Đi tìm hồn thơ
Đã có nhiều nhà thơ suy nghĩ về thơ bằng chính những… bài thơ. Khi đó, nhà thơ không còn đắm chìm trong cảm xúc, mà với ý thức phản tỉnh – có đôi khi nhà thơ đã hoài nghi về công việc của mình.
Nhà thơ Lê Minh Quốc với tập thơ thứ 8: Tôi chạy theo thơ (NXB Trẻ – 2003) như chiêm nghiệm về thiên chức nhà thơ khi anh viết hơn 20 bài thơ về công việc làm thơ. Chàng lú lẫn tham dự một trò chơi / không bắt đầu và không kết thúc (trang 13). Anh chạy theo thơ để truy tìm ý nghĩa đích thực của thơ: Chữ của thơ muôn thuở vẫn mơ hồ / chọn rồi lại xóa / chợt ngoảnh lại thấy thời gian biến hóa / ròng ròng mồ hôi / thân xác rã rời / chọn chữ chưa xong mà sắp hết một đời (trang 33).
Một câu ngạn ngữ phương Tây: “Theo tình - tình chạy, chạy tình - tình theo”, công việc làm thơ đôi khi cũng giống vậy chăng? Chạy đuổi theo thơ, nhưng không bắt gặp hồn thơ mà chỉ gặp “xác chữ”. Ngoảnh mặt với thơ, hồn thơ lại đứng sau những con chữ. Khi Lê Minh Quốc không chạy theo thơ mà chạy theo chiều ngược lại, anh đã bắt gặp thơ: Hiền như hạt gạo / Là em trong đời / Điên hơn cơn bão / Cũng là em thôi (trang 119). Nhà thơ Tô Đông Pha đã từng viết về công việc làm thơ: Cố ý trồng hoa, hoa chẳng mọc. Vô tình tiếp liễu, liễu xanh om. Phải chăng những bài thơ hay có một phần nhờ sự “vô tình” đó?
Với ý thức phản tỉnh, không chỉ chạy theo cảm xúc, Lê Minh Quốc chắc sẽ làm thơ… vất vả hơn trước, nhưng cũng nhờ vậy anh sẽ có những bài thơ hay hơn.
Đoàn Thạch Biền
(nguồn: báo Người lao động 19.2.2003)
< Lùi | Tiếp theo > |
---|