TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Phỏng vấn Nhà thơ LÊ MINH QUỐC: Thành kính khi viết Người Quảng Nam

Nhà thơ LÊ MINH QUỐC: Thành kính khi viết Người Quảng Nam

Thứ Bảy, 24/03/2012 11:03 |

(TT&VH) - Giải thưởng Phan Châu Trinh vừa trao giải cho ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An. Thật trùng hợp, nhà thơ Lê Minh Quốc cũng vừa được NXB Trẻ tái bản tập sách biên khảo Người Quảng Nam. Ông Nguyễn Sự và Lê Minh Quốc đều sinh trưởng ở Quảng Nam…

Biên khảo Người Quảng Nam có đoạn: “Người Quảng tự hào về xứ Quảng là lẽ thường tình. Nhưng ai cũng cho rằng, xứ mình nhất thiên hạ thì điều đó khó có thể chấp nhận được, nếu không muốn nói là điên rồ, lẩm cẩm”. TT&VH có cuộc trò chuyện với ông nhà thơ “ương bướng” Lê Minh Quốc.

MINH-QUOC_w_600

Nhà thơ Lê Minh Quốc

“Người Quảng Nam hay cãi”

* Tập sách Người Quảng Nam của anh được đồng nghiệp đánh giá là công phu, nói rất đúng về con người đất Quảng. Theo anh, đặc tính, tính cách người đất Quảng có những ưu điểm gì?

- Đọc lại Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn, ta thấy đã có những nhận xét về đặc tính của người Quảng Nam. Nhận xét này được viết ra từ thời vua Tự Đức, cách đây hơn 200 năm ắt nay có những điều đã khác và nó cũng không phải là “khuôn vàng thước ngọc”. Nay nhận xét trên xem ra vẫn còn vài đặc điểm “mang tính thời sự”, chẳng hạn “sốt sắng việc công; học trò chăm chỉ, siêng năng đèn sách; nhà nông chăm đồng ruộng; người quân tử chỉ lo phận sự của mình, chứ không thích cầu cạnh kẻ trên”. Tôi hiểu, đây không là sự an phận mà do người Quảng không chịu, không thích lòn cúi để được lòng “cấp trên”. Sách viết: “Kẻ tiểu nhân hay kiện tụng; nghề dệt tinh xảo; trong việc quan, hôn, tang, tế thì quà cáp lễ nghĩa tùy vào thực lực của mình” - chứ không “trưởng giả học làm sang”, thấy người ta như thế thì mình (dù nghèo) cũng chạy đôn chạy đáo, vay mượn sắm sửa “mâm cao cỗ đầy” để được như thiên hạ. Tính cách này cho thấy người Quảng thực tế, thật bụng đối đãi nhau chứ không “hoa hòe hoa sói” trong giao tế, lễ nghi…

* Thế còn đặc tính “Quảng Nam hay cãi” là như thế nào, thưa anh?

- Đúng là tính cách người Quảng Nam “ưa cãi”! Cãi của người Quảng Nam nặng về lý hơn về tình. Đây là một nhược điểm hay ưu điểm?! Với họ, khi đã cãi thì yếu tố tình cảm khó xen vào được. Vì thế, đôi khi đỏ mặt tía tai cãi nhau, để rồi sau đó, tự thâm tâm họ cảm thấy mình có điều gì chưa phải lắm. Lý không sai, nhưng tình đã “bay đi ít nhiều”. Điều này, cho thấy người Quảng ít uyển chuyển, mềm mỏng trong tranh luận, bởi họ quên rằng, có nhiều chuyện tưởng là đúng, cần phải gân cổ cãi cho bằng được, nhưng rồi “một bó lý không bằng một tí tình”. Ấy mới là sự vận hành trong các mối quan hệ xã hội, “tưởng vậy mà không phải vậy”. Người Quảng ít khi nghĩ như vậy. Họ thường rạch ròi mọi chuyện.

