Nhiều năm theo đuổi những nghiên cứu về tiếng Việt, tiếp sau những Lắt léo tiếng Việt (2017), Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt (2021) nhà thơ Lê Minh Quốc vừa cho ra mắt cuốn sách Tiếng Việt - lắt léo và lịch lãm (NXB Trẻ - 2024). Như lời anh, tiêu chí duy nhất của mình khi viết những cuốn sách này là "tìm về linh hồn tiếng Việt".
"Ngày nay, hầu hết chúng ta thừa nhận và sử dụng cụm từ "linh hồn tiếng Việt". Theo tôi, người trước nhất đã nghĩ ra nó có lẽ là nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo" - Lê Minh Quốc mở đầu chuyện với Thể thao và Văn hóa (TTXVN)
Anh nói tiếp:
- "Trên báo Văn Nghệ số Xuân 2001, với tựa đề này, ông khẳng định: "Tư duy của loài người là một, nhưng các phương tiện biểu đạt tư duy trong các thứ tiếng lại vô cùng phong phú và đa dạng. Và chính tính đa dạng của ngôn ngữ, cũng như của các lãnh vực khác trong nền văn hóa dân tộc, làm cho sự hội nhập có thể được thực hiện mà không dẫn tới sự đơn điệu tẻ nhạt. Một dân tộc đã đánh mất cái linh hồn nằm sâu trong tiếng mẹ đẻ của nó liệu có thể giữ được cái bản sắc độc đáo trong nền văn hóa dân tộc được không, và từ đó, còn có thể đóng góp được gì vào bức tranh muôn màu của văn hóa nhân loại? Không! Linh hồn của tiếng Việt không hề mất".
Với tôi, câu văn này có tính quyết định, là lời nhắc nhở xuyên suốt, giúp tôi vững tin, bền lòng mỗi ngày, từng ngày học lại tiếng Việt.
* Vậy với anh, "linh hồn tiếng Việt" được phản ánh như thế nào?
Nó được phản ánh cụ thể ở những điểm mấu chốt. Trước hết, cùng sự vật/ sự việc, ngoài từ phổ biến của toàn dân, còn có cách nói/ cách gọi của phương ngữ vùng miền. Dám nói không một ai dám "vỗ ngực xưng tên" là mình hiểu rõ tất tần tật các từ ấy. Chính điều này dẫn đến tình huống cực kỳ éo le, dẫu người Việt nhưng không chắc chúng ta đã… hiểu hết tiếng Việt?!
Rồi, cùng sự vật/ sự việc, trong tiếng Việt có rất nhiều từ đồng nghĩa, dẫn đến sự phong phú, đa dạng của mọi cách diễn đạt, phù hợp thích đáng cho mọi tình huống, tùy theo ngữ cảnh cụ thể. Chính vì thế, cách diễn đạt của người Việt về một vấn đề nào đó không "đóng khung" trong mỗi một từ cố định, mà có sự thay đổi phù hợp, tùy vào đối tượng trong giao tiếp, tùy thái độ, tâm trạng của mình trong thời điểm đó... Nếu không nắm rõ điều này ắt không thể thấu cảm với sự lắt léo và lịch lãm của tiếng Việt.
Thêm nữa, vốn từ tiếng Việt có nhiều từ vay mượn - một lẽ tất yếu như mọi dân tộc khác. Dần dà, người sử dụng cứ nghĩ đó là "thuần Việt" bởi đã quên đi nguồn gốc của nó. Có một điều hết sức ngộ nghĩnh, dí dỏm là có những từ vay mượn được thể hiện bằng vài cách đọc khác nhau, hoặc từ vay mượn đó lại "bắc cầu" qua từ tiếng Việt để mang nghĩa khác… Nếu người Việt có câu cửa miệng "Nhập gia tùy tục" thì các từ ngoại nhập cũng chịu tác động này.
Từ đó, ta thấy rằng chính tiếng nói/ chữ viết là tài sản vô giá của dân tộc, khi vay mượn thêm vốn từ của dân tộc khác làm giàu cho tiếng Việt thì các từ đó cũng phải chấp nhận và chịu sự chi phối theo cách sử dụng của người Việt. Tôi đồ rằng, ngay chính người "cho vay" cũng khó có thể hiểu hết nghĩa vốn có của nó mà "người vay" đã vận dụng. Không những thế, nhìn rộng ra, ở mọi lãnh vực khác như về tôn giáo, văn hóa v.v… khi du nhập vào nước Nam cũng đều chịu tác động của "quy luật" này.
