệ sĩ, tình tiền tù tội, hãm hiếp, giết mà chúng ta chỉ có thể đọc xong rồi vứt bỏ tại chỗ, không dám đem về nhà vì sợ con em mình tò mò ghé mắt vào! Vậy thì, những bài vớ vẩn như thế này tràn ngập trên net thì các bậc phụ huynh phải làm sao để con em mình khỏi phải tiêm nhiễm những thứ rẻ tiền ba xu đó?
- Theo anh, hiện tượng báo chí, nhất là báo mạng đang khai thác các đề tài tầm thường, phản cảm xuất phát từ những nguyên do gì?
- Một phóng viên làm báo mạng nói với tôi rằng, cơ quan cô ta đánh giá bài viết tốt là bài viết có nhiều lượng người truy cập nhất. Tôi tin cô phóng viên này nói thật lòng. Đây chính là câu trả lời khiến chúng ta phải suy nghĩ. Nhân đây cũng xin “bật mí”, các anh chị ở Sở Thông tin tuyền thông luôn phê phán, góp ý về vấn đề trên trong các cuộc họp giao ban báo chí hằng tuần. Ai nấy cũng đều đồng tình. Nhưng rồi, than ôi, sau đó mọi việc vẫn như cũ!
- Có ý kiến cho rằng những tờ báo khai thác đề tài rất nghiêm túc, chuẩn mực rất khó cạnh tranh so với báo “lá cải”. Những ý kiến như thế có đúng không? Vì sao, thưa anh?
- Nếu đúng như thế, chúng ta quá coi thường trình độ, nhận thức của độc giả. Độc giả đứng đắn và có giáo dục, họ không cần và không có nhu cầu tiếp nhận những thông tin lá cải, giật gân, phản khoa học, mê tín và “khoe hàng”…! Nếu có, cũng là một cách để họ đánh giá trình độ văn hóa lẫn tư cách của một số “nhà báo” đấy thôi.
Bằng chứng nhiều nhật báo chính thống chuyên về lãnh vực kinh tế, chính trị, xã hội… viết đứng đắn, nghiêm túc vẫn thu hút được số lượng lớn bạn đọc. Tôi biết, hiện nay trên mạng có tờ “laicai” như một sự phản biện lại các loại bài báo lá cải đang nhan nhản. Quan niệm về sự “cạnh tranh” như trên và bằng mọi cách áp dụng trong thực tiễn của nghề báo, theo tôi, đó là cách làm, cách đi chệch hướng của một bộ phận tờ báo, nhà báo.
- Để lành mạnh hóa báo chí, hay đúng hơn là định hướng bạn đọc, với tư cách của một nhà báo tâm huyết với nghề, theo anh các trang báo văn hóa nghệ thuật cần đặt ra những tiêu chí gì?
- Đây là một vấn đề lớn. Khó có thể trình bày ngắn gọn trong một câu trả lời. Nhưng trước mắt, theo tôi, anh em nhà báo lương thiện cần biết nói “không” với những thông tin mà tôi vừa tạm liệt kê trên. Nếu nhìn lại lãnh vực văn hóa nghệ thuật của năm 2011, ta sẽ thấy tần số của các bài lảm nhảm về “lộ hàng” vẫn xuất hiện nhiều nhất. Hóa ra, độc giả cần những thông tin ấy hay chính các nhà báo bằng mọi cách săn tin để phơi nó lên mặt báo? Tôi vẫn tin vào nhận thức của số đông độc giả, dù là người trẻ. Họ không đứng thấp lè tè như những tác giả của những bài báo rẻ tiền đó
Nguyệt Lãng- Hoàng Nhân- Trí Minh (thực hiện)
http://antgct.cand.com.vn/vi-VN/chuyende/2011/11/55561.cand
< Lùi | Tiếp theo > |
---|