Có lần ông Mai Thúc Lân - người từng giữ chức vụ Bí thư tỉnh uỷ Quảng Nam - Đà Nẵng, cho rằng: “Song tính cách Quảng Nam cũng không phải chỉ là ưu điểm. Mặt trái của tính cách Quảng Nam là vì hay cãi nên dễ dẫn đến cực đoan, bảo thủ; kiên quyết nhưng cũng dễ đưa đến khó dung hòa. Không khoan nhượng đối với kẻ thù là đúng, nhưng đối với bạn bè, đồng chí lại trở thành thiếu khoan dung. Những tính cách này thường gây trở ngại trong công việc và căng thẳng trong quan hệ một cách không đáng có”.

* Giải thưởng Phan Châu Trinh vừa trao cho ông Nguyễn Sự - Bí thư Thành ủy Hội An,  trao cho một người bằng xương bằng thịt chứ không phải cho một tác phẩm như tiêu chí của giải thưởng này. Theo anh người Quảng Nam như ông Nguyễn Sự có nhiều không?

- Việc trao giải cho ông Nguyễn Sự, nghĩ cho cùng, đó cũng là một trong những đặc tính rất quyết liệt của người Quảng Nam: không theo khuôn mẫu, luôn sáng tạo và thấy đúng là làm - làm vì thực tâm nhận thấy phải làm như thế, chứ không phải “té nước theo mưa”. Tôi hào hứng, vui mừng đón nhận thông tin đó, ít ra nó cũng cho thấy một cách tích cực “làm mới” cách trao giải thưởng trong tình hình vàng thau lẫn lộn hiện nay.

Không riêng gì Quảng Nam, địa phương nào cũng có những nhân vật “sống chết” với mảnh đất chôn nhau cắt rốn như ông Nguyễn Sự. Người thể hiện cách này, người thực hành kiểu kia. Vấn đề đặt ra là tại sao đất nước ta, địa phương nào cũng có những con người như ông Nguyễn Sự, hơn ông Nguyễn Sự nhưng họ lại không phát huy hết khả năng để cống hiến nhiều hơn nữa cho cộng đồng?

Tình đồng hương không bằng nghĩa đồng bào

* Được biết, quê cha đất tổ của anh ở Ninh Bình, tại sao anh lại yêu quý để viết hẳn một cuốn sách về người Quảng Nam?

NGUOI-QUANG-NAM_w_500

- Do hoàn cảnh chiến tranh và chia cắt đất nước, ba tôi là bộ đội Nam tiến đã sống, chiến đấu và lập nghiệp tại Quảng Nam. Mấy mươi năm trời, tôi không hề biết quê nội. Sau năm 1975 tôi có về thăm cũng chỉ là “cỡi ngựa xem hoa” như khách lạ qua đường. Trong tôi, hoàn toàn không có một ký ức, một hình ảnh gì về mảnh đất của bên nội. Với Quảng Nam, cả cuộc đời tôi đã gắn bó máu thịt đến tận cùng chân tơ kẽ tóc và yêu quý như yêu chính mình. Vì thế mới tự tin khi viết về nơi đó.

* Anh cũng vừa được tái bản Tiếng cười dân gian Việt Nam hiện đại (NXB Văn hóa Văn nghệ), xin hỏi có bao nhiêu phần trăm tiếng cười của người Quảng Nam trong cuốn sách này và tiếng cười đó có những ý nghĩa gì?

- Ngay trang đầu tiên của tập thơ Hành trình của con kiến, tôi viết: “Tôi có tình đồng hương/ Nhưng tình đồng hương không bằng nghĩa đồng bào”. Tiếng cười Quảng Nam nằm trong tiếng cười của người Việt Nam. Tiếng cười địa phương khác cũng nằm trong ý nghĩa tích cực đó. Vậy ý nghĩa của tiếng cười đó là gì như bạn đã hỏi? Xin thưa, tìm mua tập sách đó, đọc và tự đưa ra vài nhận xét há chẳng phải là điều thú vị đó sao?

Thanh Kiều (thực hiện)

nguồn:

http://thethaovanhoa.vn/173N20120324073552984T133/nha-tho-le-minh-quoc-thanh-kinh-khi-viet-nguoi-quang-nam.htm


Chia sẻ liên kết này...

Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com