* Ngoài ra còn những vấn đề gì khác quanh câu chuyện này, theo anh?
- Tục ngữ có câu "Ăn cục nói hòn", nào phải khen cách nói chân thật, "thật thà như đếm", mà lại là chê những ai không diễn đạt lịch lãm, thanh lịch khi nói/ khi gọi về sự vật/ sự việc nào đó. Do đó, có nhiều từ đồng âm, gần đồng âm lẫn phương ngữ vùng miền cùng từ vay mượn, người Việt đã "quy ước" với nhau trong cộng đồng những từ/ cụm từ nhằm sử dụng giữa "thanh thiên bạch nhật" như "Quan trên trông xuống, người ta trông vào" (Truyện Kiều), dẫu vấn đề đó có thô kệch đến đâu, nhưng người nghe vẫn cảm thấy sự lịch lãm ở đó, không thể chê bai, bắt bẻ…
Rồi, tựa như mọi ngôn ngữ khác trên toàn cầu, tiếng Việt phải, nhất định phải thay đổi theo năm tháng. Trong sự giao thoa với nhiều ngôn ngữ, nhiều nền văn hóa khác nhau, tôi mường tượng tiếng Việt như con thuyền đang ra khơi, có lúc bình yên, có khi bão táp, có lúc hội nhập, có khi hòa tan nhưng rồi chúng ta vững tin, không bao giờ chệch hướng, bởi lẽ đã có "kim chỉ nam" định hướng cho hành trình tất yếu này. Kim chỉ nam đó là gì? Tôi luôn nghĩ đến tài sản quý báu bậc nhất mà cha ông ta đã phát huy, gìn giữ cho muôn đời sau chính là ca dao, tục ngữ, thành ngữ….
* Vậy những điều này khác gì với các sách tiếng Việt mà anh đã đọc?
- Với tôi, khi tìm về một từ, tôi luôn nỗ lực tìm xem trải qua năm tháng ngữ nghĩa của nó đã thay đổi như thế nào? Có như thế, ta mới có thể hiểu rõ các từ trong văn bản từ ca dao, tục ngữ đến "văn chương bác học" hoặc trong lời ăn tiếng nói xưa nay.
Nếu đã đọc kỹ sách tôi đã viết, bạn đọc sẽ thấy tôi luôn cố gắng đặt trong bối cảnh văn chương, nghi lễ, phong tục, lịch sử… để thấy các từ đó có sức sống trong văn hóa Việt, chứ không là xác chữ vô hồn.
* Còn cái khó mà anh gặp phải khi viết cuốn này là gì?
- Tôi gặp cái khó của tất cả những ai đang nghiên cứu về tiếng Việt, và cũng là cái thiếu của ngành ngôn ngữ học Việt Nam. Đến nay, ở Việt Nam vẫn chưa có những bộ từ điển về phương ngữ vùng miền, hoặc nếu có vẫn chưa thấm vào đâu, bởi ai cũng biết, dù tiếng nói miền Trung nhưng phương âm, thổ ngữ Quảng Nam lại khác Huế, Nghệ An, Quảng Bình…. Rồi chúng ta vẫn chưa có những bộ từ điển về từ mới du nhập/ vay mượn thuộc nhiều lãnh vực.
Lẽ ra, trong một vài vài năm, ngành ngôn ngữ học cần phải có công trình thu thập, thống kê, giải thích; thậm chí là từ điển tiếng lóng. Chúng chưa có hoặc nếu có cũng còn sơ sài. Nhưng, đáng tiếc nhất là việc vẫn chưa có bộÂ từ điển về từ cổ tiếng Việt đươc nghiên cứu, biên soạn đầy đủ, chỉn chu.
* Vậy anh chủ yếu hướng tới đối tượng độc giả nào trong những cuốn sách này?
- Tôi viết bằng tất cả khả năng hiểu biết của mình trong quá trình học tiếng Việt, vì thế, không nghĩ đến một đối tượng cụ thể nào. Thí dụ, dù là nhà ngôn ngữ học đi nữa, thế nhưng chúng ta giải thích ra làm sao khi ở Hà Nội có phố Lò Sũ, ở trong Nam có địa danh Tắc Cậu, Thiềng Liềng, Nhà Bàng?… Xét về ngữ nghĩa trong tiếng Việt vốn có, cách gọi ấy có hợp lý? (cười).
Nhà thơ Lê Minh Quốc: 'Viết là mạnh dạn trình bày lại những điều đã học'
Như Hà (thực hiện)
(nguồn: báo Thể thao & Văn hóa - ngày 22.8.2024).
Add comment