TÁC PHẨM - DƯ LUẬN Nhận định TÔI CHẠY THEO THƠ - 1. Nhanh nữa với thơ

TÔI CHẠY THEO THƠ - 1. Nhanh nữa với thơ

Mục lục
TÔI CHẠY THEO THƠ
1. Nhanh nữa với thơ
2. Trên giá sách của chúng tôi
3. Đi tìm hồn thơ
4. Lê Minh Quốc và cuộc tình không dứt với nàng Thơ
5.Lê Minh Quốc và tập thơ Tôi chạy theo thơ
6. Lê Minh Quốc và hành trình đến với thơ ca
Tất cả các trang

Nhanh nữa với thơ

Trang sách khép lại rồi mà câu thơ như còn đi mãi. Người thơ tự nhận mình chạy theo thơ, nhưng cả tập sách là một cuộc chiêm nghiệm thú vị cho người đọc,  Lê Minh Quốc đẩy cảm xúc của mình vào những câu chữ mộc mạc bình thường, không lòe loẹt. Do vậy, lời thơ trong sáng mà tứ thơ ý vị. Khách yêu thơ, khi bắt gặp những dong tâm sự ấy, lại thấy mình nhẹ nhõm trong lòng, sẽ yêu cái tiếng chim và hình bóng của nhà thơ, trong giữa chừng trang viết: tôi quét sân nhặt lại bóng trăng soi; gìn giữ tiếng chim reo gieo mơ hồ trên trái đất; tìm kiếm lại thời gian đã mất; cho đỡ buồn.. (Tìm giữa trang thơ).

lamdien

Và chính anh tự họa mình trong bước chạy theo thơ, qua những vần thơ nói về thơ. Sẽ ít có trường hợp trong một tập thơ, tác giả dành đến 15 bài để nói về thơ. Đó không phải là một động tác trùng lặp. Mà tác giả đau đáu với thơ, đến nỗi: chọn chữ cho thơ, như chọn vợ gả chồng; chọn giống chọn dòng; suy đi tính lại… (Chọn chữ). những gì ta đang cầm trên tay chỉ là khoảnh khắc hội ngộ trong thơ. Lê Minh Quốc có nhiều khoảnh khắc ấy, đó là khi Sẽ có một ngày người đàn bà đến vỗ vai chàng: “Ta cần ân ái với mi để sinh một đứa con”; lúc ấy chàng nhìn về phía hoàng hôn; mỉm cười với dòng sông; soi mặt vào bóng nước… (Nghĩ về thơ). Lạ hơn, tự ví với thơ, như một kẻ ngoại tình - lòng dũng cảm hay sự nhìn nhận khác thường về đổi mới: đã từng vỗ về nhau; bây giờ ngoại tình với người phụ nữ lạ; chợt nhớ nhà; đêm rất dài là đêm sẽ đi qua… (Thi pháp).

Càng đọc, thấy dường như trong cuộc “chạy theo và hội ngộ” với thơ ấy, Lê Minh quốc có đôi lần dừng lại. Ấy là những khi nhà thơ tranh thủ đối mặt với đời thường, gập mình trên những dòng ray rứt về nghề: tôi đã vay năm ngón tay và cả một bàn tay; để vỗ về niềm vui trong chốc lát; tôi đã vay tiếng khóc; chẳng lẽ trả em bằng những nụ cười?... (Vay mượn). Và thảng hoặc bên cạnh những nhịp thơ, tứ thơ rất mới ấy lại bắt gặp đôi bài lục bát có duyên: áo người thục nữ đang phơi, bỗng đâu gió thổi lên trời xa xăm; bến sông giữa một trưa câm; mặt trời đứng bóng tôi cầm bóng tôi… như quãng lặng giữa khi tiết tấu đang gấp gáp. Do vậy, cung đường chạy theo thơ của Lê Minh Quốc vẫn giữ được tự nhiên và phong vị cũng không thừa. Chỉ tiếc nhà thơ vốn hay đùa, đưa tên mình ra để vẫy gọi chút chơi. Nhưng, khách yêu thơ sau khi khép sách, hẳn sẽ còn thấy người và thơ rong ruổi mãi không dừng.

LAM ĐIỀN

(nguồn: Báo Tuổi Trẻ 19.2.2003)



Add comment


Việt Tuấn Trinh | www.viettuantrinh.com